Craft Link là một tổ chức phi lợi nhuận và công bằng thương mại, hoạt động với mục đích hỗ trợ các nhóm dân tộc thiểu số, các nhóm khuyết tật và các nhóm làng nghề truyền thống trong việc khôi phục truyền thống văn hoá, phát triển sản xuất hàng thủ công và tăng thêm thu nhập cho cộng đồng.
Mục tiêu của Craft Link là giúp bảo tồn, phát triển các kỹ năng và nền văn hóa truyền thống của các nhóm dân tộc thiểu số; giúp các nhóm sản xuất hàng thủ công tăng thêm thu nhập và phát triển bền vững thông qua việc tìm thị trường cho các sản phẩm của họ và nâng cao nhận thức của công chúng về các nhóm sản xuất và sản phẩm thủ công của họ.
Hiện tại Craft Link đang trợ giúp 63 nhóm sản xuất trên khắp đất nước Việt Nam, trong đó có 45% là các nhóm dân tộc thiểu số; 25% là các nhóm khuyết tật, gặp hoàn cảnh khó khăn và 30% là các nhóm làng nghề truyền thống.
Với sự hỗ trợ của Craft Link, của Hội LHPN Thanh Hóa, huyện Lang Chánh, xã Đồng Lương và xã Lâm Phú, nhóm phụ nữ dân tộc Mường và Thái tại 2 xã đã được tham gia vào dự án phát triển hàng thủ công từ năm 2018 – 2019 nhằm bảo tồn truyền thống văn hóa, nâng cao thu nhập cho cộng đồng.
Với mô hình này, từ cuối năm 1996 đến nay, Craft Link đã thực hiện thành công trên 40 dự án tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nghệ An, Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng, An Giang… Đặc biệt, năm 2022, Craft Link đang triển khai 2 chương trình dự án hỗ trợ các nhóm dân tộc Thái tại Hòa Bình và Thái tại Kỳ sơn, Nghệ An.
Các dự án của Craft Link không chỉ giúp các nhóm dân tộc thiểu số và các nhóm làng nghề khôi phục nền văn hóa truyền thống mà còn giúp họ có thêm thu nhập thông qua hệ thống marketing và phân phối của Craft Link tại Việt Nam và nước ngoài, giúp nhóm tự quản lý và phát triển bền vững. Hiện tại Craft Link đang trợ giúp 70 nhóm sản xuất trên khắp đất nước, với tổng số người hưởng lợi lên đến hơn 6.000 người.
Những tấm vải vẽ sáp ong của người H'Mông ở bản Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình), những chiếc khăn họa tiết dệt tay truyền thống trên trang phục của phụ nữ dân tộc Mường và Thái tại thôn Khạt xã Đồng Lương (Lang Chánh, Thanh Hóa), những chiếc túi xách họa tiết trổ ghép và thêu móc xích đa dạng, tinh tế của những cô gái H'Mông ở bản Phà Sắc (Kỳ Sơn, Nghệ An),… không chỉ chinh phục được người tiêu dùng trong nước mà còn vươn ra toàn cầu, trong đó có những thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ, châu Úc,...
Bà Trần Tuyết Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Doanh nghiệp xã hội Craft Link đã có những chia sẻ về hành trình đồng hành hỗ trợ các nhóm dân tộc thiểu số, các nhóm khuyết tật và các nhóm làng nghề truyền thống trong việc khôi phục truyền thống văn hoá, phát triển sản xuất hàng thủ công và tăng thêm thu nhập cho họ.
+ Bắt đầu thành lập từ năm 1996, xin bà cho biết chặng đường Công ty Cổ phần Doanh nghiệp xã hội Craft Link đã trải qua để giới thiệu sản phẩm của các địa phương vươn ra thế giới?
Khi Công ty cổ phần Doanh nghiệp xã hội Craft Link thành lập, thời điểm đó, nước ta chưa có mô hình doanh nghiệp xã hội. Lúc đó, chúng tôi hoạt động được theo tiêu chí doanh nghiệp xã hội nhưng chưa có cơ chế về doanh nghiệp xã hội, cho nên chúng tôi thành lập tổ chức với hai mảng hoạt động, mảng kinh doanh và mảng phát triển.
Với mảng kinh doanh, chúng tôi hỗ trợ rất nhiều cho các nhà sản xuất, hỗ trợ các nhóm sản xuất tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh bán lẻ, bán sỉ và xuất khẩu. Lợi nhuận từ mảng kinh doanh được dùng để tài trợ cho các dự án phát triển, hỗ trợ các nhóm sản xuất của bà con, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Ở mảng phát triển, chúng tôi có các dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cho bà con về thiết kế sản phẩm, phát triển sản phẩm, để từ năng lực của chính bản thân họ sẽ nâng lên tầm cao mới, giúp họ sử dụng chính các kỹ năng truyền thống và các công nghệ đơn giản của họ trong việc sản xuất thủ công để phát triển, đưa ra những sản phẩm mới phù hợp với yêu cầu thị trường nhưng vẫn chứa đựng bản sắc văn hóa trong sản phẩm của họ.
Phụ nữ các làng nghề được tham gia các dự án hỗ trợ nâng cao năng lực về thiết kế sản phẩm, phát triển sản phẩm.
+ Thưa bà, động lực nào để Craft Link có thể tổ chức, triển khai nhiều hoạt động như vậy?
Trong quá trình nền kinh tế bắt đầu phát triển và thay đổi, có rất nhiều nhóm sản xuất tiến kịp với biến động của thị trường và phát triển rất tốt. Trong khi đó đối tượng gặp khó khăn nhất chính những đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, người khuyết tật. Đây cũng là những đối tượng mà Crafl Link hướng tới. Lý do là bởi họ ở xa, ít có điều kiện cập nhật, chia sẻ thông tin như các thành phố lớn. Bên cạnh đó, họ còn gặp phải những hạn chế về điều kiện, năng lực, kể cả về giáo dục, trình độ văn hóa do hạn chế về điều kiện địa lý…
Với những hạn chế kể trên, thì đó là đối tượng khó khăn nhất và hầu như không có khả năng tự đưa những sản phẩm của mình ra thị trường. Dù họ đã nhận được sự giúp đỡ, kết nối hỗ trợ của các dự án nhưng khi dự án kết thúc, không có người theo sát, kèm cặp, họ sẽ ra sao? Nhận thấy điều đấy, từ năm 1996, chúng tôi gồm 8 thành viên từ các tổ chức phi chính phủ quyết định tiếp tục thực hiện công việc hỗ trợ nhằm giúp cho họ tiếp tục phát triển và nâng cao năng lực liên tục, giúp họ kết nối được trên thị trường.
Trong 26 năm qua, chúng tôi cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ cho các nhóm, từ hỗ trợ kinh doanh nâng cao thu nhập, bán lẻ, bán sỉ và xuất khẩu. Chúng tôi đã hỗ trợ cho các nhóm xuất khẩu sản phẩm sang một số thị trường Châu Úc, Châu Âu...
+ Trong những chia sẻ của mình, bà có nhắc đến các hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực cho các nhóm sản xuất. Công tác này được triển khai cụ thể ra sao, thưa bà?
Mảng kinh doanh của Craft Link hỗ trợ các nhóm sản xuất tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh bán lẻ, bán sỉ và xuất khẩu. Lợi nhuận từ mảng kinh doanh được dùng để tài trợ cho các dự án phát triển, hỗ trợ các nhóm sản xuất dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Đây là một trong những điểm đặc biệt khiến Craft Link khác với một số tổ chức khác: Phi lợi nhuận không phải không có lãi, mà lợi nhuận thu được sử dụng quay vòng lại hỗ trợ phát triển các dự án sản xuất mới.
Mỗi năm, Craft Link triển khai đều đặn từ 2 đến 4 dự án bằng nguồn tài chính riêng, mỗi dự án kéo dài từ 1-3 năm tùy theo kỹ năng và năng lực của từng nhóm sản xuất dân tộc thiểu số. Chúng tôi xây dựng kế hoạch kinh daonh và tập huấn cho họ.
Về hoạt động tập huấn tại địa phương, cán bộ của Craft Link sẽ đến trực tiếp ở cùng, sinh hoạt cùng với đồng bào dân tộc để trực tiếp hướng dẫn, tập huấn cho họ các kiến thức, kỹ năng quản lý điều hành nhóm, kỹ năng làm sổ sách đơn giản, tính giá thành và giá bán sản phẩm; đồng thời tập huấn về thiết kế mẫu mã, phát triển sản phẩm và hoàn thiện sản phẩm, về quản lý chất lượng sản phẩm, về marketing…
Craft Link cam kết giúp đỡ các nhóm sản xuất. Craft Link trả mức lương công bằng cho người sản xuất và sử dụng lợi nhuận để tài trợ cho các hoạt động trong các dự án mới, bao gồm các khóa tập huấn đa dạng cho người sản xuất. Craft Link cũng cam kết đối xử công bằng với tất cả các nhóm sản xuất và giúp họ tiêu thụ sản phẩm qua hệ thống các cửa hàng, các hội chợ, và xuất khẩu.
Sản phẩm được trưng bày trên phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.
+ Dịch Covid-19 thời gian qua đã dây tác động không ít đến các doanh nghiệp. Một doanh nghiệp xã hội như Craft Link có nằm trong vòng xoáy đó?
Trong hơn 2 năm dịch bệnh vừa qua, chúng tôi có thể nói là suy sụp, tuy nhiên chúng tôi đã và đang cố gắng hết sức cùng các nhà sản xuất để tồn tại. Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một số nhóm sản xuất trong hệ thống của Craft Link đứng trước có nguy cơ bị tan rã do không có thu nhập đều và do nhiều nhân viên mất người thân hoặc người trụ cột trong gia đình trong thời gian dịch bệnh.
Bởi vậy mục tiêu ngắn và trung hạn của Craft Link là xây dựng và củng cố lại các nhóm sản xuất cũ để họ phát triển vững mạnh và ổn định hơn, đồng thời cũng triển khai các dự án mới hỗ trợ các nhóm mới để giúp họ khôi khục truyền thống văn hóa và tăng thêm thu nhập.
Thêm vào đó, Craft Link vẫn tiếp tục hoạt động trợ giúp các nhóm tiêu thụ sản phẩm qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là tổ chức các sự kiện văn hóa, hội chợ xúc tiến thương mại và xuất bản các ấn phẩm văn hóa thường xuyên hơn để gìn giữ và giới thiệu nét văn hóa truyền thống của các nhóm dân tộc thiểu số đến với công chúng.
Trong quý IV/2022, Craft Link sẽ tổ chức loạt sự kiện triển lãm về Truyền thống dệt của 3 nhóm dân tộc thiểu số đến từ ba miền của đất nước, cùng với đó xuất bản một số ấn phẩm về truyền thống phát triển hàng thủ công của các nhóm dân tộc thiểu số.
Chúng tôi mong muốn các bạn có thể trở thành một mắt xích trong chuỗi hoạt động của chúng tôi bằng nhiều cách khác nhau. Cách thứ nhất là bạn có thể mua sản phẩm trong hệ thống cửa hàng, hội chợ và các kênh tiêu thụ khác của chúng tôi. Cách thứ hai là hãy tuyên truyền cho người khác về sản phẩm và mục đích tốt đẹp của chúng tôi.
Cuối cùng, bạn cũng có thể tình nguyện tham gia trợ giúp trong cửa hàng, trong các hội chợ và các hoạt động khác của chúng tôi. Đó là cách chúng ta hỗ trợ các nhóm dân tộc thiểu số, các nhóm khuyết tật và các nhóm làng nghề truyền thống trong việc khôi phục truyền thống văn hoá, phát triển sản xuất hàng thủ công và tăng thêm thu nhập cho họ.
+ Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!