14 năm mòn mỏi “tìm con” và hạnh phúc vỡ òa của cặp vợ chồng hiếm muộn

14 NĂM MÒN MỎI "TÌM CON" VÀ HẠNH PHÚC VỠ ÒA CỦA CẶP VỢ CHỒNG HIẾM MUỘN

Câu chuyện hành trình 14 năm đi từ Bắc vào Nam với mong mỏi có được mụn con của vợ chồng anh Hoàng Triệu Hóa và chị Vũ Thanh Miền không còn xa lạ với người dân khu phố 3 thuộc phố cổ Đồng Văn (Hà Giang).

Như bao cặp vợ chồng khác, chị Miền, anh Hóa sau khi kết hôn cũng mong nhanh chóng sinh con để tình cảm vợ chồng thêm gắn kết, để những người già trong gia đình có niềm vui khi nghe tiếng con trẻ cười đùa.

14 năm mòn mỏi “tìm con” và hạnh phúc vỡ òa của cặp vợ chồng hiếm muộn đón 2 con gái chào đời - Ảnh 1.

Thế nhưng, niềm hạnh phúc đơn sơ đó lại không dễ dàng đến với anh chị. Phố cổ Đồng Văn (Hà Giang) vốn nhộn nhịp nhưng ngôi nhà đơn sơ của gia đình anh Hóa và chị Miền lại từng trầm lắng suốt 14 năm. Chỉ cho đến khi 2 bé Hoàng Bảo Ngọc và Hoàng Bảo Anh ra đời, ngôi nhà ấy mới bừng sáng ngập tràn niềm vui, hạnh phúc.

14 năm đằng đẵng 2 vợ chồng phải gạt nước mắt ngược xuôi Bắc - Nam chữa bệnh, "tìm con". Và giờ đây khi nhìn vào 2 cô con gái đang nằm ngủ ngoan, chị Miền mắt ngấn lệ nói: "Kết quả của 14 năm nỗ lực đến phút cuối cùng. Khi mà chỉ còn 2 phôi, lúc mọi hi vọng chỉ còn le lói thì hạnh phúc lại đơm hoa".

Chị quen anh trong 1 lần đi công tác xuống Đồng Văn. Thấy anh là giáo viên cấp 2 – cùng nghề với mình lại hiền lành chất phác nên chị cảm mến. 2 năm đầu sau đám cưới, chị Miền không nghĩ nhiều về chuyện chậm con. Sau 1 lần bị sảy thai chị càng khó đậu thai lại. Lúc này đi khám thì chị được chẩn đoán hiếm muộn với "bệnh chồng bệnh". Anh chị cũng đi khám nhiều chỗ, thuốc thang khắp nơi, ai mách gì chữa nấy.

"Từ nhà tôi xuống bệnh viện Hà Nội hơn 500km. Cứ chiều đi làm về là 2 vợ chồng bắt xe về thành phố Hà Giang, rồi đi xe giường nằm xuống Hà Nội. Cứ như thế kéo dài 14 năm. Bác sĩ bảo tôi có dự trữ buồng trứng ít, Polyp cổ tử cung, tắc 2 vòi trứng. Rồi sau đó lại bị lạc nội mạc cơ tử cung. Bác sĩ nói gần như tôi không còn khả năng mang thai. Tôi suy sụp vô cùng", chị Miền tâm sự. 

Khi biết nguyên nhân chủ yếu do mình, chị Miền vừa đau đớn vừa tuyệt vọng. Người ta nói làm mẹ là thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ nhưng mọi thứ ngày càng xa tầm với của chị. Là giáo viên mầm non, hàng ngày tiếp xúc với nhiều trẻ nhỏ càng khiến khát khao có con của chị mãnh liệt. Có những lúc chị tưởng chừng như muốn gục ngã vì đi làm thì được ôm các con, được chơi đùa cùng các con nhưng tối đến về nhà chỉ có 2 vợ chồng hiu quạnh.

Anh Hóa không sốc, cũng không thể hiện bất kì sự thất vọng nào ra ngoài khi hay tin vợ khó sinh con. Thay vào đó, điều anh làm là ôm vợ vào lòng, an ủi, động viên rằng đây chỉ là điểm đầu của hành trình mà anh chị sắp phải vượt qua.

