Giảm gánh nặng việc nhà, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số
Những thành tựu và bài học kinh nghiệm của trong việc hỗ trợ giải quyết gánh nặng chăm sóc không được trả công trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số đã được tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, các cơ quan quản lý Dự án AWEEV - "Nâng cao Quyền năng Kinh tế của phụ nữ ở Việt Nam" tại Hà Giang và Lai Châu chia sẻ.
Công việc chăm sóc là hoạt động thiết yếu với cuộc sống của con người và tăng trưởng kinh tế bền vững. Nhưng trên khắp thế giới, công việc chăm sóc thường bị đánh giá thấp và mang tính phân biệt giới cao.
Sự phân bổ theo giới của công việc chăm sóc không được trả công cũng khác nhau tùy theo hộ gia đình và cộng đồng, trong đó các yếu tố như tôn giáo, văn hóa và mức thu nhập có vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em gái, những người phải chịu nhiều hình thức phân biệt đối xử đan xen nhiều nhất. Khi không có phụ nữ trong độ tuổi lao động chăm sóc, gia đình thường giao cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vị thành niên và phụ nữ lớn tuổi đảm nhận vai trò này.
Một nghiên cứu của CARE tại các cộng đồng dân tộc thiểu số vào năm 2021 cho thấy: phụ nữ dân tộc thiểu số phải dành khoảng 5 giờ mỗi ngày cho công việc chăm sóc không được trả công, gần gấp đôi so với nam giới.
3 nhóm công việc chăm sóc không được trả công chiếm nhiều thời gian nhất bao gồm các hoạt động chăm sóc sức khỏe trực tiếp như chăm sóc trẻ em, người già, người bệnh, người tàn tật (30,3%), nấu ăn và dọn dẹp sau bữa ăn (19,1%) và kiếm củi (13,2 %). Bên cạnh đó, đối với những hộ gia đình làm nghề chăn nuôi, thời gian dành cho việc chuẩn bị thức ăn cho vật nuôi cũng chiếm một khoảng không nhỏ.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng gánh nặng công việc chăm sóc không được trả công nặng nề và bất bình đẳng đã ngăn cản nhiều phụ nữ trong độ tuổi lao động kiếm được công việc xứng đáng.
Phụ nữ dân tộc thiểu số phải làm công việc nhà gần gấp đôi so với nam giới.
Ông Vũ Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Giang, cho biết: Ở Việt Nam nói chung, vùng đồng bào dân tộc ở Hà Giang nói riêng, từ xưa tới nay vẫn tồn tại quan niệm cho rằng đàn ông sinh ra là để làm những việc lớn. Phụ nữ được coi là có thiên chức sinh con đẻ cái, lo vun vén gia đình. "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Chỗ của phụ nữ là "4 góc nhà, 3 góc bếp" nên "vắng đàn ông quanh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp". Ngày nay, quan niệm ấy vẫn ăn sâu trong tiềm thức. Điều này dẫn đến việc ở cấp độ hộ gia đình và cộng đồng, vẫn thường đòi hỏi người phụ nữ có vai trò kép, nghĩa là "giỏi việc nước, đảm việc nhà". Họ muốn tấm gì thì làm, nhưng việc nhà, hay công việc chăm sóc không lương thường được mặc định coi đó là việc của phụ nữ.
Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước có những chương trình chính sách thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các chương trình chính sách này đã có những tác động đáng kể trong việc cải thiện cuộc sống của người đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn chịu nhiều thiệt thòi, vẫn phải đối mặt với các rào cản trong tiếp cận và thụ hưởng thành quả của sự phát triển.
Ông Graham Dattels, Giám đốc vụ Đông Nam Á II, Bộ Các Vấn đề Toàn cầu Canada, cho biết: "Nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải giải quyết trách nhiệm nặng nề và không cân xứng của phụ nữ và trẻ em gái đối với công việc chăm sóc cũng như điều kiện làm việc không đảm bảo của nhân viên chăm sóc, Chính phủ Canada đang phát triển chương trình hỗ trợ giảm gánh nặng công việc chăm sóc không được trả công và cải thiện điều kiện làm việc của các nhóm lao động này. Cách tiếp cận này dựa trên Chính sách hỗ trợ quốc tế về nữ quyền của Canada. Chính sách này coi hỗ trợ bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái là cách tốt nhất để xây dựng một thế giới hòa bình hơn, toàn diện hơn và thịnh vượng hơn".
Clip: Những hiệu quả can thiệp của công việc chăm sóc không được trả công
"Với quan điểm rằng các hoạt động chăm sóc có liên quan mật thiết đến tất cả các lĩnh vực trao quyền kinh tế cho phụ nữ, CARE đang áp dụng một cách tiếp cận toàn diện nhằm giải quyết các khó khăn liên quan một cách hiệu quả. Thông qua các chương trình dự án, CARE hỗ trợ giảm bớt gánh nặng công việc chăm sóc không được trả công trên vai phụ nữ và tăng cường sự tham gia của họ hoạt động kinh tế, giáo dục và các hoạt động giải trí phù hợp với lựa chọn của họ. Chúng tôi tin rằng bằng cách giải quyết những nhu cầu này, phụ nữ sẽ có thể tham gia các hoạt động tạo thu nhập nhằm nâng cao phúc lợi kinh tế và chất lượng cuộc sống của họ và gia đình, từ đó giúp giảm nghèo cho phụ nữ dân tộc thiểu số và gia đình", bà Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia CARE Quốc tế tại Việt Nam, cho biết.
Dự án AWEEV - "Nâng cao Quyền năng Kinh tế của Phụ nữ ở Việt Nam" là một dự án lồng ghép và có trách nhiệm giới được thiết kế nhằm nâng cao phúc lợi kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Phúc lợi kinh tế và chất lượng cuộc sống tăng lên cũng sẽ làm giảm nghèo đối với phụ nữ dân tộc thiểu số và hộ gia đình của họ.
Dự án sẽ hướng tới 2.635 nam và nữ người dân tộc thiểu số ở 12 xã thuộc 3 huyện Quang Bình, Tam Đường và Sìn Hồ của tỉnh Hà Giang và Lai Châu.
Là đối tượng thụ hưởng những hỗ trợ từ dự án AWEEV, chị Hoàng Thị Huyền, huyện Yên Bình, tỉnh Hà Giang, chia sẻ: "Nhà tôi bán bánh cuốn. Hàng ngày, sáng hai vợ chồng ngủ dậy lúc 4 giờ rồi cùng nhau chuẩn bị đồ để 7 giờ bán hàng cho khách. Chồng bảo đi làm cũng mệt nhưng vợ ở nhà làm hàng ăn còn mệt hơn nên dù có mệt, anh cũng vẫn tranh thủ phụ giúp vợ rửa bát, dọn dẹp bàn ăn, "mình không làm thì vợ mình lại phải làm, không có thời gian để nghỉ ngơi, ảnh hưởng đến sức khoẻ sau này".
Tôi cảm thấy rất là vui và tự hào khi chồng mình đi làm công việc nặng nhọc kiếm tiền ở bên ngoài, khi trở về nhà thì vẫn dành thời gian giúp đỡ vợ con làm việc nhà. Chồng còn bảo nam giới dù là làm công việc gì, công tác xã hội, đi xây hay là cái gì đi nữa thì về nhà mình vẫn nên phụ giúp cho vợ con dọn dẹp nhà cửa để cho vợ có thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc cho cái học hành tốt hơn".
Các hoạt động tập huấn, đào tạo được thực hiện trong khuôn khổ dự án
Chị Hoàng Thị Sếnh, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, kể: "Trước đây, tôi phải dậy từ 5h nấu cơm để cho con đi học. 7h đưa con đi học, gần 10 rưỡi đưa con về nghỉ trưa. Chiều hơn 1 rưỡi lại cho con đi học rồi gần 4h đi đón con về. Mỗi ngày đưa con đi học, đưa đi lại đón về mất 2 tiếng, chưa tính thời gian phải nấu cơm trưa cho con ăn nữa, làm ảnh hưởng đến gia đình tôi và công việc kiếm thêm thu nhập hàng ngày của tôi. Từ khi con được ăn trưa và ngủ trưa tại trường, tôi có nhiều thời gian hơn cho đi làm nương, làm chè và chăn nuôi để gia đình có thêm thu nhập. Tôi có nhiều thời gian hơn để phát triển kinh tế gia đình".
Những hoạt động hỗ trợ nhằm giảm gánh nặng công việc chăm sóc không được trả công đã mang lại một số thay đổi tích cực. Sau 18 tháng dự án triển khai, phụ nữ giảm 17% thời gian dành cho công việc chăm sóc không được trả công, trong khi nam giới tăng 16% thời gian dành cho các hoạt động chăm sóc. Thời gian làm các hoạt động sinh kế tạo thu nhập của phụ nữ tăng 35% so với số liệu khảo sát năm 2021.
Bà Thiều Thị Hoàn, Hội LHPN huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, nhận xét: Chị em đã thay đổi từ một người phụ nữ nhút nhát, rụt rè không ra ngoài xã hội bao giờ, đến bây giờ chị em đã mạnh dạn chia sẻ hơn, tham gia nhiều hơn các khóa tập huấn để nâng cao quyền năng cho bản thân mình. Thông qua các hoạt động của dự án, từ một người chưa hiểu biết gì thì giờ chị em đã biết cách phát triển kinh tế hộ gia đình, biết thành lập các mô hình chăn nuôi gà, lợn, dê. Từ đó, chị em đã nâng cao được đời sống của gia đình mình, đã thoát được nghèo hoặc từ hộ trung bình lên hộ khá. Bên cạnh đó, chị em còn biết chia sẻ các công việc nhà với chồng, biết giảm thời gian làm việc nhà của mình.
Những hỗ trợ từ dự án giúp chị em phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao quyền năng kinh tế
Bà Khoàng Thị Thanh Nga, Hội LHPN tỉnh Lai Châu, đánh giá: "Dự án đã có tác động và ảnh hưởng lớn đến phụ nữ của tỉnh Lai Châu, đặc biệt là ở vùng dự án. Trước kia, khi chưa có dự án, người phụ nữ có thể là không chủ động về mặt kinh tế, có những việc lớn hay việc gì lúc nào cũng đều phải xin chồng. Nhưng đến bây giờ, sau khi tham gia các hoạt động của dự án, thành lập các nhóm tổ tiết kiệm, chị em phụ nữ chủ động hơn rất nhiều, họ có thời gian để tham gia các hoạt động. Từ đó, chị em phụ nữ tự tin hơn tham gia các hoạt động ở trong thôn bản và hoạt động xã hội. Người phụ nữ cũng mạnh dạn hơn, tham gia đóng góp ý kiến nhiều hơn. Tôi thấy rằng từ những hoạt động này, nam giới cũng có thể đã nhận thức được và thông cảm, chia sẻ với chị em, với vợ mình hơn.
Dự án có rất nhiều hoạt động và đặc biệt là có các mô hình phát triển kinh tế, hướng dẫn cho chị em, có các hoạt động để cho các chị em có thể là tìm được những nguồn để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ nhân rộng các mô hình này để đạt hiệu quả cao hơn nữa".
Dự án AWEEV - "Nâng cao Quyền năng Kinh tế của Phụ nữ ở Việt Nam" thiết kế các biện pháp can thiệp của dự án theo cách tiếp cận 3R - Nhận biết, Giảm thiểu và Tái phân bổ.
Triển khai tại Lai Châu và Hà Giang trong 18 tháng vừa qua, dự án đã thực hiện các hoạt động hỗ trợ:
- 14 điểm trường mầm non được cải thiện cơ sở hạ tầng, bao gồm nhà bếp, khu ngủ tập thể và nhà vệ sinh, hỗ trợ cung cấp bữa ăn tạo điều kiện cho gần 1.000 trẻ được học cả ngày tại trường.
- 1.070 máy thái rau củ được cung cấp cho các hộ gia đình để giúp cắt giảm thời gian chuẩn bị thức ăn chăn nuôi - một trong những công việc tốn nhiều thời gian nhất của họ. Nhờ đó, phụ nữ đã tiết kiệm được nhiều thời gian để tham gia các hoạt động sinh kế tạo thu nhập và chăm sóc bản thân.
- 5.023 người (3.286 nữ, 1.737 nam) tham gia 41 sự kiện cộng đồng nhằm nâng cao hiểu biết về công việc nội trợ và chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình.