Con đường Hạnh Phúc - "Tượng đài" bất tử của đại đoàn kết dân tộc

Con đường kết nối yêu thương, hạnh phúc đến địa đầu Tổ quốc

Đây là lần thứ hai tôi đến Hà Giang và lần đầu tiên trong đời được trải nghiệm gần hết chiều dài của con đường Hạnh Phúc. Cách nay 61 năm, khi chưa có con đường này, đồng bào nơi đây chỉ có thể di chuyển bằng ngựa thồ, đi bộ giữa những mỏm nhấp nhô của đá tai mèo, rừng núi âm u hoang vắng. Hơn 8 vạn đồng bào của 16 dân tộc trên Cao nguyên đá Đồng Văn (trải rộng trên 4 huyện của tỉnh Hà Giang – Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) sống trong cảnh biệt lập với thế giới bên ngoài, bị cái đói nghèo, lạc hậu bủa vây, trình độ dân trí thấp.

Con đường Hạnh phúc dài gần 200km, một tượng đài bất tử của đại đoàn kết dân tộc... - Ảnh 1.

Đoạn đường qua đèo Mã Pì Lèng quanh co, khúc khuỷu, một bên là vách đá thẳng đứng, bên còn lại là vực sâu thăm thẳm

Với địa thế cô lập, lại giáp ranh với Trung Quốc, biến nơi đây thành địa bàn "lý tưởng" cho các đối tượng thổ phỉ hoạt động. Với súng, lựu đạn và ngựa trong tay, chúng ra sức cướp bóc, hiếp dâm, giết người, đe dọa tính mạng của bà con giữa ban ngày.

Con đường Hạnh phúc dài gần 200km, một tượng đài bất tử của đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 3.

Xích cổ chân mà tên Chánh Tư (xã Yên Minh, Yên Minh) dùng xích chân những người dân thiếu thuế hoặc trốn phu

Con đường Hạnh phúc dài gần 200km, một tượng đài bất tử của đại đoàn kết dân tộc... - Ảnh 3.

Các con dao mà bọn phỉ dùng để sát hại người dân ở huyện Xín Mần năm 1947, có những con dao chúng dùng sát hại tới 7 người

Trước tình hình đó, với mong mong muốn phá vỡ thế cô lập, giải cứu bà con thoát khỏi nạn phỉ và kéo gần khoảng cách phát triển với người dân miền xuôi, ngày 29 tháng 3 năm 1959, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang họp và ra Nghị quyết đề nghị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Khu tự trị Việt Bắc mở đường kết nối Hà Giang-Đồng Văn-Mèo Vạc.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Khu ủy Khu tự trị Việt Bắc, ngày 10 tháng 9 năm 1959, tại thị xã Hà Giang, Bộ Giao thông Vận tải, Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam và tỉnh Hà Giang đã tổ chức lễ khởi công mở đường Hạnh Phúc với tổng chiều dài khoảng 200km chạy từ Hà Giang đến Quản Bạ - Yên Minh - Đồng Văn - Mèo Vạc. Tham gia mở đường có gần 1.000 đồng bào thuộc 16 dân tộc (Mèo, Tày, Dao, Pu Léo, Lô Lô…) cùng với gần 1.300 thanh niên xung phong đến từ 8 tỉnh miền Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Hải Dương, Nam Định). 

Thanh niên xung phong đo đạc, cẩu vận chuyển đất đá, gánh nước phục vụ mở đường Hạnh Phúc - Hà Giang - Đồng Văn. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Hà Giang

Không có xe cơ giới hỗ trợ, từ những dụng cụ lao động thô sơ (cuốc, xà beng, búa tạ...) họ đã mở đường từ vách núi

Không có xe cơ giới hỗ trợ, với những dụng cụ lao động sô thơ – chỉ là cuốc, xẻng, búa tạ, xà beng, xe cút kít, trong điều kiện làm việc khắc nghiệt – mùa hạ nóng như rang, mùa đông rét cắt da cắt thịt, thiếu lương thực, thiếu muối, nước, dầu, rau xanh… họ đã cùng nhau cuốc những nhát cuốc đầu tiên, mang theo bao hy vọng về một con đường kết nối liên lạc, kết nối yêu thương đến nơi địa đầu Tổ quốc. 

Ngày 27 tháng 3 năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh có về thăm Hà Giang. Khi nghe đồng bào chia sẻ, đường mở đến đâu thì mang ánh sáng văn minh và ấm no cho đồng bào các dân tộc đến đó, Bác hỏi vậy sao không đặt tên là đường Hạnh Phúc. Cũng kể từ đây, cung đường được mang tên đường Hạnh Phúc.

Ám ảnh về "Lọ mỡ người" trong Bảo tàng tỉnh Hà Giang

Trong thời gian ở Hà Giang công tác, tôi có dịp tiếp xúc với nhà báo Đỗ Doãng Hoàng và có nghe anh nhắc tới "Lọ mỡ người". Đây là lọ mỡ người duy nhất ở Việt Nam và hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Hà Giang, điều đặc biệt nữa là hiện vật này liên quan đến quá trình mở đường Hạnh Phúc.

Tôi đến Bảo tàng tỉnh Hà Giang để tìm hiểu về hiện vật đặc biệt này, "Lọ mỡ người" được trưng bày trong tủ kính ở tầng 2. Phần giới thiệu về hiện vật: "Tháng 12/1959, Phỉ cướp cửa hàng lương thực ở xã Lũng Phìn (huyện Đồng Văn). Chúng xả thịt và rán mỡ cán bộ nhằm uy hiếp tinh thần cách mạng của đồng bào ta". Ngay phía trên là con dao mà tên Sùng Mí Thưng, Tư lệnh phó của toán Phỉ ở Đồng Văn, hắn đã dùng dao này để xả thịt và rán mỡ cán bộ ta nhằm uy hiếp tinh thần cách mạng của đồng bào ta, năm 1959.

Con đường Hạnh phúc dài gần 200km, một tượng đài bất tử của đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 7.

Con đường Hạnh phúc dài gần 200km, một tượng đài bất tử của đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 8.

Trước đó, khi con đường mới khởi công được hơn 2 tháng thì bọn thổ phỉ nổi lên hoành hành khắp nơi. Chúng khóa chặt Cổng trời Cán Tỷ, cắt đứt con đường mòn huyết mạch từ Hà Giang lên Đồng Văn. Đỉnh điểm, vào tháng 12 năm 1959, tên cầm đầu toán phỉ– Giàng Mí Thưng vào Lũng Phìn cướp lương thực và giết hai cán bộ. Sáng hôm sau, chúng mang ra chợ xả thịt, rán lấy mỡ để thị huy và răn đe người dân. Cùng tháng, một tên cầm đầu đưa một toán phỉ đánh vào Na Khê, Bạch Đích, bắt cán bộ huyện treo lên cây làm bia cho lính bắn.

Con đường Hạnh phúc dài gần 200km, một tượng đài bất tử của đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 9.

Trước những hành động dã man, vô nhân tính của chúng, ngày 28 tháng 12 năm 1959, Bộ Chính trị chỉ thị phải nhanh chóng có biện pháp xử lý tình trạng trên. Sau hơn một năm ra quân và truy quét những tên cầm đầu, Hà Giang đã dẹp tan vụ bạo loạn chống phá cách mạng, làm tan rã lực lượng phỉ hơn 1.110 tên.

Nạn phỉ dẹp yên, Cao nguyên đá Đồng Văn trở lại vẻ yên bình, đồng bào an tâm ổn định cuộc sống, việc mở được không còn gặp nhiều trở ngại. Giờ đây, tuy rằng lịch sử đã sang trang mới, nhưng khi được chứng kiến những hiện vật ở bảo tàng trên, nếu không có dòng chú thích, có lẽ trong bất kỳ ai trong mỗi chúng ta cũng không thể nào tưởng tưởng được câu chuyện đằng sau nó là gì. Để từ đó chúng ta hiểu thêm về giá trị của hòa bình, của độc lập, tự do, trân trọng những hy sinh của các thế hệ đi trước để có được con đường đúng nghĩa Hạnh Phúc của ngày hôm nay.

Toàn cảnh buổi xét xử những tên phỉ cầm đầu vụ bạo loạn ở Đồng Văn, năm 1959. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Hà Giang

Trở thành những tượng đài bất tử

Sau gần 6 năm ròng rã phá núi mở đường với trên 2 triệu lượt ngày công, đào đắp, di chuyển trên 3 triệu m3 đá, Con đường Hạnh Phúc có chiều dài 185km đã chính thức hoàn thành vào ngày 15/3/1965. Trong đó, đoạn đường dài 24km vượt qua đèo Mã Pì Lèng là mất nhiều công sức, xương máu hơn cả. Để mở được đoàn đường này, công nhân đã phải 11 tháng thường xuyên treo mình qua những vách đá dựng đứng để phá đá, nhích từng centimet vào vách núi để mở đường.

Con đường Hạnh phúc dài gần 200km, một tượng đài bất tử của đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 11.

Thanh niên xung phong treo mình trên vách đá mở đường Hạnh Phúc qua đỉnh Mã Pì Lèng, năm 1964 - 1965. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Hà Giang

Khi tuyến đường được khai thông đã có 14 thanh niên xung phong hy sinh. Chia sẻ về sự hi sinh của liệt sĩ Lương Quốc Chanh (SN 1942, nguyên quán xã Gia Lộc, Chi Lăng, Lạng Sơn), ông Sùng Đại Dùng, nguyên Bí thư Đoàn Thanh niên lao động Công trường xúc động nhắc lại lời đồng đội trước khi nhắm mắt: "Trước khi nhắm mắt, anh Chanh khóc: "Tôi sẽ chết ở đây, tôi nằm bên vệ đường Hạnh Phúc này. Anh em phải tiếp tục phá đá. Mai đây con đường hoàn thành, anh em về lại Lạng Sơn. Liệu ai còn nhớ tôi không? Tôi sẽ nhớ mọi người lắm đấy"".

Tôi sẽ chết ở đây, tôi nằm bên vệ đường Hạnh Phúc này. Anh em phải tiếp tục phá đá. Mai đây con đường hoàn thành, anh em về lại Lạng Sơn. Liệu ai còn nhớ tôi không? Tôi sẽ nhớ mọi người lắm đấy".

Liệt sĩ Lương Quốc Chanh


Con đường Hạnh phúc dài gần 200km, một tượng đài bất tử của đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 13.

Danh sách TNXP hy sinh trong quá trình mở đường Hạnh Phúc

Để tưởng nhớ và tri ân thế hệ thanh niên xung phong tham gia mở đường Hạnh phúc, năm 2017 tỉnh Hà Giang đã hoàn thành xây dựng Cụm tượng đài thanh niên xung phong trên đèo Mã Pì Lèng. Kế tượng đài là Bảo tàng Con đường Hạnh Phúc, trong đó lưu giữ nhiều hiện vật ảnh, tư liệu, vật dụng sinh hoạt, phương tiện di chuyển… gắn với quá trình mở đường.

Con đường Hạnh phúc dài gần 200km, một tượng đài bất tử của đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 14.

Cụm tượng đài Thanh niên xung phong trên đèo Mã Pì Lèng

Ở khoảng giữa các hiện vật, có một bảng chữ giới thiệu vắn tắt về quá trình khởi công xây dựng con đường Hạnh Phúc: "Có thể thời gian cứ lặng lẽ trôi, những con đường đó đã trở thành những tượng đài bất tử trong lòng của thế hệ mai sau. Và con đường Hạnh Phúc là trầm tích và minh chứng về một thời tuổi trẻ của một thế hệ đã đi qua…".

"Chưa bao giờ người ta tin con đường sẽ hoàn thành. Đôi lúc trong chính những con người đó cũng không thể tin con đường đã hoàn thành. Câu chuyện là vậy, đó là ngày của hoa, ngày những đoàn xe của Chính phủ Việt Nam đã lên tới mảnh đất Đồng Văn - Mèo Vạc trong sự ngỡ ngàng của đồng bào khi mà bấy lâu nay họ chỉ thấy con bò, con ngựa...".

Khi đọc những dòng chữ khiêm nhường nhưng lại đầy hào hùng đó, bỗng nhiên trong tôi dâng nên cảm xúc tự hào, xúc động, cảm phục và biết ơn. Trước đây, tôi cứ nghĩ Hà Giang đẹp vì có một trong những con đèo nguy hiểm nhất Việt Nam (đèo Mã Pì Lèng), có hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á (Hẻm Tu Sản), có điểm Cực Bắc (Cột cờ Lũng Cú)… Nhưng giờ đây, tôi hiểu, như vậy là chưa đủ, Hà Giang khiến tôi lưu luyến vì ở đây còn có câu chuyện về một con đường Hạnh Phúc và có những con người sẵn hàng hy sinh để làm nên con đường Hạnh Phúc. Họ đã dâng hiến cả tuổi trẻ, đối diện với những hiểm nguy, không chùn bước trước những tội ác man rợ của bọn phỉ để xây dựng đường Hạnh Phúc và khối đại đoàn kết dân tộc.

Thực hiện: Trường Hùng

Ảnh: Trường Hùng, Bảo tàng tỉnh Hà Giang