Cuộc sống lay lắt của xóm chạy thận mùa dịch

Xóm chạy thận nằm đối diện Bệnh viện Giao thông vận tải Vinh (phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An) là nơi tá túc của 15 bệnh nhân chạy thận. Để duy trì sự sống, đều đặn mỗi tuần 3 lần, họ vào bệnh viện lọc máu. Nếu không có dịch Covid-19, họ có thể đi làm thuê, chạy xe, nhặt ve chai... để trang trải cuộc sống nhưng giờ đây, họ phải quanh quẩn trong căn phòng chật hẹp để "trốn dịch".

Thêm động lực sống từ những tấm lòng hảo tâm

Ông Lê Hường (SN 1950, quê ở xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) chạy thận đã gần 10 năm nay. Ông bị suy thận, đa nang, không làm được việc gì, bụng ông to như cái trống, cảm tưởng nó có thể rơi ra khỏi thân hình gầy guộc của ông bất cứ lúc nào. "Ngoài một tuần chạy thận 3 lần thì vài tháng tôi phải đi hút dịch ở bụng một lần, không thì nặng nề lắm, đi đứng cũng khó", ông Hường nói với giọng hụt hơi.

Vợ ông Hường là bà Ngô Thị Khả phải khăn gói đi theo để chăm sóc chồng. Ngày ngày bà đi nhặt ve chai. Trung bình, mỗi ngày bà kiếm được dăm ba chục nghìn để trang trải cuộc sống, giúp ông thuốc thang. Ở quê, các con của ông bà cũng không khá giả gì, thỉnh thoảng hỗ trợ bố mẹ được ít nhiều. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhất là khi thành phố Vinh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, bà Khả phải ở nhà, đồng nghĩa khoản thu nhập ít ỏi của hai vợ chồng già cũng không có nữa. Cuộc sống vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Hàng ngày, hai ông bà sống nhờ vào những suất cơm từ thiện. "Có hôm thì của phường, hôm thì của bệnh viện, hôm của các nhóm thiện nguyện. Có nhiều thì mỗi người một suất, ít thì 2 người 1 suất chia nhau ăn", bà Khả nói.

Cuộc sống lay lắt của xóm chạy thận mùa dịch - Ảnh 1.

Dịch bệnh khiến những người trong xóm chạy thận phải quanh quẩn trong căn phòng chật hẹp để "trốn dịch"

Nương tựa vào nhau

Từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát, những người trong xóm chạy thận luôn sống trong tâm trạng bất an. Đặc biệt, khi có người bệnh đến Bệnh viện Giao thông vận tải Vinh khám và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, nỗi lo lắng càng hiển hiện rõ trên khuôn mặt của những bệnh nhân chạy thận lâu năm. "Hôm đó là vào chiều ngày 25/6, khi bệnh viện thông báo bệnh nhân đang điều trị chạy thận ở bệnh viện vào nhận hỗ trợ, tôi thay chồng vào nhận tiền hỗ trợ. Đến hơn 5h chiều, chúng tôi nhận được thông báo tất cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phải ở lại bệnh viện để chờ xét nghiệm vì có người mắc Covid-19 đi khám ở đây. Do lúc đi tôi không mang theo điện thoại nên không thể liên lạc về cho ông ấy yên tâm. Sau hai ngày ở trong bệnh viện, kết quả xét nghiệm âm tính nên tôi được về", bà Vang Thị Huyến (64 tuổi), vợ của bệnh nhân Lô Vĩnh Tình (trú xã Tam Thái, huyện Tương Dương, Nghệ An), kể.

Cuộc sống lay lắt của xóm chạy thận mùa dịch - Ảnh 2.

Căn phòng nhỏ xíu của vợ chồng bà Trương Thị Minh (SN 1950, quê xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) nằm cuối khu trọ được bà thuê chung với một bệnh nhân chạy thận khác. "Cũng chỉ để ngủ thôi nên chúng tôi thuê chung cho đỡ tốn kém. Ở đây 4 năm rồi, những ngày vừa chống chọi với bệnh tật, vừa chống chọi với dịch bệnh như thế này tôi lại thèm cảm giác được gần con cháu", bà Minh chia sẻ.

Xuống thành phố Vinh chạy thận từ năm 2018, đến nay đã là năm thứ 4 bà xa gia đình. Sau những lần lọc máu, cơ thể ngày càng rệu rã, chân tay sưng vù, tay bà Minh nổi hạch, thường xuyên bị cơn đau buốt hành hạ, nhiều đêm không ngủ được. Bà Minh cho biết: "Năm nay dịch Covid-19 hoành hành, ai cũng lo lắng, không dám đi ra ngoài, đến ngày chạy thận thì mới vào bệnh viện. Mùa hè này trời nắng nóng quá, phòng trọ lại ở hướng Tây nên chúng tôi càng mệt hơn. Hàng ngày chúng tôi được phát cơm từ thiện, có rau, có thịt, có canh đầy đủ nhưng ông nhà và tôi cũng không thể nuốt được vì không còn sức", bà Minh thở dài nói.

Cuộc sống lay lắt của xóm chạy thận mùa dịch - Ảnh 3.

Trong xóm chạy thận này, người già có, người trẻ cũng không ít.

Cuộc sống ở quê vất vả, con cái đi làm ăn xa nên ông Trương Công Bảy (73 tuổi), chồng bà Minh, cũng đành "nhập cư" ở xóm chạy thận này để tiện chăm sóc vợ. Hàng ngày, ông Bảy đi nhặt ve chai bán, kiếm tiền lo thuốc men, sinh hoạt hàng ngày. Hàng ngày, đôi vợ chồng già nương tựa vào nhau chống chọi với bệnh tật.

Chị Chu Thị Lợi (SN 1987, quê ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) là người trẻ tuổi nhất xóm chạy thận này. "Lúc chưa có dịch Covid-19, chiều chiều các chú lại đánh bóng, xóm trọ cũng vui vẻ lắm. Nhưng từ khi dịch bùng phát, chả ai đến xóm trọ nữa. Người trong xóm trọ cũng chẳng thể đi được đâu, có đi thì cũng chỉ vào bệnh viện điều trị rồi về quẩn quanh trong khu trọ", chị Lợi cho biết. Từ hồi Lợi bị bệnh, gánh nặng kinh tế và chăm sóc hai đứa con nhỏ chồng chị phải cáng đáng hết. Mỗi khi nhớ con, Lợi bắt xe buýt về, ngủ được một hôm lại vào, vò võ một mình trong xóm chạy thận. Thế nhưng cả tháng nay vướng dịch bệnh, Lợi không thể về quê thăm chồng con. Chồng của chị cũng không đến thăm vợ được.

Trong xóm chạy thận này, người già có, người trẻ cũng không ít. Có những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi đã phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Mỗi người một hoàn cảnh. Ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh nhưng họ vẫn cố gắng nương tựa vào nhau để sống.

Thực hiện: Đình Nguyên