pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thanh Tâm tư vấn
Chàng rể nghèo cực đoan không nhận sự giúp đỡ của nhà vợ
Hồi mới quen nhau, Khuyên hoàn toàn bị chinh phục bởi cá tính mạnh mẽ, không bao giờ dựa dẫm vào ai của Khánh. Khánh nghèo đến nỗi không có nổi 10 ngàn trong túi nhưng thà nhịn đói chứ không chịu mở lời vay Khuyên dù biết cô luôn rủng rỉnh tiền. Khuyên thương cái tính thật thà, chịu khó của anh sinh viên nghèo có ý chí vươn lên.
Khánh vẫn luôn là người đàn ông lý tưởng của Khuyên cho đến khi anh dần trở thành một người chồng đầy phiền toái, thường xuyên đem lại sự ức chế cho cả vợ lẫn gia đình nhà vợ.
Khuyên có nhà cao cửa rộng nhưng Khánh không cho ở, bắt phải ra ngoài ở trọ trong căn phòng lụp xụp, tối tăm. Khánh bảo, thà vợ chồng ở nhà thuê chật chội mà thoải mái tinh thần chứ không chịu ở rể, mang nhục cả đời.
Thấy Khánh làm nhân viên công ty lương ba cọc ba đồng, lại phải chu cấp cho các em ở quê, bố mẹ Khuyên ngỏ lời muốn giúp con rể mở công ty riêng để hai vợ chồng cùng làm. Khánh không những không nhận sự giúp đỡ chân thành đó mà còn tỏ thái độ bực tức vì cho rằng bố mẹ vợ đang can thiệp quá sâu vào cuộc sống vợ chồng mình. Khánh nói mình có thừa khả năng để lo cho gia đình, vợ con, không cần bố mẹ vợ phải ban phát cho bất cứ thứ gì.
Bị Khánh từ chối hết lần này đến lần khác một cách vô lý, bố mẹ Khánh dần mất hết kiên nhẫn với con rể. Nhiều lúc nhớ, muốn sang thăm Khuyên nhưng cứ chui vào cái phòng trọ bé như tổ chim, nóng bức, ngột ngạt, ông bà lại cảm thấy xót xa cho con gái và không giấu được sự khó chịu với chàng rể cực đoan.
Mỗi lần Khuyên về thăm bố mẹ đẻ, Khánh lại hậm hực, trách móc, bảo cô nếu không chịu được khổ thì cứ việc “trở về nơi sản xuất”. Bố mẹ gửi cho Khuyên cái gì cũng bị Khánh bắt trả lại, không cho dùng. Mối quan hệ giữa Khánh và bố mẹ vợ ngày càng căng thẳng. Nhưng họ đâu biết rằng người đau khổ nhất trong chuyện này lại chính là Khuyên bởi luôn phải đứng ra hứng chịu sự bực tức dội lại từ hai phía.
Mâu thuẫn được đẩy lên đỉnh điểm khi Khuyên có thai đứa con đầu lòng. Bố mẹ Khuyên nằng nặc đòi vợ chồng Khánh phải chuyển sang căn hộ 3 tầng mà ông bà đã cho để không bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Thấy con rể tỏ ý không chịu, bố Khuyên tức quá chửi Khánh là đồ “sĩ diện hão, cố chấp, bảo thủ, không biết lo cho vợ con…”. Cả hai bên đều gây áp lực bắt Khuyên phải lựa chọn theo ý mình khiến đầu óc cô muốn nổ tung, không biết phải làm như thế nào cho phải.
Thanh Tâm biết Khuyên ở trong hoàn cảnh khó nghĩ trăm bề, phải rất khôn khéo, tế nhị mới dung hòa được mối quan hệ giữa chồng và gia đình mình. Nếu chồng nhất định không nhận sự giúp đỡ từ bố mẹ vợ, Khuyên có thể chuyển sự giúp đỡ đó từ trực tiếp thành gián tiếp để Khánh có thể vô tư nhận sự giúp đỡ mà không hề cảm thấy tự ái. Ví dụ là lương của Khuyên hay Khuyên mở công ty làm ăn. Hoặc bàn việc vay vốn ngân hàng kinh doanh, mua nhà trả góp. Thậm chí bàn việc vay tiền bố mẹ, trả lãi đàng hoàng. Mặt khác, hãy luôn làm bố mẹ yên tâm rằng, cuộc sống của mình có hơi vất vả, khổ sở một chút nhưng mình thấy vui vẻ, hạnh phúc để bố mẹ yên tâm mà không trách giận con rể.
Riêng việc giúp đỡ gia đình chồng, mua quà biếu bố mẹ vợ, hai vợ chồng cùng bàn bạc, thảo luận để chồng thấy trách nhiệm của vợ chồng với cả hai bên gia đình. Đó cũng là cách để người chồng dần hiểu giúp đỡ của bố mẹ dù là bên nội hay bên ngoại đều đáng quý và đáng được trân trọng bởi nó là tình yêu thương của người một nhà.