Lào Cai: Những phụ nữ dân tộc thiểu số không cam chịu số phận, vươn lên thoát nghèo
Linh Trần
14/11/2022 20:00

Những phụ nữ không cam chịu số phận

Trước đây, gia đình chị Hù Thị Vui (SN 1971, dân tộc Nùng, trú tại xã Nâm Chảy, huyện Mường Khương, Lào Cai) thuộc diện hộ nghèo. Gia đình khó khăn, hai vợ chồng chị chỉ sống dựa vào đất ruộng để trồng lúa, ngô.

Năm 2014, từ khi được các chị em trong Chi hội phụ nữ trong thôn vận động tham gia tổ chức Hội, chị cảm thấy như được tiếp thêm động lực, được mở mang tìm hiểu thêm nhiều kiến thức mới.

Lào Cai: Những phụ nữ dân tộc thiểu số không cam chịu số phận, vươn lên thoát nghèo - Ảnh 1.

Diện tích chuối của gia đình chị Hù Thị Vui

Năm 2015, với sự hỗ trợ của Hội LHPN, gia đình chị đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Khương để đầu tư sang trồng chuối.

Những ngày đầu, chị gặp không ít khó khăn từ khâu trồng, chăm sóc và tiêu thụ. Dù vậy, chị vẫn kiên trì, học hỏi một số hộ gia đình đã trồng chuối trước đó. Hiện tại, gia đình chị có hơn 2ha chuối, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. 

Lào Cai: Những phụ nữ dân tộc thiểu số không cam chịu số phận, vươn lên thoát nghèo - Ảnh 2.

Chị Hù Thị Vui chăm sóc cho vườn chuối của gia đình

Bên cạnh việc xuất bán được thành phẩm, đem lại thu nhập, chị còn tận dụng được những phụ phẩm từ chuối như thân chuối làm thứ ăn cho lợn, gà, thu lá chuối khô bán cho các tư thương với giá từ 13.000 - 15.000đ/kg. Từ những nỗ lực, vượt khó vươn lên, mỗi năm gia đình có nguồn thu tương đối ổn định. Hiện gia đình chị đã có kinh tế ổn định, có điều kiện xây dựng lại nhà cửa, mua sắm đầy đủ các tiện nghi phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình.

Lào Cai: Những phụ nữ dân tộc thiểu số không cam chịu số phận, vươn lên thoát nghèo - Ảnh 3.

Vườn chuối chuẩn bị thu hoạch của chị Vui

Tương tự, chị Hù Thị Liên (SN 1981, thôn Na Nối, xã Bản Sen) xuất thân trong gia đình thuần nông, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Chị Liên quê ở xã Lùng Vai (huyện Mường Khương), nhưng về xã Bản Sen làm dâu. Chị bảo, những ngày đầu xây dựng mái ấm còn gặp nhiều thiếu thốn.

Không chấp nhận cuộc sống nghèo khó, bởi chị quan niệm có sức khỏe, có kiến thức và có môi trường sống, làm việc thì không lý gì phải mãi chịu cảnh đói nghèo. Vì vậy, chị luôn nung nấu ý chí, quyết tâm phải tìm ra hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình vươn lên phát triển kinh tế, chăm lo cho 2 con được đầy đủ.

Lào Cai: Những phụ nữ dân tộc thiểu số không cam chịu số phận, vươn lên thoát nghèo - Ảnh 4.

Thân chuối được gia đình chị Vui tận dụng làm thức ăn chăn nuôi

Với ý chí quyết tâm, gia đình chị đã vay mượn đầu tư vốn vào chăn nuôi mô hình kinh tế tổng hợp. Hiện trong chuồng chị có 32 con lợn gồm 2 con lợn mẹ, 12 con lợn thịt và 18 con lợn con. Bên cạnh đó, vợ chồng chị còn chăn nuôi thêm gà, ngan và ao cá phục vụ nhu cầu lương thực của gia đình.

Không chỉ chăn nuôi, vợ chồng chị còn đầu tư trồng trọt. Hiện gia đình chị có hơn 1ha chè đang cho thu hái, đồi quế với 5.000 cây và nhiều diện tích lúa, ngô phục vụ cho chăn nuôi.

