"Huyền thoại Teakwondo" Trần Hiếu Ngân và tấm huy chương Olympic đầu tiên của thể thao Việt Nam

Trần Hiếu Ngân đi vào lịch sử khi là người Việt Nam đầu tiên giành huy chương tại một kỳ Thế vận hội. Tấm Huy chương Bạc lại Olympic Sydney 2000 có ý nghĩa vô cùng to lớn cho thể thao Việt Nam. Cho đến thời điểm hiện tại, chị vẫn là người phụ nữ Việt Nam duy nhất giành được huy chương Olympic.

Sau khi đất nước thống nhất và hội nhập thể thao quốc tế, thể thao Việt Nam bắt đầu tham dự Olympic vào năm 1980 với 31 VĐV tham dự Olympic Moskva. Sau 20 năm góp mặt cho đến Olympic Sydney 2000, thể thao Việt Nam chưa từng có một huy chương nào tại đấu trường Olympic. Trần Hiếu Ngân trở thành VĐV đầu tiên của Việt Nam giành được huy chương Olympic với tấm Huy chương Bạc ở môn Teakwondo hạng cân 57kg nữ. 24 năm đã qua kể từ thời điểm đó, biết bao sự kiện, bao giải đấu của thể thao Việt Nam đã diễn ra, Việt Nam đã có thêm 4 tấm huy chương khác tại các kỳ Olympic, nhưng tấm Huy chương Bạc được đánh giá là "quý hơn vàng" của Trần Hiếu Ngân vẫn nguyên giá trị. 

Tấm huy chương đầu tiên ấy có ý nghĩa vô cùng to lớn không chỉ đối với thể thao Việt Nam, không chỉ trong phạm vi thể thao, mà còn mang ý nghĩa khẳng định về con người Việt Nam, như một thông điệp về một Việt Nam hội nhập, đổi mới và phát triển.

"Huyền thoại Teakwondo" Trần Hiếu Ngân và tấm huy chương Olympic đầu tiên của thể thao Việt Nam - Ảnh 1.

Trần Hiếu Ngân (trái) giành Huy chương Bạc tại Olympic Sydney 2000 - đây là tấm huy chương đầu tiên của thể thao Việt Nam tại một kỳ Olympic


"Huyền thoại Teakwondo" Trần Hiếu Ngân và tấm huy chương Olympic đầu tiên của thể thao Việt Nam - Ảnh 2.

24 năm đã qua, nhắc đến cái tên Trần Hiếu Ngân, người ta vẫn dùng cụm từ "huyền thoại Teakwondo". 24 năm đã qua, thể thao Việt Nam vẫn có thế mạnh ở các môn võ, có thêm rất nhiều võ sĩ, nhưng chưa có thêm ai có huy chương Olympic ở một môn võ thuật. Trần Hiếu Ngân xứng đáng với 2 chữ "huyền thoại" mà những người hâm mộ thể thao dùng để gọi chị, xứng đáng là một huyền thoại của thể thao Việt Nam.

Trần Hiếu Ngân sinh năm 1974, tại thị xã Tuy Hòa (nay là thành phố Tuy Hòa), Phú Yên, sống trong một gia đình có 5 anh chị em. Năm 14 tuổi, khi đang là cô học trò THCS, môn võ xuất xứ Hàn Quốc có tên là Teakwondo bắt đầu có mặt tại thị xã Tuy Hòa. Trần Hiếu Ngân và các anh chị em tình cờ nghe đến môn võ này và có ý định đi tập. Cha của Trần Hiếu Ngân đã nói với các con rằng "Rồi, đi tập võ đi cho khỏe người, nhưng nhớ không có được nghịch ngợm". Buổi tối, sau giờ học, cô bé Hiếu Ngân và các anh chị em bắt đầu đến lớp võ, tập cái môn võ "chỉ toàn thấy đá là đá", đá đến mỏi nhừ cả chân, thở không ra hơi.

Tập được một dạo, 4 người anh chị em còn lại bỏ cuộc, vì cái môn này vất vả, mệt người, mà tập thì chán quá. Riêng Hiếu Ngân vẫn thấy tập là vui, càng tập càng ham và mê, một mình đi tập tiếp.

Tập võ thì phải đánh giải, nhưng câu lạc bộ võ thuật nơi Hiếu Ngân tập luyện lại không có tiền, thiếu chi phí để đi tham dự các giải đấu. "Thời đó, tập thể thao là thiếu thốn khó khăn đủ bề, toàn chỉ tập trên sân bê tông rất dễ chấn thương, đồ bảo hộ thiếu. Muốn đi thi đấu, có cơ hội cọ xát để nâng cao trình độ, thì phải về xin tiền ba mẹ. Nhiều lúc, tập thấy oải, mà cứ xin tiền nhà mỗi khi đi đánh giải thì cũng ngại và nản, tôi định thôi luôn, bỏ chơi Teakwondo, về phụ ba mẹ bán hàng kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Nhưng rồi ba tôi động viên, hỗ trợ tiền chi phí đi dự giải, thế là tôi lại tiếp tục, thi đấu giải trẻ nào là thắng ở giải đó. Sự ủng hộ của ba tôi giúp tôi tiếp tục theo đuổi thể thao".

"Huyền thoại Teakwondo" Trần Hiếu Ngân và tấm huy chương Olympic đầu tiên của thể thao Việt Nam - Ảnh 3.

5 anh chị em cùng đi tập võ, 4 người bỏ cuộc, chỉ Trần Hiếu Ngân còn tiếp tục. Người cha đã bỏ tiền túi cho con chi phí đi thi đấu những giải trẻ đầu tiên trong đời. Hiếu Ngân đánh đâu thắng đấy.

Năm 1993, Trần Hiếu Ngân có Huy chương Vàng đầu tiên ở giải Teakwondo toàn quốc, và được gọi triệu tập đội tuyển Quốc gia, vào TPHCM để có điều kiện tập luyện chuyên sâu, nâng cao trình độ. Những người thầy ngày đó đã nhìn ra ngay tố chất đặc biệt hiếm có với võ thuật ở cô võ sĩ trẻ quê gốc Phú Yên. Đôi mắt sáng, nụ cười thân thiện, tính cánh ngoài đời có phần hiền lành, nhưng cứ lên sàn đấu, cứ thi đấu võ là Trần Hiếu Ngân lại cực kỳ linh hoạt, sức chiến đấu mạnh mẽ và vô cùng thông minh trong cách ra đòn. Tiếp tục được sự động viên của gia đình, đặc biệt là sự ủng hộ từ cha, Hiếu Ngân một mình khăn gói vào TPHCM để luyện tập.

Năm 1993, thể thao Việt Nam có thể đã không có một VĐV võ thuật xuất sắc, những gì thuộc về lịch sử sau đó có thể đã không còn diễn ra, khi Trần Hiếu Ngân đứng trước việc phải sớm từ giã sự nghiệp vừa mới bắt đầu. Chị bị dính một chấn thương chân phải vô cùng nghiêm trọng, mà chân phải vốn là chân thuận. Với Teakwondo, dính một chấn thương kiểu này, "cuộc đời võ sĩ coi như bỏ".

Trần Hiếu Ngân đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật rồi chữa trị vô cùng khó khăn, nhưng chân phải đã yếu đi rất nhiều, những đòn đá chân phải kém hẳn đi sự uy lực. Những HLV của chị ngày ấy đã có một quyết định vô cùng đặc biệt, chưa từng có và rất khó để thành công: Luyện cho chân trái còn khỏe của Hiếu Ngân trở thành chân thuận.

Kết quả của điều không tưởng ấy là tấm Huy chương Vàng SEA Games năm 1995 của Trần Hiếu Ngân. Ngày ấy, thể thao Việt Nam mới hội nhập trở lại, và mỗi tấm Huy chương Vàng SEA Games cực kỳ rất quý giá. Thể thao Việt Nam khi ấy còn kém về mọi mặt so với các nền thể thao trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Tiếp sau SEA Games, Trần Hiếu Ngân tiếp tục có được hàng loạt những tấm huy chương, có huy chương ở giải châu Á, trở thành một trong những nữ VĐV hàng đầu của thể thao Việt Nam khi ấy.

Những đối thủ rất mạnh ở tầm quốc tế ở thời điểm đó vẫn nể những đòn đá chân trái rất nhanh và kỳ ảo của nữ võ sĩ đến từ Việt Nam, không ai biết đó là cái chân không thuận, và chân còn lại của Trần Hiếu Ngân thì đã đau. Câu chuyện về Trần Hiếu Ngân cứ như chuyện về một "cao thủ võ lâm" vẫn có trong truyền thuyết, nhưng thực chất là một câu chuyện rất thật, về ý chí con người trong thi đấu thể thao.

"Huyền thoại Teakwondo" Trần Hiếu Ngân và tấm huy chương Olympic đầu tiên của thể thao Việt Nam - Ảnh 4.

Trong những câu chuyện, Trần Hiếu Ngân luôn nhắc đến người thầy của mình - võ sư Trương Ngọc Để, nhắc đến công lao truyền dạy, nhắc đến lời động viên khích lệ khi thi đấu Olympic

Thời ấy, Teakwondo Việt Nam có những võ sư, huấn luyện viên hàng đầu, đó là võ sư Trương Ngọc Để - người duy nhất của Việt Nam có chứng nhận đai đen 9 đẳng (cửu đẳng huyền đai) của viện Hàn lâm Teakwondo thế giới; có Trần Quang Hạ - võ sĩ đầu tiên của Việt Nam đoạt Huy chương Vàng ASIAD (Đại hội Thể thao châu Á). Cùng thời điểm đó, Teakwondo Việt Nam may mắn có Trần Hiếu Ngân. Những người thầy nhìn ra tố chất của Hiếu Ngân đã không nhầm, đã dốc nhiệt huyết để truyền dạy, và Trần Hiếu Ngân đã dốc sức để luyện rèn. Với võ thuật, không phải là đánh đấm khỏe. Tố chất, ý chí, bản lĩnh, sự kỷ luật, đam mê, quan trọng hơn nữa là trí tuệ, tất cả đều cần, đều phải có, mới có thể thành một võ sĩ giỏi, chiến thắng trong thi đấu võ thuật thể thao.

Trong võ có đạo, và cô bé đi tập võ cho khỏe ngày nào nơi thị xã Phú Yên, với một phẩm chất đặc biệt, với đôi chân đặc biệt, đã viết lên câu chuyện lịch sử cho thể thao Việt Nam...

"Huyền thoại Teakwondo" Trần Hiếu Ngân và tấm huy chương Olympic đầu tiên của thể thao Việt Nam - Ảnh 5.

Năm 2000, Đoàn Thể thao Việt Nam đến Olympic Sydney với 7 VĐV, trong đó có 2 VĐV ở môn Taekwondo là Trần Hiếu Ngân (hạng 57 kg) và Nguyễn Thị Xuân Mai (hạng 49 kg). Hy vọng có huy chương được dồn nhiều hơn vào Nguyễn Thị Xuân Mai với hạng cân nhẹ hơn. Tuy nhiên, rất đáng tiếc, VĐV Xuân Mai đã vào được tứ kết nhưng không có huy chương.

Trận đấu đầu tiên, võ sĩ của Việt Nam đấu với đối thủ người Trinidad & Tobago. Đối thủ ngang tài ngang sức nhưng có lợi thế với thể lực rất tốt, và Trần Hiếu Ngân có chiến thắng ở những giây cuối cùng với một đòn đá phản công đẹp mắt. Hiếu Ngân chọn phương án tấn công liên tục ở trận đấu thứ 2 và chiến thắng áp đảo đối thủ đến từ Philippines.

Ở bán kết, võ sĩ Việt Nam phải đối đầu với nữ võ sĩ người Hà Lan đang là nhà vô địch châu Âu ở hạng cân này. Trần Hiếu Ngân bị dẫn trước, rồi ở 30 giây cuối của hiệp đấu cuối cùng, chị tung ra liên tiếp những cú đá phản công mạnh mẽ. 2 cú đá ăn điểm đã giúp cho nữ võ sĩ Việt Nam chiến thắng đúng vào thời điểm trọng tài báo hết giờ.

"Huyền thoại Teakwondo" Trần Hiếu Ngân và tấm huy chương Olympic đầu tiên của thể thao Việt Nam - Ảnh 6.

Những trận đấu của Trần Hiếu Ngân, những đòn đá chân trái của chị đến giờ vẫn còn được nhắc lại

Trận chung kết của môn Teakwondo hạng cân 57kg ở Olympic Sydney 2000 là cuộc đọ sức giữa Trần Hiếu Ngân của Việt Nam và Jung Jae Eun của Hàn Quốc - đất nước sản sinh ra môn võ này và có những VĐV mạnh nhất. Trần Hiếu Ngân từng chiến thắng đối thủ này tại giải Teakwondo Vô địch châu Á. Kết quả, VĐV Hàn Quốc đã thi đấu rất tốt, chiến thắng và giành Huy chương Vàng, Trần Hiếu Ngân của Việt Nam giành Huy chương Bạc. 

Cho đến tận bây giờ, sau 24 năm, nghĩ về trận đấu ấy, Trần Hiếu Ngân vẫn tiếc nuối giá mình có thể làm tốt hơn. Sau này nhiều người mới biết rằng, Trần Hiếu Ngân đã nén đau, đã thi đấu, đã tung ra những cú đá với cái chân vẫn bị ảnh hưởng bởi những chấn thương trong suốt cả kỳ Olympic lần đó.

"Huyền thoại Teakwondo" Trần Hiếu Ngân và tấm huy chương Olympic đầu tiên của thể thao Việt Nam - Ảnh 7.

Trần Hiếu Ngân với tấm huy chương Olympic, hình ảnh đầy tự hào mà những người hâm mộ thể thao Việt Nam không bao giờ quên (ảnh tư liệu)

"Lần đầu tiên thể thao Việt Nam có huy chương Olympic, Trần Hiếu Ngân ở bộ môn Teakwondo" - Những người yêu thể thao, quan tâm đến thể thao cho đến giờ vẫn chưa thể quên những ký ức ngày ấy, với bản tin này được phát trên truyền hình ngày hôm đó. Thời đó, truyền hình đã bắt đầu phát triển nhưng giải trí còn ít, và thể thao được hâm mộ cuồng nhiệt. Một bàn thắng của Hồng Sơn, Huỳnh Đức, một tấm Huy chương Bạc môn bóng đá SEA Games khiến hàng nghìn người đổ ra đường ăn mừng. Hình ảnh Trần Hiếu Ngân với lá cờ đỏ sao vàng chạy quanh nhà thi đấu ở đất nước Úc xa xôi được chiếu đi chiếu lại trên truyền hình, chân dung Trần Hiếu Ngân với tấm huy chương Olympic xuất hiện dày đặc trên trang bìa các báo.

Tấm Huy chương Bạc ở môn Teakwondo của Trần Hiếu Ngân, tấm huy chương đầu tiên của thể thao Việt Nam ở Thế vận hội là cột mốc lịch sử, là dấu ấn đặc biệt của thể thao đúng vào năm 2000 đáng nhớ. Lần đầu tiên sau 20 năm có mặt tại Olympic, Đoàn Thể thao Việt Nam có thành tích, và có thứ tự trên bảng xếp hạng các đoàn thể thao tham dự.

"Nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã biết đến và khâm phục tinh thần, ý chí của nữ VĐV Việt Nam, các nữ VĐV Việt Nam có sự nghị lực phi thường, vượt khó vươn lên. Nữ VĐV của chúng ta khi ra thi đấu đã khiến cộng đồng quốc tế phải kinh ngạc, bày tỏ sự khâm phục. Nhiều chuyên gia thể thao khi đến Việt Nam tìm hiểu, từ điều kiện nơi sinh ra, trưởng thành, dinh dưỡng ăn uống, cơ sở vật chất tập luyện, đã nói rằng các nữ VĐV Việt Nam có được thành tích cao trong điều kiện đôi khi còn khó khăn thực sự là bởi ý chí, nghị lực hơn người, họ ấn tượng đẹp về đất nước Việt Nam, phụ nữ Việt Nam.

Khi nhắc về lịch sử thể thao Việt Nam, chúng ta sẽ luôn nhớ đến tấm huy chương Olympic đầu tiên của Trần Hiếu Ngân. Tấm huy chương ấy thực sự có ý nghĩa to lớn cho thể thao Việt Nam", bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thế thao

Tấm huy chương của một nữ vận động viên Việt Nam, trở thành niềm tự hào chung. Tấm huy chương đầu tiên của Trần Hiếu Ngân mang tính biểu tượng khi ấy, và giá trị của nó vẫn còn được nhắc mãi. Sau tấm Huy chương Bạc của Trần Hiếu Ngân, thể thao Việt Nam có thêm 4 huy chương nữa ở các kỳ Olympic: Hoàng Xuân Vinh - 1 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc bắn súng, Hoàng Anh Tuấn - Huy chương Bạc và Trần Lê Quốc Hoàn - Huy chương Đồng ở môn cử tạ.

Trong những câu chuyện kể về sau, Trần Hiếu Ngân cho biết, khi đó, HLV – võ sư Trương Ngọc Để nói với học trò rằng "cố giành huy chương bây giờ, 50 năm sau người ta vẫn sẽ nhắc và con vẫn có thể tự hào, cố gắng lên, chúng ta chưa có huy chương nào ở Olympic đâu, lịch sử đang ở trước mắt". Võ sư Trương Ngọc Để đã không hề nói sai. Ông và học trò của mình, cùng tấm Huy chương Bạc, trở về từ Sydney trong sự chào đón nồng nhiệt.

"Huyền thoại Teakwondo" Trần Hiếu Ngân và tấm huy chương Olympic đầu tiên của thể thao Việt Nam - Ảnh 8.

+ Xin chào chị Trần Hiếu Ngân. 24 năm đã qua kể từ ngày chị mang về tấm huy chương đầu tiên cho thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic. Nhiều người hâm mộ thể thao vẫn nhớ đến chị, đến thành tích này, và có thắc mắc Trần Hiếu Ngân hiện giờ ra sao?

Cảm ơn vì câu hỏi, rất cảm ơn khi thành tích của tôi vẫn được người hâm mộ thể thao nhớ tới và nhắc tới, tôi vẫn ổn, vẫn khỏe mạnh, vẫn luôn vui.

Sau năm 2000, sau khi giành huy chương ở Olympic, tôi đã giải nghệ. Tôi vẫn luôn cảm ơn thể thao TP Hồ Chí Minh đã cho tôi cơ hội khi mình còn thi đấu. Nghỉ thi đấu, tôi quyết định ở lại đây, gắn bó với nơi này. Trước đây, tôi làm các công tác văn phòng, công tác quản lý thể thao, rồi đảm nhận việc huấn luyện tại Trung tâm đào tạo VĐV võ thuật TPHCM, rồi còn dạy tại các lớp phong trào, nâng cao bộ môn Teakwondo.

Tôi đã nghỉ công tác huấn luyện vài năm nay, hiện tại chỉ tập trung vào các công tác quản trị nghiệp vụ thể thao, ngoài ra tôi tích cực tham gia các hoạt động thúc đẩy thể thao phong trào. Tôi thấy đây cũng là một cách để mình đóng góp tốt cho thể thao và cho xã hội, luyện tập thể thao giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, sống tích cực hơn là điều rất quan trọng với mỗi cá nhân và cho cả cộng đồng. Thỉnh thoảng, tôi vẫn đi dạy võ cho trẻ em, dạy võ cho mấy đứa nhóc vui lắm. Nhìn vào ánh mắt tụi nhỏ, tôi thấy lại mình ngày xưa. 

"Huyền thoại Teakwondo" Trần Hiếu Ngân và tấm huy chương Olympic đầu tiên của thể thao Việt Nam - Ảnh 9.

Trần Hiếu Ngân của hiện tại. Niềm vui của chị trong lễ tốt nghiệp của con gái

"Huyền thoại Teakwondo" Trần Hiếu Ngân và tấm huy chương Olympic đầu tiên của thể thao Việt Nam - Ảnh 10.

"Dạy võ cho mấy đứa nhóc vui lắm. Nhìn vào ánh mắt tụi nhỏ, tôi thấy lại mình ngày xưa....", Trần Hiếu Ngân chia sẻ

Đó là công việc, còn cuộc sống riêng của tôi ổn. Tôi có 2 con, con gái lớn đã vừa tốt nghiệp đại học, con trai đang học lớp 11. Các con tôi không ai theo nghiệp VĐV giống mẹ, nhưng có tập thể thao, tập Teakwondo cũng đã ở mức khá, ngoài ra là bơi lội và các môn khác. Tôi cũng đã truyền được niềm đam mê thể thao, rèn luyện sức khỏe cho các con.

Thời gian đã qua lâu nhưng hẳn chị vẫn còn nhiều những ký ức không thể quên về Olympic? Có điều gì là đặc biệt với chị ở Olympic diễn ra tại Úc vào năm 2000?

Olympic là sân chơi lớn nhất của thể thao, là ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh, với mỗi VĐV, thi đấu ở một kỳ Olympic luôn là trải nghiệm đáng nhớ đối với sự nghiệp. Nhiều VĐV, trong đó có tôi, chỉ có cơ hội thi đấu ở Olympic một lần duy nhất trong đời, nên lại càng đáng nhớ.

Hồi đó, khi biết mình sẽ đến Úc và thi đấu ở Olympic, tôi đã cảm thấy rất vinh dự và trách nhiệm rất lớn, nên đặt quyết tâm cao nhất. Chuẩn bị sang thi đấu, tôi đã lao vào tập luyện thật chăm chỉ với sự hướng dẫn tận tình của các thầy. Là một VĐV, tôi đã tham dự rất nhiều giải đấu quốc tế diễn ra ở nhiều quốc gia, nhưng khi đến Úc thì cảm giác khác hẳn so với tất cả các giải đấu trước đó. Khung cảnh của một kỳ Thế vận hội với rất nhiều đoàn thể thao tham dự, rất đông VĐV tham dự là khác hẳn. Đoàn thể thao Việt Nam khi đó chỉ có 7 VĐV, đoàn chúng ta ít người hơn, có lúc thấy nhỏ bé so với người ta, nhưng lại càng tự hào, và càng có thêm động lực để quyết tâm thi đấu.

Là VĐV đại diện Việt Nam, khi đến Olympic, dường như có một điều gì đó rất kỳ lạ, thôi thúc mình luôn cố gắng. Khi đó tôi cũng đã quen với nhiều giải đấu lớn, các đối thủ mình cũng biết rồi, và mình quyết tâm, mình cố gắng cho mục tiêu sẽ có huy chương. Mình không hề cảm thấy sợ hãi, dù biết khó khăn sẽ nhiều.

"Huyền thoại Teakwondo" Trần Hiếu Ngân và tấm huy chương Olympic đầu tiên của thể thao Việt Nam - Ảnh 11.

"Tôi tự hào vì đã có huy chương Olympic, mang vinh quang về cho Tổ quốc"

"Huyền thoại Teakwondo" Trần Hiếu Ngân và tấm huy chương Olympic đầu tiên của thể thao Việt Nam - Ảnh 12.

"Lúc trao huy chương, tôi nhớ đến ba tôi, và nước mắt cứ thế rơi..."

Bên cạnh đó, trong sâu thẳm thâm tâm, tôi cũng có những nỗi bùi ngùi, nỗi buồn riêng. Ba tôi đã mất 3 tháng trước thời điểm tôi đến Olympic. Khi ba tôi mất, tôi không có ở nhà, mà đang ở Hàn Quốc trong chuyến tập huấn. Khi đó, tôi 26 tuổi, và phải cố gắng vượt qua nỗi đau, mất mát của cuộc đời mình. Ba tôi chính là người động viên, cổ vũ tôi đến với thể thao, đến với võ thuật. Tập luyện võ, rèn luyện bản lĩnh, cũng là giúp tôi đứng vững hơn, bản lĩnh hơn. Lúc đó, tôi cũng nghĩ, tập luyện tốt, thi đấu tốt, là một cách để ba tôi vui y như lúc ba tôi còn sống, cũng là cách để vợi bớt nỗi buồn.

Lúc thi đấu, tôi chỉ tập trung vào thi đấu, tâm trí chỉ còn ở trong cuộc đấu. Khi đã giành được huy chương rồi, lúc trao huy chương, tôi đã rơi nước mắt. Tôi xúc động. Là một VĐV, ai khi đi thi đấu và có huy chương, lúc trao huy chương thì đều xúc động và tự hào, vì màu cờ sắc áo. Như tôi đã nói, đến Olympic thì mới thấy tầm vóc của sự kiện này, nên khi đó mình càng xúc động và tự hào vì đã đem vinh quang về cho Tổ quốc. Tôi xúc động, và lúc trao huy chương đó, là tôi bất giác nhớ đến ba tôi nữa, giá ba tôi còn sống thì ba tôi đã được chứng kiến giây phút con gái mình giành huy chương Olympic. Tôi nhớ đến ba tôi, và nước mắt cứ thế rơi.

Những ký ức về kỳ Olympic ngày ấy, đúng là không thể nào quên.

Cho đến thời điểm hiện tại, chị vẫn là người phụ nữ Việt Nam duy nhất có huy chương tại một kỳ Olympic. Sau khi chị giành huy chương Olympic, các VĐV tiếp sau đều là nam. Chị có điều gì đó là mong muốn, cho thể thao Việt Nam nói chung, đặc biệt là các nữ VĐV?

Đây chính là điều tôi muốn nói, muốn chia sẻ. Mỗi lần có ai nhắc đến điều này, tôi lại thấy có chút gì đó chạnh lòng, thấy trăn trở rất nhiều, và đó là điều tôi vẫn hằng mong mỏi.

Khi mọi người nhắc đến tôi với tư cách người đầu tiên mang huy chương Olympic về cho thể thao Việt Nam, tôi rất tự hào. Nhưng đến thời điểm hiện tại, khi nói đến việc này, và tôi vẫn là người phụ nữ Việt Nam duy nhất có huy chương Olympic, thì là một cựu VĐV, một người gắn bó với thể thao, tôi chợt chạnh lòng buồn.

Hãy nói đến môn Teakwondo, vì sau khi nghỉ thi đấu, tôi vẫn gắn bó với Tekwondo. Sau Olympic 2000, chúng ta tiếp tục có VĐV Teakwondo đến được Olympic, đó là Văn Hùng, Quốc Huân, rồi các nữ VĐV là Thanh Trúc, Hoài Thu, Huỳnh Châu, Diệu Linh, gần nhất là Trương Thị Kim Tuyền ở Olympic Tokyo 2020. Tôi vẫn luôn theo dõi và cổ vũ các em, và thấy rất đáng tiếc khi chúng ta không có thêm huy chương ở môn Teakwondo. Kỳ Olympic lần này diễn ra tại Paris, chúng ta lại không có VĐV nào ở Teakwondo nào tham dự, các kỳ trước đều thường xuyên góp mặt, đó cũng là điều đáng buồn với riêng cá nhân tôi.

"Huyền thoại Teakwondo" Trần Hiếu Ngân và tấm huy chương Olympic đầu tiên của thể thao Việt Nam - Ảnh 13.

Trần Hiếu Ngân bên tháp Nghinh Phong ở quê nhà Phú Yên. Chị mong mỏi sẽ sớm có thêm nữ VĐV Việt Nam giành được huy chương ở đấu trường Olympic

Các kỳ Olympic khác, tôi đều rất vui khi có VĐV giành được huy chương, đặc biệt là anh Hoàng Xuân Vinh đã giành HCV. Thể thao là nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn. Từ thời của tôi cho đến hiện tại, thể thao Việt Nam đã phát triển nhiều hơn, chúng ta có nhiều VĐV trẻ tài năng. Olympic là đấu trường rất khó, đến được đã khó, có huy chương càng khó hơn. Điều tôi luôn mong mỏi, là sẽ có thêm những tấm huy chương ở Olympic, đặc biệt là sẽ có nữ VĐV tiếp theo sau tôi có huy chương, để tôi chỉ là người đầu tiên, không còn là duy nhất nữa.

Hy vọng ngày đó sẽ sớm đến, thể thao Việt Nam luôn phát triển, và chúng ta sẽ được nhìn thấy có thêm những nữ VĐV của Việt Nam bước lên bục nhận huy chương tại đấu trường Olympic. 

Xin cảm ơn chị đã chia sẻ!

Quang Thái (thực hiện)