Trong suốt 30 năm công tác ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, bà Phạm Thị Lai (65 tuổi, Hà Nội), nguyên Trưởng phòng Tư liệu - Thư viện, gắn bó nhất với tiếng Nga và những tư liệu về Bác Hồ. Trong đó, phải kế đến 2 tư liệu quý trong những ngày đầu Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô (cũ).
Một là cuốn họa báo đồng chí Stalin - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô (1922 - 1953) tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh - một vật chứng lịch sử trong cuộc gặp gỡ ngoại giao giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng chí Stalin tại Matxcova (Liên Xô) đầu tháng 2/1950 - chỉ sau khoảng nửa tháng kể từ ngày Việt Nam công bố ngoại giao với tất cả các nước trên thế giới (14/1/1950). Hai là bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng chí Stalin ngày 14/10/1950 - ít ngày sau những chiến thắng giòn giã của Chiến dịch Biên giới Thu - Đông năm 1950.
Bà Phạm Thị Lai (SN 1955) tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (nay thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 1978, với mong muốn trở thành giáo viên dạy tiếng Nga. Tuy nhiên, trái với dự định này, sau khi ra trường bà được nhận vào công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - đây là công trình do Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô giúp đỡ xây dựng. Cũng kể từ đây, tình yêu của bà Lai đối với đất nước của đại thi hào Puskin (1799 - 1837) được nhân dần lên theo năm tháng.
Đặc biệt, vào năm 2004, 2006, bà là một trong những cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh được cử đi sưu tầm tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Liên bang Nga. Chuyến đi này khá thành công vì đoàn của bà đã sưu tầm được nhiều tài liệu về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài và chủ yếu ở Nga vào những năm 1923 - 1924, 1927, 1934 - 1938, 1950, 1952... Trong số đó có 2 tư liệu đặc biệt đã kể trên, có ý nghĩa bổ sung, tái hiện phần nào bức tranh về hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên bà Lai được đặt chân đến nước Nga, trước đó bà từng có thời gian thực tập tiếng Nga tại Phân viện Puskin ở Nga. Có lẽ cơ duyên ấy đã góp phần đặt nền móng cho việc thu thập tư liệu về Bác Hồ cho những chuyến đi về sau của bà.
Trở lại bối cảnh đất nước những ngày đầu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời tuyên bố đặt quan hệ ngoại giao cùng Chính phủ các nước trên thế giới: "Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố với Chính phủ các nước trên thế giới rằng: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam. Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới". Chỉ ít ngày sau, Trung Quốc (18/1/1950), Liên Xô (30/1/1950) đã công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Sự kiện này đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt - Trung - Xô, là bước mở đầu vô cùng thuận lợi để Việt Nam đứng vào hàng ngũ các nước dân chủ trên thế giới.
Câu chuyện bắt đầu từ cuốn họa báo đồng chí Stalin tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh – một vật chứng lịch sử trong cuộc gặp gỡ ngoại giao giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng chí Stalin tại Matxcova (Liên Xô) đầu tháng 2/1950. Trước đó, bà Lai từng được biết cuốn họa báo này qua hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Trong một buổi làm việc, thấy có cuốn họa báo Liên Xô đặt trên bàn, Bác cầm đưa Stalin, đề nghị ký một chữ làm kỷ niệm. Stalin vui vẻ ký rồi chuyển cho các đồng chí Môlôtốp, Kazanôvích ngồi bên ký tiếp. Bác mang tờ báo về nhà khách. Nhưng hôm sau không còn thấy tờ báo". Cuốn họa báo đã biến mất một cách khó hiểu, phải đến hơn 50 năm sau, bà Lai và các đồng nghiệp mới tìm thấy ở Lưu trữ Lịch sử Chính trị - Xã hội Quốc gia Nga, hồ sơ tài liệu Stalin.
Ngoài bìa hồ sơ tài liệu ghi: "Chân dung của I.V. Stalin tặng nhà hoạt động quốc gia nước ngoài được lấy lại". Mở bên trong hồ sơ là cuốn họa báo "Liên Xô trên công trường xây dựng", số 11, năm 1949, có ảnh chân dung Stalin ở trang 3. Bút tích lời đề tặng của Stalin: "Thân mến tặng đồng chí Hồ Chí Minh", ngày 10/2/1950. Phía dưới còn có các chữ ký của V.M. Môlôtốp, L.P. Beria, G.M. Malenkốp, N.A. Buganhin, A.I. Mikôian. Cạnh các dòng chữ này còn có 3 dòng chữ Hán viết tay. "Chúng tôi đã nhờ thẩm định và xác định được đây là bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai dòng đầu dịch là: Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai. Dòng thứ 3 khó đọc, nhiều khả năng đó là chữ: Stalin", bà Lai hồi tưởng lại.
Như vậy, tài liệu trên cùng với nhiều tài liệu khác mà đoàn của bà Lai thu thập được xung quanh chuyến đi thăm Liên Xô và cuộc gặp gỡ của Hồ Chí Minh với Stalin - người đứng đầu đất nước Liên Xô, cho thấy hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc này rất khó khăn, Stalin chưa sẵn lòng đón tiếp Hồ Chí Minh. Dẫu vậy, với sự kiên trì, nhẫn nại, khéo léo của Người, từng bước các nhà lãnh đạo Liên Xô, Trung Quốc đã ủng hộ cách mạng Việt Nam và trực tiếp viện trợ vật chất cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam.
Cũng nhờ những viện trợ về khí tài quân sự (súng, pháo, đạn dược...) đó, đã góp phần làm nên những trận thắng lớn của Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 chỉ ít tháng sau, cả một dải biên giới Việt Nam - Trung Quốc dài 750km được giải phóng, tạo điều kiện thuận lợi để ta củng cố, thiết lập quan hệ trực tiếp với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác, cùng với khả năng tiếp nhận sự viện trợ kinh tế, quân sự của các nước bạn bè trên thế giới.
Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng chí Stalin, ngày 14/10/1950 mà đoàn công tác của bà Lai tìm thấy đã cho thấy triển vọng tốt đẹp của quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên Xô lúc đó. Bức thư được Người viết tại Cao Bằng - sau chiến thắng Biên giới, trong niềm vui với những thắng lợi đầu tiên của quân dân Việt Nam, có sự chi viện giúp đỡ của quốc tế, để gửi đồng chí Stalin.
Thư viết bằng tiếng Anh, bút mực xanh, trên một tờ giấy vở kẻ ô ly, nét chữ thanh đẹp, lộ rõ vẻ bình tĩnh ung dung của vị tướng vừa chỉ huy quân thắng trận báo cáo chi tiết, diễn biến và thắng lợi của chiến dịch, với những con số rõ ràng đầy thuyết phục. Bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng chí Stalin được lưu trong hồ sơ cá nhân Stalin tại Lưu trữ Lịch sử Chính trị - Xã hội Quốc gia Nga, được đoàn công tác của bà Lai sưu tầm năm 2006.
"Cuốn họa báo, bức thư là những tư liệu quý, giúp tôi không chỉ hiểu thêm sự kiện lịch sử trên, mà càng hiểu hơn phong cách ứng xử ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh", bà Lai xúc động nói. Cũng sau những chuyến đi này, đã tạo tiền đề để bà Lai và các đồng nghiệp biên soạn cuốn sách "Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga" (2013) nhân dịp kỷ niệm tròn 90 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đến nước Nga (30/6/1923).
Cuốn sách là một câu chuyện dài về những năm tháng hoạt động oanh liệt của Bác Hồ - một người yêu nước chân chính, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc và một "kiến trúc sư" vĩ đại của tình hữu nghị giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây, nước Nga ngày nay.
Còn đối với bản thân mình, trong quá trình tìm kiếm, sưu tầm và tiếp xúc những tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp bà Lai ngày càng hiểu hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác và dường như đã thấm cả vào máu thịt của mình. Vận dụng những tư tưởng này, không chỉ trong công việc mà còn cả trong cuộc sống gia đình. "Tôi vẫn thường nói với con cái, dù ở trong hoàn cảnh nào thì vẫn phải giữ được đạo đức", bà Lai chia sẻ.
Hiểu được tấm lòng của mẹ đối với những di sản quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các con của bà Lai vẫn thường cổ vũ, động viên, tạo điều kiện để mẹ tham gia những hoạt động góp phần lan tỏa Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Thực hiện: Trường Hùng
Ảnh: T.H, Tư liệu