Chính trị - Xã hội

Những người kể sử - Mẹ Việt Nam Anh hùng Trương Thị Đặng: Cảm xúc đan xen trong ngày Giải phóng

Đinh Thu Hiền - Minh Tuấn 29/04/2024 - 08:00 AM
Hào hùng và bi thương, cống hiến và mất mát. Rất nhiều thế hệ đã dâng trọn tuổi thanh xuân và cuộc đời cho nền độc lập dân tộc. Ở tuổi 96, Mẹ Việt Nam Anh hùng Trương Thị Đặng vẫn còn nhớ rất rõ cảm xúc vào thời khắc nghe tin giải phóng Sài Gòn, ngày 30/4/1975.

1.

Thời tiết tháng 4 đang vào cuối mùa khô tại các tỉnh miền Nam. Cái nắng nóng đặc trưng của Sóc Trăng nhuộm vàng đường phố. Từ sáng sớm, mẹ Trương Thị Đặng, 97 tuổi, đã ngồi chờ khách trong căn nhà sống cùng cô con gái út tại phường 4, thành phố Sóc Trăng. Mẹ nói "mẹ thức sớm, mang bộ pha trà ra để tụi con uống". 

Mẹ Trương Thị Đặng có 2 người con trai hy sinh cách nhau chỉ 2 tháng, vào năm 1970. Mẹ Đặng và chồng, ông Trần Tồng Lâm - một người Việt gốc Hoa, được giác ngộ sớm, cùng hoạt động Cách mạng tại vùng đất Sóc Trăng còn thưa vắng dân cư vào năm 1954.

"Mẹ bắt đầu làm công việc chuyển giao tin tức cho Cách mạng từ năm 1954. Lúc đó, mẹ buôn bán cá ngoài chợ. Để việc truyền tin được đảm bảo bí mật, các tư liệu đều được bỏ vào bên trong bụng cá", mẹ Đặng bắt đầu câu chuyện của mình. Với vỏ bọc hoàn hảo của tiểu thương bán cá ngoài chợ, mẹ Đặng đã chuyển trót lọt các tin tức bí mật của Cách mạng trong thời gian dài. Có một lần, người đưa tin vừa chuyển tài liệu tới nhà, mẹ mới dắt vào tai, thì thấy xe cảnh sát ập vào nhà. 

"Khi ấy, tài liệu vẫn đang dắt trên tai, không thể vứt bỏ đâu kịp được, mẹ vô phòng má chồng xin miếng trầu mà bà vừa têm xong, cho cả trầu và tài liệu vào miệng nhai luôn. Má chồng nhìn thấy vậy, biết vậy, nhưng bà im lặng không nói gì cả. Mà bữa đó, cảnh sát vô để bắt chồng của mẹ. Người ta dẫn ổng ra xe, mẹ đứng bên trong nhìn ra, thương ổng quá mà không biết phải làm sao. Ổng còn bị bắt sau đó nhiều lần nữa", mẹ Đặng hồi tưởng.

Khi cuộc chiến lan rộng ở khắp miền Tây Nam bộ, những người con trai của mẹ Trương Thị Đặng lần lượt tham gia Cách mạng.

Chiến tranh diễn ra ngày càng khốc liệt. Trong năm 1970, mẹ Đặng đón nhận các tin dữ chỉ trong vài tháng. Lần thứ nhất, mẹ đang ở ngoài chợ thì có người tới báo tin con trai thứ 3 là Trần Tồng Xuân đã hy sinh. "Nghe người ta nói, xác của con không toàn thây, thương lắm", rồi mẹ chạy vội về nhà báo tin cho chồng và làm bát nhang để cúng con trai. Bát nhang này phải đặt dưới bếp, giả như là cúng ông Táo để tránh sự dòm ngó của cảnh sát.

Sau khi người con Trần Tồng Xuân hy sinh, người con thứ 5 của mẹ là Trần Mậu Tý nói rằng "ba má yên lòng, con sẽ chiến đấu trả thù cho anh Ba". "Nhưng chẳng ngờ đâu, chỉ hơn hai tháng sau, thằng Năm cũng hy sinh", mẹ Đặng nghẹn ngào kể lại.


2.

Những tháng ngày "khổ quá trời khổ luôn" vẫn chưa dừng lại đối với gia đình mẹ Trương Thị Đặng. "Thằng Tư của mẹ", anh Trần Ngọc Hưng, bị địch bắt và đày ra Côn Đảo từ năm 1962, tới năm 1972 thì được trao trả về Lộc Ninh. Từ Sóc Trăng, mẹ Đặng giả người đi làm rẫy để tới thăm con trai. Mẹ chỉ mang theo ít tiền dắt kín trong người và chiếc áo mưa. Sau bao thời gian đi nhờ xe, ngủ vật vã ngoài đường, mẹ Đặng gặp được con trai. Hai mẹ con ôm nhau khóc nức nở. Anh Tư Hưng luôn miệng hỏi: "Mẹ ở trên trời rớt xuống hả? Mẹ ở trên trời rớt xuống hả?". Và người mẹ anh hùng ấy đã đưa hết cho con cả tấm áo mưa lẫn chút tiền ít ỏi. Còn người con trai mặt đầm đìa nước mắt nói má cầm hết về để lo liệu dọc đường. "Chiếc áo mưa để má mặc khỏi lạnh, chút tiền để má mua đồ ăn. Con ở đây có gì ăn nấy", anh Tư Hưng nghẹn ngào nói.

Quay trở về quê nhà Sóc Trăng, vào đầu năm 1975, mẹ Trương Thị Đặng lại tiễn con trai thứ Bảy, anh Trần Quốc Dũng, theo Cách mạng. Tháng 4 năm ấy, Sài Gòn giải phóng. "Vào ngày 30/4, khi mẹ đang ở ngoài chợ thì được mọi người thông báo: Sài Gòn đã giải phóng rồi! Mẹ hay tin trong một tâm trạng rất lạ lùng, khó quên lắm. Mừng chứ, ai mà không mừng. Lo chứ, mẹ lo vì rồi không biết lần này Cách mạng có thành công không. Thời khắc ấy, cảm xúc đan xen. Cả nhà tụ họp lại, mường tượng ra cuộc sống của ngày mai…", mẹ Đặng kể.

Sau ngày đất nước thống nhất, mẹ Đặng vẫn tiếp tục với công việc của một tiểu thương ngoài chợ. Mẹ tích cực hoạt động công tác phụ nữ. Mỗi khi đi qua các cây cầu ở Sóc Trăng, nơi có ghi tên cầu, đường và kênh Ông Trệt Xìu, mẹ rất tự hào và biết ơn ba chồng đã hiến của cải, tài sản của gia đình để giúp đỡ người dân nơi đây. Mẹ Trương Thị Đặng được phong danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng năm 2014 và nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng vào năm 2020. Hiện mẹ vẫn rất minh mẫn và tinh anh, sống vui vầy bên con cháu…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn