Các nữ y, bác sĩ quên mình nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19

Lời chia sẻ xót lòng

Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA): Trên khắp thế giới, khoảng 70% nhân viên y tế và dịch vụ xã hội là phụ nữ. Nhiều hộ sinh, y tá hoặc nhân viên y tế cộng đồng - là những nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch trong cuộc chiến chống lại Covid-19. 7/4 là ngày Y tế thế giới, chúng tôi bày tỏ lời tri ân tới những hy sinh thầm lặng của các y bác sĩ và nhân viên y tế để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 chắc hẳn phải nói đến những "anh hùng áo trắng" mặc cho nguy cơ lây nhiễm luôn kề sát bên, đã hy sinh cả sức khỏe, tính mạng của bản thân để chữa trị cho bệnh nhân. Họ chưa một lần than thở, trách móc hay tỏ ra mệt mỏi mà luôn cống hiến hết sức mình giúp tất cả bệnh nhân vượt qua dịch bệnh. Trong rất nhiều những lời nói từ tận đáy lòng của các y bác sĩ ở tuyến đầu chiến đấu với đại dịch Covid-19, đã xuất hiện nhiều dòng chia sẻ xúc động…

Ở Pháp, hàng trăm người vẫn chết mỗi ngày như thử thách tinh thần của các y, bác sĩ.  "Sáng nay khi thức dậy, tôi đã khóc. Tôi khóc ngay cả trong lúc ăn. Tôi khóc khi chuẩn bị đi làm", y tá Elise Cordier thú nhận nỗi sợ hãi.

Các nữ y, bác sĩ quên mình nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Thế nhưng, khi tới bệnh viện, Elise phải cất giấu nỗi sợ hãi đó ở góc sâu nhất trong lòng mình, bởi lẽ trên "chiến trường" không có chỗ cho sự yếu đuối. "Khi tới phòng thay đồ của bệnh viện, tôi đã lau khô nước mắt. Tôi hít thật sâu và thở thật mạnh. Những người đang nằm trên giường bệnh cũng khóc và tôi chính là người sẽ lau khô nước mắt cho họ", Elise nói.

Hầu hết các y bác sĩ đều lo lắng bản thân mình bị nhiễm bệnh và chính họ sẽ lây nhiễm cho người thân, bạn bè. Maria, nhân viên điều dưỡng ở bệnh viện Madrid (Tây  Ban Nha) trở về nhà sau một ngày dài làm việc. Thay vì ôm con như thường lệ, cô chỉ lặng lẽ vào phòng riêng nghỉ ngơi và không quên đeo khẩu trang 24/7. 

Tôi không dám ôm con suốt 3 tuần nay. Tôi mới bị xét nghiệm và chưa biết có dương tính với virus SARS-CoV-2 hay không

Điều dưỡng viên Maria

Nỗi lo lắng lớn hơn với các nhân viên y tế chính là sự thiếu hụt đồ bảo hộ và khẩu trang tại các bệnh viện. Maria ước tính trong 3 tuần vừa qua, nơi này có 50 người tử vong vì dịch bệnh trong khi 90 người khác vẫn đang bị cách ly. Dù không được trang bị đồ bảo hộ đầy đủ, Maria và đồng nghiệp vẫn phải lau dọn, thay quần áo, dọn nhà vệ sinh và cho các bệnh nhân ăn uống. Các nhân viên ở đây chỉ được phát khẩu trang nên đành dùng túi đựng rác thay thế quần áo bảo hộ.

Các nữ y, bác sĩ quên mình nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 - Ảnh 4.


Hãy tái hôn nếu em chết!

Bác sĩ lão khoa Vicki Jackson chăm sóc rất nhiều bệnh nhân nặng nên cô hiểu rõ điều gì đang chờ đợi cô ở phía trước. Cô đã chứng kiến nhiều cảnh tượng sinh ly tử biệt, có nhiều kinh nghiệm để chuẩn bị cho giây phút cuối đời của bệnh nhân. Cô tâm sự với chồng "Anh nên tái hôn nếu em ra đi vì Covid-19. Em chỉ cần cô ấy đối xử tốt với con của chúng ta".

Các nữ y, bác sĩ quên mình nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 - Ảnh 5.

"Lực lượng y tế như thể đang đứng trong bóng tối nơi đại dương, chờ đợi những con sóng đổ ập tới tấn công. Chỉ là không ai biết những đợt sóng đó sẽ dữ dội và cao đến mức nào", bác sĩ Vicki Jackson so sánh.

Không chỉ Vicki Jackson, có những người đã làm việc cả tháng trời mà chưa được về nhà, chưa được gặp người thân yêu. Trong đó có Michelle Au đang làm việc tại Bệnh viện Emory St. Joseph ở Atlanta (bang Georgia, Mỹ). Cô cảm thấy mình như đang ở giữa thảm họa hạt nhân Chernobyl.

Là một bác sĩ gây mê, Michelle phải thực hiện một trong những quy trình nguy hiểm nhất khi chữa trị cho người nhiễm COVID-19: đặt nội khí quản. Để đặt được ống khí quản cho bệnh nhân, bác sĩ phải kề sát miệng người bệnh. Mối lo giọt bắn mang theo virus tồn tại ngoài môi trường từ bước chữa trị này là điều ai cũng có thể nhìn thấy. "Đồng hồ đếm 10 giây, 20 giây, 30 giây. Thủ thuật này tiến hành càng lâu thì tôi càng có nguy cơ lây nhiễm virus từ bệnh nhân. Tôi cảm thấy như mình bị phơi nhiễm phóng xạ vậy", Michelle Au chia sẻ.

Các nữ y, bác sĩ quên mình nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 - Ảnh 6.

Những rủi ro vô hình đó - dấu vết của virus SARS-CoV-2 - có thể ẩn náu dưới móng tay hay trên một sợi tóc và đó thực sự là cơn ác mộng với bác sĩ Michelle. Cô lo sợ bản thân có thể bị nhiễm bệnh vì cô còn có chồng và 3 đứa con nhỏ đang chờ ở nhà. Vì vậy, mỗi ngày trước khi rời khỏi bệnh viện, bác sĩ Michelle đều tắm, gội đầu cẩn thận và thay quần áo sạch sẽ. Khi về tới nhà, cô lại làm điều tương tự vì người cô có thể đã dính phải virus trong lúc lái xe. Sau đó, bác sĩ Michelle lại pha loãng dung dịch thuốc tẩy lau sạch mọi bề mặt mà cô đã chạm vào như tay nắm cửa, vô lăng, điện thoại,…

Trong suốt 2 tuần qua, bác sĩ Michelle đã phải ngủ dưới tầng hầm trong khi chồng cô, một bác sĩ phẫu thuật, vẫn ngủ trong phòng của hai vợ chồng. Bởi nhẽ "trong chúng tôi phải có một người khỏe mạnh".

Câu chuyện của vợ chồng bác sĩ Michelle không còn là cá biệt khi Mỹ trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới. Số ca nhiễm bệnh tăng theo cấp số nhân và lực lượng y tế gồng mình chữa trị đến kiệt sức.

Các nữ y, bác sĩ quên mình nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 - Ảnh 7.

Bác sĩ Richa Bhardwaj, bác sĩ khoa tiêu hóa tại Bệnh viện Lenox Hill ở Manhattan, có chồng cũng là bác sĩ và kết quả xét nghiệm trả về hôm 25/3 cho thấy anh đã dương tính với Covid-19. Gia đình giờ chịu cảnh chia cắt mỗi người một nơi. Cô con gái 5 tháng tuổi đang trong giai đoạn nuôi bằng sữa mẹ đành nhờ cậy vào sự chăm sóc của anh trai và chị dâu. Hàng ngày, cô vắt sữa và nhờ chị dâu cho bé con ăn. "Tôi phân vân liệu có nên tìm một chỗ đảm bảo an toàn hơn không cho con bé. Tôi quá rối bời vào lúc này. Tôi lo sợ mình sẽ truyền virus cho con gái", Bhardwaj kể lại. Trước câu hỏi về ý định bỏ cuộc vì hiểm nguy và áp lực, bác sĩ Bhardwaj khẳng định: "Với tư cách là một người mẹ, tôi phải làm mọi cách để bảo vệ con gái mình. Nhưng tôi không bao giờ quên mình là một bác sĩ. Tôi sẽ không bao giờ lùi bước".


Viết di chúc trước khi bước vào cuộc chiến

Cuộc chiến đấu nào cũng phải đối mặt với những rủi ro và các bác sĩ đã cùng nhau viết di chúc nếu một ngày nào đó, điều không may sẽ đến với mình… Bác sĩ Michelle Au và chồng lên danh sách những ai có thể chăm sóc các con nếu nhỡ may họ cùng qua đời vì Covid-19. "Hai lựa chọn đầu tiên sẽ là ông bà nội ngoại hai bên; người thứ ba sẽ là một bác sĩ. Chúng tôi đang tìm người thứ tư có rủi ro thấp hơn", bác sĩ Michelle chia sẻ.

Các nữ y, bác sĩ quên mình nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 - Ảnh 8.

Tiến sĩ, bác sĩ Jane van Dis, bác sĩ sản phụ khoa ở Los Angeles, là một mẹ đơn thân. Jane đã suy nghĩ rất nhiều trong hoàn cảnh này. Cô cũng nghiên cứu rất nhiều các chính sách bảo hiểm nhân thọ, kiểm tra lại thẻ tín dụng, thế chấp và các khoản vay để có thể ủy thác cho người cô tin tưởng chăm sóc con mình. "Tôi chợt nhận ra rằng nếu mình xảy ra điều gì bất trắc thì cuộc đời tôi sẽ khép lại trong trí nhớ của mình. Vì vậy, tôi đã viết ra hết những điều quan trọng như bảo hiểm nhân thọ và khuyết tật, thế chấp, khoản vay tự động và những chi tiết trong cuộc đời. Nếu ai đó giúp tôi sau khi qua đời, chí ít họ cũng có vài thông tin cơ bản", bác sĩ Jane nói.

(Theo France24, New York Times)