Từng bị trầm cảm sau sinh và rất nhiều lần nghĩ đến cái chết, nhưng sau cùng chị Nguyễn Thị Thu (32 tuổi, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội), nguyên phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp, Doanh nhân – Thương hiệu đã vượt qua. Và qua những ngày tháng cô độc này, đã giúp chị Thu hiểu hơn về thế giới của trẻ tự kỷ - "Mong muốn người khác hiểu mình hơn", để rồi sau đó chị đã gác lại cả sự nghiệp để thành lập trung tâm dành cho trẻ tự kỷ – Trung tâm Phát triển Cộng đồng Our Story.
Nữ phóng viên gác lại sự nghiệp để thành lập trung tâm dành cho trẻ tự kỷ
Từng trầm cảm và nghĩ đến cái chết
Năm 2013, sau khi sinh con đầu, do có nhiều yếu tố tác động đến cùng một lúc, trong đó ảnh hưởng nhiều nhất từ phía gia đình nên chị Thu có dấu hiệu bị trầm cảm. Chị Thu kể, thời điểm đó tôi và mẹ chồng không hợp nhau, nên trong lòng có cảm giác không được yêu thương.
"Trong khoảng thời gian đầu sinh con, tôi thường xuyên phải chăm con một mình. Và gia đình tôi chuyển nhà, bản thân phải bế con vừa được tháng tuổi dọn dẹp, đi lại khiến tôi có cảm giác mình bị hắt hủi, cô đơn và nhìn gì cũng thấy tiêu cực. Trong đầu tôi cứ vang lên câu nói: Sống như này sống làm gì? Bây giờ chỉ có chết mới thoải mái được", chị Thu nhớ lại. Và thậm chí, có những khi chỉ nghe con khóc thôi thì chị Thu cũng nảy lên cảm giác "căm hờn".
Thời điểm đó, trong con người chị Thu dường như có hai tiếng nói khác nhau, tiếng nói của cái ác khiến chị Thu suy nghĩ như trên và nó còn khuyên chị thêm – "Nên kết thúc cuộc đời đi vì sống trên đời này không có ai quan tâm mày đâu và sẽ khổ lắm". Nghe theo tiếng nói đã có những lúc chị Thu nghĩ tới việc treo cổ hoặc uống thuốc ngủ để tự tử, nhưng vào giây phút đó một tiếng nói khác lại cất lên kéo chị trở lại – "Chết đi rồi, con cái mày sẽ ra sao?", "Bố mẹ vất vả sinh thành, dưỡng dục mày, công ơn ấy mày chưa đền đáp, vậy thì tại sao lại làm chuyện bất hiếu này?"...
Quá rối loạn trong những ngày này để thoải mái đầu óc, chị Thu có chia sẻ với chồng rồi hàng ngày lên chùa. Tại chùa, sau những lần nghe kinh kệ, ngồi thiền và được các sư thầy giảng dạy về thiện - ác, về lẽ khổ ở đời... chị Thu dần bình tâm lại và hiểu hơn về những chuyện đã qua. Chị hiểu hơn về cách ứng xử của mẹ chồng, mẹ đơn giản là quan tâm hai con và cháu theo cách của mẹ - "tự lập". Vì trước đây, khi mẹ và cha chồng chị ly dị, mẹ cũng một mình tự lập nuôi con, và nay mẹ cũng mong muốn vợ chồng chị có thể tự lập như vậy.
Câu chuyện của chúng tôi – Our Story
Trở lại cuộc sống bình thường sau khi đã vượt qua những tháng ngày trầm cảm, chị Thu tiếp tục công việc phóng viên tại Tạp chí Doanh nghiệp, Doanh nhân - Thương hiệu. Sau đó, chị Thu được bổ nhiệm làm Giám đốc đại diện của Công ty CP Truyền thông và Sự kiện Chìa Khóa Xanh và làm thêm công việc tổ chức các sự kiện truyền thông cho các đơn vị kinh doanh. Với nghề nghiệp và những công việc như vậy, chị Thu có tháng thu nhập lên tới gần 100 triệu đồng.
Lẽ thường, chị Thu vẫn tiếp tục những công việc với mức lương như trên nếu như tháng 8/2018 chị không nhận được lời mời làm giám đốc điều hành cho Trung tâm T.L (chị Thu xin được giấu tên) – một trung tâm đào tạo hướng nghiệp nghề cho trẻ khuyết tật trí tuệ và rối loạn phổ tự kỷ. Nhưng vì nhận thấy mục đích của trung tâm này là tốt đẹp – hoạt động phi lợi nhuận, hỗ trợ trẻ tự kỷ tái hòa nhập với cộng đồng bằng việc trang bị cho các con một nghề nghiệp, cộng với cảm giác về những ngày bị trầm cảm khi xưa trở lại – "Tôi đã từng mong người khác hiểu mình, nhưng lại không ai hiểu mình cả. Vì vậy, tôi không muốn những điều mình đã gặp phải, các con cũng phải chịu đựng như vậy", nên đã thuyết phục Thu nhận lời.
Thời điểm này, chị Thu vẫn chưa hiểu rõ tự kỷ là gì, mà chỉ chị nghĩ đơn giản tự kỷ cũng giống như trầm cảm, cả hai thứ này có điểm chung là rất cô đơn và mong muốn người khác hiểu mình. Tuy rằng, trước đó trong khóa luận tốt nghiệp đại học chị Thu có khảo sát một nội dung về "những trẻ không bình thường" và sau khi đi làm chị Thu có được một người bạn giới thiệu cho cuốn sách "Totto-Chan – Cô bé bên cửa sổ", cuốn tự truyện của diễn viên truyền hình nổi tiếng của Nhật Bản – Kuroyanagi Tetsuk.
Nhưng sau khi làm việc ở đây, chị Thu càng vỡ lẽ nhiều hơn về chứng tự kỷ, đây không phải là bệnh và là một dạng khuyết tật phát triển tồn tại suốt đời khiến trẻ có những khiếm khuyết về mặt hành vi, ngôn ngữ và giao tiếp. Và hiểu hơn về những điều mình đã từng nghiên cứu, đọc trước đây, để rồi chị Thu nhận ra chứng tự kỷ tuy không thể chữa được nhưng nếu phát hiện sớm và can thiệp đúng cách thì các con có thể đi học, đi làm, có khả năng sống độc lập để không trở thành gánh nặng xã hội như diễn viên Kuroyanagi Tetsuk. Và để làm được điều đó, thì cần có phụ huynh như mẹ của bé Totto-Chan, một ngôi trường đặc biệt mà phòng học là những toa tàu như trường Tô-mô-e và quan trọng hơn là có một người thầy với triết lý giáo dục tiến bộ như thầy hiệu trưởng Kobayashi.
Từ đó, chị Thu nuôi ý định trong mình thành lập một trung tâm dành cho trẻ tự kỷ giống như ngôi trường Tô-mô-e đã được hình thành nên cách nay 75 năm trước ở "Xứ sở hoa anh đào". Do đó, nên khi nghỉ việc ở trung tâm T.L chị Thu đã thành lập nên Trung tâm Phát triển Cộng đồng Our Story (trụ sở tại quận Tây Hồ, Hà Nội)
Chị Thu đặt tên trường là "Our Story" có nghĩa là "câu chuyện của chúng tôi", đó là câu chuyện của chị một người từng trầm cảm và nghĩ đến cái chết, câu chuyện của một người phụ nữ vì các con tự kỷ mà bỏ hết những công việc với mức thu nhập dư dả, câu chuyện của vợ chồng chị với những con tự kỷ - những ngày này vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến trung tâm lâm vào cảnh khó khăn, chồng chị phải bỏ lương phóng viên của bản thân để hỗ trợ vợ duy trì hoạt động của trung tâm.
Và hơn hết, Our Story còn là câu chuyện của chính các con tự kỷ trong hành trình hòa nhập với cuộc sống thông qua việc học kỹ năng nấu nướng, làm việc nhà, học đi chợ, đi đường, học cách ăn uống, học cách đi vệ sinh, học cách giao tiếp với mọi người, học tiếng Anh... Điều đặc biệt hơn, tại đây các con sẽ được một số nghề đề về sau có thể tự kiếm sống như nghề handmade (làm nơ, kẹp tóc, làm hoa, làm túi vải tái chế...), tiền sau khi bán các sản phẩm này trung tâm sẽ dùng để trả lương cho các con.
Chia sẻ về trung tâm của chị Thu, chị Trần Kim Phượng (48 tuổi, quận Ba Đình), mẹ của một trẻ tự kỷ đang can thiệp ở đây cho biết, "Hiện nay tuy có rất nhiều trung tâm nhưng ở phương pháp can thiệp cô Thu có phần phù hợp với cách suy nghĩ của tôi. Hơn nữa, tại đây, trẻ vừa học được nghề, vừa được giao tiếp nhiều – trong đó có việc giao tiếp với các giảng viên người nước ngoài. Từ khi học tập ở đây, cháu giao tiếp có khá hơn, tự tin hơn, chứ trước – khi nói chuyện với mọi người cháu không nhìn vào người đối diện và câu nói còn lộn xộn. Hôm vừa rồi, cháu có nhận được lương, tiền cháu cho cẩn thận vào ví và khi về thì có nói sẽ mời mẹ đi ăn và xem phim".
Được biết, chị Phượng phát hiện con có chứng tự kỷ từ năm cháu 2 tuổi. Thời điểm đó, thông tin về chứng tự kỷ không nhiều như bây giờ, nên khiến bản thân chị và gia đình rất vất vả để tìm hướng đi cho con.
“Phải là người trong cuộc thì mới hiểu, chứ nói một từ ‘vất vả’ thôi thì chưa đủ. Khi ấy, vất vả về tiền bạc thì ít nhưng về tinh thần thì nhiều vô cùng. Bố mẹ nào thương con thì phải cố gắng vượt qua, chứ nếu được lựa chọn bình thường thì chẳng ai muốn như thế cả, nhưng không may rơi vào cảnh này thì phải chấp nhận thôi”.
