Chính trị - Xã hội

Những người kể sử: Điện Biên Phủ qua hồi ức của nữ văn công

PNVN 06/05/2024 - 11:00 AM
Quê gốc Hải Dương theo gia đình tản cư lên Bắc Giang, năm 14 tuổi, bà Trần Thị Ngà (SN 1938) xung phong vào bộ đội, thuộc biên chế Đoàn văn công Tổng cục Chính trị.

Bà Ngà kể: "Sau thời gian tập luyện, năm 1953, đoàn chúng tôi nhận lệnh lên đường. Suốt mấy tháng trời đi đường bộ, ban ngày đoàn chúng tôi tập tiết mục, trời sẩm tối là hành quân. Mỗi đêm, chúng tôi đi 30km mới dừng chân nghỉ ngơi. Ngủ trong rừng, lấy lá cây làm chiếu, nhiều hôm sáng tỉnh dậy, vắt bám vào người hút mọng máu. Sợ lắm nhưng rồi cũng quen. Hàng ngày, nhìn đồng đội và các anh bộ đội lúc nào cũng tràn đầy khí thế, mình chẳng biết sợ, biết buồn là gì.

Được mặt trận Điện Biên Phủ, nhiệm vụ của Đoàn văn công Tổng cục Chính trị là biểu diễn văn nghệ động viên tinh thần chiến sĩ. Trên chiến trường ác liệt, chúng tôi được chia thành từng tổ theo phục vụ các đại đội, trung đội ngay tại chiến hào. Khi bộ đội ta giữ chốt, đào hào, đánh địch trở về là chúng tôi biểu diễn cho các anh xem. Nghe tiếng vỗ tay cổ vũ, nhìn những nụ cười và ánh mắt lấp lánh của các chiến sĩ sau những giờ chiến đấu, chúng tôi sung sướng vô cùng. Văn công động viên chiến sĩ, các chiến sĩ lại truyền sức mạnh và tinh thần hăng hái cho văn công.

Thời điểm trận chiến vào cao điểm, vì sự an toàn, chúng tôi không biểu diễn mà tham gia các công việc khác như chăm sóc thương bệnh binh, giặt giũ cơm nước cho bộ đội và đi làm đường. Trong điều kiện thuốc men thiếu thốn, các ca phẫu thuật phải mổ chay, chiến sĩ đau đớn vô cùng. Lúc này, chị em chúng tôi ở bên, vừa trò chuyện động viên an ủi, xoa dịu vết thương và hát cho các anh nghe. Lời ca tiếng hát của chị em văn công chúng tôi trong hoàn cảnh ấy có tác dụng không khác gì liều thuốc giảm đau cho chiến sĩ.

Tôi nhớ như in chiều ngày 7/5/1954, trong lúc đoàn chúng tôi đang làm đường, có tiếng nói rất to của một chiến sĩ đang đạp xe tiến về: "Các đồng chí ơi, địch đầu hàng rồi! Điện Biên giải phóng rồi, các đồng chí ơi!". Giây phút ấy, tất cả như vỡ oà hạnh phúc. Hàng trăm anh chị em dân công, văn công chúng tôi bỏ hết cuốc xẻng, gánh gồng, ôm nhau hò reo, nhảy múa trong nước mắt của niềm vui sướng tột cùng. 

Hôm khao quân, chúng tôi được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Bác còn khao một bữa thịt bò và tặng mỗi người một chiếc Huy hiệu Điện Biên. Năm 1965, tôi chuyển công tác từ Đoàn văn công Tổng cục Chính trị sang Hãng phim Quân đội nhưng chiếc Huy hiệu Điện Biên được Bác Hồ tặng luôn ở bên tôi như một báu vật. 

Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ sự kiện chói lọi của đất nước mà cũng là dấu ấn vàng son của những người chiến sĩ chúng tôi".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn