Chuyện về nữ Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam

CHUYỆN VỀ NỮ TRUNG TƯỚNG ĐẦU TIÊN CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Từ những ngày thơ ấu tại "phố nhà binh" Lý Nam Đế (Hà Nội), Trung tướng Lê Thu Hà, nữ Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã được thấm nhuần "chất thép" và "chất lính" của cha mẹ. Những giá trị ấy ngấm vào cuộc sống thường ngày, trở thành hành trang theo bà trong suốt hành trình trưởng thành và cống hiến.

"Ngôi trường" đầu tiên về nhân cách

Trung tướng Lê Thu Hà, nguyên Chính ủy Bệnh viện Trung ương quân đội 108, sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống Cách mạng. Cha của bà là Trung tướng Lê Hai, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam; mẹ là Trung tá, bác sĩ Mạc Thị Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Tim mạch - Bệnh viện Trung ương quân đội 108.

Là con nhà tướng, song cả thời hoa niên của Lê Thu Hà đều được trui rèn trong khó khăn chung của đất nước. Thời điểm những năm 80-90 của thế kỷ trước, ngay sau khi đất nước thống nhất, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, Trung tướng Lê Hai làm Phó Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. 

Chuyến công cán này của ông kéo dài hơn một thập kỷ. Ở nhà, mấy mẹ con giống như các gia đình khác ở miền Bắc đều phải tăng gia trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà để cải thiện đời sống. Vất vả, chi chút nhưng bác sĩ Mạc Thị Phúc chưa bao giờ từ bỏ cơ hội học tập, trau dồi nghề nghiệp. 

Chính những lựa chọn của bố mẹ rất tự nhiên thấm vào chị em Lê Thu Hà, "mưa dầm thấm lâu" mà hình thành một nhân sinh quan vững chắc: Sống thì phải giống một cái cây, luôn hướng về phía mặt trời, có lý tưởng, có kiên định, cũng có giới hạn của mình.

Hành trang đó đã theo bà suốt chặng đường học tập và công tác. Dù thi đỗ vào khoa Hóa trường Đại học Tổng hợp, Lê Thu Hà đã nghe theo định hướng của cha mẹ để chọn con đường binh nghiệp. Không có lối tắt nào ở đây. 

Chuyện về nữ Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam- Ảnh 1.

Đại gia đình của Trung tướng Lê Thu Hà

"Đường con chọn, con phải tự đi", đây là lời bố dặn con gái trước khi cô bước chân lên hải trình của mình. 

"Nếu nói ưu điểm lớn nhất của việc có một người bố làm tướng, tôi nghĩ là tấm gương của ông. Làm con gái của bố, thứ nhất là không thể ỷ lại, thứ nữa là không thể làm những việc thẹn với lòng. Còn mẹ thì cho tôi một hình mẫu của người phụ nữ độc lập. Rằng cần đủ nỗ lực, đủ kiên trì, thì ai cũng có thể tự tạo ra cho mình một khoảng trời riêng".

Tốt nghiệp Học viện Quân y, Lê Thu Hà khiến những người xung quanh "sốc" khi từ chối làm việc ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 gần nhà để chọn Bệnh viện Quân y 103, dù xa xôi nhưng có điều kiện học hành tốt hơn. 

Ở đây, công việc đầu tiên mà bác sĩ Thu Hà được phân công là theo chuyên ngành Khớp, lúc đó được cho là không "sáng giá" như tim mạch hay ngoại khoa. Chẳng có thời gian để mà băn khoăn, nhớ lời dặn của bố mẹ: 

"Đừng để lúc ngoảnh mặt lại nhìn quá khứ, ngoại trừ lãng phí thời gian, con chẳng có gì cả. Đó chính là lí do con phải phấn đấu, nỗ lực", "lính mới" Lê Thu Hà đã luôn chỉn chu, nỗ lực trong từng bài tập nhỏ.

Sáng tạo vì bệnh nhân

Nhắc đến những thành tựu y khoa của Trung tướng Lê Thu Hà, người ta thường nhắc đến kỹ thuật lọc màng bụng tại nhà cho những bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Nhắc lại một chút về bối cảnh y tế Việt Nam thời điểm đầu những năm 2000, hầu hết bệnh nhân suy thận chỉ có một lựa chọn là lọc máu nội trú tại bệnh viện. 

Tôi chịu ảnh hưởng nhiều từ sự chỉn chu, mẫu mực, tinh thần cống hiến, hy sinh và cả ý chí kiên định của bố mẹ. Theo con đường binh nghiệp nhưng bố tôi là tướng văn, cụ xử lý việc gì cũng rất cẩn trọng, nhân văn, tỉ mỉ cân nhắc trước sau chứ không áp đặt, kể cả với con cái. Còn mẹ tôi chính là tấm gương cho hai chị em về sự nỗ lực, đức hy sinh, không ngừng vươn lên trong nghề nghiệp và cũng vô cùng giản dị, ấm áp, vị tha, đầy yêu thương trong đời thường”.

Trung tướng Lê Thu Hà, nguyên Chính ủy Bệnh viện Trung ương quân đội 108

Còn một biện pháp khác là thay thận nhưng cách này không dành cho số đông. Thời đó, cả nước chỉ có vài bệnh viện có kỹ thuật lọc máu. Điều này gây ra nhiều bất tiện cho bệnh nhân, đặc biệt là những người ở xa. 

Thấu hiểu những khó khăn này, bác sĩ Lê Thu Hà lúc này đang mang quân hàm Đại tá, công tác tại khoa Thận - Khớp (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), đã tiên phong nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật lọc màng bụng tại nhà. 

Chuyện về nữ Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam- Ảnh 2.

Trung tướng Lê Thu Hà, nguyên Chính ủy Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trong một hoạt động khám bệnh, tư vấn sức khỏe cho đối tượng chính sách tại huyện Thanh Oai (thành phố Hà Nội)

Kỹ thuật này cho phép bệnh nhân tự thực hiện lọc máu tại nhà bằng cách sử dụng khoang màng bụng như một "thận nhân tạo" để loại bỏ độc tố và nước dư thừa ra khỏi cơ thể.

Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật này gặp không ít khó khăn. Đại tá Lê Thu Hà và các cộng sự đã phải đối mặt với nhiều thách thức, từ việc thuyết phục đồng nghiệp đến việc đào tạo, hướng dẫn bệnh nhân. 

Dù vậy, với sự kiên trì và tâm huyết, bác sĩ Lê Thu Hà và các cộng sự đã đạt được thành công đáng kể. Việc đưa kỹ thuật lọc màng bụng vào thực tiễn đã mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của họ. 

Với thành công của đề tài này, bác sĩ Lê Thu Hà và các cộng sự đã được vinh danh trong Ngày "Phụ nữ sáng tạo" năm 2011 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

Trung tướng Lê Thu Hà tốt nghiệp Học viện Quân y với điểm trung bình cao nhất toàn khóa. Sau 10 năm công tác ở trường, bà thi đỗ nghiên cứu sinh với điểm thủ khoa và được cử đi học ở Bulgaria. Năm 1996, trở về nước với bằng tiến sĩ y khoa, bà về công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Năm 2007, bà được phong phó giáo sư. Năm 2009, bà được phong hàm Thiếu tướng và được phong Trung tướng năm 2014.

Hạnh Đỗ (thực hiện)