Nhiều thí sinh cười tươi sau môn thi Ngữ văn

22/06/2017 - 11:10
Kết thúc buổi thi đầu tiên môn Ngữ văn sáng 22/6, các thí sinh thở phào và cười tươi khi bước ra từ phòng thi vì đề không quá khó. Tuy nhiên, nhiều thí sinh cũng "lệch tủ" khi tập trung ôn thi phần đầu, đề lại ra vào phần cuối bài thơ "Đất nước".

Là một trong những thí sinh rời khỏi điểm thi sớm nhất tại THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội), Khổng Thị Như, HS THPT Đống Đa phấn khởi cho biết em làm bài khá tốt bởi đề dễ hơn mong đợi.

“Đề thi ở mức độ vừa tầm, không quá đánh đố. Đề có câu hỏi nêu suy nghĩ về sự thấu cảm, em cho đây là một câu hỏi khá hay và lạ! Nói chung phần thi của em khá ổn, dự tính được khoảng 7,5 điểm!” - Như nói.


Đề Ngữ văn sáng nay 22/6. Ảnh: D.H

Còn đối với Đặng Lê Linh (THPT Lê Quý Đôn), đề dễ nên nam sinh này làm bài tốt, tự chấm được khoảng 8 điểm. Điều khiến Linh bất ngờ là câu hỏi về bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm thay vì ra đề vào 9 câu thơ đầu thì đề lại tập trung vào 20 câu thơ tiếp theo. Đây cũng là lý do khiến nhiều thí sinh than bị "lệch tủ".

“Thường lúc ôn thi thầy cô giáo đều tập trung ôn thi 9 câu thơ đầu nên em hơi bất ngờ. Tuy nhiên do mức độ câu hỏi không quá khó nên em vẫn làm trôi chảy. Nhìn chung đề vừa đủ để đạt độ sâu sắc nhưng không quá hấp dẫn, đề này theo em nhiều bạn có thể đạt được nhiều điểm 7, 8” - nam sinh chia sẻ.

Nữ sinh cười tươi vì làm được bài tại điểm thi THPT Quang Trung Ảnh: D.H

Mặc dù khẳng định làm được bài song nhiều thí sinh tại điểm thi THPT Quang Trung cho rằng, đề không thể hiện rõ sự phân hóa để giúp các bạn giỏi môn Văn có điểm vượt trội. Đối với học sinh chuyên thi khối C, khối D, đây là một đề thi an toàn nhưng đồng nghĩa với việc sẽ có mặt bằng điểm chung chung, khó có thể có điểm cao vượt trội.

Nhận định về đề, TS. Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, đề thi đã có sự điều chỉnh phù hợp với thời gian làm bài 120 phút (trước đây là 180 phút).

Câu viết đoạn văn nghị luận xã hội đảm bảo đúng mối quan hệ hữu cơ với phần Đọc hiểu theo cấu trúc các đề minh hoạ, thử nghiệm, tham khảo của Bộ trước đây. Trong đó, việc lựa chọn ngữ liệu Đọc hiểu cùng một vài ý trong các câu hỏi Đọc hiểu đã giúp thí sinh phần nào xác định được nội dung, chủ đề và hướng triển khai trong câu viết đoạn văn nghị luận xã hội.

"Sự “thấu cảm” vừa là vấn đề muôn đời trong cuộc sống nhân sinh, thế sự, vừa là điều có thể chạm tới phần nào thực tế bức bối của cách sống vô cảm khá phổ biến hiện nay. Trong khá nhiều những vấn đề của cuộc sống thời hiện tại, có lẽ sự “thấu cảm” cũng là điều nên nói" - TS. Trịnh Thu Tuyết nhận định.

Chiều nay, 14h30 thí sinh sẽ thi môn Toán theo hình thức trắc nghiệm với thời gian làm bài 90 phút. 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm