Đừng vội mừng khi con ngoan ‘hết phần trẻ khác’

29/08/2016 - 15:19
Nhiều cha mẹ thấy hài lòng khi con răm rắp nghe lời, không bao giờ cãi. Tuy nhiên thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lan Hải cảnh báo, cha mẹ đừng vội mừng khi có đứa con… ngoan như vậy.
ngheloi5.jpg
Nhiều cha mẹ hài lòng khi có con không biết cãi. Ảnh minh họa internet.

Chị Hoàng Ngọc Hải (Q.Long Biên, Hà Nội) rất tự hào khi con gái 6 tuổi “ngoan hết phần trẻ khác”. Bố mẹ nói gì, con cũng nghe lời răm rắp. Hầu như con không bao giờ làm điều gì theo ý mình, chỉ cần bố mẹ nhìn với ánh mắt không đồng tình, con lập tức dừng lại. Bố mẹ nói sai, con không dám cãi và luôn làm theo những điều bố mẹ mong muốn. Bởi, con không muốn bị bố mẹ quát nạt, mắng chửi là hư, hỗn vì không nghe lời bố mẹ.

Cấm con cãi, cấm con có ý kiến khác là cách dạy con của không ít cha mẹ hiện nay. Chị Nguyễn Ngọc Huyền (Vũ Thư, Thái Bình) thường xuyên trò chuyện với con theo kiểu:
- Mẹ ơi, con thấy bộ quần áo này hơi chật.
- Cứ mặc vào, chật gì mà chật, mặc tí khắc vừa.
- Hôm nay con thích đọc truyện.
- Trời đẹp lắm, đi chơi với bạn vui hơn…

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lan Hải (cố vấn chuyên môn Hội quán các bà mẹ), nếu nhiều lần ý kiến của trẻ bị từ chối thì bé ngầm hiểu rằng lời nói của mình không đáng được để ý, mẹ không tin tưởng vào quan sát và cảm xúc của mình. Đứa trẻ bị chính bố mẹ phản đối ý kiến lâu dần sẽ mất tự tin và khả năng độc lập. Khi trẻ muốn thử điều gì mà cha mẹ không cho làm là đã bị tước mất cơ hội để tin vào bản thân. Một đứa trẻ như vậy không nhút nhát mới lạ.

ngheloi2.jpg
Trẻ không có chính kiến sẽ trở nên thụ động và thiếu sáng kiến. Ảnh minh họa internet.

Cha mẹ đừng đòi hỏi quá cao ở trẻ mà hãy bắt đầu đơn giản từ những hành động nhỏ. Khi một đứa trẻ được mọi người đánh giá đúng, chúng sẽ cảm thấy vui vẻ, tự nhiên, muốn khẳng định mình hơn, cảm thấy tự hào và tự tin hơn. 

Trái lại, trẻ nào hay bị mắng mỏ, phê bình, thậm chí mỉa mai sẽ cảm thấy mình “chẳng ra gì” . Từ đó, chúng mặc cảm, mất đi hứng thú trong việc học và trong cuộc sống.

Khi khiển trách những hành động sai của con, cha mẹ đừng tỏ ra uy quyền bằng cách đứng la mắng và chỉ thẳng vào mặt trẻ. Làm vậy là thiếu tôn trọng con, khiến con bị ức chế và nảy sinh tâm lý tiêu cực. Cha mẹ hãy ngồi xuống ngang hàng với bé và nói chuyện ôn tồn, giúp trẻ phân định đúng - sai và biết thừa nhận điểm sai.

Nếu cha mẹ hay "đỡ lời" hộ con khi tiếp xúc với mọi người, suốt ngày cảnh báo coi chừng cái này coi chừng cái kia hoặc tiết kiệm lời khen quá đáng; thường xuyên ra lệnh cho con nên làm gì và làm thế nào thì trẻ sẽ luôn thực hiện theo lời của bố mẹ và không được đưa ra lựa chọn của chính mình… Từ đó, trẻ sẽ trở nên thụ động và thiếu sáng kiến và trở nên “ngoan quá hóa…đần”. Trẻ chỉ tự tin khi biết mình làm đúng, mình được yêu thương và được tôn trọng.

 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm