Để con 3 tuổi vui vẻ... tự lập

29/08/2016 - 00:00
Trẻ vừa qua tuổi lên 3, nhiều bố mẹ bắt đầu rèn luyện trẻ theo chế độ “quân phiệt” vì nghĩ rằng trẻ không còn bé để chiều chuộng, nâng niu nữa… Tuy nhiên, đó không phải là cách hữu hiệu.
tre-1.jpg
Cha mẹ cần đồng cảm với những giọt nước mắt của trẻ bởi không phải vô cớ mà trẻ khóc. Ảnh minh họa internet.

Khi con mau nước mắt, bố mẹ đừng nói với con: Thôi, chuyện chẳng có gì đừng có mà khóc nữa. Bố mẹ có biết rằng trong giai đoạn này nước mắt là không thể thiếu để chứng tỏ rằng trẻ đang trưởng thành về mặt tâm lý và nhận thức.

Bé có thể khóc khi có chuyện không hài lòng như bị bạn tranh chỗ, bị bạn rời đi không đáp lại lời chào… là cách bé thể hiện ra những điều mình cảm nhận thấy. Bé hay khóc không phải vì yếu đuối. Những trẻ hay khóc khi lớn lên sẽ tinh tế, hiền lành và khả năng cảm thụ rất phong phú.

Trẻ buồn, mà khóc được đó là điều tự nhiên. Khi trẻ buồn, trẻ lo lắng mà trẻ không khóc đấy mới là điều đáng lo lắng. Chính vì thế, trong giai đoạn nhạy cảm này của trẻ, thay vì nói: Thôi, có gì đâu mà khóc thì hãy thể hiện sự đồng cảm với trẻ: "Mẹ biết mà, mẹ hiểu mà, con đang rất buồn đúng không!".

Nhiều người thấy thật phiền khi con 3 tuổi nặng hơn 15, 16 kg rồi mà còn thích và đòi mẹ bế, thích được ngủ cùng mẹ, được đi tắm cùng mẹ… Khi mẹ rảnh thì không sao nhưng khi mẹ đang mệt, đang  bận mà con đòi như thế mẹ sẽ quát lên: Lớn rồi sao cứ bắt mẹ bế mãi, con tự đi bộ đi…

Bố mẹ nên hiểu rằng, quá trình trưởng thành của con giống như việc leo cầu thang, phải leo từng bậc. Bé cũng vậy, phải từng bước từng bước mới rời xa vòng tay mẹ và tự lập được.

tre-2.JPG
Luôn động viên, khen ngợi khi trẻ làm được việc tốt để trẻ có hứng thú trong những lần sau. Ảnh minh họa internet.

Bố mẹ đi làm, ra xã hội phải gồng mình lên thì bé cũng thế. Bé đi học, đến trường cũng phải gồng mình lên để hòa nhập với lớp, với các bạn. Có những lúc bé vui nhưng có những lúc bé cũng gặp chuyện buồn. Về nhà, gặp bố mẹ là lúc bé được thoải mái về tinh thần, bé muốn được mẹ âu yếm cũng chỉ là để nạp thêm năng lượng. Do vậy, cho dù bé đã 5, 6 tuổi hay vào tiểu học rồi, nếu bé muốn được gần gũi với bố mẹ, được bế, được ôm thì hãy cứ đón nhận và đáp lại nhu cầu của trẻ.

Nhiều người khi con đã qua 3 tuổi là bắt đầu muốn rèn cho con vào nề nếp, con chơi xong luôn nhắc nhở: Con dọn dẹp đi. Nhưng nhắc nhiều lần thậm chí quát mắng cũng không có tác dụng. Thay vì cáu gắt, mắng mỏ trẻ mỗi lần nói trẻ không nghe, bố mẹ thử làm theo những phương pháp sau đây: Cùng trẻ thi, thi xem ai dọn nhanh hơn. Trẻ rất thích thắng thua, chính vì vậy, nếu rủ trẻ cùng thi và nhường cho trẻ thắng một vài lần thì những lần sau trẻ sẽ rất hào hứng khi được mẹ rủ dọn dẹp.

Thay vì cáu kỉnh quát con rằng con dọn đồ chơi vào đi thì mẹ hãy nói: Nào, chúng ta cùng nhau dọn dẹp nào. Nhà sạch thì thích nhỉ con nhỉ. Một lần khen ngợi trẻ khi trẻ dọn dẹp sẽ có tác dụng hơn 10 lần quát mắng. Nhưng mọi người thường chỉ quen quát mắng mà quên mất khen ngợi. Chính vì vậy, khi trẻ dọn dẹp sạch sẽ, chỉ cần một lần thôi, hãy khen trẻ thật nhiều, trẻ sẽ rất có hứng thú và có ý thức trong những lần dọn dẹp tới.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm