An Giang: Dấu ấn từ các mô hình sinh kế, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ
Các mô hình sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã được Hội LHPN tỉnh An Giang triển khai trong thời gian qua đã giúp cải thiện và nâng cao đời sống của hội viên phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đồng bào dân tộc; đồng thời góp phần vào phát triển kinh tế địa phương.
Phụ nữ dân tộc gắn bó với thủ công mỹ nghệ
Tỉnh An Giang có gần 28.500 hộ đồng bào dân tộc Khmer, Chăm, Hoa với khoảng 112.000 người, chiếm 5,26% dân số toàn tỉnh. Trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm 3,89% tổng dân số toàn tỉnh, sống tập trung nhiều nhất ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Dân tộc Chăm chiếm 0,59% dân số toàn tỉnh, sống khá đông ở huyện An Phú và thị xã Tân Châu. Trong khi đó, dân tộc Hoa có khoảng 5.250 người sống chủ yếu ở khu vực thành thị.
Nguồn thu nhập của đồng bào dân tộc chủ yếu từ trồng trọt, chăn nuôi, làm thuê làm mướn theo thời vụ, nghề chài lưới, buôn bán nhỏ và dệt thủ công truyền thống. Tại An Giang, nhiều làng nghề thủ công truyền thống được hình thành từ lâu đời và tồn tại đến nay như nghề mộc, nghề đan đát, nghề dệt thổ cẩm, nấu đường thốt nốt, làng nghề nuôi cá bè với mô hình nhà nổi trên sống…
Phần lớn chị em phụ nữ sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, trình độ dân trí còn hạn chế, thời gian nhàn rỗi nhiều, thu nhập bấp bênh và thường xuyên thiếu vốn sản xuất.
Để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đáp ứng theo nhu cầu của hội viên, phụ nữ, các cấp Hội LHPN tỉnh An Giang đã rà soát, nắm tình hình hội viên phụ nữ theo từng nhóm đối tượng. Cụ thể, phụ nữ nông thông tham gia vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh kế tập trung vào các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất khô cá, mua bán tạp hóa nhỏ lẻ… chủ yếu sản xuất theo mùa vụ và đơn hàng nhỏ.
Tại An Giang, nhiều làng nghề thủ công truyền thống được hình thành từ lâu đời và tồn tại đến nay
Phụ nữ dân tộc có thu nhập chính từ các hoạt động chăn nuôi, trồng rau màu, sản xuất nghề truyền thống, buôn bán nhỏ. Phụ nữ biên giới thu nhập chính từ buôn bán, sản xuất nhỏ lẻ, làm thuê mướn.
Để giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, trong thời gian qua, Hội LHPN tỉnh An Giang đã chỉ đạo thực hiện hoạt động hỗ trợ phụ nữ tập trung thực hiện các nội dụng trọng tâm. Theo đó, tập trung tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển giao khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh.
Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ quản lý; kết nối tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận nguồn vốn. Từ đó tạo thêm niềm tin, động lực cho hội viên vươn lên phát triển kinh tế, tham gia xây dựng mô hình kinh tế tập thể hiệu quả.
Nhiều tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất đạt hiệu quả cao
Theo Hội LHPN tỉnh An Giang, thực hiện phương châm hỗ trợ vốn đi đôi với trang bị kiến thức sản xuất kinh doanh tăng hiệu quả sử dụng vốn vay, các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức kinh tế tập thể, xây dựng kế hoạch kinh doanh, chuyển đổi số, tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… để giúp các chị em sản xuất, kinh doanh có hiệu quả tăng thu nhập.
Song song đó, các cấp Hội quan tâm thực hiện liên kết đào tạo nghề cho phụ nữ dân tộc gắn với các nghề truyền thống như đan đát, đan lục bình, may công nghiệp, dệt thổ cẩm, thêu…
Hội LHPN tỉnh An Giang truyền thông về pháp luật chính sách cho hội viên phụ nữ vùng nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tích cực tham gia vào tổ liên kết sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã do Hội phụ nữ các cấp thành lập. Đến nay, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã phát triển và duy trì 8 hợp tác xã và 66 tổ hợp tác do phụ nữ quản lý, điều hành với hơn 1.360 thành viên; tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp như trồng trọt và chăn nuôi, thủ công mỹ nghệ góp phần giảu quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho nhiều hội viên, phụ nữ.
Hiện nay, có nhiều tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất đạt hiệu quả cao như "Tổ phụ nữ đan thảm lục bình" tại xã Bình Thành (huyện Thoại Sơn), "Tổ phụ nữ may gia công" xã An Hảo (huyện Tịnh Biên)….
Tiêu biểu là mô hình "Tổ phụ nữ đan đệm bàng" tại thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn) đã chú trọng cải tiến về mẫu mạ, chất lượng sản phẩm tạo được lòng tin của khách hàng nên thành phẩm có giá trị cao nhận được đơn hàng liên tục. Qua đó, đã giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 40 lao động với mức lương bình quân gần 5 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, còn phải kể đến mô hình tận dụng rơm rạ sản xuất phôi nấm mối đen do chị Châu Thị Nương - thành viên của hợp tác xã nông nghiệp Tà Đảnh (huyện Tri Tôn). Chị Nương đã nghiên cứu, học tập từ giảng viên chuyên ngành nông nghiệp tại trường Đại học Cần Thơ, Đại học An Giang để nắm rõ đặc tính sinh trưởng của nấm mối đen và đầu tư dây chuyền sản xuất phôi nấm mối đen hoàn chỉnh.
Từ mô hình tận dụng rơm rạ sản xuất phôi nấm mối đen, đến nay, chị Nương đã xây dựng thương hiệu mang tên "Nấm mối nàng Nương" không chỉ cung ứng sản phẩm nấm mối tươi ra thị trường mà còn cung cấp phôi và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho khách hàng tự trồng nấm tại nhà với số lượng ít. Bên cạnh đó, mô hình của chị còn tạo việc làm cho 10 chị em phụ nữ ở nông thôn với mức thu nhập gần 8 triệu đồng/người/tháng.
Hướng đến liên kết trong sản xuất kinh doanh
Theo Hội LHPN tỉnh An Giang, quá trình triển khai các hoạt động vận động, hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế tập thể, các cấp Hội phụ nữ có nhiều thuận lợi thực hiện. Theo đó, được sự ủng hộ và hỗ trợ của chính quyền địa phương cho các hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác.
Dân tộc Chăm chiếm 0,59% dân số toàn tỉnh An Giang , sống khá đông ở huyện An Phú và thị xã Tân Châu
Các cấp Hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ trong tham gia vào hợp tác xã, tổ hợp tác. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của chị em phụ nữ, nhân rộng mô hình hiệu quả để giúp hội viên phát triển kinh tế. Phối hợp với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tổ chức dạy nghề theo nhu cầu cho lao động nữ gắn với tạo việc làm.
Các thành viên ban quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn về nâng cao năng lực trong quản lý, điều hành hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thực hiện mô hình kinh tế hợp tác cũng còn những khó khăn nhất định. Cụ thể như chưa có đầu ra ổn định cho sản phẩm nên các thành viên chưa thực sự tin tưởng và mạnh dạn đầu tư cho sản xuất, quy mô các loại hình kinh tế tập thể do Hội hỗ trợ thành lập còn nhỏ; hỗ trợ vốn vay chưa được nhiều.
Nhằm giúp cho hoạt động của các mô hình sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã ngày càng hoạt động hiệu quả; hướng đến liên kết trong sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ quản lý trên địa bàn, Hội LHPN tỉnh An Giang cho hay trong thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các thành viên ban quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác về nâng cao năng lực trong quản lý, điều hành và tổ chức tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm những mô hình hoạt động có hiệu quả.
Đồng thời, tăng cường công tác tư vấn, định hướng sản xuất thep chẩn OCOP, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm; tạo điều kiện để các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia xúc tiến thương mại, kết nối thị trường. Tạo điệu kiện cho các thành viên tổ hợp tác tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các chính sách của Nhà nước để đầu tư sản xuất.
"Thông qua hoạt động của các mô hình sinh kế, hợp tác xã, tổ hợp tác đã tạo được sự đoàn kết, gắn bó trong hội viên phụ nữ; đồng thời đã phát huy được vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Hôi; cải thiện và nâng cao đời sống của hội viên phụ nữ, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế địa phương", Hội LHPN tỉnh An Giang nhấn mạnh.