Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen: "Không để ai bị bỏ lại phía sau từ hiệu ứng domino của Covid-19"
Đại dịch Covid-19 đang làm gia tăng nhiều bất bình đẳng trên toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chưa bao giờ, sự phục hồi kinh tế công bằng và bền vững lại quan trọng như vậy. Chúng ta cần các phản ứng chính sách toàn diện và công bằng, ưu tiên bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em gái.
Trước thềm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen đã có những chia sẻ với Báo Phụ nữ Việt Nam về vấn đề bình đẳng giới, phụ nữ hoà bình và an ninh.
- Thưa Đại sứ, bà nghĩ gì về Ngày 8/3? Trong bối cảnh thế giới nói nhiều hơn về bình đẳng giới thì liệu chúng ta có cần riêng một ngày để tôn vinh phụ nữ?
Đại sứ Grete Lochen: Cám ơn Báo Phụ nữ Việt Nam vì bài phỏng vấn này. Tôi xin mở đầu bằng một Thử thách về Bình Đẳng giới mà Bộ Ngoại giao Na Uy tổ chức vào năm ngoái. Trong thử thách này chúng tôi đặt ra 7 câu hỏi để kiểm tra kiến thức của những người tham gia về tình hình thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới toàn cầu. Một trong số các câu hỏi đó là "Có bao nhiêu nước trong tổng số 129 quốc gia được nghiên cứu đang đi đúng hướng để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) số 5 (bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ) vào năm 2030?" Bạn có biết câu trả lời là gì không? 0. Thật đáng buồn, phải không?
Thực tế là Chỉ số Giới toàn cầu 2019 của tổ chức Equal Measures 2030 cho thấy trong số 129 quốc gia được nghiên cứu, không có nước nào đạt được lời hứa về bình đẳng giới được đề ra trong Chương trình Nghị sự 2030. Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng hiện có đối với phụ nữ và trẻ em gái trên mọi lĩnh vực. Do đó, việc đạt được SDG số 5 vào năm 2030 là khó khả thi.
Chính vì vậy, chúng ta vẫn cần một ngày quốc tế để tôn vinh những nỗ lực và thành tựu của phụ nữ trong mọi lĩnh vực. Ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày nâng cao nhận thức về quyền của phụ nữ và trẻ em gái cũng như tầm quan trọng của bình đẳng giới trong phát triển công bằng và bền vững.
- Bà cảm nhận thế nào về người phụ nữ Việt Nam?
Đại sứ Grete Lochen: Tôi cảm thấy hơi tiếc vì trong suốt 4 năm tôi ở Việt Nam thì đã có đến hai năm bị COVID-19. Tuy nhiên, cũng may là tôi đã kịp đi thăm một số địa phương và đã có cơ hội tiếp xúc với phụ nữ Việt Nam ở đó.
Không ai có thể phủ nhận được những thành tựu về bình đẳng giới đáng khen ngợi của các bạn. Việt Nam đã tiến những bước dài trong việc nâng cao vai trò và sự tham gia của phụ nữ vào mọi mặt của đời sống. Hơn 70% phụ nữ tham gia lực lượng lao động - đây là một tỷ lệ cao trên thế giới.
Nhiều phụ nữ Việt Nam hiện đã làm chủ doanh nghiệp và giữ các vị trí cấp cao. Việt Nam đã có nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên. Trong cuộc bầu cử năm 2021, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam chiếm 30,26%, tăng gần 4% so với nhiệm kỳ trước và rất đáng khích lệ trong khu vực châu Á. Trong bảng xếp hạng của Liên minh Nghị viện quốc tế (IPU) về tỷ lệ nữ nghị sĩ/đại biểu quốc hội, Việt Nam hiện đứng thứ 60 trên 187 quốc gia. Điều này rất quan trọng.
Kinh nghiệm của Na Uy cho thấy khi phụ nữ tham gia chính trường nhiều hơn vào những năm 1970, sự ủng hộ đối với những đạo luật về phúc lợi gia đình như luật chăm sóc trẻ em và chế độ nghỉ phép của cha mẹ đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Phụ nữ Việt Nam rất chăm chỉ. Tôi thấy mọi người đặt quá nhiều kỳ vọng vào người phụ nữ và họ phải gánh vác nhiều trọng trách. Vì thế, cần huy động cả nam giới và các bé trai chia sẻ nhiều hơn nữa các công việc trong gia đình. Nếu không, chúng ta sẽ khó đạt được sự bình đẳng giới.
- Đại dịch COVID không chỉ làm hằn sâu những bất bình đẳng hiện hữu mà còn tạo thêm những bất bình đẳng mới. Theo bà, trong thời gian tới chúng ta cần làm gì để khắc phục tình trạng này?
Đại sứ Grete Lochen: Quả thật, COVID-19 đang làm gia tăng nhiều bất bình đẳng trên toàn cầu, và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Đó là những bất bình đẳng về kinh tế. Bất bình đẳng kinh tế làm trầm trọng thêm bất bình đẳng giới khi mà phụ nữ, người nghèo, người già, người tàn tật và lao động nhập cư bị tác động nặng nề nhất bởi đại dịch vì phần đông trong số họ làm việc trong các ngành/lĩnh vực phải đóng cửa do COVID-19 như các cửa hàng nhỏ, nhà hàng, du lịch, hàng không, v.v...
Bất bình đẳng kinh tế tiếp tục tạo ra khoảng cách trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế. Ngoài ra, sự bất bình đẳng về địa lý cũng trở nên rõ nét hơn khi mà những người sống ở nông thôn, miền quê nghèo sẽ dễ bị tổn thương hơn về kinh tế và sức khỏe so với những người dân thành thị. Đó là chưa kể, bạo lực gia đình cũng gia tăng trong giai đoạn dịch bệnh và phụ nữ và trẻ em là nạn nhân. Đây chính là hiệu ứng domino của COVID.
Chưa bao giờ, sự phục hồi kinh tế công bằng và bền vững lại quan trọng như vậy. Chúng ta cần các phản ứng chính sách toàn diện và công bằng, ưu tiên bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bao gồm phụ nữ và trẻ em gái và có thể đảm bảo rằng mọi biện pháp hỗ trợ và các gói cứu trợ phải đúng đối tượng và tiếp cận được tất cả. Không để ai bị bỏ lại phía sau là điều quan trọng hơn bao giờ hết.
- "Phụ nữ, Hòa bình và An ninh" đã là một vấn đề nghị sự toàn cầu trong hơn hai thập kỷ qua. Cộng đồng quốc tế đã duy trì một quyết tâm mạnh mẽ để thực hiện chương trình này. Phụ nữ, Hòa bình và An ninh cũng là một ưu tiên của Việt Nam và Na Uy với tư cách là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận rằng từ cam kết đến kết quả vẫn là một chặng đường đầy khó khăn và thách thức. Theo bà, chúng ta cần làm gì để bảo vệ các quyền cơ bản của phụ nữ trong bối cảnh an ninh khu vực và toàn cầu ngày càng trở nên phức tạp hơn?
Đại sứ Grete Lochen: Bạn nói đúng. Chiến tranh và xung đột ảnh hưởng tới đàn ông, các bé trai, phụ nữ và các bé gái theo cách rất khác nhau. Để có được hòa bình bền vững và lâu dài, điều cốt yếu là phải có phụ nữ tham gia trong mọi nỗ lực và tiến trình hòa bình. Đó là lý do tại sao HĐBA LHQ đã thông qua Nghị quyết 1325 mang tính bước ngoặt vào năm 2000 về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, trong đó khẳng định các nỗ lực hòa bình và an ninh sẽ bền vững hơn khi phụ nữ được coi là các đối tác bình đẳng trong ngăn chặn xung đột bạo lực, thực hiện các nỗ lực cứu trợ và phục hồi, xây dựng hòa bình lâu dài.
Phụ nữ mang đến những góc nhìn và trải nghiệm khác nhau. Họ đại diện cho 50% dân số. Loại trừ họ khỏi các nỗ lực hòa bình là điều không nên làm, nếu không muốn nói là thiếu thông minh nếu chúng ta muốn xây dựng một nền hòa bình bền vững. Đây là kinh nghiệm của Na Uy trong các tiến trình hòa bình mà chúng tôi đã tham gia ở Colombia, Trung Đông, Afghanistan, Sri Lanka...
Tuy nhiên, những người phụ nữ tham gia xây dựng hòa bình và bảo vệ quyền con người luôn có nguy cơ bị bạo lực và thậm chí là bị giết vì những gì họ nói ra và vì việc họ là phụ nữ. Vì vậy, vấn đề rất nghiêm trọng này cần được đưa lên HĐBA LHQ. Công việc của những người phụ nữ xây dựng hòa bình và bảo vệ quyền con người phải được công nhận và sự an toàn cũng như an ninh của họ phải được bảo vệ.
- Nói về HĐBA LHQ, bà đánh giá thế nào về hoạt động của Việt Nam tại HĐBA và bà có thể nói gì về Tháng chủ tịch của Na Uy tại HĐBA 1/2022?
Đại sứ Grete Lochen: Na Uy cùng làm việc với Việt Nam tại HĐBA LHQ trong 1 năm (2021). Chúng tôi rất coi trọng những nội dung trao đổi gần gũi, thẳng thắn với phía Việt Nam về những vấn đề quan trọng. Việt Nam đã phối hợp rất chặt chẽ với các ủy viên khác của HĐBA để tìm kiếm các giải pháp mang tính xây dựng, cân bằng, và đạt được đồng thuận về nhiều nghị quyết, tuyên bố của HĐBA.
Na Uy và Việt Nam có nhiều chủ đề ưu tiên giống nhau trong HĐBA trong đó có phụ nữ, hòa bình và an ninh. Cuối năm 2021, Việt Nam đã hoàn thành nhiệm kỳ ủy viên không thường trực của mình tại HĐBA, nhưng tôi xin đảm bảo với các bạn rằng trong năm 2022 Na Uy sẽ tiếp tục vấn đề đó cũng như các ưu tiên khác của chúng tôi tại Hội đồng.
Tháng Giêng năm nay, Na Uy giữ chức Chủ tịch luân phiên của HĐBA. Để giải quyết hai chủ đề ưu tiên của chúng tôi là phụ nữ, hòa bình và an ninh và bảo vệ dân thường trong xung đột, Na Uy đã tổ chức hai phiên thảo luận quan trọng về vấn đề bạo lực đối với các phụ nữ xây dựng hòa bình và bảo vệ quyền con người; và chiến tranh trong thành phố: bảo vệ dân thường trong bối cảnh đô thị. Chúng tôi tự hào và vinh dự đã tổ chức thành công tốt đẹp Tháng Chủ Tịch tại HĐBA. Một lần nữa, chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh đã được Na Uy thúc đẩy mạnh mẽ.
- Xin cám ơn Đại sứ!
HẢI YẾN (thực hiện)