Hướng tới các lễ hội dịp xuân Giáp Thìn 2024 tới đây, các đội viên đang nỗ lực tập luyện để mang tới những màn biểu diễn đặc sắc tới người dân, du khách thập phương.
Đội múa rồng nữ đất Thánh Gióng
Đội múa rồng nữ trên đất Thánh Gióng
Những ngày cận Tết Giáp Thìn 2024, nghe tiếng đội múa rồng nữ ở xã Phù Đổng, chúng tôi tìm về gặp bà Hoàng Thị Ất (64 tuổi, trú tại thôn Phù Dực 1, xã Phù Đổng), đội trưởng đội múa rồng để tìm hiểu. Bà Ất đang sửa soạn quần áo để đầu giờ chiều đi tập múa rồng cùng các chị em phụ nữ ở Đền Mẫu (còn gọi Đền Hạ) - nơi thờ tự thân mẫu của Thánh Gióng.
Bà Ất mặc trang phục chuẩn bị đi tập múa rồng.
Trời nắng oi giữa những ngày đông, các đội viên túc tắc đến tụ họp ở Nhà văn hóa thôn Phù Dực 1. Có người đạp xe, người đi bộ, đây là một dịp hiếm hoi các thành viên trong đội tụ tập đầy đủ. Cả đội có 18 người, 17 nữ, 1 nam, người cao tuổi nhất là 69 tuổi, người ít tuổi nhất là 38 tuổi.
Những người đến sớm tán gẫu, chuyện trò, rồi tranh thủ đánh phấn, bôi son. Thắt đai, bao tay, bao chân, quần áo rước kiệu, múa rồng. Có người gặp khó khăn lại nhờ đồng đội hỗ trợ, những đôi tay thoăn thoắt đầy chính xác, thao tác một cách nghiêm cẩn. Ai ai cũng tràn đầy khí thế trước một công việc quan trọng.
Các đội viên sửa sang trang phục, chuẩn bị tập luyện.
Con rồng của đội kê cẩn thận ở dưới hội trường. Rồng có hai màu đỏ vàng, nhiều họa tiết, trang trí cầu kỳ, tinh xảo. Đây là loại rồng 9 khúc, có chiều dài 18m, cần tới 9 người phụ trách: một người điều khiển khúc đầu, 7 người điều khiển khúc thân, 1 người điều khiển khúc đuôi. Ngoài ra, còn có một người phụ trách cầm gậy ngọc, một người đánh trống và một người gõ thanh la. Những người còn lại túc trực, thay phiên hỗ trợ các đội viên đang biểu diễn.
Từ nhà văn hóa, các hội viên đi bộ rước rồng đến Đền Mẫu cách đó gần 2 cây số. Giữa cái nắng chang chang, đoàn người khăn áo chỉnh tề, rước rồng trang nghiêm trên đê tả Đuống. Thời tiết nóng, lạnh thất thường cũng không thể cản bước được những người chân quê trên hành trình phụng sự tín ngưỡng. Đầu xuân tới đây sẽ diễn ra một trong những lễ hội quan trọng nhất của xã Phù Đổng là lễ Phụng nghênh (21/2 âm lịch) - lễ rước Thánh Mẫu (mẹ của Thánh Gióng) từ cố trạch (nhà cũ) trở về Đền Mẫu.
Trong tín ngưỡng của người dân nơi đây nói chung và phụ nữ nơi đây nói riêng, Thánh Mẫu là hiện thân của lòng từ bi, lòng vị tha, yêu thương, cứu độ vô hạn. Khi đất nước có giặc đến xâm lăng, mẹ đã sẵn sàng hiến dâng con cho nước. Và người con ấy đã trở thành anh hùng, giúp đất nước thoát khỏi lửa binh đao, để rồi được nhân dân tôn vinh, suy phong là vị Thánh trong Tứ Bất Tử. Như vậy, đối với phụ nữ, Thánh Mẫu còn là một tấm gương sáng về phẩm hạnh, biểu trưng cho những gì cao quý, tinh túy nhất của người phụ nữ Việt Nam.
Đôi tay thoăn thoắt, uyển chuyển nên điệu múa rồng
Múa rồng là một công việc nặng nhọc, đòi hỏi sức khỏe và nhiều sức bền. Thường thường các nơi, đội múa rồng toàn là thanh niên, hoặc đàn ông trai tráng. Nhưng lạ một nỗi, đội múa rồng ở xã Phù Đổng hầu như toàn là nữ giới. Nhiều khách du lịch đến Phù Đổng tham quan Đền Gióng cũng như nhiều di tích lịch sử khác đã phải trầm trồ trước sự đặc biệt này.
"Tôi cũng là người được đi nhiều nơi, nhưng không thấy nơi nào có được đội múa rồng nữ như xã Phù Đổng. Tôi thấy đội múa rồng nữ ở nơi đây rất sôi động, góp phần làm phong phú, giàu đẹp thêm cho truyền thống văn hóa của địa phương", ông Đinh Văn Hiệp (66 tuổi, huyện Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ.
"Chúng tôi biểu diễn nhiều nơi, ai cũng trầm trồ khen ngợi: Sao các bà phụ nữ múa rồng giỏi thế, khéo thế, mạnh mẽ thế. Nhiều khách thập phương còn xin đứng cạnh chị em chúng tôi để chụp ảnh lưu niệm. Làm chúng tôi cũng phấn khích, vui vẻ và càng ngày càng yêu, càng gắn bó hơn đối với công việc này", bà Ất bộc bạch.
Đội múa rồng do bà Ất phụ trách biểu diễn bài múa rồng cổ truyền gồm từ 8-9 động tác: Bàn long (rồng chạy vòng tròn), chữ "chi" (rồng chạy hình chữ S), thủy ba (thân rồng dập dềnh như sóng nước), phong đằng (rồng nhảy lên cao, quay ngược lại), phong chuyển (rồng như gặp gió xoay), phi long (rồng như đang bay), dao bãi (rồng dang rộng ra)… Nếu biểu diễn cho khách du lịch chiêm ngưỡng, một bài múa rồng sẽ mất khoảng 10 phút. Còn nếu biểu diễn tại các cuộc thi, bài múa rồng mất khoảng 7 phút.
Tuy rất vả, đôi lúc rất mệt là vậy, nhưng dường như được Phật, Thánh phù hộ nên từ trước đến nay, đội múa rồng của bà Ất chưa từng gặp sự cố nào cả. Nhưng trước hết cũng đến từ sự chỉn chu trong công việc: "Đối với mỗi sự kiện, lễ hội, chúng tôi phải tập múa rồng từ khoảng 4 hôm trước. Cứ tối đến, chị em đi làm về, lại sắp xếp gặp nhau tập tành cho đến khi các động tác nhuần nhuyễn, phối hợp nhịp nhàng", bà Ất chia sẻ.
Với tinh thần ấy, tuy còn hơn 2 tháng nữa mới đến lễ hội lớn của xã, bà Ất và các đội viên vẫn định kỳ tập luyện trên sân gạch, trước cổng tam quan Đền Mẫu. Sắc đào khoe thắm, tiếng trống, tiếng thanh la giòn giã, nhộn nhịp. Những động tác vừa nhịp nhàng, vừa mạnh mẽ nhưng cũng đủ khoan thai như cánh én báo hiệu xuân về.
Tiếp nối ngọn lửa truyền thống
Chị Hoàng Thị Cúc (38 tuổi) điều khiển đầu rồng chạy theo viên ngọc phía trước do bà Ất điều khiển. Trong các phần của con rồng, phần đầu là nặng nhất, cũng là khó khăn, nhất là những khi nhảy lên, uốn lượn. Cần phải rất tinh tế, khéo léo để khúc thân rồng, đuôi rồng phía sau theo kịp, uyển chuyển, nhuần nhuyễn theo động tác của đầu rồng.
Trong số các thành viên của đội, chị Cúc là người trẻ nhất và cũng là một trong những người đầu tiên tham gia vào đội múa rồng xã Phù Đổng trong những ngày đầu mới thành lập. Thời điểm đó, chị Cúc đang là học sinh cấp 3 và trong đội cũng gồm các thành viên trạc tuổi chị, có cả nữ và nam. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, chị xây dựng gia đình và ra nước ngoài công tác một thời gian, nên không có điều kiện tham gia vào đội múa rồng.
Chị Cúc tham gia đội múa rồng xã Phù Đổng năm 17 tuổi.
Cho đến những ngày trở về nước, mỗi khi nhìn thấy các cô, các bác trong đội múa rồng nữ biểu diễn, như một lần nữa thắp lên ngọn lửa đam mê đối với múa rồng trong chị. Chị quyết trở lại tham gia với mong muốn đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình đối với thôn, xã.
"Bản thân tôi cũng mong muốn tiếp nối thế hệ các cô, các bác, tiếp tục duy trì, phát triển đội múa rồng. Làm sao để đội múa rồng ngày càng có thêm những người trẻ, tham gia vào đóng góp, gìn giữ và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương. Và qua những bài múa rồng, du khách sẽ ngày càng yêu mến, đến với Phù Đổng nhiều hơn", chị Cúc chia sẻ.
Trung bình mỗi năm, đội múa rồng nữ biểu diễn từ 5-10 lần tại các lễ hội, các sự kiện trên địa bàn xã và các vùng lân cận. Kể từ khi HTX Du lịch Hội Gióng Phù Đổng thành lập (2022), trung bình mỗi tháng đội múa rồng nữ lại lên Đền Gióng biểu diễn một lần cho các khách du lịch. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của Hội Gióng nói riêng và các lễ hội trên địa bàn xã Phù Đổng nói chung.
Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng (đứng giữa)
“Địa phương đánh giá rất cao những đóng góp của các cô, các bác trong đội múa rồng nữ thôn Phù Dực 1 (xã Phù Đổng). Trong thời gian qua, chính quyền các cấp từ xã đến thôn rất quan tâm, tạo mọi điều kiện để các cô, các bác giữ gìn, phát huy bộ môn múa rồng. Thời gian tới đây, chúng tôi sẽ có những kế hoạch hỗ trợ về tinh thần, vật chất để các cô, các bác an tâm cống hiến, biểu diễn phục vụ trong các lễ hội và cho du khách tham quan”.
Thực hiện: Trường Hùng