Mẹ khuyến khích teen làm thêm “kiếm”… trải nghiệm

11/06/2017 - 07:40
Mùa hè năm nay, một số phụ huynh có xu hướng cho con trải nghiệm bằng cách… đi làm thêm những công việc vừa sức, an toàn. Bằng cách đó, trẻ sẽ nhận được bài học quý về giá trị lao động, ý thức kỷ luật, thái độ làm việc nghiêm túc...
1.jpg
Nhiều phụ huynh sẵn sàng cho con tuổi teen đi làm thêm để có thêm trải nghiệm quý dịp hè

Mẹ trả lương cho con

Thay vì hè đến là được “ngủ nướng” bao lâu tùy thích, từ đầu tháng 6/2017, cứ 6h30 phút là Hoàng Anh Đào, học sinh (HS) lớp 8 ở Q.Thanh Xuân, Hà Nội đã dậy, tự sắp xếp tư trang, ăn sáng rồi đợi mẹ đưa đến một trại hè tiếng Anh ở cách nhà 5km.

Đào không phải trại viên mà là tình nguyện viên của trại, trợ giúp thầy cô giáo nước ngoài trông nom trẻ, chuyển ngữ Anh-Việt khi cần. Vì thế, dù “trại viên” 8 giờ mới đến trại thì Đào đã phải có mặt ở đó trước nửa tiếng để dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc. Buổi chiều, khi trẻ về hết thì Đào cũng mới hoàn thành nhiệm vụ.

Chị Loan, mẹ cháu Đào cho biết: “Chủ trại hè là bạn thân của tôi nên đã giúp tôi sắp xếp một công việc phù hợp cho con. Nhờ thế, con có cơ hội giao tiếp với tình nguyện viên nước ngoài bằng tiếng Anh 8 tiếng/ngày. Bình thường, nếu đi học tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ, tôi phải trả khoảng 300.000 đồng cho một buổi học chỉ 2 tiếng. Vì thế, tôi nghĩ những gì cháu nhận được từ việc đi làm tình nguyện viên như thế này là vô giá”.

Mấy ngày đầu, cháu Đào cũng rơi vào trạng thái “cả thèm chóng chán”, nên muốn từ bỏ công việc để ở nhà ngủ, xem tivi, chơi Ipad. Bạn chị Đào “dọa” nếu con bỏ việc thì sẽ phải bồi thường một khoản tiền lớn cho trại hè vì đã đơn phương“phá vỡ hợp đồng lao động”. Thế là, cháu Đào đành đồng ý đi làm và chỉ sau vài ngày đã quen nếp, bắt đầu thấy vui với công việc tình nguyện viên.

“Ngoài tiếng Anh, con còn học được nhiều bài học kỹ năng quý khác như biết giữ lời hứa, không thấy khó mà từ bỏ, biết tập hợp, làm việc và thuyết phục các em nhỏ tại trại hè”… Để động viên con, chị Loan âm thầm dùng tiền của mình rồi nhờ bạn đứng danh nghĩa chủ lao động “trả lương” cho con 30.000 đồng/ngày.

Đào vui lắm và quyết định sẽ tiết kiệm để hết hè đủ tiền mua bộ sách văn học mà con ước ao từ lâu.

2.jpg

Trẻ hào hứng khi thử làm nhân viên pha chế đồ uống, làm bánh ngọt... tại Kuri Kuri 

Thử làm… nhân viên

Cũng với mong muốn mở rộng thế giới của các con ngoài nhà trường, ipad, tivi và giúp trẻ có một kì nghỉ hè ý nghĩa với nhiều trải nghiệm thú vị, độc lập và trưởng thành hơn, Kuri Kuri - tổ hợp cafe bánh ngọt thuộc quản lý của Soc&Brothers - Chuỗi cửa hàng Nhật Bản cho bé và gia đình tại Hà Nội cũng đã có ý tưởng tổ chức chương trình trải nghiệm nghề nghiệp dịch vụ cho thiếu nhi ngay tại cửa hàng.

Một ngày trải nghiệm dành cho trẻ của Kuri Kuri diễn ra từ 9h sáng đến 14h chiều. Mỗi khóa chỉ giới hạn 4 bé tham gia với học phí là 1.000.000 đồng/khóa gồm 6 buổi trải nghiệm và thực hành.

Những cậu bé, cô bé chỉ mới 12 tuổi đã vô cùng thích thú đăng ký để được thử làm nhân viên pha chế đồ uống, làm bánh ngọt hay nhân viên phục vụ để qua đó tìm hiểu một trong những ngành nghề trong xã hội, tự tay làm ra những sản phẩm vô cùng nghệ thuật.

Ban đầu, khóa học chỉ dành cho con nhân viên của Kuri Kuri và một số khách hàng thân thiết. Song, đến nay, số lượng trẻ đăng ký trải nghiệm đã mở rộng và tăng vọt, cho thấy rất nhiều trẻ cũng có mong muốn được “đi làm”.

Chị Phan Hà Thu (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), hào hứng cho con tham gia khóa trải nghiệm tại Kuri Kuri cho biết: Sau khóa trải nghiệm, con đã trưởng thành trông thấy. Ngày trước, con còn lúng túng trong giao tiếp, ngại gặp người lạ thì nay đã phản xạ nhanh, biết chia sẻ công việc, quan tâm đến những người xung quanh.

Con chị Thu còn rèn được khả năng tập trung cao, luôn để ý đến nhu cầu của khách để đáp ứng kịp thời thay vì để khách phải phàn nàn, tỏ ra tự tin giao tiếp qua việc với chuyện với khách hàng.

Tất nhiên, chị Thu cũng lưu ý, cha mẹ khi cho con làm việc trong hè cũng cần cẩn trọng, chọn môi trường làm việc an toàn, cường độ, tính chất công việc cũng phải phù hợp với tâm lý của trẻ.

Thời gian đầu, có thể trẻ chưa quen nhưng cha mẹ không nên vội “đầu hàng”. Trẻ đi làm tất nhiên sẽ “vất vả”, phải tuân thủ “kỷ luật” và không được chiều chuộng như khi còn ở nhà. Song, cha mẹ cũng không nên bỏ qua cảm xúc của trẻ. Nếu sau vài ngày trẻ vẫn không thích nghi hoặc tỏ ra chán nản, sợ sệt thì cha mẹ nên dừng lại và tìm hình thức trải nghiệm khác phù hợp với con hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm