Học đại học để không bất hiếu với bố mẹ

06/11/2016 - 08:30
Chia sẻ của cựu sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội dành cho các sinh viên năm thứ nhất, những bạn muốn “phá rào” khi nghĩ rằng đỗ ĐH là đã có 1 tương lai rực rỡ, không cần phải cố gắng, nỗ lực gì thêm.
sinh-vien-1.jpg
Nhiều bạn nghĩ, cần xả hơi sau 3 năm THPT nên thời sinh viên không cần phải nỗ lực nhiều. Ảnh minh họa internet.

Nếu có một điều ước, anh sẽ ước được quay lại khoảng thời gian học đại học. Anh sẽ ước một lần nữa sống hết mình, cố gắng hết mình, chăm chỉ hết mình và nghiêm túc hết mình… không phải với việc học đại học mà chính là với bản thân anh.

Anh nhận ra, kỹ năng mềm chưa tốt, tiếng Anh chưa tốt, học trên trường chưa tốt… tất cả những cái đó không quan trọng bằng việc bản thân anh thật sự chưa tốt.

Anh cũng như em, đã cố gắng, nhưng cố gắng chưa đủ nhiều, quyết tâm nhưng quyết tâm chưa đủ cao.

Có những lần anh nghe điện thoại của bố mẹ, sau đó anh lao vào bàn học như một con thiêu thân vậy. Anh “cày” thâu đêm suốt sáng nhưng đến lúc anh ngủ dậy, anh quên mất mình phải làm gì.

Có những lần anh nghĩ về bố mẹ. Bố mẹ anh vất vả như thế nào để nuôi anh ăn học, bố mẹ gửi gắm ở anh niềm tin và sự hy vọng. Anh lại lao vào bàn học, “như trâu như bò”. Nhưng đến hôm sau anh lại quên mất mình phải làm gì? Nên làm gì? Và cần làm gì?

Có những lần anh nghe những câu chuyện trong các buổi hội thảo, họ chia sẻ về con đường mà họ đi tới thành công. Anh về nhà và mang trong mình một quyết tâm, một khí thế hừng hực.

Và có những lần, anh thấy bạn bè trong lớp học rất chăm chỉ. Vậy là “anh lại” cố gắng nhưng chỉ được vỏn vẹn vài ngày, rồi sau đó đâu lại vào đấy.

sinh-vien-2.jpg
Các em cần cố gắng gấp 2, 3 lần người bình thường thì mới mong có tương lai. Ảnh minh họa internet.

Anh tự hỏi: Nỗ lực, bản lĩnh đương đầu với thử thách như hồi THPT ở đâu rồi? Trước đây nếu anh có thể thức đến 2, 3 giờ sáng để ôn thi đại học thì giờ đây có nhiều cuốn giáo trình chưa chắc anh đọc qua dù chỉ là một lần.

Anh bảo việc học ở trường rất vất vả, nhưng suy cho cùng, vật lộn nhiều nhất vẫn là làm sao để dậy sớm vào buổi sáng và lên giảng đường học cho kịp giờ.

Nếu được học lại đại học, anh sẽ không bao giờ có những suy nghĩ: “Ngành mình học chán”, “học mà chả ứng dụng gì cho tương lai sau này” … thay vào đó anh sẽ tự trả lời câu hỏi: “Tại sao người ta cùng trường như mình mà người ta giỏi hơn mình cả tỷ thứ, nhanh nhẹn hoạt bát hơn mình cả trăm lần?”.

Anh phải nói thật với các em là 4 năm đại học trôi qua nhanh lắm, đừng để uống phí bằng những thứ vô bổ như yêu đương, facebook, phim ảnh, ăn uống, check-in dẫn đến chểnh mảng học hành. Anh biết là hầu hết các em không có ý nghĩ sẽ xả hơi sau 3 năm dùi mài kinh sử ở trường THPT. Nhưng, anh xin nói thẳng:

Đa số sinh viên các em, biết là phải cố gắng nhưng cố gắng chưa đủ nhiều. Hôm nay cố gắng, ngày mai lại giảm tinh thần dăm ba phần là ít.

Đa số sinh viên các em, biết là phải quyết tâm nhưng quyết tâm chưa đủ cao. Hôm nay thấy một tác động mạnh từ ai đó, từ một em rất là quyết tâm học nhưng ngủ dậy qua ngày, đâu lại vào đó.

Em à, nếu cố gắng như em, quyết tâm như em thì ai cũng làm được. Nếu em chỉ đạt đến mức đó, thì em cũng sẽ giống như bao người khác mà thôi. Vậy nên em phải luôn luôn cố gắng hết mình, cố gắng gấp 2, 3 lần người bình thường thì mới dám mong có tương lai em ạ.

sinh-vien-3.jpg
Đừng để bản thân vô dụng với tương lai của mình. Ảnh minh họa internet.

Một ngày anh tiếp xúc với rất nhiều bạn sinh viên, rất nhiều bạn hỏi anh: “Em học như thế này nhưng em chán lắm. Em thấy nó chả ứng dụng gì cho tương lai sau này cả”.

Nếu em nghĩ: “Việc học không có ứng dụng gì trong tương lai” thì anh xin đính chính lại với em rằng, nếu em nghĩ như thế thì chính bản thân em mới “không có ứng dụng gì” - hay nói đúng ra là “vô dụng” với tương lai của em sau này!

Việc học đại học theo anh là cực kỳ quan trọng.

Đầu tiên là để "không bất hiếu với bố mẹ". Nếu em không cố mà học cho tốt thì chính là em đang coi tiền bạc, niềm tin, hy vọng của bố mẹ gửi cho em chỉ là những thứ rác rưởi. Anh cho đó là bất hiếu.

Thứ hai, học đại học là để em được xã hội công nhận. Đúng, bằng đại học chỉ là cái “bìa cát tông”. Nhưng cái “bìa cát tông đó” để chứng tỏ rằng em khác với những người khác, là em được đào tạo bài bản, đàng hoàng.

Thứ ba, quá trình học đại học, không phải để học mà là để “trải nghiệm”’, để em tìm được câu hỏi “em làm được gì?”, “em thích gì?”, “em làm được gì tốt?”...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm