Nâng chuẩn đầu vào sư phạm, cần học công an, quân đội

11/08/2017 - 18:21
Chuẩn đầu vào sư phạm thấp là vấn đề khá nóng được đặt ra bên lề cuộc họp trực tuyến tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng năm học mới các trường đại học, diễn ra sáng nay (11/8) tại Hà Nội.

Vì sao các trường sư phạm vẫn muốn giữ chỉ tiêu?

Bên lề cuộc họp tổng kết năm học và phương hướng năm học mới do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 11/8 tại Hà Nội, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội - GS.TS Nguyễn Văn Minh cho rằng, điểm đầu vào thấp quá chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình đào tạo, chất lượng đào tạo.

Điểm đầu vào thấp chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Ảnh minh họa: D.H 

“Điểm cao chắc chắn sẽ đào tạo tốt hơn, đấy là thực tế. Đầu vào thấp, là vấn đề mà các trường phải đối mặt. ĐH Sư phạm Hà Nội là trường trọng điểm nên sẽ phải nghiên cứu thận trọng về vấn đề này”.

Ông cũng cho biết thêm, trong ngày mai 12/8, Hiệu trưởng các trường sư phạm sẽ có cuộc họp bàn nhằm đưa ra kiến nghị với Bộ GD&ĐT để nâng cao chất lượng đào tạo, tuyển sinh.

Nói về vấn đề các trường sư phạm vẫn tuyển sinh bằng mọi giá dù điểm đầu vào thấp, GS Nguyễn Văn Minh cho rằng, các trường có lý do để giữ chỉ tiêu. “Một trong những vấn đề đó là kinh phí. Vì kinh phí bổ trên đầu SV, SV nhiều thì trường sẽ có kinh phí cao hơn. Đây cũng là một khó khăn. Điều mà chúng tôi mong muốn là chúng ta đào tạo theo ngành thay vì đào tạo theo “đầu” sinh viên. Mặt khác, cần có sàng lọc trong quá trình đào tạo. Thay đổi theo hướng này sẽ có tác động tích cực, tự chất lượng đầu vào sẽ nâng cao hơn”.

Cấp thiết quy hoạch mạng lưới khối sư phạm

Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, vấn đề quy hoạch lại mạng lưới khối trường sư phạm hiện trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong đó cần quan tâm đến đội ngũ giảng viên.

Sắp tới, cần xác định rõ giai đoạn nào cần bao nhiêu giảng viên, bao nhiêu ngươi nghỉ hưu, bao nhiêu người được chuyển cơ học. Làm tốt khâu này sẽ đầu tư để xác định trường nào là trường trọng điểm, trường nào là vệ tinh cơ sở, trường nào là phân hiệu để có cơ sở đào tạo phù hợp.

“Khi làm được những việc như thế, chúng ta sẽ dự báo được nguồn nhân lực để học sinh thấy rõ và có lựa chọn rõ ràng. Rằng với ngành này, tôi học giỏi thì tôi ra trường sẽ có việc ngay. Điều này tự nhiên sẽ nâng cao chất lượng đầu vào, bằng chính tác động của chính sách vĩ mô” - ông phân tích.

GS Nguyễn Văn Minh cũng nhấn mạnh, Chính phủ cần thay đổi các chính sách ưu đãi với sinh viên sư phạm. Một chính sách, đơn cử như miễn giảm học phí, chỉ có tác dụng tích cực trong một giai đoạn lịch sử nhất định và chúng ta cần thay đổi.

“Thủ tướng cũng đã quyết liệt rồi nên tôi nghĩ vấn đề quy hoạch mạng lưới cũng sẽ không quá lâu vì đây là vấn đề có tính chất cấp thiết!” - ông nói.

Bộ trưởng GD&ĐT nêu giải pháp nâng chuẩn đầu vào sư phạm

Liên quan đến chất lượng đầu vào ngành sư phạm, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội là giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường. Nhưng tôi cũng lưu ý, điểm đầu vào chỉ là một yếu tố, quá trình tuyển chọn giáo sinh cho các trường sư phạm phải quan tâm tới năng khiếu có tính chất nghiệp vụ, chú ý tới năng lực phẩm chất nhà giáo. Dù thế  nào cũng phải làm sao để giáo sinh vào trường sư phạm phải cảm thấy tự hào.

Bộ GD&ĐT sẽ có những buổi làm việc riêng với các trường sư phạm để có những tính toán phù hợp, trong đó việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm sẽ phải được ưu tiên làm ngay. Sẽ có những trường trung tâm, trường là phân hiệu và trường là vệ tinh. Đây là vấn đề mà các trường sẽ phải bàn thật kỹ, trên cơ sở đánh giá thực trạng đào tạo hiện nay. Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, tính toán lại việc phát triển ngành, làm nghiêm túc trong 5 năm, các trường không được sốt ruột. Rất nhiều vấn đề bức xúc của ngành không phải là tôi không biết, nhưng cần nhận thức rằng, muốn làm khẩn trương cũng không được. Sốt ruột mà làm ẩu là thất bại! 


GS.TS Nguyễn Văn Minh nói về lý do trường sư phạm muốn giữ chỉ tiêu:



Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm