BÊN TRONG BỆNH VIỆN DO PHỤ NỮ ĐIỀU HÀNH Ở AFGHANISTAN
"Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hệ thống y tế tiếp tục hoạt động. Nếu không có họ, hệ thống y tế sẽ không hoạt động", người đứng đầu Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế ở Afghanistan nhận định.
Có rất ít nơi do phụ nữ điều hành ở Afghanistan. Cuộc sống cộng đồng và công việc kinh doanh ở quốc gia này đều do nam giới thống trị và kể từ khi Taliban tiếp quản, nhiều phụ nữ đã biến mất. Trong khi một số người mắc kẹt bởi cơ cấu xã hội bảo thủ, nhiều người khác lo sợ những quy định mới hà khắc, lệnh cấm đi lại và học tập từ chính quyền Taliban.
Tuy nhiên, đằng sau một số bệnh viện do phụ nữ điều hành ở Kabul là một thực tế khác. Tại đây, phụ nữ cứu sống, đưa ra lời khuyên hôn nhân, chăm sóc và nhận nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi. Nhiều bác sĩ và y tá nhờ vào việc làm tại bệnh viện để nuôi con và thường là người cung cấp tài chính duy nhất cho gia đình. Tất cả đều đồng ý rằng mọi thứ hoạt động tốt hơn khi phụ nữ được làm việc.
Jagona Faizli, 31 tuổi, là bác sĩ phụ khoa, cho biết: "Trước khi Taliban tiếp quản, có một vài nam giới làm việc ở bệnh viện nhưng vì đây chủ yếu là bệnh viện phụ sản nên họ được cho nghỉ việc. Hiện tại, phụ nữ làm việc với phụ nữ". Trong khi Faizli đến bệnh viện làm việc, chồng cô ở nhà chăm lo cho con gái. "Anh ấy là người đàn ông mạnh mẽ nhất tôi từng gặp vì dám chống lại các chuẩn mực của xã hội ở đây", cô cho hay.
Faizli cho biết công việc tại bệnh viện giúp cô có cơ hội trò chuyện cởi mở và hiểu rõ về bệnh nhân và nhân viên: "Tôi cảm thấy tự do khi làm việc trong bệnh viện này vì không có nam giới. Nhiều phụ nữ đến đây kể về những khó khăn trong hôn nhân. Tôi cố gắng cho họ lời khuyên và tư vấn, cố gắng giúp đỡ những điều tôi có thể".
Sau khi số lượng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại bệnh viện gia tăng do khủng hoảng kinh tế của Afghanistan, Mariam Maqsoodi, bác sĩ nội trú 29 tuổi, cho biết bệnh viện đã thành lập một "ủy ban nhận con nuôi" để đảm bảo các bé được chăm sóc. "Chúng tôi tìm những gia đình không thể sinh con và muốn nhận con nuôi. Nếu không thể tìm cho bọn trẻ một gia đình, một trong những nhân viên của chúng tôi thường nhận nuôi các bé".
Nữ bác sĩ này cũng kể lại việc gần đây mẹ của một bé trai qua đời sau khi sinh, còn người cha bỏ đi mà không đón con về nhà. Mỗi ngày bệnh viện tại nơi Maqsoodi làm việc có đến 100 trẻ em được sinh ra và ít nhất 140 nhân viên nữ làm việc.
"Tôi có 4 đứa con và rất nhớ chúng khi làm việc tại bệnh viện, nhưng tôi nói với các con rằng mẹ có việc quan trọng phải làm. Khi Taliban tiếp quản, 12 bác sĩ của bệnh viện chúng tôi đã rời khỏi đất nước. Tất cả chúng tôi đều sợ hãi và hầu hết muốn rời đi, song chúng tôi vẫn ở đây để cứu người", Mariam nói.
Phụ nữ cho biết họ cảm thấy bị áp lực từ Taliban. Sau khi lực lượng Hồi giáo này tiếp quản đất nước vào tháng 8 năm ngoái, nhiều nhân viên y tế đã ở nhà trong nhiều tuần vì quá sợ hãi. Dần dần, hầu hết mọi người đều quay trở lại công việc. "Chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc. Taliban cũng biết rằng họ cần chúng tôi".
Chính phủ của Taliban đã loại bỏ phụ nữ khỏi các cơ quan công quyền kể từ tháng 8/2021 và tiếp tục cấm trẻ em gái ở các lớp lớn đi học. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Taliban đã áp đặt các chính sách vi phạm quyền và tạo ra rào cản lớn cho phụ nữ.
Trong nhiều tháng kể từ khi Taliban tiếp quản Afghanistan và sau đó là việc đóng băng ngân hàng trung ương Afghanistan ở nước ngoài, các bác sĩ và nhân viên y tế khác trên khắp đất nước không được nhận lương mặc dù làm việc toàn thời gian. Gần đây, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) đã tiếp nhận việc trả lương cho hàng nghìn nhân viên y tế trên khắp Afghanistan.
Eloi Fillion, người đứng đầu ICRC tại Afghanistan, cho biết: "Trong những tháng qua, chúng tôi chứng kiến những nữ nhân viên y tế tận tâm và dũng cảm để thể hiện và nỗ lực hết mình trong việc cứu người mỗi ngày, bất kể không được nhận lương, di chuyển xa, làm việc trong các cơ sở y tế đang thiếu thốn. "Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hệ thống y tế tiếp tục hoạt động. Nếu không có họ, hệ thống y tế sẽ không hoạt động", Eloi Fillion nói.
Tuy nhiên, nhiều phụ nữ trong ngành chăm sóc sức khỏe nói rằng tương lai của phụ nữ và trẻ em gái vẫn không chắc chắn. "Hầu hết các bé gái ở Kabul vẫn chưa học cấp hai, vậy con gái tôi sẽ có cơ hội nào ở đây? Afghanistan không còn là nơi mà tôi có thể hình dung về tương lai cho các con mình", Faizli bộc bạch.