Tuyệt chiêu 'xử lý' con 'cứng đầu'

16/10/2016 - 08:00
“Học ĐH thật phí thời gian, con thà đi làm sớm còn hơn”, “Học hành chán chết. Con không muốn đi học nữa”…, nhiều cha mẹ đau đầu khi đứa con vị thành niên thuộc luôn miệng chống đối.
Bước vào tuổi vị thành niên, nhiều đứa trẻ có lý lẽ chống đối theo nhận thức của mình. Ảnh minh họa internet.

Những đứa trẻ vị thành niên luôn có những lý lẽ chống đối theo hiểu biết hạn hẹp của chúng. Đôi khi, chúng nhận thức về thế giới một cách lệch lạc và sai trái. Với những đứa con “cứng đầu”, “ngang như cua” này, nhiều cha mẹ phát điên khi chúng khăng khăng bảo vệ lý lẽ, làm theo những điều chúng suy nghĩ. Không ít cha mẹ phản ứng bằng cách phủ định chúng, mắng nhiếc chúng là ngu dốt, thiếu hiểu biết, là phí công bố mẹ nuôi ăn học… Cũng có những cha mẹ không mắng chửi nhưng giải thích với con theo kiểu rất “mô phạm”: Không đúng, việc học rất thú vị. Con vẫn phải học cho dù muốn hay không…

Theo chuyên gia giáo dục Trần Đăng Triều (TGM Corp), những phản ứng trên không khiến con cái nghe lời. Bởi những phản ứng này không đếm xỉa đến cảm xúc của con, phủ nhận hoàn toàn nhận thức về thế giới của chúng, mỉa mai ý kiến của chúng, đặc biệt thể hiện quyền lực và sự áp đặt của người làm cha, làm mẹ, và đưa ra những lời khuyên mang tính giáo điều.

Anh Trần Đăng Triều cho biết, người lớn càng muốn áp đặt hay phủ nhận ý kiến của con cái theo hướng từ trên ép xuống bao nhiêu, trẻ càng có xu hướng ra sức bảo vệ ý kiến của chúng và cưỡng lại ý muốn của người lớn bấy nhiêu, bất chấp những mong muốn của cha mẹ.

Cha mẹ cần tôn trọng nhận thức về thế giới của con. Ảnh minh họa internet.

Chính vì vậy, cha mẹ nếu muốn có ảnh hưởng tốt đến con cái và thay đổi cách nghĩ của chúng, trước hết cần phải tôn trọng nhận thức về thế giới của con, cho dù những hiểu biết ấy có vẻ điên rồ hay khờ dại đến thế nào đi nữa.

Khi cha mẹ công nhận quan điểm của con cái, chúng sẽ ở trong tâm thế thoải mái và dễ chấp nhận đề nghị của cha mẹ. Chỉ sau khi đã đạt được điều này, cha mẹ mới sử dụng bước chuyển hóa, tức là lái cách nghĩ của trẻ từ tiêu cực sang tích cực.

Cha mẹ có thể nói với con: Mẹ hiểu là con cảm thấy việc học ĐH là lãng phí thời gian. Mẹ đồng ý là việc học có thể nhàm chán. Sau đó, cha mẹ bắt đầu động thái chuyển hóa con bằng các cụm từ "đồng thời", "bên cạnh đó", "mặt khác", "ngoài ra",...; tránh dùng những cụm từ "nhưng, tuy nhiên"… vì chúng có khuynh hướng châm ngòi cho phản ứng tự vệ tức thì của con.

Cha mẹ có thể nói: Mẹ đồng ý là việc học nhàm chán và đó là lý do tại sao chúng ta phải tìm cách làm cho việc học trở nên vui vẻ và thú vị. Mẹ đồng ý là việc học phí thời gian nếu con không biết tại sao con phải học, hay nếu con học chỉ vì cha mẹ. Đồng thời nếu con đặt mục tiêu thành công, việc học sẽ mang lại cơ hội giúp con có được những gì con muốn… Cách nói này sẽ tạo động lực cho trẻ nhiều hơn so với việc cha mẹ áp đặt và cấm đoán con.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm