"Người cha" của gần 300 trẻ mồ côi, cơ nhỡ

"Người cha" của gần 300 trẻ mồ côi, cơ nhỡ

Trong suốt 16 năm qua, ông Nguyễn Trung Chắt đã thành lập 3 trung tâm bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng gần 300 trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Ông bảo, chỉ mong làm được gì có ích để các cháu được sống bình thường như những đứa trẻ khác.

Thành lập 3 trung tâm, nuôi gần 300 trẻ

Mới đây, tại Lễ tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" do Bộ LĐTB&XH tổ chức, nhiều đại biểu đã dành sự ngưỡng mộ đối với ông Nguyễn Trung Chắt (gần 70 tuổi, ở Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội). Bởi, ông là "người cha" của 292 trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ được nuôi dưỡng tại 3 trung tâm từ thiện do ông thành lập. Ông bảo, nuôi được con đã khó, dạy bảo các cháu nên người còn là điều khó hơn, nhưng ông đã làm được. Ông chỉ mong "các con" có thể vượt qua hoàn cảnh mồ côi khó khăn, trở thành thành những người tử tế, có ích cho xã hội.

Ông bảo, mỗi trường hợp được hỗ trợ, nuôi dưỡng đều có hoàn cảnh khác nhau. Có trường hợp gia đình bố mẹ đã mất để lại 3- 4 người con còn thơ dại, lại có những em gia cảnh cực kì khó khăn nhưng thân mang trọng bệnh. Ví như, trường hợp bé A Lăng Phú (6 tuổi, dân tộc Kờ Tu, trú ở huyện Văn Quan, Lạng Sơn) bị bệnh tim bẩm sinh mà ông đã từng chăm sóc. Theo đó, năm 2008, khi biết Phú bị tim bẩm sinh nhưng không có điều kiện chữa bệnh, ông đã đến thăm. Qua tìm hiểu, gia đình cho biết, chi phí phẫu thuật tim cho Phú lên tới 70- 80 triệu đồng trong khi nhà rất nghèo. Vì vậy, bố mẹ đành buông xuôi con mình cho số phận. Chứng kiến cảnh đó, ông quyết định đưa cả 2 mẹ con vào Trung tâm Hy vọng Lộc Bình (Lạng Sơn) của mình để chăm sóc và tìm kiếm nguồn tài trợ thực hiện phẫu thuật mổ tim cho Phú. Sau hơn 2 tháng kêu gọi, được sự hỗ trợ của một số nhà hảo tâm, ông đã có đủ tiền để thực hiện phẫu thuật. Ca mổ được tiến hành, Phú đã khỏi bệnh và trở về nhà đi học trong niềm vui của gia đình.

Một đêm khuya cuối năm 2009, khi ông đang ở trung tâm hy vọng Tiên Cầu (huyện Kim Động, Hưng Yên) thì nghe có tiếng trẻ con khóc. Ban đầu, ông nghĩ tiếng trẻ con nhà lân cận, nhưng một lúc sau tiếng khóc không dứt. Ông soi đèn pin ra cổng, lần theo tiếng khóc thì phát hiện một cháu bé bị bỏ rơi ven tường của BV huyện Kim Động. Bé gái được quấn một chiếc tã mỏng nằm trong một chiếc làn, bên cạnh có một tờ giấy nhỏ ghi "Cháu còn học nên không thể nuôi con, nhờ các cô bác giúp đỡ". Ông xác định, một bà mẹ trẻ trót lầm lỡ đã sinh con nhưng không có điều kiện nuôi dưỡng đã vứt bỏ đứa bé ven đường. Thương cháu bé, ông vội đưa cháu về trung tâm ủ ấm, pha sữa cho uống. Sau một lúc, bé ngủ ngon lành. Hôm sau, ông đưa bé đến Trạm y tế kiểm tra sức khỏe, rồi đến các cơ quan chức năng làm thủ tục khai sinh, nuôi dưỡng. Bé được đặt tên là Phương Anh. Không phụ lòng "cha nuôi", đến nay Phương Anh đã được 11 tuổi phát triển khỏe mạnh và học rất giỏi. Khi nói về bé Phương Anh, ông rất tự hào.

Chuyện tử tế Bài 3: Người "cha" của gần 300 trẻ mồ côi, cơ nhỡ - Ảnh 1.

Bé Phương Anh khi được nuôi dưỡng tại trung tâm từ lúc còn nhỏ (ảnh: TL)

Ngoài những trường hợp trên, có rất nhiều trường hợp khác đã được giúp đỡ. Trong đó, có nhiều gia đình có từ 2-3 anh em được tiếp nhận giúp đỡ. Ví như các cháu Hồng, Hoàn, Thành ở thôn Pò Cooc- xã Tú Đoạn (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn); cháu Hồng, Chúc, Vân Anh ở thôn Pác Cáp–xã Nam Quan (cũng ở huyện Lộc Bình). "Tôi đều nuôi các cháu hết cấp 3 hoặc 18 tuổi, rồi tùy vào tư chất, điều kiện của từng trẻ để tiếp tục cho học nghề hoặc học lên cao hơn nữa", ông Chắt chia sẻ.

Từ ám ảnh trở thành hành động

Ông Chắt cho biết, bản thân là lính biên phòng, từng tham gia chiến đấu và công tác dọc tuyến biên gới Việt - Trung trong nhiều năm. Cũng vì thế, ông phần nào hiểu được sự khó khăn, thiếu thốn của đồng bào vùng sâu, vùng xa, nhất là những em không cha mẹ. Năm 1992, ông nghỉ công tác và tham gia phối hợp với các dự án dành cho trẻ mồ côi của UNESCO ở Việt Nam. Trong quãng thời gian làm việc với UNESCO, ông đã được đi nhiều nơi, thăm nhiều trại trẻ mồ côi nên rất thương các cháu. Ông luôn mong muốn sẽ làm được một việc gì đó có ích để giúp cho các cháu nhưng chưa tìm được mô hình nào phù hợp với điều kiện của mình.

Sau khi tham khảo nhiều nơi, cũng như tham khảo ý kiến của một số chuyên gia, ông quyết định xây dựng một trung tâm dành cho trẻ mồ côi và khởi động kế hoạch của mình vào năm 2002. Theo đó, ông mượn ngôi nhà cấp 4 của Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Kim Động (Hưng Yên) làm tổ ấm cho những đứa trẻ mồ côi. Tuy nhiên, kế hoạch này không thành vì trong khi sửa chữa, ngôi nhà đã bị sập. Bản thân ông không đủ điều kiện để xây mới nên đành tạm gác lại kế hoạch.   

Trong quãng thời gian sau đó, ông đi vận động các nhà hảo tâm đóng góp để xây dựng Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu (Hưng Yên) nhưng rất ít người ủng hộ vì chẳng biết ông là ai. Năm 2004, ông quyết định vay mượn và dồn toàn bộ tiền tiết kiệm của mình để xây dựng Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu tại huyện Kim Động.

Chuyện tử tế Bài 3: Người "cha" của gần 300 trẻ mồ côi, cơ nhỡ - Ảnh 2.

Các cháu được nuô dưỡng tại Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu, huyện Kim Động, Hưng Yên (ảnh: TL)

Sau khi thành lập trung tâm, ông đón các trẻ mồ côi, cơ nhỡ từ các nơi về  nuôi dưỡng. Năm đầu tiên, ông đón được 24 trẻ mồ côi, lang thang rồi nhận nuôi cả những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Cũng trong năm 2004, một người bạn Việt kiều khi hay tin việc làm của ông ngỏ ý muốn giúp đỡ cho các em người dân tộc thiểu số. Ông tư vấn và phối hợp cùng người bạn thành lập Trung tâm Hy vọng Lộc Bình. Sau khi thành lập, Trung tâm Hy vọng Lộc Bình đã nhận nuôi 48 cháu. Tuy nhiên, đến tháng 10/2006, người bạn trợ bất ngờ qua đời, khiến Trung tâm Hy vọng Lộc Bình có nguy cơ bị giải thể. Không muốn các cháu bị đứt đoạn, ông đã đứng ra làm thủ tục thành lập Cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập lấy tên là Trung tâm từ thiện hy vọng Lộc Bình và hoạt động cho đến nay. Đầu năm 2020, ông đã thành lập thêm Trung tâm hy vọng Hữu Lũng (Lạng Sơn) để chăm sóc các cháu.

Hiện tại, có 99 trẻ đang được ông nuôi dưỡng tại 3 trung tâm gồm: Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu, Trung tâm Hy vọng Lộc Bình và Trung tâm Hy vọng Hữu Lũng. Còn tính từ năm 2004 đến nay, các Trung tâm của ông Chắt đã nuôi dưỡng, chăm sóc cho 292 trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ. "Trẻ mồ côi chẳng có tội tình gì, bản thân các em sinh ra không may mắn phải chịu nhiều thiệt thòi. Tôi chỉ muốn làm việc gì đó để giúp cho các cháu vơi đi sự mặc cảm với xã hội", ông chia sẻ.

Không chỉ nuôi, phải dạy cách sống

Để có kinh phí nuôi các cháu, hàng ngày ông đi vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, những nhà hảo tâm giúp đỡ. Từ mỳ tôm, bao gạo, cá khô, nước mắm, quần áo, xà phòng, dầu gội đầu... những gì có thể đảm bảo cho cuộc sống hàng ngày và học tập của các cháu, ông đều nhận hết. Có lần, ông đến Trường THPT Hà Nội-Amsterdam nói chuyện với các học sinh trong trường vận động giúp đỡ. Ngay sau đó Ban giám đã phát động chương chình "Chia sẻ ước mơ", ủng hộ được gần 5.000 gói mỳ tôm và quần áo, sách vở. Số hàng hóa ấy, ông mang về trung tâm để làm thực phẩm cho các cháu. Ngoài ra, để giảm thiểu các chi phí sinh hoạt, các mẹ nuôi tại trung tâm phải tự tăng gia sản xuất như trồng lúa, thả cá, chăn gà chăn vịt để cải thiện bữa ăn cho trẻ

Trẻ mồ côi, cơ nhỡ vốn thiếu vắng người dạy dỗ, vì vậy ngoài nuôi dưỡng, ông xác định, điều cốt yếu nhất là dạy các cháu "làm người" để các cháu có văn hóa, biết ứng xử. Vốn xuất thân từ "người lính", nên ông cũng áp dụng các biện pháp để đưa các cháu vào "khuôn phép". Hàng ngày, đúng 5h30, ông gõ kẻng gọi các cháu dậy tập thể dục, rồi đánh răng, rửa mặt, ăn sáng. Để các cháu yêu lao động, có kỹ năng sống, ông dạy các cháu cách trồng rau, nuôi lợn, kỹ năng vệ sinh cá nhân theo kiểu "cầm tay chỉ việc". Nếu cháu nào chưa hiểu, ông làm lại, hướng dẫn tỷ mỷ đến khi cháu làm được mới thôi. Hàng ngày, sau giờ học, các cháu lại ra vườn cuốc đất, trồng rau, tưới cây. Cũng vì thế, hiện nay, các loại rau củ quả đều do trung tâm tự sản xuất được.

Chuyện tử tế Bài 3: Người "cha" của gần 300 trẻ mồ côi, cơ nhỡ - Ảnh 3.

Ông Chắt bên cháu bé được nuôi dưỡng tại Trung tâm Hy vọng Hữu Lũng (ảnh: Vũ Thơ)

Để có thời gian "quản" các cháu, ông phải bớt thời gian ở bên gia đình. Nhà ở Hà Nội, nhưng ông thường xuyên phải "chia ca" để về các trung tâm về sinh hoạt, ăn ở cùng các cháu. Trung bình, mỗi tháng ông chỉ ở Hà Nội với gia đình được 3 - 4 ngày, còn lại là thời gian ở các trung tâm. Ông bảo, trẻ ở Trung tâm mọi lứa tuổi, cũng sống theo kiểu "hoang dã" đã quen nên nuôi dạy rất vất vả. Nhiều cháu bỏ học trốn đi chơi game, rồi đánh chửi nhau, cãi vã nhau. Những lúc đó, ông phải làm việc như một "trọng tài", đứng ra phân xử từng tình huống. Những lúc ấy, ông gọi tất cả các cháu lại để chứng kiến cách giải quyết để sau này không tái diễn nữa. Tất các các tình huống giải quyết đó đều được các mẹ nuôi ở trung tâm ghi lại. Sau đó, theo dõi sự thay đổi của các cháu sau khi được xử lý. Ngoài ra, ông còn tận tình chỉ bảo các cháu học tập. Cháu nào học tốt, ông sẽ cho các con học tới cùng. Tại lễ vinh danh, ông bất ngờ gặp lại nhiều gương mặt đã trưởng thành từ mái ấm "Hy vọng". Ông Chắt cho biết, đây là những cháu được đi học đại học, trong đó lớn nhất là một cháu đã nhận bằng thạc sĩ giáo dục, nhỏ nhất là một sinh viên đang học ở Học viện Tài chính.

Còn đối với những trường hợp "sợ học" ông sẽ cho đi học nghề, như may, nghề điện, cơ khí. Một số trẻ sau khi học nghề đã đi làm có thu nhập về hỗ trợ gia đình. Một số sau còn quay lại trung tâm cùng chung tay hỗ trợ các trẻ khác.

Bà Nguyễn Thị Với, một mẹ nuôi ở Trung tâm Hy Vọng Tiên Cầu (Hưng Yên), cho biết: "Dù là nam giới nhưng ông Chắt chăm lo cho các con như người mẹ. Bác ấy lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các cháu. Những khi trời trở rét, đang đêm bác ấy cũng từ Hà Nội về, vào từng phòng kiểm tra xem các con đã mặc áo ấm chưa, quàng khăn chưa, đi tất chưa... khiến chúng tôi rất cảm động".

Từ khi ông làm việc thiện, cũng đã nhận không ít lời ra, tiếng vào. "Ôm rơm rặm bụng", "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", "việc mình chưa xong lo bao đồng việc thiên hạ"... đó là câu nói mà thường xuyên ông phải nghe. Nhiều lúc, ông cũng chạnh lòng, nhưng rồi gia đình, người thân động viên. Ông cũng nghĩ rằng, xã hội muôn màu muôn vẻ, dù mình có làm việc tốt vẫn có ý kiến này kia. Vì thế, mình cứ làm những việc mà bản thân cho là đúng và có ích với xã hội là được, còn đúng sai tùy quan điểm mỗi người.

Chia sẻ về những dự định sắp tới, ông cười bảo, chẳng dám mơ mộng gì nhiều. Ông chỉ mong các trung tâm được duy trì cho các cháu có mái ấm. Tuy nhiên, bản thân ông tuổi cũng đã cao, tiềm lực có hạn. Vì thế, ông mong muốn có thêm nhiều tấm lòng của các nhà hảo tâm cùng chung tay giúp những mảnh đời bất hạnh. Hơn nữa, xã hội cũng còn rất nhiều người khó khăn cần giúp đỡ, nếu có thể, mỗi người hãy chung tay để những trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ có được cuộc sống như những đứa trẻ bình thường khác... 

Linh Trần