Một trong những doanh nghiệp diễn ra tình trạng trên là Công ty Cổ phần Diêm Thống Nhất (phường Đức Giang, Long Biên, Hà Nội). Cụ thể, tháng 1/2020, lấy lý do "thay đổi cơ cấu, công nghệ", Công ty đã chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) đối với 47 công nhân, trong đó có 25 lao động nam và 22 lao động nữ. Trong số lao động nữ, số người có độ tuổi trên 40 có 17 người, với thâm niên làm việc từ 15 đến trên 20 năm.
Gian nan tìm việc mới
Là một trong số những lao động kể trên, chị Lê Thị Mai Hương (45 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội), công nhân Xí nghiệp Diêm, có thâm niên làm việc 19 năm 6 tháng cho biết, sau khi bị Công ty sa thải, chị rất khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm mới, vì hầu hết các công ty đều chỉ nhận người dưới 40 tuổi. "Dẫu là lao động chân tay, hay làm bảo vệ, họ chỉ nhận người dưới 40 thôi. Có những chỗ trả lời thẳng như vậy, nhưng cũng có những nơi có lẽ vì xã giao nên họ nói sẽ gọi lại. Vì thế, tôi đợi mãi mà họ chưa gọi", chị Hương tâm sự.
Một số đồng nghiệp của chị Hương may mắn hơn, bởi sau khi chấm dứt hợp đồng đã được Công ty cũ giới thiệu cho chỗ làm việc mới, nhưng do áp lực công việc, cộng với tính chất nặng nhọc… nên đa phần họ không theo được. Cuối cùng họ, chỉ làm một thời gian ngắn rồi nghỉ, khiến con đường gia hạn bảo hiểm xã hội (BHXH) cho đến khi về hưu trở nên khó khả thi.
Về phía chị Hương, sau nhiều lần đi xin việc không được, để duy trì cuộc sống gia đình, chị Hương phải đi làm những công việc thời vụ như nhận dọn nhà. Tuy nhiên, trong giai đoạn Covid hiện nay, chị Hương cũng không còn nhận được nữa. Chị đành phải ở nhà chờ cho đến khi hết dịch bệnh rồi tính tiếp. Với tình hình như thế này, chị Hương cho biết, bản thân sẽ rất khó khăn trong việc gia hạn BHXH để về hưu, hoặc nếu có thì sẽ phải về hưu sớm và mức hưởng lương hưu cũng sẽ thấp.
Một trường hợp nữ công nhân khác là chị N.T.T.Y (42 tuổi, quận Hà Đông), một trong 149 công nhân bị Công ty TNHH Chế tạo Công nghiệp và Gia công chế biến hàng xuất khẩu Việt Nam (VMEP) chấm dứt HĐLĐ vào tháng 11/2019. May mắn hơn chị Hương, vì có trình độ (có bằng kế toán và quản trị kinh doanh) nên sau khi bị sa thải, chị Y. đã sớm tìm được việc làm. Thế nhưng, mức lương chỉ bằng 1/2, 1/3 so với mức lương công việc đã làm.
Từ thực tế đó, chị Y. chia sẻ: "Đối với những công nhân nữ 'cao tuổi' khi bị công ty cũ sa thải, họ không chỉ bị thiệt thòi về trình độ chuyên môn, sức khỏe giảm sút, sự năng động… mà điều thiệt thòi lớn nhất của họ là không được tiếp tục tính thâm niên làm việc. Vì thế, nếu may mắn tìm được việc làm mới thì lương của họ cũng chỉ bằng một người trẻ mới đi làm mà thôi".
Nhiều rủi ro
Trao đổi về thực trạng trên, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết, trong bối cảnh cơ chế thị trường hiện nay, việc các doanh nghiệp có những đổi mới để nâng cao sức cạnh tranh, dẫn đến phải thay đổi 'cơ cấu, công nghệ' cũng là một xu thế tất yếu.
Từ thực trạng này, khi Bộ Luật Lao động được xây dựng cũng đã cho phép các doanh nghiệp có quyền chấm dứt HĐLĐ với người lao động, tất nhiên trước khi chấm dứt HĐLĐ thì người sử dụng lao động phải xây dựng các phương án sử dụng lao động thông qua việc thảo luận với tổ chức công đoàn, người lao động và lấy ý kiến của các cơ quan chức năng. Về mặt pháp luật, quy định ở nội dung này khá chặt chẽ. Thứ nhất là để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cũng đồng thời tạo sự linh hoạt cho doanh nghiệp khi phải thay đổi cơ cấu, công nghệ.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, hiện nay có một số doanh nghiệp lợi dụng việc thay đổi 'cơ cấu, công nghệ' để thải loại người lao động nhiều tuổi, nhất là ở những doanh nghiệp sử dụng đông lao động phổ thông (may mặc, láp ráp, sản xuất,...). Việc thải loại này có 2 nguyên do chính: Thứ nhất, chi phí cho việc trả lương và đóng BHXH đối với người lao động nhiều tuổi thường cao (do tính theo chế độ thâm niên), làm tăng thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp; thứ hai, khi có tuổi thì sức khỏe của họ giảm sút, khiến năng suất lao động giảm, không đảm bảo để làm thêm giờ cho các doanh nghiệp.
Chính vì vậy, khi cơ cấu lại doanh nghiệp mà cần phải giảm bớt lao động thì đối tượng đầu tiên mà người sử dụng lao động muốn thải loại chính là người lao động nhiều tuổi. Bên cạnh đó, họ còn sử dụng cả biện pháp khuyến khích lợi ích vật chất, ban hành chính sách gây sức ép... khiến người lao động tự xin thôi việc.
Việc người lao động nhiều tuổi bị chấm dứt hợp đồng hoặc mất việc làm khiến quyền lợi của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi lẽ, ở vào độ tuổi này, họ khó có thể xin vào làm việc trong các doanh nghiệp có quan hệ lao động, rất khó tìm được việc làm mới để tiếp tục gia hạn BHXH cho đến khi về hưu. Cho nên dẫn đến tình trạng, lâu nay những người lao động đó nhận trợ cấp thôi việc một lần rất lớn. Mỗi năm có khoảng 700.000 người lao động nhận trợ cấp thôi việc một lần, trong đó có nhiều lao động nữ 'cao tuổi'.
"Ở trường hợp của chị Hương, đã đóng BHXH được 19 năm 6 tháng, do hiện nay có liên thông giữa BHXH bắt buộc với BHXH tự nguyện, nên nếu chị Hương muốn đóng đủ 20 năm để về hưu thì có thể chuyển sang đóng BHXH tự nguyện nốt 6 tháng còn lại", ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết.
Trước thực trạng này, lâu nay tổ chức công đoàn cũng đang tìm mọi cách để giải quyết, kể cả từ việc góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật đến việc nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người lao động để họ tự bảo vệ, nhất là họ phải thích ứng với cơ chế thị trường như nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn... Ngoài ra, phải nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cũng như sự phát triển bền vững của doanh nghiệp sau này.
Bài, ảnh: Trường Hùng