Đưa sự kiện Gạc Ma vào chương trình - sách giáo khoa mới

16/03/2018 - 20:42
Hai cấp học THCS và THPT sẽ đưa sự kiện lịch sử Gạc Ma vào nội dung môn học Lịch sử (cấp THPT) và Lịch sử, Địa lý (cấp THCS).

Thông tin với báo chí, GS Phạm Hồng Tung - Chủ biên chương trình môn Lịch sử Giáo dục phổ thông mới, cho biết đây làm một trong những điểm mới của chương trình - sách giáo khoa sắp tới.

Theo đó, học sinh THCS và THPT sẽ được học nội dung về sự kiện Gạc Ma 1988, hải chiến Trường Sa 1988 và diễn biến cho tới nay.

Các chiến sĩ tham gia trận Gạc Ma lịch sử năm 1988

Với môn Lịch sử và Địa lý cấp THCS, chương trình đưa các nội dung để học sinh hiểu thông sử Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Trong phần Việt Nam và Đông Nam Á từ 1986 đến nay sẽ có nội dung về Gạc Ma được đặt trong sự liên quan giữa lịch sử dân tộc và lịch sử khu vực, lịch sử thế giới.

Cấp học này cũng dành một chủ đề tích hợp, với tên gọi dự kiến là “Biển đảo Việt Nam”. Ở chủ đề này, học sinh sẽ được học về Địa lý tự nhiên, Kinh tế biển, Tài nguyên biển, Lịch sử chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Trong đó có nhấn mạnh đến chủ quyền Việt Nam trên biển và đề cập tới sự kiện Gạc Ma 1988, hải chiến Trường Sa 1988 và diễn biến cho tới nay.

“Mục đích của chúng tôi là hướng dẫn học sinh tìm hiểu, nhận thức sâu sắc về sự kiện này trong bối cảnh của lịch sử Việt Nam, lịch sử khu vực và lịch sử thế giới. Đồng thời, phải đặt sự kiện này trong toàn bộ cuộc đấu tranh lâu dài của dân tộc ta nhằm khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông, dựa trên những căn cứ chắc chắn về lịch sử và pháp lý quốc tế” - theo GS phạm Hồng Tung.

Ở cấp THPT, sự kiện Gạc Ma sẽ xuất hiện trong hai chủ đề là Lịch sử các cuộc chiến tranh giải phóng bảo vệ Tổ quốc và chủ đề Biển đảo Việt Nam.

Việc làm này khiến nhiều người tỏ ra hoan nghênh vì sự cập nhật chủ động của chương trình - sách giáo khoa mới, cũng như việc để học sinh hiểu thêm về những lát cắt lịch sử chân thật, sống động của đất nước.

Ngày 14/3/2018 vừa qua là dấu mốc tròn 30 năm ngày Trung Quốc nổ súng cưỡng chiếm đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa). Hải chiến Trường Sa 1988 là tên gọi dành cho trận đánh trên biển Đông năm 1988 khi Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa đưa quân tấn công hòng chiếm đóng bãi đá Cô Lin, bãi đá Len Đao và bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. 64 chiến sĩ Việt Nam đã anh dũng hi sinh.

GS Phạm Hồng Tung nhấn mạnh, sự kiện trận chiến Gạc Ma 1988 và toàn bộ các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc vào chương trình môn Lịch sử mới  sẽ theo các nguyên tắc: Khoa học (khách quan, trung thực), nhân văn và tiến bộ.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Lịch sử là một trong số những môn có nhiều thay đổi để vừa mang tính kế thừa ưu điểm của chương trình cũ, vừa cập nhật nội dung sao cho phù hợp với bối cảnh mới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm