Vào mùa du lịch cơ sở sản xuất hồng treo gió của chị Liên nhộn nhịp khách ra vào. Ai đến đây cũng phải trầm trồ và rất hào hứng trước những giàn hồng vàng rực treo trước nhà. Từng dây hồng được xếp lại với nhau tựa như những ánh sao xa.
Lớp lớp hồng treo thẳng tắp, tạo thành lối đi đẹp mê hồn tưởng như cảnh này chỉ có trong phim cổ trang.
Khách du lịch, đặc biệt là chị em phụ nữ đến cơ sở sản xuất của chị không rời nửa bước. Ai cũng dừng lại chụp cho mình cả trăm bức ảnh ưng ý mới thôi.
Người chủ của HTX Trường Gia Phát, kiêm Chủ tịch Hội LHPN xã Trạm Hành đã có những bước đi táo bạo để gây dựng sản phẩm độc đáo hồng treo gió tại thành phố ngàn hoa.
Chị Liên - người con gái đất Bắc lại là bà chủ của xưởng sản xuất hồng lớn nhất thành phố Đà Lạt. Việc sản xuất hồng đang vào vụ, nên cả ngày chị tất bật với những mẻ hồng. Hết chạy ra kiểm tra giàn phơi lại chạy vô xưởng để hướng dẫn chị em làm cho đúng cách. Từng giàn hồng tựa như đám tơ hồng của trời đất vắt ngang thành phố mộng mơ.
Dưới nắng chiều nhẹ nhẹ của xứ lạnh, cả một khu vực rộng lớn ánh lên màu vàng mê man đến bất tận. Nơi chị sản xuất hồng treo gió quá đẹp, nên nhiều khi du khách đến đông quá, công nhân còn không có chỗ để ngồi.
Để sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng, việc sản xuất hồng treo gió đòi hỏi người làm phải vô cùng kỳ công. Từ việc chọn nguyên liệu đến gọt vỏ, rồi mắc dây treo. Suốt 20 ngày trời phải thăm nom, "mát xa" cho quả hồng rồi kiểm tra nhiệt độ thích hợp thì quả hồng mới đạt.
"Để làm ra 1kg hồng treo gió cũng vất vả như người phụ nữ Mông làm áo thổ cẩm vậy. Nó đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, nhẫn nại và thật sự đam mê mới có thể thành công". Theo chị Liên, hiện cơ sở của chị mỗi năm cho ra khoảng 2 tấn hồng treo gió và 4 đến 5 tấn hồng sấy bằng máy.
Quả hồng treo gió khi hoàn thành có đặc trưng ngoài khô nhưng bên trong lại đượm mật ngọt. Không cần sấy, chỉ với không khí và nắng trời, những trái hồng Đà Lạt tươi ngon tự biến mình thành những trái hồng khô nâu, ngọt đậm đà và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Cắn 1 miếng, nhắm mắt lại, cảm nhận vị ngọt vừa thanh vừa đậm lan khắp gai vị giác. Chưa bao giờ sản phẩm từ quả hồng Đà Lạt lại hút khách đến thế. Hồng treo gió là một trong những đặc sản quý tại Nhật Bản được truyền lại cho Hội LHPN xã Trạm Hành.
"Chúng tôi là một trong những người đã được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ sang Nhật để tập huấn nâng cao kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây hồng và chế biến loại đặc sản này để làm nên trái hồng mang hương vị vô cùng đặc biệt", chị Liên cho biết.
Chị Liên sinh ra và lớn lên ở huyện Kim Động (Hưng Yên), đầu những năm 1980, chị lại chuyển lên đất cao nguyên Mộc Châu sinh sống. Người con gái quê miền châu thổ đã gắn bó nhiều năm tại đất cao nguyên với vai trò là công nhân của nhà máy chè Mộc Châu.
Rồi chị lấy chồng và sinh con, cuộc sống cứ thế bình thản trôi qua. Đến năm 1998, vợ chồng chị lại đưa ra quyết định đã làm thay đổi số phận của chị đó là chuyển vào thành phố Đà Lạt sinh sống. Với số tiền tích góp được, chị đã mua đất để trồng cà phê.
Cuộc sống nơi quê mới cứ lần hồi trôi qua trong khó nhọc. Cây cà phê vào đầu những năm 2000 đang dần thoái trào. Nó không mang lại hiệu quả cho người trồng. Vợ chồng chị giật gấu, vá vai, từng bước xây dựng nơi ở mới. Suốt những năm sinh sống ở xã Trạm Hành, chị cũng tham gia Hội LHPN xã. Vốn là người chịu thương, chịu khó, năng động trong làm ăn kinh tế, đóng góp nhiều cho phong trào, năm 2009, chị được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã.
Khi đó, cuộc sống của các hội viên xung quanh chị còn gặp nhiều khó khăn. Đất đai rộng thênh thang lại phì nhiêu, trồng cây gì cũng cho năng suất. Đặc biệt ở nơi này còn có giống hồng trứng lốc, trứng lửa và hồng vuông đồng. Giống cây cho sai quả, ăn lại ngon miễn chê. Chỉ có điều giá hồng khi đó bán rẻ như cho 2.000 đồng/1kg. Khi thu hoạch, trừ đi công hái, người trồng hồng thu lại chẳng bõ bèn gì.
Ngay từ những ngày đó, chị Liên đã trăn trở làm gì để giúp chị em gia tăng thu nhập từ trái cây bản địa. Chị cũng tìm hiểu nhiều cách, nhưng hiệu quả chưa đâu vào đâu. Một cơ hội đã đến với chị, năm 2013 có một chuyên gia người Nhật đã đến xã và mở lớp dạy, chế biến sâu từ cây hồng bản địa.
Vị chuyên gia này đã rất nhiệt tình, chia sẻ từ cách trồng hồng, chăm sóc cây, thu hoạch quả và sau cùng là chế biến. Lớp được mở ra, thu hút 30 người tham gia học, trong đó có chị Liên, vì chị vận động mãi không có đủ người. Cuối cùng chị đành ghi tên mình vào.
Trước khi dạy, vị chuyên gia Nhật Bản đã cho mỗi học viên 1 quả hồng sấy. Quả hồng được bọc trong túi nilong có màu sắc bắt mắt được mang từ Nhật sang. Ai ăn cũng tấm tắc khen ngon, lạ hơn là họ đã chế biến bằng một phương pháp mà Việt Nam chưa từng có đó là hồng treo gió.
Tức là quả hồng tươi được hong khô bằng gió và nắng trời. Chuyên gia này còn cung cấp thông tin khiến các học viên sửng sốt đó là 1 quả hồng này bán với giá 45.000 đồng, tương đương với 20kg hồng tươi của Đà Lạt khi đó.
Được tham gia lớp học, chị Liên mừng như bắt được vàng. Học xong, chị về nhà cũng làm thử một mẻ hồng treo gió bằng kiến thức của mình đã học. Chị làm thành công, nhưng vấn đề không biết bán cho ai. Mẻ hồng treo gió đầu tiên, chị mang biếu người thân và cho bạn bè.
Không ngờ tấm lòng thơm thảo đó của chị lại mang đến niềm vui bất ngờ. Những người thân của bạn bè chị, khi ăn hồng treo gió Đà Lạt họ rất thích. Qua giới thiệu của người thân, họ mong muốn mua sản phẩm để làm quà. "Thú thực lúc đó, tôi không nghĩ rằng, sau này, mình sẽ có cả một xưởng sản xuất lớn", chị Liên nhớ lại.
Lần hồi sau mỗi năm, chị Liên vẫn kiên trì sản xuất mặt hàng hồng treo gió. Mỗi khi khách du lịch đi qua xưởng sản xuất của chị, họ đều tỏ ra lạ lẫm và vô cùng thích thú trước cách chế biến hồng của chị.
Tiếng lành đồn xa, chẳng mấy chốc, cơ sở của chị Liên thành nổi tiếng. Mặt hàng hồng treo gió theo đó mà đi khắp trong Nam và ngoài Bắc. Như vậy, giấc mơ chế biến sâu về quả hồng Đà Lạt của chị đã thành hiện thực.
Khi việc sản xuất đã dần đi vào ổn định, sản phẩm hồng sấy và hồng treo gió đã dần được người tiêu dùng biết đến, chị Liên đã mạnh dạn đưa ra quyết định thành lập HTX. "Cơ sở sản xuất của mình hiện quá nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Tôi đã vận động chị em phụ nữ trong vùng trồng hồng cùng tham gia thành lập HTX Trường Gia Phát. Từ đây, mình có thể mở rộng sản xuất cũng như quảng bá sản phẩm của mình tốt hơn", chị Liên chia sẻ.
Từ khi HTX ra đời, sản phẩm hồng treo gió không ngừng vườn xa. Ngoài lượng khách du lịch tìm đến tận HTX mua hàng và thăm quan, nhiều mối hàng ở Hà Nội, Sài Gòn đã liên hệ với HTX để phân phối sản phẩm.
Điều mà chị Liên mừng nhất là, khi xây dựng xưởng lớn, chị em phụ nữ sẽ bán được hồng với giá cao hơn thị trường từ 3 đến 4.000 đồng/1kg. Hàng năm, HTX sẽ đứng ra mua hồng nguyên liệu rồi tổ chức sản xuất. Năm nay, HTX đã mua được 30 tấn hồng tươi, với giá 20.000 đồng/1kg.
Gắn bó với cây hồng như một mối duyên, nên chị Liên luôn trăn trở làm sao mở rộng sản xuất ra hơn nữa. Kinh tế gia đình chị còn eo hẹp, nhưng chị vẫn cố gắng vận động các xã viên cùng đóng góp đầu tư máy móc để sấy hồng, với số tiền trên 2 tỷ đồng.
Nay xưởng sản xuất đã đi vào hoạt động và đang gặt hái được thành công không nhỏ. HTX thành lập đã giúp tạo việc làm cho hơn 20 chị phụ nữ có thêm thu nhập từ 7 đến 16 triệu đồng, góp phần giữ vững vùng nguyên liệu hồng tại địa phương.
Trong suốt câu chuyện của mình chị Liên luôn mong muốn làm sao để phụ nữ nơi đây có thêm nhiều công ăn việc làm, cũng như nâng cao giá trị của cây hồng Đà Lạt. Hiện mặt hàng hồng sấy và hồng treo gió đã dần đạt tới chất lượng như ý, nhưng màu sắc của quả hồng vẫn còn là vấn đề khiến chị Liên trăn trở.
"So với màu hồng sấy của Nhật Bản, hồng Đà Lạt vẫn chưa ánh lên cái màu hồng bắt mắt. Sau mỗi mẻ sản xuất, tôi sẽ từng bước nghiên cứu và cải tiến việc sản xuất sao cho đạt hiệu quả cao nhất", chị Liên chia sẻ.