Con chữ đi theo cây chè

Xuất bản ngày 12/10/2022

Cây chè đã trở thành sinh kế chính cho những người phụ nữ dân tộc Mông, Thái, La Ha, Dao… từ vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La lên quê hương mới ở Cao nguyên Mộc Châu. Nhờ đi theo cây chè, phụ nữ nơi đây đã biết đọc, biết viết và hướng đến một cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Hành trình sinh kế

Còn nhớ, cách đây hơn chục năm, những người phụ nữ ở các huyện Ít Ong, Quỳnh Nhai đã "vì dòng điện ngày mai của Tổ Quốc" nhường đất cho lòng hồ Thuỷ điện Sơn La, di dân lên Mộc Châu có cuộc sống rất khó khăn. Những người phụ nữ này đa phần là đồng bào các dân tộc Thái, Si La, La Ha… trong số đó có hàng trăm người không biết chữ, không biết gì đến việc trồng chè và nuôi bò sữa theo như quy hoạch của Nhà nước. Thậm chí, thời đó, có nhà khoa học khi đi khảo sát thực tế đã phải thốt lên rằng: "Mộc Châu có chè siêu củi và bò siêu xương", ý nói bà con trồng chè thì chè chỉ cho củi, còn nuôi bò thì bò gầy giơ xương.

Tuy nhiên, trải qua hơn 10 năm nỗ lực của chính quyền địa phương, cây chè đã ăn sương bám rễ, hợp thổ nhưỡng nên sinh trưởng tốt, cho những vụ thu hoạch bội thu. 

Con chữ đi theo cây chè - Ảnh 1.

Nhờ được tập huấn bài bản, những người phụ nữ ở Mộc Châu có thể thu hái 1 tạ chè búp/ngày

Ngay từ năm 2011, chính quyền huyện Mộc Châu đã đào tạo, hướng dẫn phụ nữ các xã Tân Lập, Phiêng Luông, thị trấn Nông trường… các quy trình chăm sóc, thu hái cây chè.

Nhớ lại thời đó, chị Vi Thị Minh (dân tộc Thái ở xã Tân Lập) nói rằng, nghe chính quyền tuyên truyền, mở lớp tập huấn về cách chăm sóc cây chè và thu hái, bà con tái định cư chúng tôi không tin lắm vì việc này, phụ nữ người Thái chúng tôi chưa làm bao giờ.

Giống chè ô long trồng ở Mộc Châu cho chất lượng tốt, chủ yếu xuất khẩu sang Đài Loan

Còn chị Lò Thị Mín, cũng mới di dân từ lòng hồ Thuỷ điện Sơn La lên Mộc Châu thì tự ti cho biết: "Lúc đó, tôi không biết chữ, chính quyền bảo tôi đi học thì khó khăn lắm. Thấy chị em nô nức đi, tôi cũng mạnh dạn tham gia".

Tâm tư của chị Minh, chị Mín cũng là tâm trạng chung của hàng nghìn phụ nữ các dân tộc Thái, Mông, La Ha khi đó, bởi, những người phụ nữ này chỉ quen việc đi rừng, trồng cây lúa nương nên chăm sóc một loài cây công nghiệp như chè chưa từng làm bao giờ. Tuy nhiên, vừa học, vừa thực hành, các chị em được lên tận đồi chè, được cán bộ nông nghiệp chỉ tận tay cách tưới tiêu, cách chăm sóc và thu hái. Đặc biệt, cùng với hằng trăm lớp tập huấn cho chị em phụ nữ được tổ chức thì diện tích chè được trồng ở Mộc Châu ngày càng tăng lên. Từ 80 ha ban đầu, đến nay toàn huyện Mộc Châu đã có 2000 ha chè đang trong thời điểm thu hoạch.

Ngoài ra, cùng với diện tích chè ngày càng gia tăng, chị em phụ nữ ở vùng tái định cư lên Mộc Châu lại nhìn thấy nhiều nhà máy thu hái chế biến chè mọc lên như nấm. Chị em càng vững tin rằng, cây chè chính là sinh kế của mình.

Con chữ đi theo cây chè - Ảnh 3.

Những người phụ nữ dân tộc Mông ở xã Lóng Luông cũng vượt 20 km xuống Tân Lập để làm công thu hái chè với giá nhân công 300 nghìn/ngày

Có một một điều đáng mừng, thời điểm di dân lên Mộc Châu, có hằng trăm phụ nữ không biết chữ. Nhờ tham gia lớp tập huấn, đội sản xuất, chị em được chính quyền bổ túc, giờ đây 100% chị em đã biết đọc, biết viết. Chị Lò Thị Mín hồ hởi khoe rằng: "Tôi chưa từng bao giờ nghĩ mình có thể cầm cuốn sách, tờ báo để đọc. Nhờ đi theo cây chè, giờ tôi đã có thể đọc để hiểu về cây chè, hiểu về các vấn đề của chị em phụ nữ để cuộc sống càng tốt hơn".

Con chữ đi theo cây chè - Ảnh 4.

Nhờ đi theo cây chè, những người phụ nữ nơi đây đã có thể đọc để hiểu về cây chè, hiểu về các vấn đề của chị em phụ nữ để cuộc sống càng tốt hơn

Những hướng dẫn viên du lịch

Được biết, ngay từ năm 2010, huyện Mộc Châu đã tập trung xây dựng vùng nguyên liệu chè sạch, an toàn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất chế biến nên mùa thu hái chè không chỉ còn vụ Xuân nữa. Giờ đây, trước nhu cầu của thị trường và cách chăm sóc cây chè khoa học, chị em phụ nữ Mộc Châu đã có 12 vụ hái chè trong vòng một năm. Chị Hoàng Thị Dẫn (Dân tộc La Ha) cho biết: "Trước khi lên vùng tái định cư mới, nhà tôi chỉ độc canh lúa nương, mỗi năm một vụ nên không đủ ăn. Giờ đây, mỗi năm tôi có 12 vụ thu hái chè. Nếu tính cả diện tích nhà tôi trồng 1,7 ha thì mỗi tháng, từ cây chè nhà tôi có thu nhập khoảng 12 triệu đồng".

Công cụ duy nhất của chị em phụ nữ Mộc Châu thi hái chè là gùi để đựng. Mỗi gùi sẽ đựng được khoảng 10 cân búp chè

Trong khi đó, chị Lò Thị Lan ở thị trấn Nông trường lại có sinh kế từ cây chè theo một cách khác. Nhà chị Lan không tham gia trồng chè nhưng vợ chồng chị đều là công nhân của Công ty chè Cờ Đỏ. Chị Lan nằm trong đội hái chè, còn chồng chị làm công nhân đứng máy sao chè. Mỗi tháng, tổng thu nhập của gia đình cũng được 12 triệu, đủ để trang chải cuộc sống và nuôi con cái học hành. Chị Lan cho biết: "Từ khi làm công nhân, tôi được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, báo hiểm y tế… Khi ốm đau đi khám bệnh không mất tiền, cuộc sống này tôi chưa từng mơ ước khi ở quê cũ".

Đặc biệt, từ năm 2017 đên nay, huyện Mộc Châu đẩy mạnh loại hình du lịch nông nghiệp là tham quan đồi chè và trực tiếp tham gia thu hái. Nhiều chị em phụ nữ ở Mộc Châu đã trở thành những hướng dẫn viên du lịch, hướng dẫn du khách cách hái, sao chè. Nói về vấn đề này, chị Tống Thị Lẳng vui vẻ thông kê: "Này nhé, nhà tôi có hơn 1 ha chè, khách vào tham quan, chụp ảnh, hướng dẫn du khách hái chè mỗi ngày cũng mang đến thu nhập 300 nghìn. Cộng với việc thu hái búp bán cho nhà máy, nhà tôi cũng có tích luỹ và nuôi hai con đang học đại học dưới Hà Nội".

Con chữ đi theo cây chè - Ảnh 6.

Sau khi hái, chè được các công ty thu mua ngay tại đồi

Theo kết quả phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2022, UBND huyện Mộc Châu, tính đến thời điểm hiện nay trên địa bàn huyện tiếp tục đẩy mạnh tập trung việc chăm sóc, thâm canh 2.110 ha chè hiện có, trong đó có 1.922 ha cho sản phẩm, sản lượng chè búp tươi đạt 8.850 tấn, trong đó có 76,67 ha chè được cấp Giấy chứng nhận VietGap của Công ty Cổ phần chè Cờ đỏ là 17,2ha; Công ty Chè Mộc Sương 27,85ha; Công ty Cổ phần chè Chiềng Ve 12ha; Hợp tác xã Chè Tân Lập 19,62ha. Từ những diện tích chè đang có và đang được mở rộng thì sinh kế của những người phụ nữ ở Mộc Châu được đảm bảo và ngày càng phát triển.

Con chữ đi theo cây chè - Ảnh 7.

Cuộc sống mới của bản người La Ha ở xã Tân Lập bên cạnh đồi chè xanh mướt

Thực hiện: Yên Ninh