Chị kể: "Có lần anh đi ăn cơm nhà bạn bị họ kích bác "Mày là con trai một, vợ như thế thì bỏ đi mà lấy vợ khác, tại nó chứ tại mày đâu". Nhưng anh đáp: "Bọn mày có bỏ được vợ bọn mày không? Vợ chồng với nhau chứ có phải cái áo đâu". Tôi cũng đã 2 lần lên tòa xin đơn về bảo anh ký nhưng anh toàn xé đi. Anh động viên tôi tiếp tục cố gắng nếu không được thì xin con nuôi".

Chưa 1 lần bất đồng quan điểm, chưa 1 lần nhà chồng trách nàng dâu. Sự tử tế và chân thành của các thành viên trong gia đình anh đã tiếp thêm sức mạnh cho chị "chiến đấu".

Không ngại khó ngại khổ vào Nam ra Bắc, cứ mỗi lần thất bại chị lại thương chồng mình hơn. Mỗi lần chị muốn bỏ cuộc anh lại là người động viên chị bước tiếp.

Năm 2016, tình cờ đọc được thông tin về Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, anh chị lại tiếp tục khăn gói bước vào hành trình mới, quyết định thực hiện Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Suốt 6 năm điều trị tại đây, trải qua 3 lần chọc trứng, 2 lần thụ tinh, 3 lần chuyển phôi, cuối cùng điều kì diệu đã đến.

"Mỗi lần chuyển phôi là tôi sắm nhiều đồ lắm nhưng lần này mang tâm lý không được như những lần trước, quá nhiều lần bị hụt hẫng cũng thành quen nên tôi mang đúng 3 bộ quần áo. Lúc thử thì nồng độ beta thấp, hi vọng được 1 bé cũng được. Nhưng kết quả thật sự là vỡ òa. Đưa sổ khám cho chồng xem mà anh ấy không tin vào mắt mình. Cả 2 vợ chồng ôm nhau khóc giữa bệnh viện", chị Miền rưng rưng chia sẻ.

Nhắc đến trường hợp của chị Miền, BSCKI Phạm Văn Hưởng (Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cũng không giấu được xúc động. Anh cho biết, ở độ tuổi không còn quá trẻ, cùng nhiều bệnh lý đi kèm, chuyện mang thai của chị Miền thực sự không hề dễ dàng.

Khi đó, bác sĩ Hưởng cùng các cộng sự đã đã quyết định thực hiện gom trứng cho chị Miền. Sau 2 lần kích trứng và tiến hành gom trứng, chị Miền chỉ gom được 5 trứng. 

Sau khi thụ tinh và có phôi, chị Miền được bác sĩ chỉ định chuyển phôi và chị đã có beta ngay lần đầu tiên. Mang thai được ngỡ tưởng đã êm xuôi, ai ngờ chị bị thai lưu, phải bỏ thai ở tuần thứ 12.

Đến năm 2020, vợ chồng chị Miền quay lại bệnh viện để tiếp tục hành trình tìm con của mình. Tiếp nhận hồ sơ, bác sĩ Hưởng lại thấy khó khăn gấp bội vì bệnh nhân tuổi đã cao, tiền sử lưu thai, nhiều bệnh lý ở tử cung... Thế nhưng thương bệnh nhân vẫn khát khao đi tìm con, bác sĩ Hưởng một lần nữa thay đổi phác đồ kích thích buồng trứng và thực hiện gom trứng.

Lần này may mắn hơn, chỉ với một lần kích, chị Miền đã chọc được 7 noãn. Điều đó khiến cho bác sĩ Hưởng cũng thấy lạc quan hơn hẳn vì sẽ được tạo phôi luôn, không phải để trữ đông nữa.

Ở lần chuyển phôi này, tưởng chừng mọi thứ thuận lợi, ai dè chị bị thai ngoài tử cung, thế là lại thêm tiền sử bệnh. Đến lúc này, nhiều người sẽ nghĩ đến chuyện buông xuôi và dừng lại nhưng chị vẫn muốn được một lần thực hiện thiên chức làm mẹ đầy thiêng liêng.

"Về nguyên tắc, khi tiếp nhận hồ sơ có tiền sử lạc nội mạc cơ tử cung, bị đau rất nhiều thì đầu tiên, các bác sĩ phải điều trị ức chế lạc nội mạc, giảm đau trước. Vậy nên chị Miền được chỉ định điều trị trước khi chuyển phôi 3 tháng. Sau đó, chị chuyển phôi thành công, có thai rồi lại không giữ được. Nếu như ngay từ đầu không thành công thì đã khác. Nhưng ở trường hợp của chị, thực sự rất trớ trêu, cứ đang trên đường ngỡ là thuận lợi thì lại có tin thai mất sớm. Mỗi lần hút thai, bệnh nhân chịu đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Người làm bác sĩ như chúng tôi cũng bị ám ảnh, dằn vặt", bác sĩ Hưởng chia sẻ.

Thế nhưng, ở chị Miền, có một thứ để các bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội có động lực tiếp tục tiến hành điều trị. Đó là khát khao cháy bỏng và quyết tâm được mang thai, được làm mẹ. Điều này khiến bác sĩ Hưởng có một niềm tin nhất định người phụ nữ này sẽ được đền đáp xứng đáng cho những mong đợi của mình.

Và rồi cuối cùng, nhờ sự bền bỉ của bệnh nhân, sự kiên trì của các bác sĩ, chị Miền cũng mang thai và sinh được 2 con khỏe mạnh ở tuần thứ 32.

Mang thai, sinh con khỏe mạnh - đó không chỉ là niềm vui, hạnh phúc của riêng chị và gia đình mà còn là niềm hạnh phúc vô bờ của các y bác sĩ đã trực tiếp theo dõi và điều trị cho chị tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

Thế nhưng, nhận được tin vui sau 14 năm đằng đẵng chờ đợi và không ngừng nỗ lực, cái kết đẹp vẫn chưa hoàn toàn đến với anh chị lúc đó. Chị Miền lại bước vào những giai đoạn cam go khi 1 mình ở lại Hà Nội trong suốt 9 tháng thai kì.

Từng là người theo sát và nỗ lực hết mình trong quá trình mang thai của chị Miền, ThS.BS Hoàng Văn Khanh (chuyên sản phụ khoa, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cho biết, đây là bệnh nhân đã có 2 lần chọc trứng và chuyển phôi nhiều lần mà không thành công. Điều đó không chỉ khiến bệnh nhân buồn mà với tư cách là bác sĩ hỗ trợ và quản lý thai cho bệnh nhân, anh cũng thấy không yên tâm. 

BS Khanh luôn tự nhủ mình phải cố gắng cho đến những hy vọng cuối cùng. May mắn sao, ở lần chuyển 2 phôi cuối cùng, chị Miền đã giữ thai thành công và đón được 2 em bé khoẻ mạnh, đáng yêu. "Thực sự lúc đó, mình rất mừng cho bệnh nhân" - bác sĩ Khanh vẫn không giấu nổi sự xúc động khi nhớ lại.

Nhắc về quá trình điều trị cho chị Miền, Bác sĩ Khanh chia sẻ, bên cạnh niềm vui đậu thai thành công là sự lo lắng vì quá trình mang thai của chị Miền có nhiều vấn đề. Một là, chị Miền bị lạc nội mạc cơ tử cung, khả năng co giãn kém, nguy cơ sảy thai hoặc sinh non cao. Hai là, trong quá trình mang thai, bệnh nhân phát sinh nhiều vấn đề như dọa sảy, tiểu đường thai kỳ nên các bác sĩ phải hội chẩn chuyên khoa để phối hợp hỗ trợ điều trị.

Một khó khăn khác đó là chị Miền phải 2 lần thực hiện khâu eo cổ tử cung trong quá trình mang thai. Khi đó, thai được ngoài 20 tuần, chị Miền vừa phải điều trị nội tiết vì tiểu đường thai kỳ, vừa phải điều trị vì cổ tử cung tụt thấp và có nguy cơ sinh non cũng như sảy thai. Sau khi xem xét tình hình, bác sĩ đã tư vấn và chỉ định khâu cấp cứu ngay cho chị vì lúc này cổ tử cung đã rất ngắn, phải đảm bảo an toàn cho thai nhi.

Khi được hỏi tại sao không thực hiện khâu eo cổ tử cung sớm hơn, bác sĩ Khanh cho biết: "Chị Miền có cổ tử cung phì đại... Sau nhiều lần chạy chữa, tử cung của chị không còn giống của chị em bình thường nữa, cho nên việc khâu lúc nào phải cân nhắc. Nếu quyết định khâu cổ tử cung cho một người có tiền sử bệnh lý như vậy thì thực sự rất khó và hiệu quả lại không cao. Thậm chí, nó còn có thể phản tác dụng".

Tưởng thế là thở phào, bỗng 2 tuần sau, chị Miền bị ra máu ồ ạt. Nguyên nhân là bởi vị trí chân chỉ khâu xong bị viêm, bệnh nhân phải nằm cố định một chỗ, thay gạc liên tục. Khâu eo cổ tử cung đã khó. Giờ phải tìm lại vị trí từ chân chỉ bị chảy máu để khâu lại thì khó hơn nhiều. Lo bệnh nhân mất máu nhiều, BS Khanh quyết định khâu toàn bộ chân chỉ. May mắn là sau khi khâu xong, mọi thứ đều êm xuôi.

Từ tuần 28 đến tuần 30, chị Miền xuất hiện nhiều cơn co. Điều này hoàn toàn nằm trong dự đoán của các bác sĩ. Cứ thế, chuyện ra vào viện của chị như cơm bữa khiến bác sĩ Khanh cũng như các nhân viên y tế khác trong viện không khỏi thương xót trước hoàn cảnh của người phụ nữ ở vùng miền núi khó khăn.

"Mình cứ chạy sang viện là hô từ cổng vào, đến bảo vệ cũng nhớ mặt, còn các bác sĩ thì chỉ cần thấy bóng là tới đỡ ngay", không giấu được xúc động, chị Miền kể lại.

Chị cũng bảo, tuy lúc mang thai không có ai bên cạnh nhưng chị lại mang tất cả niềm tin và hi vọng của cả gia đình. Anh thì vẫn phải công tác, bố mẹ chồng cũng có tuổi, mỗi tuần lại cố làm vài mẻ bánh bán chợ phiên để kiếm thêm thu nhập hỗ trợ con dâu.

Đến tuần thứ 32 thì chị Miền sinh non, anh Hóa đã kịp xuống với vợ trước đó vài ngày. Nhắc về khoảnh khắc 2 con gái cất tiếng khóc chào đời anh chị không biết diễn tả ra sao. Vì có những niềm hạnh phúc không thể dùng lời để biểu đạt. Bé lớn chỉ nặng 1,6kg, bé thứ 2 được 1,4kg nên chị càng xót xa thương con.

Chờ đợi bao năm tháng được đón con đến với thế giới này thì các con lại phải nằm lồng ấp, chị Miền bị Covid-19, không kịp thấy bé gái thứ 2 đã phải về quê cách ly.

Nỗi lòng của người mẹ như quặn thắt khi nhớ con, đau đáu mong đến ngày được ôm trọn các con.

"Tôi nhớ con lắm lại bị tức sữa, cứ vừa vắt sữa vừa khóc nghĩ không biết con mình giờ thế nào, được ăn no không. Cứ như thế mà tôi sút 7kg", chị Miền vẫn dâng trào cảm xúc khi nhớ về những ngày khó khăn ấy.

Nhưng rồi tất cả cũng đi qua, ngôi nhà ấy lại rộn rã tiếng cười, đến cả các bác hàng xóm cũng bận rộn ra vào hỏi thăm tíu tít. Mùa xuân ấy, hoa lại nở trên cao nguyên đá Đồng Văn…

Có những lúc nhìn lại, chị Miền trầm tư mỉm cười: "Cứ nghĩ bằng tuổi mình người ta có tiền mua đất xây nhà mua xe, mình lại tay trắng". Dù được bố mẹ chồng và anh chị chồng hỗ trợ nhiều về mặt kinh tế lẫn tinh thần nhưng hiện tại anh Hóa, chị Miền vẫn đang vay nợ ngân hàng vì quá trình điều trị hiếm muộn suốt 15 năm khá tốn kém.

Thế nhưng bù lại, gia đình họ đã có "2 cục vàng" - tài sản vô giá mà đôi khi ngoài nỗ lực vẫn cần chút may mắn mới có được.

H.N (thực hiện)