Xuất bản ngày 5/10/2022
Giữa vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát có 2 bản tộc người Đan Lai là bản Búng và bản Co Phạt (xã Môn Sơn) sinh sống hoàn toàn tách biệt với phần còn lại của huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Những phụ nữ nơi đây quanh năm cam chịu với những hủ tục lạc hậu.
Sau khi hơn 3 tiếng đồng hồ trên con đường thủy độc đạo là ngược dòng sông Giăng, vượt qua 19 thác ghềnh đến rợn người, chúng tôi đã đến bản Búng. Ngồi trong căn nhà dựng hoàn toàn bằng tre nứa, ông La Văn Yêu (82 tuổi) giới thiệu về lịch sử tộc người mình.
Vào khoảng thế kỷ thứ 16 người, có một làng họ Lê sinh sống ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) nhận được chiếu chỉ của nhà vua yêu cầu dòng họ Lê phải nộp 100 cây nứa bằng vàng và một chiếc thuyền liền mái chèo. Những thứ trên không có, sợ bị thảm sát, cả dòng họ Lê gồng gánh nhau trốn chạy lên núi, chạy mãi đến thượng nguồn con sông Giăng mới dám dừng chân, lập bản. Từ đó, do lo sợ bị săn đuổi, người Đan Lai thường ngủ ngồi là để cảnh giác với thú dữ và quan quân. Họ trải qua hàng trăm năm với cuộc sống khó khăn, lạc hậu nơi rừng sâu.
Năm 2006, Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo tồn, phát triển bền vững dân tộc Đan Lai tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Đề án đặt mục tiêu 146 gia đình dân tộc Đan Lai ở hai bản Búng và Cò Phạt sẽ được di dời ra khỏi rừng sâu. 30 hộ ở lại bản Cò Phạt nhưng sẽ được đầu tư hạ tầng điện, đường, trường, trạm… để làm điểm du lịch sinh thái.
Đến năm 2007, chỉ có 45 hộ dân đầu tiên ra khỏi rừng, đến nơi ở mới ở xã Thạch Ngàn (Con Cuông) - cách chỗ ở cũ khoảng 60 km. Tại đây, người dân được xây nhà, cấp ruộng nước, đất rừng và được trợ cấp gạo ăn trong một năm. Còn tại bản Bá Hạ cũng thuộc xã Thạch Ngàn, mãi đến năm 2017, mới tổ chức di dân và đến nay đã có 35 hộ người Đan Lai ở thành cụm dân cư trong bản Bá Hạ.
Kể từ thời điểm lập dự án Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người Đan Lai ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát vào năm 2006 đến nay, nếu trừ những hộ dân tái định cư, thì người Đan Lai đã tăng thêm 87 hộ. Ở thời điểm hiện tại, hai bản Búng và Cò Phạt đã có 229 hộ dân. Trong khi đó, do nằm trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát nên họ không được chia đất ở, đất sản xuất, người dân chủ yếu sống dựa vào rừng.
Bộ đội biên phòng cắm bản thăm khám sức khỏe cho trẻ em và phụ nữ, hướng dẫn cách trồng rau
Từ khi Nhà nước có quy định cấm săn bắn, cấm khai thác gỗ, bà con hai bản Búng và Cò Phạt càng khó khăn hơn, phải nhận gạo trợ cấp của Nhà nước nhiều lần trong năm. Nhận thấy những khó khăn này, ngoài hỗ trợ giống, cây con, dụng cụ sản xuất, nhu yếu phẩm… Vườn quốc gia Pù Mát đã tạo sinh kế cho người dân bằng hình thức giao khoán bảo vệ rừng. Việc đầu tư, hỗ trợ để những hộ dân Đan Lai còn ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát thoát khỏi tình trạng hôn nhân cận huyết thống, thất học, đói nghèo… cũng được nhiều cấp, ngành quan tâm.
Những người phụ nữ bản Búng đi thuyền độc mộc trên sông Giăng. Cuộc sống của họ chỉ quanh quẩn bến nước sông Giăng
Hiện nay, tại hai bản Búng và Co Phạt đều đã có trường Mầm Non và Tiểu học, trẻ em đủ tuổi đến trường đều được bộ đội biên phòng cắm bản và chính quyền địa phương vận động đến lớp. Tuy nhiên, vẫn còn gần 100 phụ nữ ở 2 bản này trong độ tuổi từ 30 trở lên, không biết đọc, biết viết, thậm chí còn không biết nói tiếng Việt thành thạo.
Do quá biệt lập nên nhiều người phụ nữ ở 2 bản này chưa được ra trung tâm xã hay thị trấn huyện bao giờ. Họ bị bủa vây bởi mù chữ, kết hôn cận huyết. Bà La Thị Phượng, một người nói được tiếng Việt ở bản Búng, cho biết, nhờ bộ đội biên phòng cắm bản, các thầy cô giáo và chính quyền xã đã tuyên truyền cho bà con nên vấn đề tảo hôn đã giảm nhiều so, chứ trước đây người dân Đan Lai quan niệm "Phụ nữ 18 tuổi chưa cưới chồng là ế".
Còn hôn nhân cận huyết thì do sống tách biệt với bên ngoài nên rất khó, anh em, họ hàng vẫn kết hôn với nhau. Dù 100% số hộ dân Đan Lai nơi đây là hộ nghèo, đói nhưng đám cưới tổ chức rất linh đình. Bà Đinh Thị Vịnh ở bản Co Phạt cho biết: "Phong tục vậy chúng tôi không theo không được, chúng tôi mời khách 20 mâm nhưng tôi phải lo tới hơn 100 lít rượu cho khách uống trong mấy ngày liên tục đó".
Theo bà La Thị Phượng, người Đan Lai trong rừng này còn có nhiều tập tục lạc hậu, nạn rượu chè, bạo hành trong gia đình vẫn đang diễn ra. Trước đây, phụ nữ Đan Lai cứ sinh con ra liền nhúng con vào nước lạnh sông Giăng để "thử" sức mạnh của người con đại ngàn, sống thì lớn lên thích nghi với môi trường thiên nhiên, chết thì đó là theo ý trời. Hủ tục này cũng đang dần được xóa bỏ.
Theo chia sẻ của các cán bộ kiểm lâm, ở đây bà con rất cần biện pháp tránh thai. Nhà nghèo, con đông, mỗi nhà thường 3-4 con, có khi hơn chục bé. Dù đã được hướng dẫn cách dùng bao cao su nhưng một số người dân vẫn rất hồn nhiên: "Tại sao tôi đã đeo ở tay như cán bộ dạy mà vẫn có con, cái này bắt đền cán bộ!".
Đề án 280 đã qua 16 năm triển khai với nhiều đợt di dân nhằm giúp hộ dân tộc Đan Lai thoát được rừng thẳm về các khu tái định cư mới có hạ tầng tốt hơn. Tuy nhiên, UBND huyện Con Cuông cho biết, do không còn quỹ đất để bố trí đầu tư hạ tầng đưa người Đan Lai ra khỏi rừng sâu nên tiến độ dự án đang bị chậm trễ.
Mục tiêu chỉ còn 30 hộ dân Đan Lai ở lại trong rừng thuộc bản Cò Phạt để làm du lịch cộng đồng như Đề án đề ra, đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Nhiều phụ nữ Đan Lai sống trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, nhất là những phụ nữ từ 30 tuổi trở lên, vẫn đang đối mặt với hủ tục và sự lạc hậu.
Thực hiện: Hùng Cường