Giúp con né bạo lực học đường bằng tinh thần AQ?

09/02/2018 - 10:49
Theo kinh nghiệm của một phụ huynh, “biến lời giễu cợt của mọi người thành niềm vui” là cách có thể giúp con né bạo lực học đường.
baoluchd.jpg
Chỉ một lời nói châm chọc, trêu tức nhau cũng có thể dẫn đến bạo lực học đường. Ảnh minh họa

Bạo lực học đường không dừng lại ở cảnh báo mà đang trực tiếp đe dọa đến sự an toàn của thế hệ trẻ ngay tại những môi trường vô cùng quen thuộc. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn chưa nhận thức được sự nghiêm trọng của bạo lực học đường và cách thức bảo vệ con trước vấn nạn này.

Nói về vai trò của phụ huynh ở đâu khi bạo lực học đường, Thạc sĩ Vũ Thu Hà (Phòng tâm lý học đường trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội) cho biết, khi gặp bạo lực, trẻ em thường giấu kín chuyện của mình, không nói với người lớn. Bởi “trẻ em và người lớn có thế giới riêng, các con sẽ giữ câu chuyện lại để tự mình giải quyết. Nếu thoát được thì thoát, không thì các con sẽ làm quen với các bạn trong lớp có thể “bảo kê” cho mình. Các con không nói với ai, vì không muốn người lớn sẽ can thiệp. Đó là lý do vì sao các con không nói với người lớn và các con luôn nghĩ mình giải quyết được mọi chuyện”.

Nguyên nhân để trẻ không nói với bố mẹ khi bị bạo lực học đường, theo cô giáo Bùi Thị Ngọc Thủy (trường THPT Trần Hưng Đạo, Nam Định), do các con sợ bố mẹ giải quyết theo cách người lớn và các con sẽ gặp nguy hiểm hơn. Hơn nữa, trong mắt bố mẹ, các con là đứa trẻ tuyệt vời, chăm ngoan, chính vì thế con không muốn nói với bố mẹ việc mình bị bắt nạt vì sợ bố mẹ lo lắng. Thế nên, khi có chuyện, một mình con loay hoay giải quyết và chịu đựng. Đã có những hậu quả nặng nề xảy ra với con như lo âu, trầm cảm, thậm chí tìm đến cái chết…

batnathocduongjpg1428911003.jpg
Cha mẹ cần nhắc con không làm căng thẳng các mối quan hệ để tránh bạo lực học đường. Ảnh minh họa

Sự quan tâm, chia sẻ của bố mẹ với con là việc làm rất cần thiết để hiểu con gặp những khó khăn gì. Anh Nguyễn Văn Bình có con học lớp 7 trường THCS Thực nghiệm cho biết: Cần coi con của người khác như con của mình thì mới tạo dựng được môi trường không bạo lực. Nếu ích kỷ chỉ yêu con của mình thì con sớm muộn cũng bị bạo lực học đường.

Theo kinh nghiệm của anh Nguyễn Văn Bình, các cha mẹ cần nhắc con không làm căng thẳng các mối quan hệ. Ngoài ra, sự chia sẻ của bố mẹ với con rất quan trọng, cần chú ý đến vấn đề giải quyết ngay và kịp thời chia sẻ những khó khăn tâm lý của tuổi vị thành niên.

Còn cách mà chị Nguyễn Thu Hằng (Đống Đa, Hà Nội) giúp con an toàn ở trường học đó là “biến mọi lời giễu cợt của mọi người ra thành một niềm vui”. Chị Hằng cho biết, nhiều vụ bạo lực học đường bắt nguồn từ những chuyện rất nhỏ như lời châm chọc, mỉa mai, chọc tức nhau… Nếu tức giận, nổi nóng, không biết kiềm chế cảm xúc thì chuyện nhỏ biến thành lớn. Còn nhìn mọi chuyện theo hướng đơn giản thì sẽ không có chuyện gì xảy ra. Thế nên, chị Hằng thường truyền đạt cho con tinh thần AQ để đơn giản hóa mọi chuyện. “Đừng biến câu chuyện thành căng thẳng, đừng đẩy câu chuyện thành ghê gớm mà hãy làm cho nguội lửa đi và tuyệt đối đừng đẩy lên thành câu chuyện bạo lực học đường”, là điều mà chị Hằng thường xuyên nói với con.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm