Tuy nhiên, trong thời đại xã hội đều đang biến chuyển mạnh mẽ, bà Lâm và những nghệ nhân đều có một băn khoăn: Liệu nghề dệt thổ cẩm truyền thống có còn được gìn giữ và kế thừa hay không?
Màu sắc thổ cẩm tô điểm cho văn hóa xứ Bắc
Tại thôn Vĩnh Ninh, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, có một làng nghề đặc biệt đã cho ra đời hàng trăm tấm vải thổ cẩm rực rỡ mỗi năm. Đó chính là nơi sinh sống của dân tộc Cao Lan hay với một cái tên thân thuộc hơn là Làng Thổ cẩm. Đến làng Thổ cẩm Vĩnh Ninh hôm nay còn thấy có những nghệ nhân 85 tuổi ngồi khâu tay từng tấc thổ cẩm.
Nghề dệt thổ cẩm vốn là nghề truyền thống của người Cao Lan, giữ vai trò quan trọng trong đời sống của họ. Đây cũng là loại vải chính để tạo nên bộ quần áo của người Cao Lan. Trang phục dân tộc Cao Lan thường có 3 màu chủ đạo là chàm, nâu và đen. Các họa tiết trên trang phục đều gần gũi với cuộc sống sinh hoạt, lao động của đồng bào như hình quả trám, hoa hồi, cây đa, chim bồ câu… Tất cả đều được thêu tay, với những người khéo tay thì từng mũi chỉ đều tăm tắp mà không lộ gấu vải. Tất cả các bước đều được làm thủ công, vậy nên, cần một khoảng thời gian đáng kể để hoàn thành một bộ quần áo đẹp bằng thổ cẩm.
Bà Tống Thị Lâm là người đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm và thêu hoa văn truyền thống được ngót nghét gần 50 năm. Bà Lâm cho biết, các nghệ nhân có tuổi tại làng luôn hy vọng có thể truyền lại nghề cho thế hệ trẻ để vẻ đẹp văn hóa của dân tộc được giữ gìn. Điều đặc biệt của vải thổ cẩm đến từ sự độc đáo trong chất liệu và họa tiết. Quá trình tạo ra vải thổ cẩm cũng vô cùng kỳ công, phải trải qua các công đoạn như trồng bông, cán bông rồi dệt thành các sợi… Tất cả đều cần kỹ thuật công phu của các nghệ nhân người Cao Lan.
Tránh nguy cơ thất truyền nghề
Mặc dù đã có nỗ lực trong công cuộc khôi phục làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống nhưng vẫn còn nhiều vấn đề gây cản trở sự phát triển của làng nghề sau này. Đặc biệt là nguy cơ nghề "bị thất truyền" do kỹ thuật nghề có độ khó cao và lớp người trẻ có các định hướng khác trong xã hội hiện đại. Hầu hết những người học nghề đều rơi vào tình trạng không có đủ kinh phí để mua khung dệt, đồ nghề nên dần mất đi nhiệt huyết ban đầu.
Bà Lâm chia sẻ: "Chủ yếu đời sống bây giờ của chúng tôi phụ thuộc vào nghề làm nông, còn nghề may là phụ. Tiền công chỉ từ 25.000đ/ngày của thợ may. Thành ra, thu nhập của những người làm nghề chúng tôi cũng trở nên khó khăn. Các nghệ nhân có chuyên môn cao thì khá hơn chút, có người dệt rồi bán vải cả năm được trên 100 triệu đồng. Nhưng những người như thế thì còn ít lắm, đa phần đều là người lớn tuổi cả".
Hiện nay, Làng Thổ cẩm có khoảng 30 hộ gia đình duy trì nghề dệt. Thời gian gần đây, Nhà nước và chính quyền địa phương đều đang dốc sức đưa ra những phương án phù hợp để mở rộng, quảng bá các sản phẩm thổ cẩm truyền thống, từ đó giúp người dân làm nghề cải thiện nguồn thu nhập và tiếp tục cống hiến cho văn hóa dân tộc.
Trong đó, việc truyền dạy nghề đang là vấn đề được quan tâm. Cách dệt vải hiện nay về cơ bản vẫn được giữ nguyên theo lối truyền thống song vẫn cần có một số cải tiến để đảm bảo tính cạnh tranh với những sản phẩm hàng hóa trao đổi mua bán trên thị trường. Đối với khổ vải, người dân giữ nguyên kích thước ban đầu nhưng đã biết cách phối hợp các sợi nhiều màu trên cùng một khung dệt, tạo nên những sản phẩm có màu sắc phong phú hơn.
Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Lục Sơn, chính quyền địa phương dự kiến tổ chức chương trình xây dựng nhà trưng bày sản phẩm du lịch tại khu vực Trại Cao để người dân có chỗ giới thiệu và quảng bá các sản phẩm của làng nghề truyền thống. Nhờ đó, người dân có thêm môi trường để cùng nhau học hỏi kinh nghiệm dệt may và tìm tòi thêm nhiều cách đa dạng sản phẩm của mình. Khách tham quan cũng có cơ hội được trải nghiệm dệt và thêu trên vải thổ cẩm. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng được tăng cường nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan các thôn bản. Đây chính là đòn bẩy giúp cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống của bà con dân tộc Cao Lan được mở mang, phát triển.
Có thể nói, nghề dệt thổ cẩm của người Cao Lan ở xã Lục Sơn hiện nay đang hoạt động. Tuy nhiên, để nghề dệt thổ cẩm truyền thống của làng Thổ cẩm có thể tiếp tục duy trì và phát triển bền vững thì các vấn đề về hỗ trợ vốn đầu tư cho sản xuất, truyền nghề, tìm đầu ra cho sản phẩm… cần được Nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa.
Trang phục dân tộc của người dân tộc Cao Lan tại xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang