Thời vàng kim, nghề thêu tay truyền thống ở xã Minh Lãng (huyện Vũ Thư, Thái Bình) từng tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho gần nửa vạn lao động trên địa bàn, cùng hàng vạn lao động ở các địa phương lân cận trong và ngoài tỉnh.
Nhưng đến nay, khi mà các ngành nghề công nghiệp dệt may quá phát triển thì số lượng người sống dựa vào nghề này giảm mạnh, mà nếu có dựa vào được thì đời sống của họ cũng thuộc dạng 'thoi thóp'. Vì với mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng cho hàng chục năm tay nghề thì họ còn chưa thể lo nổi cuộc sống thường nhật, chứ đừng nói đến khả năng có thể lo cho các con ăn học đàng hoàng, hoặc sửa sang, xây dựng nhà cửa – như mức lương 5-7 triệu/tháng của một công nhân công ty sản xuất da giày cạnh nhà đã làm được.
Sống 'thoi thóp' qua ngày để giữ nghề
Trời bỗng nổi cơn giông, những đám mây đen kéo về vần vũ trên bầu trời thôn Súy Hãng, phía dưới là những khoảng thóc vàng ươm vừa thu hoạch. Thấy trời sắp mưa, vài nhân công trong tổ hợp sản xuất thêu của chị Nguyễn Thị Bé (35 tuổi) cũng vội rời khung thêu, quàng nhanh chiếc nón, chạy như bay về nhà thu thóc.
Dẫu nhà cũng có mấy tạ thóc đang phơi ngoài đường, nhưng vì đang mang bầu tháng thứ 7 nên chị Bé không thể phụ cùng cha mẹ chồng. Người đi, trong nhà đã vắng tiếng người, chỉ còn lại những chiếc khung thêu, tranh thủ lúc này chị Bé ngồi xuống cùng một nhân công gần nhà đưa tay thêu tiếp hoa trên chiếc áo dài đang dở dang trên khung.
Để hoàn thành mẫu thêu trên chiếc áo dài này, các chị phải đâm hàng trăm nghìn mũi kim lên xuống trong khoảng từ 15-20 ngày. Mỗi chiếc áo dài khi đã thêu xong, tùy thuộc vào độ phức tạp của họa tiết, trung bình chị Bé sẽ được khách hàng trả công khoảng 2 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, cũng có những chiếc áo được trả công tới 10 triệu đồng, nhưng thời gian thêu phải lên tới 45 ngày – lấy công làm lãi, vì thế mà cũng chẳng hơn được bao nhiêu.
Với mức giá gia công hạn hẹp như thế, nên sau khi trả hết tiền công cho nhân công xong – thêu giỏi được 15.000 đồng/h, thêu khá được 12.000 đồng/h, thêu trung bình được 10.000 đồng/h… thì thu nhập của chị Bé còn được khoảng từ 3-4 triệu đồng/tháng, nhỉnh hơn thu nhập của các nhân công một chút. Đó là mức thu nhập của bà chủ một tổ hợp sản xuất thêu – lúc đỉnh cao lên tới 20 nhân công, nhưng hiện nay chỉ còn 6 nhân công, 2 người trong số đó sắp tới có ý định nghỉ vĩnh viễn.
Được biết, từ khi nghề thêu tay có ở xã Minh Lãng đến nay, gia đình chị Bé đã truyền nghề được 3 đời. Đến đời chị Bé, có lẽ là đời cuối cùng còn theo nghề này, vì trong nhà có 4 chị em thì người chị trước của chị Bé đã đứt duyên với nghề hơn 2 năm, hiện nay ngoài chị Bé chỉ còn một chị nữa cũng theo nghề và đã gây dựng được cơ sở riêng, người em trai út ngay từ đầu đã không có định theo nghề này. Dẫu vậy, công việc kinh doanh của chị cả chị Bé cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu từ giã luôn cái nghề này thì với vốn kiến thức học hết cấp 2, gốc nhà nông thì các chị không còn biết theo nghề nào khác, vì công ty người ta chỉ nhận những người trẻ.
Và chị Bé là một trong những người trẻ của xã vì day dứt với nghề nên còn sót lại. Trong khi những người tầm tuổi chị, họ đã gác lại tay kim từ lâu để đi làm công nhân ở các công ty da giày, may mặc được mở ra ngày càng nhiều trong những năm gần đây trên địa bàn. Người thấp thì lương được trả 5 triệu/tháng, còn cao thì như bạn của chị được trả 10 triệu đồng/tháng, và vào những ngày nghỉ phép thì được công ty trả 180.000 đồng/ngày.
"Quan trọng hơn họ còn được nghỉ ngày chủ nhật, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trong khi tôi làm cả ngày cả đêm, không biết thời gian được nghỉ là gì, vậy mà có lúc tính ra thu nhập chỉ vẻn vẹn 60.000 đồng/ngày", chị Bé tâm sự.
Cũng bởi vậy, trong những lần ít ỏi ra khỏi nhà, có người hỏi chị Bé làm nghề gì, khi chị trả lời làm nghề thêu tay, họ bèn nhếch miệng cười: "Giờ này mà còn làm nghề thêu à?", hay, "Tao đi làm thuê lương một tháng còn được 7 triệu, trong khi mày là bà chủ của một cơ sở thêu mà thu nhập một tháng còn không nổi 4 triệu"… Nghe những lời như vậy, chị Bé cũng như nhiều người phụ nữ khác trong nghề cũng cảm thấy chạnh lòng, "Biết nói gì đây, khi ăn còn chưa đủ, nhà còn diện cấp 4 mà lại nói vì yêu nghề thì người ta lại cười thêm và cho là 'dở người' ngay", chị Bé tâm sự.
Những lúc như vậy, chị Bé chỉ biết nhớ về ngày xưa, hồi 5 tuổi cũng như nhiều bạn khác trong làng, chị cũng được ông bà, bố mẹ dạy cách cầm kim, xe chỉ. Đến năm lên 7 tuổi, chị đã biết thêu thạo lá tre, năm 10 tuổi thì biết thêu hoa, rồi dần trở thành thợ thêu chính trong nhà từ lúc nào không hay.
Qua những năm tháng học nghệ và rèn nghệ ấy, chị Bé thấy được ẩn sau từng đường thêu có vẻ như đơn giản, tưởng như vô hồn ấy – không chỉ là sự đúc kết tinh hoa của những thế hệ đi trước, mà còn chan chứa trong đó cả thế giới tâm hồn của người thợ thêu, những kỷ niệm về ông bà, cha mẹ. Về những thuở hàn vi, khốn khó sống với nếp nhà tranh, vách đất. Thời mà ngoài việc trồng cây lúa thì nghề thêu tay như một cứu cánh để giúp mỗi nhà có thêm miếng ăn, có thêm chiếc áo mới để nuôi con nuôi cháu trưởng thành.
Cũng là một trong những thế hệ thợ thêu của xã Minh Lãng, chị Phạm Thị Nhẫn (42 tuổi, thôn Súy Hãng), đã theo nghề này đến nay đã 32 năm. Theo lời chị Bé nói, chị Nhẫn là một trong những gia đình ít ỏi của xã còn lưu giữ được chiếc khung thêu truyền đời. Chiếc khung thêu được làm bằng gỗ lim đã hơn 100 tuổi, khác với loại khung làm bằng loại gỗ bây giờ sử dụng cứ một thời gian là bị nứt, chiếc khung thêu này rất bền. Nhưng đến cái khung thêu gia bảo này, chị Nhẫn cũng đã mang sang nhà chị Bé để phục vụ cho công việc làm thuê của mình với mức công là 100.000 đồng/ngày.
Lối đi nào cho những người nông dân?
Giờ đây tuy mới ở độ tuổi ngoài 40, nhưng đôi mắt của chị Nhẫn cũng đã dần mờ đi, không còn nhìn rõ đường kim mũi chỉ nếu ngồi thêu quá lâu, dẫu rằng trên đầu chị có treo chiếc bóng đèn huỳnh quang. Trước hoàn cảnh như vậy, chị Nhẫn chia sẻ rằng, có lẽ chị cũng chỉ theo nghề này được 1-2 năm nữa, sắp tới đây chị mong có thể tìm việc ở một công ty nào đó với mức thu nhập được ổn định hơn. "Vì đồng công thêu, cộng thêm 7 sào ruộng của nhà, tôi không đủ để lo cho 2 cháu, trong đó có một cháu hiện đang là học sinh lớp 6", chị Nhẫn nói giọng đầy vẻ suy tư.
Về phần chị Bé cũng vậy, sau khi sinh con xong, nếu thấy công việc không ổn thì chị cũng sẽ phải gác lại cái nghề ông cha này, tìm kiếm công việc ở một công ty nào đó có mức lương ổn định hơn. Chị Bé không muốn lại lâm vào vết xe đổ của bố mẹ chị nữa, bố mẹ chị cả đời làm nghề này nhưng đến lúc tuổi già chưa thể nghỉ ngơi, vẫn còn phải nai lưng ngoài ruộng đồng.
Trong những ngày cả nước vì dịch Covid-19 mà bị ảnh hưởng này, chị Bé cũng như hoàn cảnh của 2.500 tay thêu hiện còn trên địa bàn đều không thuộc diện được nhà nước hỗ trợ gói 62.000 tỷ vì gặp khó khăn do đại dịch. Do đó, nếu không có đồng lương công nhân của chồng thì không biết đời sống gia đình chị sẽ ra sao. Vì ngoài hình hài trong bụng, anh chị còn có thêm hai người con khác đang tuổi ăn tuổi học, cháu đầu học lớp 5, cháu thứ hai học lớp 4.
"Trước đây, 100% các nhà đều làm nghề thêu, mỗi thôn đều có một hội trường thêu. Nhưng hiện nay do cơ chế thị trường, người theo nghề này đều có thu nhập thấp, nên họ bỏ dần để xin vào các doanh nghiệp dệt may với mức lương ổn định hơn. Bởi vậy, hiện tại trên địa bàn chỉ còn 10 tổ hợp thêu, mỗi tổ hợp dao động từ 20-40 nhân công, còn lại đều làm nghề tự do, và hầu hết những ngày này đều ở độ tuổi trên 55. Trong đợt dịch này, các tổ hợp thêu nghỉ giãn cách xã hội, nguyên liệu ở nước ngoài không nhập được về, đã khiến cho ngày công của họ không được đảm bảo, dẫn đến thu nhập thấp hoặc không có thu nhập", bà Đỗ Thị Lành, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Minh Lãng thông tin.
Các thợ thêu tay thủ công làm việc tại tổ hợp sản xuất thêu Ninh Nhuần (xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư, Thái Bình)
Nhìn nhận về tình hình làng nghề thêu tay trong giai đoạn hiện nay, ông Nguyễn Thế Phương, người phụ trách lĩnh vực này ở xã Minh Lãng cho biết, trong cơ cấu kinh tế của xã, nghề thêu tay chiếm một vị trí rất quan trọng với 60%, còn lại là 20% nông nghiệp, 20% dịch vụ thương mại. Sản phẩm của làng nghề thêu (thêu trên áo Kimono, áo Hanbok, gối, chăn...), những năm qua chủ yếu được xuất theo đường tiểu ngạch, chủ yếu sang Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản... Về các sản phẩm nội địa là áo dài, khăn mời trầu... chủ yếu được đặt từ các khách hàng ở TP HCM. Ngoài ra, Minh Lãng còn nổi tiếng với các sản phẩm thêu tay phong cảnh.
"Cái khó khăn lớn nhất của nghề thêu tay ở Minh Lãng hiện giờ là họ không tự bán được các sản phẩm, họ chỉ làm công đoạn gia công và bị phụ thuộc rất nhiều bởi các tiểu thương, thương lái ở trong và cả ngoài nước. Cụ thể, trong đại dịch vừa rồi khi hoạt động kinh doanh bị ngừng trệ, cửa khẩu phải đóng cửa đã khiến các đối tác người nước ngoài hủy hợp đồng, dừng việc lấy hàng.... thì chính những thợ thêu tay là người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Bởi vậy, với tình hình như thế này, tôi lo rằng rồi đây nghề thêu tay cổ truyền xã Minh Lãng sẽ mất hết", ông Nguyễn Thế Phương chia sẻ.
Trước nguy cơ mất nghề sắp tới, mà thậm chí trước đó từng có giai đoạn xã Minh Lãng không còn nghề thêu tay, để khôi phục nghề, một số nghệ nhân trên địa bàn đã phải cắp ba lô sang Nhật để tìm tòi, nghiên cứu lại. Chị Bé, đại diện cho những 'tay kim' của làng nghề thêu tay bày tỏ: "Thực sự, điều mà tôi và những người thợ thủ công ở đây vẫn khao khát đó là làm sao có thể duy trì được nghề truyền thống này, nhưng nguy cơ nghề bị mai một đã trước mắt rồi. Bởi tầm tuổi tôi hiện đã không còn người để học nữa rồi, vì ngày công của một thợ lành nghề còn không bằng nổi 1/2 ngày công của một công nhân mới học việc. Bên cạnh đó, trước đây lứa tuổi già công ty người ta không nhận thì bây giờ họ đã nhận cả rồi, nên tới đây sẽ có những tay kim lâu năm sẽ bỏ nghề để đi công ty."
"Vậy nên, tôi thay mặt những người trong nghề mong muốn rằng, Nhà nước và lãnh đạo các cấp quan tâm để làm sao giá thành của sản phẩm được cao lên, khiến cho ngày công của người thợ cao lên thì chúng tôi mới có thể tiếp tục duy trì, phát huy nghề này hơn nữa. Và đây chính là động lực để các bạn trẻ quay trở lại nghiên cứu, nâng cao tay nghề và sáng tạo ra những sản phẩm tuyệt vời hơn nữa từ ngành nghề thủ công này", chị Bé thiết tha mong muốn.
"Nghề thêu tay xuất hiện ở xã Minh Lãng vào khoảng đầu thế kỷ thứ XIX. Thời kỳ đầu, người dân chủ yếu làm những sản phẩm thêu phục vụ trang phục của quan lại, vua chúa và lễ hội với các hình thêu trên xiêm y, mũ áo rồng phượng cho phường hát tuồng, chèo.
Giai đoạn 1946-1954, chuyển sang thêu khăn trải bàn, đồ lót bát đĩa cho nhà dệt Kinh Tự Doanh và một số hãng thêu của người Pháp sinh sống tại Hà Nội.
Những năm sau giải phóng đến cuối thập niên 80 là thời kỳ cực hưng thịnh của nghề thêu Minh Lãng, việc ký hợp đồng với Liên Xô và một số nước Đông Âu đã làm cho Minh Lãng lúc ấy thực sự trở thành xưởng thêu lớn, 3 hợp tác xã thêu được thành lập thu hút trên 2.000 lao động. Lúc đó, trong làng nhà nào ít nhất cũng có 2 khung thêu, nhà nhiều thì 4-5 khung. Cả làng từ thiếu niên, nam thanh nữ tú đến người già từ 60-70 tuổi đều thêu.
Sau năm 1990, thị trường các nước XHCN sụp đổ nên nhiều người bỏ nghề.
Đến năm 1995, các cơ sở sản xuất khôi phục lại do tìm được thị trường đầu ra là các nhà xuất khẩu phía Nam. Sản phẩm thêu cũng thay đổi từ thêu trên nền vải trắng sang thêu chăn, ga, gối, tranh và đặc biệt thêu trên áo Kimono cho Nhật Bản, áo Hanbok cho Hàn Quốc. Hiện nay, xã có hơn 4.000 thợ thêu với 10 công ty, 60 xưởng, tổ hợp sản xuất. Không những thế, nghề thêu còn giúp tạo công ăn việc làm cho hơn 30.000 lao động cho người dân của tỉnh Thái Bình. Nhằm tạo nên bản sắc riêng cho sản phẩm, thay vì dùng chỉ nhập ngoại, nhiều cơ sở thêu của Minh Lãng đã tự sản xuất và nhuộm màu chỉ từ sợi tơ tằm để phục vụ sản xuất."
- UBND xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư, Thái Bình -