Thỉnh thoảng cần ‘đào hố’ dưới chân con

28/10/2016 - 13:30
Trong khi đa phần cha mẹ trải thảm đỏ dưới chân con, tạo điều kiện tốt nhất cho con thì có cha mẹ lại sẵn sàng “đào hố” dưới chân con bằng việc tạo ra những trở ngại để con tự tìm cách vượt qua.
con-nga.jpg
Tạo trở ngại cho con từ những khó khăn nhỏ bé hàng ngày. Ảnh minh họa internet.

Theo anh Nguyễn Nam (Pháp Vân, Hà Nội), tạo ra trở ngại cho con, không phải những thử thách gì lớn mà là những khó khăn nhỏ hàng ngày. Đó là, khi con ngã, nếu con không bị thương, nếu con không quá đau, anh thường không chạy đến nâng con dậy, không ôm ấp, xuýt xoa con và đánh mắng những đồ vật đã "ngáng chân" con.

Anh bảo con tự đứng dậy, 1-2 lần có thể con sẽ khóc vì muốn thu hút sự chú ý của người lớn, nhưng sau này, con sẽ không khóc nữa. Anh muốn con biết rằng, những việc gì có thể làm, con hãy tự làm, con hãy tự đứng lên từ những vấp ngã đầu tiên.

Anh Nguyễn Nam luôn quan sát những điểm yếu của con và thiết kế những hoạt động để con làm quen, khắc phục những hạn chế của con. Biết con sợ độ cao, anh rèn luyện cho con bằng cách khuyến khích con trèo lên cao dần dần, đứng từ trên cao nhìn xuống... Rèn luyện thường xuyên, nỗi sợ độ cao của con đã được cải thiện rất nhiều.

Đôi khi, anh Nguyễn Nam lại rủ con đi miền núi, đến những nơi khó khăn và con phải tự xoay sở với cuộc sống thiếu thốn, nghèo nàn về vật chất. Anh muốn con rèn luyện bản lĩnh tự lo liệu cuộc sống, bồi dưỡng ý thức kiên cường và khả năng khắc phục khó khăn của con.

Chị Đoàn Phương Thảo (Mỹ Đình, Hà Nội) lại dạy con đối diện với những thất bại: Trong kỳ thi, trong một cuộc thử sức, hoặc đơn giản là trong những trò chơi… Chị mong muốn, những thất bại sẽ dạy con nhiều điều, cho con nhiều kinh nghiệm, giúp con không chủ quan.

tht-bi.jpg
Giáo dục con học cách chấp nhận khó khăn, trở ngại là để con thích ứng tốt hơn trong cuộc sống sau này. Ảnh minh họa internet.

Anh Nguyễn Nam, chị Phương Thảo tạo ra những trở ngại cho con, bởi họ quan niệm, trên con đường trưởng thành, trẻ khó có thể tránh được những khó khăn. Nếu mọi việc với trẻ đều thuận lợi, thì khi gặp khó khăn, trẻ sẽ lúng túng, lo lắng, không biết giải quyết thế nào, dễ dẫn đến thất bại. Thế nên, trong cuộc sống hàng ngày, cũng như trong việc học, họ chủ động tạo ra một số trở ngại để trẻ đối mặt, nhằm bồi dưỡng khả năng phân tích, tự xử lý vấn đề cho trẻ.

Theo chuyên gia tâm lý, giáo dục Đông Tử, tác giả cuốn sách "Cha tốt hơn là người thầy tốt": Trong cuộc sống cũng như trong học tập, cha mẹ nên tạo ra một số khó khăn, trở ngại để con có thể thử sức. Tuy nhiên, nên chú ý tới tính dự phòng và tính chuẩn xác của hành động để không phản tác dụng với mục đích đề ra, không bỏ qua những đặc điểm tâm lý lứa tuổi của con. Cha mẹ nên tạo ra những khó khăn phù hợp với lứa tuổi của con, để con có thể giải quyết được.

Giáo dục con học cách chấp nhận khó khăn, trở ngại là để con thích ứng tốt hơn, vững vàng hơn trong cuộc sống và trong học tập sau này. Vì thế cha mẹ cần kiên trì bởi bất cứ sự lơi lỏng nào cũng tạo cho trẻ thói quen ỷ lại. 

 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm