12 tháng nóng nhất trong lịch sử: Mức nhiệt đạt kỷ lục mới

7,3 tỷ người phải chịu ít nhất 10 ngày nắng nóng

Báo cáo mới nhất của Climate Central, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên phân tích và báo cáo về khoa học kí hậu trên thế giới, cho thấy: Nhiệt độ trung bình đo đạc được trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm 2022 đến tháng 10 năm 2023 đã đạt kỷ lục mới. Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 12 tháng này đã cao hơn 1,3 độ C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp.

Báo cáo cũng cho thấy cứ 4 người thì có 3 người đã phải chịu đựng sự nóng bức khắc nghiệt kéo dài nhiều hơn một tháng.

12 tháng nóng nhất trong lịch sử: Mức nhiệt đạt kỷ lục mới- Ảnh 1.

Dữ liệu từ báo cáo cho thấy 7,3 tỷ người, tương đương 90% dân số thế giới, đã phải hứng chịu ít nhất 10 ngày nắng nóng cao điểm trong giai đoạn 12 tháng vừa qua. Điều này từng được cho là bất thường, nhưng tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra đã tăng khả năng ghi nhận được các mức nhiệt cực đoan này lên gấp 3 lần.

Nắng nóng đã diễn ra dữ dội nhất tại châu Âu và châu Phi trong những tháng gần đây. Nhiệt độ trung bình ở Thụy Sĩ (châu Âu) và Nam Sudan (châu Phi) từ tháng 5 đến tháng 10 năm nay cao hơn 2 độ C so với mức nhiệt độ trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Những con số này phù hợp với những dự đoán về sự nóng lên toàn cầu từng được đưa ra do tác động tiêu cực của các hoạt động do con người gây ra.

"Các kỷ lục mới không phải là điều bất ngờ vì chúng ta đang sống trên một hành tinh có xu hướng nóng lên. Xu hướng này vẫn đang tiếp diễn vào năm 2023 như đã được dự báo", tiến sĩ Andrew Pershing, Phó chủ tịch phụ trách khoa học tại Climate Central nói.

Theo tiến sĩ Kristie Ebi, giáo sư tại Trung tâm Y tế và Môi trường Toàn cầu của Đại học Washington (Hoa Kỳ): "Chúng ta cần phải thích ứng, giảm thiểu và chuẩn bị tốt hơn cho những thiệt hại sắp tới". Bà chỉ ra những thay đổi không đồng đều giữa các khu vực về lượng mưa, mực nước biển, nguy cơ hạn hán và cháy rừng.

Dữ liệu tính riêng trong những tháng gần đây được các nhà khoa học châu Âu công bố cũng cho thấy sự tăng tốc mạnh mẽ của xu hướng nóng lên.

12 tháng nóng nhất trong lịch sử: Mức nhiệt đạt kỷ lục mới- Ảnh 2.

Biểu đồ thể hiện sự chênh lệch nhiệt độ toàn cầu hàng năm so với nhiệt độ trung bình vào tháng 10. Nguồn: Copernicus Climate Service

Cơ quan chuyên trách các vấn đề biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (Copernicus Climate Change Service) cho biết: Vào thời điểm tháng 10 năm 2023 ghi nhận 4 tháng liên tiếp có mức nhiệt cao kỷ lục. Trong 10 tháng đầu của năm 2023, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,43 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Mức nhiệt này đã cao hơn 1/10 độ C so với mức quan sát được trong 10 tháng đầu của năm 2016, năm nóng nhất trong lịch sử quan trắc kể từ năm 2016 trở về trước.

Các nhà khoa học cho biết, sự nóng lên của khí hậu có mối liên hệ chặt chẽ tới các thảm họa đang diễn ra trên toàn thế giới: Các bệnh viện quá tải do các bệnh liên quan đến nắng nóng; hàng nghìn người chết và hàng triệu người phải di dời do lũ lụt; riêng ở châu Phi, 23 triệu người không có nguồn cung lương thực đảm bảo do hạn hán.

12 tháng nóng nhất trong lịch sử: Mức nhiệt đạt kỷ lục mới- Ảnh 3.

Người dân mặc đồ bảo vệ trước nắng nóng gay gắt

Con người là tác nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu?

Báo cáo cho biết sự nóng lên bất thường là hệ quả trực tiếp của các hoạt động như đốt cháy xăng, than đá, khí tự nhiên và các nhiên liệu hóa thạch khác thải ra các loại khí nhà kính như CO2.

Theo tiến sĩ Andrew Pershing, mọi người đều nhận thấy khí hậu có gì đó không ổn, nhưng họ chưa chắc đã hiểu rõ nguyên nhân. Nhiều người không nhận ra mối liên hệ giữa thời tiết bất thường với việc chúng ta sử dụng các nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu và khí đốt tự nhiên. Các phân tích khoa học cho thấy, nếu lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch không làm trái đất nóng lên một cách đột ngột trong một thế kỷ rưỡi vừa qua thì những đợt nắng nóng khắc nghiệt gần đây có thể sẽ không quá gay gắt hoặc kéo dài như vậy.

Kim Cobb, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Brown (Hoa Kỳ), cho biết: Mặc dù những đợt nắng nóng năm ngoái rất gay gắt nhưng đại dương cũng đã hấp thụ phần lớn lượng nhiệt dư thừa do biến đổi khí hậu gây ra. Tuy vậy, bà cảnh báo rằng, các đại dương đang đạt đến mức giới hạn của chúng và có nguy cơ không thể đóng vai trò điều hoà nhiệt độ của trái đất được nữa.

Còn Jason Smerdon, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Columbia (Hoa Kỳ), thì cho rằng vào thời điểm này, không ai nên mất cảnh giác. "Chúng ta biết rằng mọi thứ đang nóng hơn, điều này đã được dự đoán trong nhiều thập kỷ", ông nói.

12 tháng nóng nhất trong lịch sử: Mức nhiệt đạt kỷ lục mới- Ảnh 4.

Trẻ em tìm đến đài phun nước ở Công viên Battery New York (Hoa Kỳ) trong đợt nắng nóng tháng 9/2023. Ảnh: ABC

Năm 2024 dự báo nắng nóng còn gay gắt hơn

Trong "Thỏa thuận Paris" - một trong những thoả thuận lịch sử quan trọng nhất về hành động chung của các quốc gia trên toàn thế giới – các quốc gia cam kết nỗ lực hành động để giới hạn mức tăng nhiệt độ đến 1,5 độ C so với mức nhiệt thời kỳ tiền công nghiệp. Nhìn vào mức nhiệt độ tăng trung bình toàn cầu trong giai đoạn 12 tháng này đã cao hơn 1,3 độ C, cho thấy hành tinh đang tiến gần hơn bao giờ hết đến ngưỡng mà các nhà khoa học đã dự đoán sẽ gây ra thiệt hại không thể đảo ngược, thậm chí là dẫn đến sự phá huỷ, của toàn bộ hệ sinh thái trên trái đất.

Với việc công bố báo cáo của mình, các nhà khoa học tại Climate Central hy vọng nhấn mạnh được tính cấp bách của tình hình và thúc đẩy những cam kết thiết thực tại COP 28 - Hội nghị thường niên về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, sẽ khai mạc vào ngày 30/11/2023 tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Tại sự kiện, các nhà lãnh đạo toàn cầu sẽ thảo luận về các chính sách để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.

Khi mức nhiệt kỷ lục vào năm 2016 được xác lập, trái đất đang nằm ở giai đoạn cuối của một đợt El Niño, một hiện tượng khí hậu tự nhiên dẫn đến sự nóng lên bất thường của nhiệt độ bề mặt Thái Bình Dương, gây ra sự xáo trộn trong quá trình phân bổ nhiệt toàn cầu. Hiện tại, một đợt El Niño mạnh mẽ đang trong giai đoạn hình thành và dự kiến sẽ đạt đỉnh vào mùa đông năm nay, khiến năm 2024 được dự báo còn nóng hơn.

Pershing cho biết: "El Niño sẽ đẩy những chỉ số nhiệt độ này lên cao hơn. Hành tinh chúng ta sẽ tiếp tục thiết lập những kỷ lục về sự nóng lên của trái đất vào năm tới".

Nguồn: Climate Central, AP News, The Washington Post
25/11/2023 13:27