Đồng hành cùng phụ nữ vùng cao giảm nghèo bền vững
Yên Bình đón chúng tôi bằng sự thanh bình, yên ả đúng như tên gọi của thị trấn nhỏ nằm ở huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Nơi đây, ngày nối ngày, những người dân đang nỗ lực, cố gắng để thoát ra khỏi cái đói, cái nghèo.
Lấp loáng trong ánh nắng đầu hè là những giọt mồ hôi, những ánh mắt tràn đầy niềm tin của những người phụ nữ đang chăm chỉ làm việc trên chính đồng đất quê hương để tăng thu nhập, nâng cao vai trò, vị thế trong gia đình và ngoài xã hội.
Tăng thu nhập từ những nhóm cùng sở thích
Dẫn chúng tôi đi thăm quan ruộng lạc đang bắt đầu lên xanh tốt, chị Nguyễn Thị Thay (trưởng nhóm trồng lạc thôn Tân An) kể: Trước đây, cả khu này đều là ruộng bậc thang, mỗi gia đình tự chọn cây trồng để canh tác. Nhà thì trồng lúa, nhà thì trồng ngô, không có giá trị cao. Đến mùa lũ, có điểm bị nước tràn ngập cả đầu người.
Vì lẽ đó, thu nhập từ trồng cấy chẳng đáng là bao, cuộc sống của bà con dân tộc nơi đây vất vả lắm. Nhưng năm nay, khi tham gia nhóm cùng sở thích trồng lạc, gia đình bà Thích cũng như nhiều hộ dân Yên Bình khác đã bắt đầu mang theo niềm hy vọng với về những vụ hoa màu bội thu.
Chia sẻ kỹ thêm về nhóm sở thích trồng lạc, chị Nguyễn Thị Thay cho biết: Thực hiện chủ trương của địa phương muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ việc canh tác manh mún dồn lại thành thửa lớn để canh tác dễ hơn, cơ giới hóa nông nghiệp thuận lợi hơn, huyện Yên Bình đã bố trí nguồn vốn giúp san phẳng mặt bằng thành cánh đồng rộng khoảng 3,5ha như hiện nay.
Tuy nhiên, sau khi dồn điền, lớp đất màu đã bị mất đi. Vì vậy, cần phải trồng các loại cây để cải tạo đất, trả lại "màu" cho đất. Sau nhiều lần bàn bạc, chọn lựa, huyện đã tuyên truyền đến các hộ dân ở thôn Yên Bình và bà con quyết định chọn cây lạc để canh tác cho niên vụ xuân 2023. Lạc là cây có giá trị kinh tế cao, vừa giúp mang lại thu nhập, vừa cải tạo đất.
Nhóm sở thích trồng lạc thôn Tân An được thành lập với 43 hộ dân tham gia dồn điền đổi thửa. Các chị em vui mừng, phấn khởi lắm vì được hỗ trợ nguồn vốn để mua cây giống, mua phân bón đầu tư cho ruộng lạc, được tập huấn các kỹ năng tham gia sản xuất.
"Sau khi đưa lạc vào trồng chúng tôi sẽ có đánh giá. Nếu đạt hiệu quả tốt, sẽ thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, với 1 vụ lúa, 2 vụ màu mỗi năm để nâng cao giá trị kinh tế, đưa thu nhập của bà con tốt hơn, đưa đời sống đi lên", đại diện lãnh đạo thị trấn Yên Bình cho biết.
Cách cánh đồng lạc không xa là nhóm nuôi gà do chị Hoàng Thị Tuyền phụ trách. 28 hộ tham gia nhóm đã nuôi được 3 vụ gà nên các chị em rất hào hứng chia sẻ về hiệu quả của mô hình nuôi gà thôn Tân An.
Chị Hoàng Thị Nhuần, một thành viên trong nhóm giải thích: Nuôi gà thuận tiện hơn nuôi vịt vì chi phí ít, không cần phải chọn nơi có nước để cho tắm, bơi lội như vịt. Gà có thể quây chuồng nuôi ngay trong khu vườn của mỗi gia đình. Hơn thế nữa, nuôi gà còn được hỗ trợ con giống từ dự án. Dự án còn hỗ trợ cho máy thái chuối để làm thức ăn cho gà nhanh chóng hơn. Ví dụ như, để cho gà ăn, cần thái cây chuối để trộn cùng cám, nếu thái bằng tay thì mất cả buổi chiều, nhưng thái bằng máy thì chỉ mất 15 phút. Công việc được giảm tải, chỉ em có thời gian để tham gia các lớp tập huấn, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Phấn khởi khoe vừa bán được lứa gà với giá 120.000 đồng/kg, bà Hoàng Thị Thích (thôn Tân An) chia sẻ, nhờ nuôi gà, thu nhập gia đình tăng lên 1,5 lần so với trước. Các thành viên tham gia nhóm nuôi gà có thêm đồng ra, đồng vào trang trải cuộc sống.
Chịu thương, chịu khó làm lụng để tăng thêm nguồn thu nhập, có thể nhận thấy, các chị em phụ nữ tại thôn Tân An chúng tôi có dịp trò chuyện khá tự tin, cởi mở. Các chị cho biết, không chỉ có sự thay đổi trong kinh tế mà trong gia đình cũng có sự thay đổi tiến bộ hơn. Các chị nhận được sự chia sẻ của chồng trong công việc nhà, các công việc nông nghiệp. Vợ chồng cùng tham gia họp nhóm, cùng đồng lòng làm kinh tế, chung sức xua đi đói nghèo.
Những người phụ nữ vốn chỉ quẩn quanh nơi góc bếp trở nên mạnh mẽ, tự tin hơn, chủ động tham gia các công việc xã hội, phụ trách các nhóm trồng trọt, chăn nuôi như chị Nguyễn Thị Thay, chị Hoàng Thị Tuyền…
Đồng hành cùng sự phát triển của phụ nữ vùng cao
Cung cấp "chiếc cần câu" giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, thoát nghèo bền vững là ưu tiên của Đảng, Nhà nước, của chính quyền địa phương. Ở thôn Tân An, thị trấn Yên Bình (huyện Quang Bình, Hà Giang) cũng vậy.
Song, bà con nơi đây còn được tiếp thêm sức mạnh để ý chí, nỗ lực giảm nghèo tăng lên khi nhận được sự đồng hành của dự án Dự án Nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam (AWEEV) do Chính phủ Canada tài trợ phối hợp cùng tổ chức CARE Việt Nam thực hiện tại hai tỉnh Hà Giang và Lai Châu.
Dự án hỗ trợ vốn, kỹ thuật, phối hợp cùng chính quyền địa phương tư vấn về cách thức chuyển đổi tư duy trồng trọt, kỹ thuật chăn nuôi. Và hơn hết, đã tạo ra sự chuyển đổi, mang đến niềm tin cho những người phụ nữ nơi bản làng, rằng họ hoàn toàn có thể tạo ra thu nhập tăng cho gia đình, chứ không chỉ quanh quẩn với những công việc nhà không được trả công như mọi người vẫn nghĩ.
Dự án Nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam hướng tới hỗ trợ trực tiếp cho hơn 2.600 phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số, nhằm cải thiện đời sống kinh tế của phụ nữ nông thôn nghèo, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số. Dự án được thực hiện trong 4 năm tại 3 xã của tỉnh Lai Châu và 6 xã của tỉnh Hà Giang với nguồn kinh phí gần 4,6 triệu đô-la Canada
Triển khai từ tháng 9/2021, Tổ chức CARE đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội LHPN của 2 tỉnh Hà Giang và Lai Châu xây dựng và triển khai lộ trình nâng cao năng lực cho nhóm nông dân nòng cốt và phụ nữ dân tộc thiểu số. Các buổi tập huấn, các hoạt động cộng đồng, đối thoại giới… cũng được tích cực thực hiện để nâng cao nhận thức và năng lực cho các đối tượng thuộc dự án. Ngoài ra, dự án còn chú trọng hỗ trợ thành lập, nâng cao chất lượng hoạt động của HTX, tổ hợp tác do phụ nữ quản lý; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý HTX, chủ hộ kinh doanh; hỗ trợ phụ nữ kết nối, tiêu thụ sản phẩm...
Tại tỉnh Hà Giang, dự án được triển khai trên địa bàn 6 xã, thị trấn của huyện Quang Bình (xã Tân Bắc, Tân Trịnh, Yên Thành, Xuân Minh, Tiên Nguyên, thị trấn Yên Bình). Đến nay, dự án đã hỗ trợ 10 điểm trường mầm non cải thiện cơ sở vật chất, hỗ trợ 573 máy thái chuối; thành lập 26 nhóm sản xuất chè với 588 người tham gia; hỗ trợ 6 mô hình sinh kế với 220 người tham gia...
Những hỗ trợ này đã mang đến tác động tích cực cho cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ, mang đến các mô hình sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc thiểu số, nâng cao kiến thức về bình đẳng giới trong cộng đồng.