Cô gái khuyết tật dùng miệng vẽ nên những ước mơ

Vượt lên số phận

Mới đây, Robaba Mohammadi đã có chuyến đi tới Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE) để dự triển lãm Made in Afghanistan. Cô gái khuyết tật trước kia vốn chỉ loanh quanh ở góc nhà, không hiểu gì về nghệ thuật, nay lại có tác phẩm được trưng bày tại thành phố chỉ trưng bày tác phẩm của các nghệ sĩ giỏi nhất và đó là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời nhất. 

Tác phẩm của Robaba đã được trưng bày cùng tác phẩm của 10 họa sĩ Afghanistan khác, bao gồm Nabila Horakhsh - Người phụ trách triển lãm, Shamsia Hassani -Nữ họa sĩ vẽ tranh lên tường phố đầu tiên của Afghanistan và Jahan Ara Rafi - Người có các tác phẩm nghệ thuật hiện đại và cũng là người ủng hộ cho vai trò của phụ nữ trong các ngành sáng tạo...

Cô gái khuyết tật dùng miệng vẽ nên những ước mơ - Ảnh 1.

Robaba Mohammadi bị khuyết tật bẩm sinh từ nhỏ. Cô không thể sử dụng tay, cánh tay hoặc chân của mình. Vì Afghanistan còn nạn phân biệt đối xử với phụ nữ khuyết tật, Robaba không thể đến trường khi đến tuổi đi học. Robaba chia sẻ, cô đã không gặp ai và cảm giác như mình không tồn tại trong xã hội. Cô luôn cảm thấy ngột ngạt, mỗi tháng cô ra ngoài sân chỉ một lần. Những ngày cô đơn dài lê thê đã thúc đẩy cô tìm mọi cách để có thể khiến mình bận rộn, để rồi tìm thấy niềm say mê của mình. Cô tự học cách đọc và viết chữ tại nhà với sự giúp đỡ của bố mẹ.

Vì khuyết tật nên tôi không bao giờ có thể đến trường. Đôi lúc, tôi khá ganh tị với các anh chị em của mình vì họ có thể đi học

Robaba Mohammadi

Tay chân đều bị liệt nhưng điều đó không thể ngăn cản cô bé thực hiện ước mơ của mình. Lần đầu tiên Robaba nhặt một cây bút chì, cô đã dùng chân để vẽ nhưng cô thấy việc đó thật khó khăn. Với sự động viên của cha, cô đã dùng miệng và thấy rằng dễ dàng hơn. "Tôi đã từ bỏ rất nhiều lần", cô bộc bạch về những nỗ lực ban đầu của mình. Mohammadi tiếp tục luyện tập cho đến khi có thể vẽ một đường thẳng.

Cô bắt đầu học từ một cuốn sách hướng dẫn nghệ thuật được một người bạn tặng và cô cảm thấy mình nổi trội về lĩnh vực này. Cô bắt đầu luyện tập hàng giờ mỗi ngày. Những bức vẽ bằng chì mô tả về con người, đồ vật, động vật và hoa của cô dần giúp cô nổi tiếng từ năm 16 tuổi. Tự học vẽ tại nhà nhưng với năng khiếu của mình trong hội họa, tranh của cô được trưng bày tại nhiều triển lãm quốc tế, thu hút nhiều người chú ý.

Robaba đã  cố gắng dùng lưỡi, miệng và đầu để vẽ tranh dù khó khăn và nhiều lúc đớn đau

Robaba đã cố gắng dùng lưỡi, miệng và đầu để vẽ tranh dù khó khăn và nhiều lúc đớn đau

"Tôi vẽ tranh chủ yếu về phụ nữ Afghanistan, vẽ sức mạnh và vẻ đẹp của họ. Tôi cũng vẽ về vẻ đẹp của hội họa, tình yêu và những thách thức mà phụ nữ phải đối mặt", Robaba chia sẻ.

Robaba sau đó bắt đầu được đào tạo với các họa sĩ chuyên nghiệp và cải thiện kỹ thuật của mình. Hiện nay, Robaba sử dụng sơn dầu để miêu tả các đường phố ở Afghanistan và người dân đất nước này. Cô cũng vẽ những người khuyết tật bằng màu đậm và thường lồng trong phong cảnh. 

Phá vỡ rào cản

Ở Afghanistan, có hơn 1,5 triệu người bị khuyết tật trong tổng số 35 triệu dân, trong đó có hàng chục nghìn người bị thương do bom mìn. Tuy nhiên, Afghanistan là một nơi cực kỳ bảo thủ, từ lâu được coi là một trong những nơi tồi tệ nhất thế giới phân biệt đối xử với phụ nữ, đặc biệt là với những người phụ nữ bị khuyết tật. Sự phân biệt đối xử cùng những xung đột xã hội nhiều năm qua khiến cho những người khuyết tật luôn sống trong u tối và bế tắc. 

