Cha mẹ kêu trời vì ‘chạy’ giấy sinh hoạt hè cho con

26/08/2016 - 16:38
Thời điểm này, không ít cha mẹ cảm thấy bức xúc vì phải lo xin giấy sinh hoạt hè để con nộp cho trường.

 

Không nhiều khu dân cư thu hút được nhiều học sinh tham gia sinh hoạt hè như thế này. Ảnh minh họa internet.

Anh Ngô Thiệu Phong (43 Bà Triệu, Hà Nội) rất bức xúc khi con học lớp 4 nằng nặc bắt bố mẹ đi xin giấy xác nhận sinh hoạt hè để nộp về trường. "Việc yêu cầu học sinh tham gia sinh hoạt hè tại địa phương chỉ mang tính hình thức chứ không thiết thực. Bây giờ, ở thành phố, nhiều học sinh không có kỳ nghỉ hè trọn vẹn. Nghỉ được mấy tuần, các em vừa phải đi học thêm nhà cô, lại học hè ở trường. Trong mấy tuần nghỉ, các em không thể sinh hoạt hè khi cha mẹ nào cũng muốn dành thời gian cho con mình đi du lịch, về quê thăm ông bà, học các môn năng khiếu... Mà, sinh hoạt hè ở tổ dân phố, mấy nơi đủ hấp dẫn, bổ ích”, anh Ngô Phong bức xúc.

Không sinh hoạt hè nhưng học sinh buộc phải nộp giấy xác nhận có sinh hoạt. Vậy là, các bố mẹ phải “ra tay” giúp con. Anh Phong cho biết, cô giáo chủ nhiệm thì cảm thông nhưng bên đoàn trường “thúc” phải có xác nhận. Thành ra, con cái chỉ biết khóc khóc mếu mếu với bố mẹ, còn phụ huynh khổ đủ đường để "chạy" giấy xác nhận cho con.

Ở phần lớn các khu dân cư, việc tổ chức sinh hoạt hè chỉ làm cho có, không phải là điểm đến yêu thích của trẻ. Anh Phạm Anh Quyết (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Những người đứng đầu tổ dân phố toàn người già. Hè đến, họ lùa các cháu từ lớp 2 đến lớp 11 được 14 cháu. Bạn phụ trách cho xếp hàng tập hát. Trẻ lớn không muốn hát bài của nhi đồng, trẻ nhỏ không thuộc bài của “thanh niên hoi”. Sinh hoạt đến buổi thứ 3, không có nhi đồng và “thanh niên hoi” nào đi sinh hoạt hè nữa”.

Sinh hoạt hè cần thay đổi để phù hợp với xu hướng, sở thích của thanh thiếu niên hiện nay. Ảnh minh họa internet.

Nội dung sinh hoạt nhàm chán khiến việc sinh hoạt hè không hấp dẫn được học sinh. Kể về việc sinh hoạt hè tẻ nhạt ở khu phố, anh Hoàng Minh Lý (Q.Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Mỗi hè đến, khu dân cư đều họp thành lập ban chăm sóc thiếu niên, học sinh sinh hoạt hè. Ban đầy đủ các vị từ Mặt trận, Bí thư chi bộ, các tổ trưởng dân phố, chi hội trưởng hội phụ nữ, hội chữ thập đỏ…, khoảng 15 người. Ban tổ chức việc quyên tiền ủng hộ, phân nhau trực… Thế nhưng, cả khu dân cư chỉ có hơn 10 học sinh, nội dung sinh hoạt lại “không có gì”. Không sinh hoạt thì rắc rối khi phải nộp giấy chứng nhận cho trường. Chỉ khổ, phụ huynh lại tìm cách “chạy” giấy. Nếu không thiết thực thì nên bỏ sinh hoạt hè là tốt nhất”.

Không mặn mà, hứng thú với phong trào tập thể này, Đinh Duy Hùng (Q.Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: Năm nào em cũng phải tham gia sinh hoạt hè trên địa bàn khu dân cư. Năm nào cũng chỉ có mấy trò chơi và mấy bài hát cũ, rất chán. Nếu các anh chị có sự đổi mới trong việc tổ chức, hợp với xu hướng, sở thích của thanh thiếu niên hiện nay thì sẽ thu hút được nhiều bạn tham gia hơn.

Vậy là, dù công việc rất bận rộn nhưng anh Phong vẫn phải nhờ người nọ, người kia để xin xác nhận con đã tham gia sinh hoạt hè. Được một đồng nghiệp “mách”, cứ nhờ đoàn thanh niên cơ quan của bố/mẹ viết vài dòng xác nhận và ký là xong. Với những người không đi làm ở các cơ quan nhà nước, việc xin giấy xác nhận không hề đơn giản… Họ lại phải gõ cửa nhà bí thư, tổ trưởng dân phố để “nhờ vả”.

Không thể phủ nhận, vẫn có các khu dân cư tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu niên rất có ý nghĩa. Chị Vũ Thị Hạnh (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Sinh hoạt hè ở tổ dân phố của tôi rất vui và bổ ích. Đây là dịp để các cháu học khác trường được giao lưu, trở thành bạn của nhau. Phường tổ chức thi múa hát giữa các tổ dân phố, rất hào hứng và vui. Các chị lớn dạy các em nhỏ, phong trào duy trì đều đặn nhiều năm nay. Không những vậy, các bác tổ hưu còn dạy cho trẻ em cách sơ cứu như băng bó vết thương, sơ cứu khi bị bỏng…

Nhiều phụ huynh bày tỏ: Nếu sinh hoạt hè thực sự ý nghĩa, thiết thực thì nên duy trì, còn nếu chỉ tồn tại một cách hình thức thì nên giải tán để trẻ có thời gian làm những việc khác ý nghĩa hơn.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm