Chỉ cần con học giỏi, thế giới này đã có cha mẹ lo

27/10/2016 - 10:00
Con chỉ cần học giỏi, đạt điểm cao là được, không phải làm bất cứ việc gì, còn thế giới này đã có ba mẹ và osin lo rồi. Đây là quan điểm giáo dục sai lầm mà đa số cha mẹ Việt đang mắc phải.
c-nhn.jpg
Con đỗ đại học, làm cơ quan nhà nước... mới "chuẩn", là tư duy của nhiều cha mẹ Việt. Ảnh minh họa internet.

Những cái khuôn của giáo dục Việt Nam bao đời nay không thay đổi, đó là: Nhà trường và cha mẹ chỉ quan tâm đến điểm số và coi trọng bằng cấp; cha mẹ vẫn giữ tư duy con đỗ đại học để vào làm cơ quan nhà nước thì mới là “chuẩn” , mới mở mày mở mặt với hàng xóm. Còn những đứa làm thợ, dù có giỏi tay nghề cũng không bao giờ được coi trọng.  Giá trị thực chất của một con người nằm ở việc họ nỗ lực hết mình với công việc để sáng tạo ra những sản phẩm có ích cho xã hội chứ không nằm ở tấm bằng.

Nhà trường và gia đình cũng không khuyến khích đứa trẻ dám nghĩ khác, làm khác với bạn bè, như thế thì rất khó thúc đẩy sự sáng tạo và cống hiến đa dạng trong xã hội Việt Nam.

Ngoài ra, những đứa trẻ rất thiếu trải nghiệm thực tế, trải nghiệm với thiên nhiên và kỹ năng mềm. Chúng bị đóng khung trong thời khóa biểu: Ăn, ngủ, học và học Tiếng Anh, đàn, vẽ, múa mà không phải làm bất cứ việc nhà nào, chỉ cần học giỏi là được, chỉ cần điểm cao là được, còn thế giới này đã có ba mẹ và osin lo rồi.

Đây là một lỗ hổng rất lớn trong giáo dục gia đình Việt Nam hiện đại. Ba mẹ vô tình không hiểu rằng chính những việc làm nhỏ nhặt như nấu cơm, lau dọn nhà, rửa bát, giặt phơi quần áo… là cơ hội để dạy trẻ những kỹ năng sống và tinh thần trách nhiệm với cuộc đời, biết sống vì người khác. Mà đó lại là những kỹ năng giúp ích cho con khi ra đời rất nhiều.

thiu-tri-nghim.jpg
Nhiều đứa trẻ rất thiếu trải nghiệm thực tế, trải nghiệm với thiên nhiên và kỹ năng mềm. Ảnh minh họa internet.

Không chỉ ở thành phố mà xu thế này đang lan rộng ở nông thôn, kết quả là đứa trẻ chỉ như những con mọt sách cắm cúi với sách vở, không dám nghĩ khác, không đủ tự tin và quyết tâm theo đuổi ước mơ của chính mình. Thế nên mới có chuyện, nhiều học sinh nhà nghèo khóc vì không có tiền nhập học mỗi mùa thi đại học. Đích thị trong số rất nhiều bạn ấy, là kết quả của một nền giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình bị đúc khuôn.

Thiếu trải nghiệm thì sẽ thiếu sự tự tin. Từ kinh nghiệm hơn 11 năm du học ở Nhật, tôi đúc kết ra rằng nếu như bạn có càng nhiều trải nghiệm, càng nhiều thất bại và khó khăn thì bạn sẽ càng có tự tin để theo đuổi ước mơ của mình. Những việc như nấu một bữa cơm, đi chợ, giặt quần áo, giày dép chính là trải nghiệm cơ bản trong sinh hoạt hàng ngày. Leo núi, đi rừng, dạo chơi trong thiên nhiên, chơi rồi cãi nhau với bạn bè chính là trải nghiệm để rèn ý chí và kỹ năng giao tiếp. Rửa bát là vỡ, dùng dao bị đứt tay, ngã trầy xước, bị điểm kém, bị thua cuộc trong cuộc thi… cũng là trải nghiệm.

Khi con thất bại, cha mẹ đừng la mắng, đừng lo sợ con buồn. Cha mẹ đừng bao bọc, che chắn để con không bị thất bại thì đứa trẻ ấy sẽ lớn lên mạnh mẽ với đầy đủ năng lực sống cần thiết.

Từ những năm tháng đầu đời, cha mẹ cần xây dựng một lộ trình để giúp con nuôi dưỡng những năng lực sống cần thiết nhất cho hành trình 18 năm tiếp theo, đó chính là khả năng tự suy nghĩ, tự học, tự tìm ra mình là ai trong cuộc đời này. Thay vì dành thời gian kiếm thật nhiều tiền tiết kiệm cho con, hãy dành thời gian để chơi cùng con trong giai đoạn vàng này.

Nếu bạn không có tiền cho con học piano, học vẽ, học tiếng Anh sớm cũng đừng buồn. Thành công của đứa trẻ không phụ thuộc vào túi tiền của cha mẹ, nó phụ thuộc nhiều hơn vào nỗ lực trong những thói quen hàng ngày, vào chính môi trường giáo dục gia đình, vào việc bạn có dám nghĩ khác và ủng hộ con bạn nghĩ khác khỏi những tấm khuôn bị đúc sẵn hay không...

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm