Bến Tre: Hội là địa chỉ tin cậy, điểm tựa cho nhiều phụ nữ vươn lên thoát nghèo

Bến Tre: Hội là địa chỉ tin cậy, điểm tựa cho nhiều phụ nữ vươn lên thoát nghèo

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Kim Thoa nhấn mạnh, các cấp Hội trong tỉnh không chỉ tập hợp, thu hút, tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên phụ nữ mà còn là địa chỉ tin cậy, điểm tựa cho nhiều chị em trên con đường vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Bến Tre là một tỉnh nông nghiệp, với thế mạnh là kinh tế vườn và kinh tế biển, thời gian qua, tỉnh rất quan tâm đến việc xây dựng, hoàn thiện chuỗi giá trị trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Toàn tỉnh có 17.041 hộ nghèo, trong đó có 8.565 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, qua khảo sát có 3.616 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ có ý chí, quyết tâm cần có hỗ trợ điều kiện và sẵn sàng tham gia cùng hội phụ nữ các cấp phát triển kinh tế, thoát nghèo.

Các cấp Hội tập trung thực hiện các hoạt động đa dạng sinh kế của hộ nghèo, hộ cận nghèo với phương châm hộ nghèo, hộ cận nghèo phát huy nội lực là chính. Các cấp vận động nguồn lực hỗ trợ, tạo điều kiện, đồng thời tranh thủ thông qua các chế độ chính sách, phát triển sinh kế, mong muốn giúp hộ nghèo, cận nghèo có sức bật hướng đến tăng thu nhập vượt lên mức sống tối thiểu. Tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững; phấn đấu hàng năm 10% hộ nghèo thoát nghèo.

Trong thời gian qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo? Vậy bà có thể chia sẻ cụ thể về một số hoạt động, mô hình nổi bật và kết quả đã đạt được?

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa: Xác định công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Bến Tre nỗ lực thực hiện đạt những kết quả nổi bật.

Cụ thể, các cấp Hội quan tâm thực hiện tập trung hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo, hàng năm có kế hoạch giúp 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và phụ nữ trong các hộ nghèo gắn với việc thực hiện đề án đa sinh kế bằng nhiều hình thức, biện pháp, cách làm có hiệu quả, tạo điều kiện về việc làm, nhất là hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững bằng việc hỗ trợ xây dựng mô hình kinh tế tập thể.

Các cấp Hội triển khai đa dạng các hoạt động góp phần hỗ trợ hội viên, phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu

Tập trung hỗ trợ thực hiện các mô hình sinh kế phù hợp thích ứng với biến đổi khí hậu, thông qua phát huy hiệu quả trên 2.980 tỉ đồng là công cụ vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, Agribank, quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế… đã hỗ trợ vốn vay cho trên 89.000 người. 

Bên cạnh đó, phát huy hiệu quả trên 5.000 các loại mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, tổ đa dạng nghề nghiệp... nhằm phát triển những ngành nghề thế mạnh sẵn có, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ xã hội hóa các chiều thiếu hụt.

Hội phát triển phát huy vai trò tích cực trong việc phát triển, nâng chất những mô hình hiệu quả, nổi bật như: "Mô hình 8 trong 1"; "Tổ tiết kiệm cộng đồng", "Nuôi heo đất", "Hũ gạo tình thương", "Mảnh vườn tình thương", "Ao cá tình thương"; các mô hình liên kết sản xuất về chăn nuôi vịt, heo, bò, dê...

Ngoài ra, công tác đào tạo nghề, truyền nghề, giải quyết việc làm cũng được đặt lên hàng đầu. Các cấp Hội không chỉ tập hợp, thu hút, tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên, phụ nữ mà còn sẻ chia, động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống; là địa chỉ tin cậy, điểm tựa cho nhiều chị em trên con đường vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống bằng nhiều hoạt động thiết thực.

Được biết, năm qua, Hội LHPN tỉnh đã đăng ký thực hiện nội dung thi đua thực hiện mô hình Dân vận khéo cấp tỉnh "Vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia hỗ trợ phụ nữ nghèo, cận nghèo khôi phục kinh tế sau dịch bệnh Covid-19". Vậy kết quả thực hiện nội dung thi đua này thế nào?

