Con muốn 'cha mẹ là người khác'

04/01/2017 - 09:16
Đang sở hữu cuộc sống đáng mơ ước với nhiều đứa trẻ, được đáp ứng mọi mong muốn nhưng trong đầu cô bé 14 tuổi luôn xuất hiện ý nghĩ: “Con muốn cha mẹ mình là người khác”.
teen-1.jpg
Bị áp đặt, nhiều đứa trẻ mong muốn "có một cha mẹ khác". Ảnh minh họa internet.

Câu chuyện “con muốn cha mẹ con là người khác” của cô bé 14 tuổi không phải là cá biệt, cũng là mong muốn của không ít đứa trẻ hiện nay trong một số thời điểm. Anh Nguyễn Quang Tiến (chuyên gia sinh trắc vân tay) chia sẻ: Có lần, tôi đi tư vấn cho một cô bé 14 tuổi. Bố mẹ cô bé có điều kiện kinh tế rất tốt. Bố mẹ đăng ký sinh trắc vân tay cho con với một lý do duy nhất: “Muốn con theo nghề của bố mẹ nên cần biết con đang yếu ở đâu để tìm cách cải thiện”.

Khi ngồi nói chuyện riêng với cô bé, cô bé chỉ nhẹ nhàng nói một câu: “Con muốn cha mẹ con là người khác”. Cô bé kể, suốt từ nhỏ, cô chưa từng một lần được làm, được học, được chơi theo ý thích. Tất cả mọi việc trong cuộc sống đều được bố mẹ tính toán và sắp đặt dưới danh nghĩa là: "Làm mọi điều tốt đẹp nhất cho con cái".

Việc trẻ bị bố mẹ áp đặt khá phổ biến hiện nay. Chia sẻ của 1 nữ sinh năm thứ nhất trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội nhận được nhiều sự đồng cảm của bạn bè cùng lứa: “18 năm qua, em không có quyền quyết định việc gì, dù đó là cuộc sống, mong muốn, mơ ước của em. Mọi việc lớn nhỏ trong cuộc sống hàng ngày có thể ảnh hưởng đến cuộc đời em đều do bố mẹ quyết định. Dù không nhu nhược và sống khá tự lập, nhưng việc không được quyết định chuyện của bản thân khiến em thấy bất mãn. Đôi khi, em chán nản, buông xuôi và không muốn cố gắng. Bởi, em có cảm tưởng mình đang sống hộ cuộc đời bố mẹ, sống vì mong muốn của bố mẹ chứ không phải sống cho bản thân mình”.

teen-2.jpg
Cha mẹ cần biết, sự áp đặt đến cực đoan có thể sẽ ảnh hưởng nặng nề tới cả cuộc đời con. Ảnh minh họa internet.

Theo anh Nguyễn Quang Tiến, khi trẻ có cảm giác muốn ba mẹ mình là người khác thì đó là sự đau đớn và tuyệt vọng khủng khiếp. Có không ít người không may có một tuổi thơ khổ sở với ba mẹ. Mâu thuẫn lớn tới mức họ đã bỏ quê hương đi thật xa để lập nghiệp, sang một thành phố khác, một đất nước khác, thậm chí một châu lục khác để trốn khỏi vòng kiềm tỏa của cha mẹ. Nhưng rồi khi đã đi xa, sinh sống và làm việc ở một nơi rất xa, hóa ra họ vẫn không thể nào quên chuyện cũ.

Không phải vết bầm trên người tan đi là con đã hết tổn thương. Không phải sống xa bố mẹ là con sẽ hết đau đớn. Những trận đòn tuổi thơ, sự áp đặt đến cực đoan có thể sẽ ảnh hưởng nặng nề tới cả cuộc đời con. Thế nên, các bố mẹ, định làm gì cho con, cũng cần lắng nghe trái tim non nớt của con. Bởi, không ai khác, bản thân chúng là người chịu trách nhiệm về cuộc đời của chính mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm