Do đặc thù địa hình rừng núi rộng lớn, lại là nơi cư trú của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống nên trong nên công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia chấp hành các chủ trương, chính sách tại tỉnh Gia Lai trước đây còn gặp một số hạn chế. Nhận thức được điều đó, Hội LHPN tỉnh đã đồng hành cùng các chi hội, thực hiện hiệu quả nhiều mô hình, câu lạc bộ, giúp đỡ chị em phát triển kinh tế, tạo nếp sống văn minh, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.
Sau hơn 2 năm đối mặt với đại dịch Covid-19, đời sống nhân dân nói chung và hội viên phụ nữ gặp nhiều khó khăn. Để góp phần chung tay với chị em trong việc phát triển kinh tế, biến thách thức thành cơ hôi, trong năm 2022, Hội LHPN tỉnh Gia Lai đã có nhiều hoạt động cụ thể trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững" trên địa bàn tỉnh.
Với phương châm "Giảm cho không, tăng cho vay ưu đãi và hỗ trợ có điều kiện", các cấp hội LHPN đã tuyên truyền, vận động hướng dẫn hội viên thực hành tiết kiệm, duy trì hiệu quả và nhân rộng mô hình "Kho thóc tình thương", "Hũ gạo tình thương" tại các làng dân tộc thiểu số, qua đó đã tiết kiệm được gần 10 tấn thóc và gạo, giúp đỡ hàng trăm hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Hội đã triển khai thực hiện mô hình gây quỹ tập thể bằng nhiều hình thức "Làm rẫy tập thể", "Lao động ngày công tập thể", nuôi bò gây quỹ
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Gia Lai Rơ Chăm H'Hồng cho biết, trong việc triển khai Nghị quyết Đại hội, tỉnh Hội phải linh hoạt, sáng tạo và căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương. Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, tính đoàn kết và cộng đồng của họ rất lớn, bởi vậy, tại các huyện có đồng bào sinh sống, Hội đã triển khai thực hiện mô hình gây quỹ tập thể bằng nhiều hình thức "Làm rẫy tập thể", "Lao động ngày công tập thể", "Tiết kiệm làm ngày công gây quỹ", "Đổi công gây quỹ", đổi ngày công lao động, nuôi bò gây quỹ... và được các hội viên hưởng ứng nhiệt tình.
Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh cũng thực hiện hiệu quả đề án 939 về "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025" với nhiều hoạt động như: tổ chức tập huấn nâng cao năng lực phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, tổ chức "Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp" và trưng bày sản phẩm "Phụ nữ khởi nghiệp với thương hiệu OCOP"; đồng thời, hỗ trợ hướng dẫn thành lập và tổ chức ra mắt một số mô hình, tổ liên kết/tổ gia công, hỗ trợ việc làm cho nhiều phụ nữ là người dân tộc thiểu số.
Hội LHPN tỉnh Gia Lai tổ chức "Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp" và trưng bày sản phẩm "Phụ nữ khởi nghiệp với thương hiệu OCOP
Bà Rơ Châm Sên - Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh cho biết, trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã là người Jrai, Ba Na chủ yếu buôn bán rượu ghè, đan lát, dệt thổ cẩm theo quy mô nhỏ lẻ là cá nhân, hộ gia đình. Vì vậy, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ tại chỗ. Nhận thấy tiềm năng các sản phẩm truyền thống có thể gắn với du lịch cộng đồng (bao gồm: Nhà rông, nhà mồ, làng du lịch Phung và làng Kép, đánh cồng chiêng, thác Công Chúa), Hội LHPN xã Ia Mơ Nông đã ra mắt Tổ liên kết “đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng”, kết nối các nghệ nhân, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm đan lát, dệt thổ cẩm. Đồng thời, các sản phẩm làm ra của bà con được đưa về một mối là Tổ liên kết để giới thiệu, đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh, tăng thu nhập cho bà con.
Cùng với việc phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh Gia Lai cũng rất chú trọng đến việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho hội viên và phụ nữ. Do đặc thù địa bàn tỉnh là nơi sinh sống của nhiều dân tộc với nền văn hóa lâu đời, ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên công tác tuyên truyền nhằm xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, Hội LHPN các cấp phải rất tích cực và kiên trì trong việc dân vận.
Trong những năm gần đây, vấn nạn tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có giảm nhưng vẫn ở tỷ lệ thấp. Vì thế, Hội đã thành lập mới 31 câu lạc bộ về “Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” với hơn 1.000 thành viên tham gia. Mỗi người chính là một tuyên truyền viên của Hội, góp phần giảm tình trạng tảo hôn vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Hội LHPN các cấp thành lập nhiều CLB về “Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”
Chị Ksor H’Mlang, chủ nhiệm câu lạc bộ “Phụ nữ nói không với nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” xã Chrôh Pơnan cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn dẫn đến tình trạng này là nhiều học sinh bỏ học, tâm lý sớm có người nối dõi hoặc có thêm công nhân lao động trong gia đình… Từ khi câu lạc bộ đi vào hoạt động, tình trạng này đã hạn chế dần, từng bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của chị em.
Chị Nay H. (xã Chrôh Pơnan) từng nghỉ học và “bắt chồng” sớm nên cuộc sống trở nên khó khăn, vất vả hơn. Nhờ được chị em Hội LHPN của xã tuyên truyền, vận động nên chị Nay H. đã thay đổi cách nghĩ, nhận thức rõ hơn về vấn nạn, động viên con cháu học hành, làm kinh tế sau khi đủ tuổi theo quy định của pháp luật mới lập gia đình.
Cùng với đó, Hội cũng đã thành lập mới 8 câu lạc bộ “Nói không với nạn tự tử”, “Cuộc sống là vốn quý”, “Nói không với hủ tục lạc hậu”, thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu, vận động hội viên và nhân dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh.
Bên cạnh các hoạt động giúp đỡ chị em trên địa bàn tỉnh phát triển kinh tế, khởi nghiệp thành công đặc biệt là giảm tình trạng tảo hôn vùng dân tộc thiểu số, Hội LHPN tỉnh Gia Lai cũng đã thành lập các mô hình, câu lạc bộ nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc tại địa phương như: 5 câu lạc bộ “Dệt thổ cẩm” với 92 thành viên; 12 câu lạc bộ “Múa xoang”, “Hát, múa dân ca Jarai, Bana” với 256 thành viên, đặc biệt là câu lạc bộ "Cồng chiêng nữ".
Nhiều CLB như dệt thổ cẩm, múa xoang, cồng chiêng nữ được thành lập nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc tại địa phương
Sự ra đời và hoạt động hiệu quả của những câu lạc bộ cồng chiêng nữ trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã mang lại sức sống mới cho không gian văn hóa cồng chiêng, xua đi quan niệm từ lâu đã in đậm trong tâm trí đồng bào Bana rằng việc đánh cồng chiêng vốn chỉ dành cho những người đàn ông mạnh mẽ. Phong trào này đã lan rộng khắp các cấp hội phụ nữ trong tỉnh, tạo không gian diễn xướng cho chị em. Từ đó, khẳng định vai trò của phụ nữ trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời có thêm nhiều cơ hội để phụ nữ trong tỉnh học hỏi, giao lưu và mở rộng các mối quan hệ trong cuộc sống.
Bà Rơ Chăm H’Hồng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Gia Lai cho biết, để giúp đỡ chị em phụ nữ nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như phát triển kinh tế, các cấp Hội tiếp tục rà soát, đánh giá và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình, câu lạc bộ hiện có, nhân rộng và thành lập các mô hình, câu lạc bộ mới phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của hội viên phụ nữ trong nhiệm kỳ 2021-2026. Tiếp tục duy trì các mô hình kết nghĩa nhằm tổ chức các hoạt động thăm hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế gia đình, giữ gìn hạnh phúc gia đình
Thực hiện: Thu Hà - Hoàng Hà
Ảnh: Thu Hà, Hội LHPN tỉnh Gia Lai, Báo điện tử Gia Lai