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa: Xác định nội dung đăng ký thực hiện mô hình Dân vận khéo của Hội LHPN tỉnh đáp ứng nhu cầu và mong muốn chính đáng của hội viên, phụ nữ và trẻ em nghèo, khó khăn trên địa bàn tỉnh, góp phần cùng các cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt công tác giảm nghèo và an sinh xã hội, nhất là sau đại dịch Covid-19, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Các cấp Hội triển khai xây dựng nhà tình thương; tặng quà cho phụ nữ và trẻ em

Vì thế, mô hình đã nhận được sự đồng tình ủng hộ và hưởng ứng tích cực của hội viên, phụ nữ nói riêng, tác động đến cộng đồng xã hội nói chung; nhất là các quý doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh mong muốn chia sẻ, đồng hành với các cấp Hội để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, giúp họ có điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.

Để thực hiện đạt được các nội dung kế hoạch đề ra, Hội LHPN tỉnh xác định 4 giải pháp trọng tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và chú trọng triển khai thực hiện: Công tác tuyên truyền, vận động; Vận động xã hội hóa mua bảo hiểm y tế cho hội viên, phụ nữ cho hộ cận nghèo năm 2022; Hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi; Công tác giảm nghèo nâng cao năng lực làm chủ kinh tế cho phụ nữ và huy động các nguồn lực hỗ trợ phụ nữ phục hồi phát triển kinh tế.

Từ đó, đã tuyên truyền, vận động đến gần 19.700 hộ hội viên, phụ nữ mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện; 100% cơ sở cam kết, đăng ký vận động, hỗ trợ mua Bảo hiểm y tế cho ít nhất 2 hộ cận nghèo (mỗi hộ 2 thẻ)/1 đơn vị (huyện/thành phố và cơ sở). Kết quả, có 29.914 thẻ bảo hiểm y tế được mua, đạt 147,25%, với số tiền trên 1,1 tỷ đồng.

Qua khảo sát, có 89/99 trẻ mồ côi do Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn; 662/1.305 trẻ mồ côi do nguyên nhân khác, được các cấp Hội theo dõi, nắm rõ hoàn cảnh và đồng hành, hỗ trợ với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng gồm: tiền mặt, học bổng, học phẩm, sữa và nhu yếu phẩm khác… Đồng thời tiếp tục vận động nhà hảo tâm nhận đỡ đầu cho các trẻ mồ côi còn lại, nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện để các em vượt lên khó khăn, nghịch cảnh.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre: Hội là địa chỉ tin cậy, điểm tựa cho nhiều phụ nữ vươn lên thoát nghèo - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa (áo dài xanh) - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre - tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025".

Bên cạnh đó, tập trung giúp phụ nữ bằng việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất thông qua chương trình tài chính vi mô với số tiền 13,2 tỷ đồng, giúp cho trên 1.420 phụ nữ tự tin khôi phục sản suất, đầu tư cây trồng vật nuôi, tái sản suất kinh doanh… Hỗ trợ 610 (31 tập thể và 579 cá nhân) phụ nữ khởi nghiệp.

Mô hình Dân vận khéo về "Vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia hỗ trợ phụ nữ nghèo, cận nghèo khôi phục kinh tế sau dịch bệnh Covid-19" có tính bền vững cao. Vì mô hình đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của những người yếu thế trong xã hội, nhất là hội viên, phụ nữ nghèo, trẻ em và là mảng an sinh xã hội nên được sự đồng tình ủng hộ của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Mô hình có khả năng nhân rộng ra ở các cấp, các ngành và toàn xã hội, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo trên toàn.

Theo bà, để hội viên phụ nữ thoát nghèo bền vững thì quan trọng nhất là điều gì? Về các hoạt động hỗ trợ thoát nghèo do các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh triển khai có thuận lợi gì; có gặp khó khăn, vướng mắc gì không?

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa: Để hội viên, phụ nữ thoát nghèo bền vững thì quan trọng nhất là cần nâng cao ý thức, thay đổi hành vi cho phụ nữ nghèo, làm thế nào để khơi dậy được ý chí tự vươn lên thoát nghèo, phải tạo được niềm tin và động lực để họ vươn lên, tự tin làm kinh tế, phát triển mô hình kinh doanh của gia đình, nâng cao thu nhập, không bị tái nghèo sau thời gian được hỗ trợ.

Hội trở thành địa chỉ tin cậy, điểm tựa cho nhiều chị em trên con đường vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống bằng nhiều hoạt động thiết thực

Để làm được điều đó, cần có sự vào cuộc của các ngành, các cấp, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong chủ trương thực hiện. Các hoạt động hỗ trợ thoát nghèo do các cấp Hội tập trung triển khai và có giải pháp hiệu quả hơn nữa nhằm hỗ trợ xây dựng và phát triển bền vững các mô hình sinh kế, tổ hợp tác hiệu quả; khuyến khích các ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, xây dựng mô hình khởi nghiệp trong hội viên phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ nghèo tiếp cận mô hình sinh kế hiệu quả.

Đồng thời, phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan, tiếp tục vận động nguồn lực, góp phần tăng nguồn vốn cho phụ nữ vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Biểu dương khen thưởng và có kế hoạch bồi dưỡng, nhân rộng, hỗ trợ về tinh thần, giải pháp kỹ thuật và điều kiện vật chất để các điển hình tiếp tục phát huy khả năng và sức sáng tạo trong công việc, cuộc sống.

Cần có sự đồng thuận với các cấp, các ngành trong thực hiện hoạt động, chương trình, huy động đội ngũ cán bộ hội tham gia tích cực, lan tỏa và phát huy lực lượng hội viên đồng tình hưởng ứng.

Hiện nay, tình trạng vỡ hụi, tín dụng đen vẫn còn diễn ra làm cho hội viên, phụ nữ thiếu an tâm; tình hình kinh tế của người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, giá các mặt hàng sinh hoạt tăng cao, tỷ lệ nợ quá hạn tín dụng một số địa phương tăng… đã ảnh hưởng phần nào đến công tác vận động hội viên phụ nữ tham gia các phong trào Hội; một bộ phận hội viên, phụ nữ chưa nhận thức đúng đắn về việc cải thiện sinh kế.

Bên cạnh đó, một số mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả chưa cao. Công tác giảm nghèo ở một bộ phận còn tư tưởng trông chờ, ỉ lại. Ngoài ra, nguồn vốn vay để giúp phụ nữ phát triển kinh tế còn hạn chế, việc học tập học tập và ứng dụng trong phát triển kinh tế gia đình còn chưa nhiều.

Các cấp Hội LHPN tỉnh sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nào để tiếp tục hỗ trợ hội viên, phụ nữ vươn lên thoát nghèo bền vững?

 Bà Nguyễn Thị Kim Thoa: Các cấp Hội LHPN tỉnh Bến Tre sẽ tập trung đổi mới phương thức hoạt động, kiên trì, bền bỉ và đồng hành với phụ nữ trong phát triển kinh tế, giảm nghèo. Tiếp tục xác định các vấn đề trọng tâm là làm sao giúp hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo bền vững, phụ nữ làm chủ doanh nghiệp/hộ sản xuất kinh doanh/quản lý hợp tác xã. Đây là những giải pháp căn cơ và bền vững trong thực hiện công tác giảm nghèo trong hội viên, phụ nữ vừa hỗ trợ "cần câu" và vừa hỗ trợ "con cá", nhưng hướng đến tầm nhìn xa là hỗ trợ "cần câu" bằng cách tạo điều kiện về công ăn, việc làm, nhất là hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế.

Nâng cao tinh thần tương thân, tương ái, trách nhiệm của từng tổ chức Hội cho đến mỗi cán bộ, hội viên trong việc chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng thoát nghèo, cùng tiến bộ.

Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động theo hướng đa dạng hóa các hình thức như: trên mạng xã hội, tổ chức các cuộc thi, phối hợp tọa đàm, thông qua các cuộc họp chi, tổ hội… góp phần nâng cao ý thức và thay đổi hành vi của hội viên, phụ nữ trong việc tự giác phấn đấu vươn lên vượt qua nghèo.

Đồng thời, phổ biến các kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất kinh doanh thích ứng với biến đổi khí hậu, kỹ năng quản lý tài chính… Từ đó giúp các chị em có đủ kiến thức kỹ năng để tự tin làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đây mới chính là hướng đi bền vững, là mục tiêu dài hạn và là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội trong thời gian tới.

Xin cảm ơn bà!

Huyền Trang
Huyền Trang, Minh Ngọc
23/11/2022 08:25