- Chị Trần Kim Phượng, phụ huynh của trẻ tự kỷ Minh Long tâm sự -
Thấu hiểu những khó khăn, vất vả đó của các bậc phụ huynh và lo lắng rằng, "Nếu một ngày cha mẹ của các con khuất núi thì các con sẽ đi đâu về đâu. Trường hợp gửi cho người thân thì ai cũng có gia đình riêng của mình, có thể họ sẽ không có nhiều thời gian dành cho các con. Còn nếu không có ai để gửi thì các con sẽ phải ra đường, sống như những người lạ mà nếu không hiểu thì người ta sẽ coi các con là kẻ điên, bị tâm thần", chị Thu xúc động nói.
Bởi vậy, cho nên chị Thu từ bỏ tất cả để gây dựng trung tâm này với mục đích sau cùng là mong muốn các con có một cái nghề, để về sau khi không còn cha mẹ nữa thì các con vẫn có thể kiếm tiền tự nuôi sống bản thân, như trường hợp một giảng viên người nước ngoài – từng là người tự kỷ đã từng tham gia can thiệp tại trung tâm. Cùng với đó, chị mong muốn sau này khi có điều kiện có thể thuê một mặt bằng trên phố để chuyên trưng bày và bán các sản phẩm của các con tự kỷ, để tạo cho các con một việc làm ổn định và có thu nhập thường xuyên.
Chị Thu hướng dẫn trẻ tự kỷ làm sản phẩm tranh bằng hoa khô tại Trung tâm Phát triển Cộng đồng Our Story
Trong số các trẻ tự kỷ đã được tiếp xúc, giờ phút này chị Thu nhớ đến Hướng Bình (nhân vật đã đổi tên), con là một cô bé có sự thiệt thòi tuy gia đình có điều kiện. Con có một đặc điểm là rất hay cáu, hay làm đau bản thân và những người khác. Và mỗi khi Hướng Bình cười thì các thầy cô đều cảm thấy sợ. Hơn nữa, con thường không phân biệt được đồ ăn sống với đồ ăn chín, không phân biệt được những nơi được phép vào và những nơi không được phép vào. Tuy nhiên, con có khả năng riêng là chơi guitar và hát rất hay. "Có một lần, Hướng Bình không làm chủ được hành vi, con có hành vi cào cấu cô giáo. Thấy vậy tôi có đưa con vào phòng, trong đó chỉ có 2 cô trò, tôi liền vuốt tóc, nắm lấy hai tay rồi ân cần nhìn vào mắt con và hỏi, "Hướng Bình yêu ai nhất?', con trả lời, "Hướng Bình yêu cô Thu nhất", sau 10 phút thì con dần ổn định. Vừa lúc đó, mẹ của con đến, mở cửa và nhìn thấy tôi điều chỉnh hành vi cho con, chị bỗng rơi nước mắt, 'Cám ơn cô, cám ơn cô, không phải ai cũng làm được như thế cả'", chị Thu nhớ lại.
Vết cào cấu của trẻ tự kỷ khi bộc phát hành vi trên đôi bàn tay của chị Thu và trên cánh tay của anh Sơn (chồng chị Thu).
Hay một trẻ khác, con tên Hòa Bình (nhân vật đã đổi tên). Hòa Bình có một tính cách rất riêng, hễ con quý ai thì con thường bóp vai cho người đó. Và lúc tan học, bóp vai cho chị Thu xong thì Hòa Bình mới chịu về, nếu hôm đó chị Thu nghỉ và không được bóp vai cho cô thì con rất khó chịu. Khi về đến nhà, con hay 'báo cáo' với mẹ, "Mẹ ơi, đã bóp vai cho cô Thu".
Những ngày tháng 5 năm nay, khi mà trung tâm đang bị khốn đốn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng khi nhớ về các con tự kỷ chị Thu lại bất giác mỉm cười và tin rằng mọi chuyện rồi cũng sẽ tốt đẹp cả. "Các con rất trong sáng và không bao giờ biết nói dối, đôi khi các con có những hành động và lời nói dẫu ngây ngô nhưng lại khiến người khác xúc động", chị Thu đôi mắt đầy suy tư chia sẻ.
Trung tâm Phát triển Cộng đồng Our Story được thành lập vào tháng 11/2019 nhằm hỗ trợ kỹ năng và hướng nghiệp cho các trẻ tự kỷ, khuyết tật trí tuệ và khuyết tật chung từ 14-24 tuổi. Hiện tại trung tâm có 5 giáo viên, nhân viên người Việt Nam và khoảng 3 giáo viên người nước ngoài – là những tình nguyện viên quốc tế, chủ yếu tốt nghiệp cử nhân tâm lý ở các trường đại học ở Anh, Mỹ... Hỗ trợ trẻ tự kỷ có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, Our Story còn có chính sách miễn giảm học phí đối với những gia đình trẻ tự kỷ có hoàn cảnh khó khăn.
Bài, ảnh, video: Trường Hùng