"Tôi đã từng cảm thấy mệt mỏi và phát ốm vì không thể rời khỏi nhà. Khi người thân đến thăm nhà, họ sẽ thì thầm rằng cha mẹ tôi đã phạm phải tội lớn là sinh ra đứa con gái khác biệt như tôi", Robaba kể.

Ngậm cọ vẽ trong miệng và điều khiển nó để tạo ra những bức tranh đầy màu sắc

Ngậm cọ vẽ trong miệng và điều khiển nó để tạo ra bức tranh tuyệt đẹp

Nghị lực và khao khát của Robaba được người dân hy vọng là sự đánh tiếng lan rộng để mọi người có thể chú ý. Từ đó sẽ có sự chung tay giúp đỡ, giải thoát cho những số phận bị đàn áp, đối xử tồi tệ tại nơi đây, cho họ hy vọng sống và theo đuổi ước mơ của cuộc đời.

Robaba đã trở thành nguồn cảm hứng cho những người khuyết tật khác. Không chỉ vẽ tranh, chính cô là người dạy nghệ thuật và khuyến khích những người khuyết tật khác tìm ra tiếng nói của mình. Cô đã sử dụng số tiền bán tranh để mở trung tâm đào tạo nghệ thuật dành cho người khuyết tật. Robaba, cùng với anh trai Ali Reza và một trong những em gái của cô là Shakila, thành lập Trung tâm văn hóa và nghệ thuật Robaba ở Kabul để tập trung cho công việc của họ tại vùng này. 

Trung tâm tổ chức các lớp học và các hoạt động để giúp mở rộng nghệ thuật và văn hóa trong một cộng đồng đã chịu đựng xung đột trong 4 thập kỷ qua, với sự tập trung vào người khuyết tật. Tuy nhiên, Robaba cũng muốn nó trở thành một trung tâm có thể giúp chống lại cảm giác trầm cảm ngày càng tăng của giới trẻ sống ở thủ đô Afghanistan.

Chúng tôi rất tự hào về Robaba, cô ấy là nguồn cảm hứng cho những người khuyết tật khác. Tôi hy vọng sẽ có một khóa học xóa mù chữ cho những người khuyết tật không thể đến trường

Ali Mohammadi (24 tuổi), anh trai Robaba

Giờ đây, cô có thể sử dụng phương tiện truyền thông xã hội trên điện thoại di động của mình một cách lão luyện như bất kỳ thiếu niên nào khác bằng cách gõ bằng lưỡi. Robaba là một diễn giả thường xuyên ở trung tâm và với cô, người Afghanistan trẻ là chìa khóa để thay đổi nhận thức truyền thống về người khuyết tật. 

"Mục tiêu của chúng tôi là giúp những người không có hy vọng hay kế hoạch cho tương lai của họ và tôi luôn chú trọng vào những người khuyết tật. Trong xã hội, nếu những người trẻ tuổi không năng động, nếu họ không thể tạo ra những thay đổi trong văn hóa và trong cộng đồng của họ, hoặc họ không thể khiến thay đổi nhận thức của mọi người, vậy thì ai sẽ là người tạo ra những thay đổi đó?", cô nói.

Cô gái khuyết tật dùng miệng vẽ nên những ước mơ - Ảnh 7.

Robaba quyết tâm phá vỡ các rào cản về giới và người khuyết tật. Cô đã thuyết phục các bậc cha mẹ đưa con gái của họ đến trung tâm để học nhạc và hát, một điều gần như chưa từng thấy ở những vùng khác trong nước. Cô tự chi trả cho trung tâm trong khi cô thừa nhận các hóa đơn thực sự là lớn, cô hy vọng rằng tiền hoa hồng trong tương lai sẽ đủ để giúp cho trung tâm tiếp tục hoạt động. Mặc dù vậy, họa sĩ cho phép những người có thu nhập thấp được hưởng mức giá giảm hoặc thậm chí miễn phí.

Gặp gỡ những chính trị gia, tham dự các sự kiện để xóa bỏ sự kỳ thị đối với người khuyết tật, tổ chức nhiều hội thảo truyền động lực, tổ chức giảng dạy và sáng tạo nghệ thuật, học hát và gần đây nhất là học tiếng Anh chỉ là một trong những hoạt động khiến Robaba bận rộn. Cô còn muốn làm nhiều hơn nữa. Một trong những ước mơ của cô là một ngày nào đó sẽ mở một trường đại học và trường học cho người khuyết tật.