Lào Cai: Những phụ nữ dân tộc thiểu số không cam chịu số phận, vươn lên thoát nghèo - Ảnh 5.

Chị Hù Thị Liên với mô hình kinh tế tổng hợp đem lại hiệu quả cao

Không dừng lại ở quy mô vậy, gia đình chị còn mở thêm xưởng gạch ba banh. Xưởng gạch của gia đình chị chuyên cung cấp cho bà con trong và ngoài huyện (hiện có 4 công nhân đang làm cho gia đình); kết hợp với dịch vụ xay sát thóc, ngô cho bà con có nhu cầu; 2 ô tô tải của gia đình chuyên phục vụ dịch vụ vận chuyển.

Thu nhập bình quân của gia đình trừ chi phí từ 300 đến 400 triệu đồng/năm. Cuộc sống của gia đình khấm khá hơn. Chị có điều kiện nuôi các con ăn học. Cháu lớn đang học Đại học Ngoại ngữ, cháu thứ 2 đang học lớp 11.

Lào Cai: Những phụ nữ dân tộc thiểu số không cam chịu số phận, vươn lên thoát nghèo - Ảnh 6.

Chị Hù Thị Liên còn tham gia sản xuất gạch xây dựng

Tham gia lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả, năm 2019, chị Cáo Thị Liên, thôn Nậm Chảy (xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương) đã mạnh dạn trồng bưởi ruby trên đất đồi của gia đình. Bước sang năm thứ 4, vườn bưởi hiện đang cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Quả tuy chưa nhiều nhưng khá to, vị ngọt thanh, mọng nước và được thị trường đón nhận đã giúp gia đình có thêm nguồn thu. "Vụ bưởi này thu hoạch được khoảng 20 triệu. Thu hoạch xong mình sẽ chặt cành, chăm sóc, bón phân để sang năm cho quả nhiều và đẹp hơn. Mình muốn trồng thêm nữa để có thêm thu nhập cho gia đình", chị Liên chia sẻ.

Lào Cai: Những phụ nữ dân tộc thiểu số không cam chịu số phận, vươn lên thoát nghèo - Ảnh 7.

Đàn lợn của gia đình chị Hù Thị Liên

Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm

Huyện Mường Khương có 14 dân tộc anh em chung sống, trong đó Dân tộc Mông chiếm 41,78%; Dân tộc Nùng chiếm 26,8%; Dân tộc Dao chiếm 5,75%; Dân tộc Dáy chiếm 3,74%; Dân tộc Bố Y (Tu Dí) chiếm 2,59%; Dân tộc Kinh (Việt) chiếm 11,98%. Ngoài ra còn một số dân tộc khác có dân số ít như dân tộc Phù Lá, Ha, Mường, Lô Lô… Do trình độ dân trí thấp, nên tỷ lệ hộ nghèo tại Mường Khương còn cao. Do đó, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu của các cấp Hội. 

Lào Cai: Những phụ nữ dân tộc thiểu số không cam chịu số phận, vươn lên thoát nghèo - Ảnh 8.

Các cấp Hội Phụ nữ huyện Mường Khương tư vấn, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

Bà Bạch Thị Thủy, Chủ tịch Hội LHPN xã Nậm Chảy (huyện Mường Khương) cho biết, thời gian qua, Hội LHPN xã luôn nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên. Đồng thời, tìm hiểu nguyện vọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng của các hội viên, từ đó tham mưu cho lãnh đạo huyện có hướng hỗ trợ phù hợp. Ngoài ra, Hội LHPN xã cũng tuyên truyền vận động hội viên giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn thu hoạch, sản xuất. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn xã đã có nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên quê hương.

Lào Cai: Những phụ nữ dân tộc thiểu số không cam chịu số phận, vươn lên thoát nghèo - Ảnh 9.

Mô hình đường hoa của các cấp Hội Phụ nữ huyện Mường Khương

Bà Bùi Thị Huấn, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Khương cho biết, để thực hiện mục tiêu trên, hàng năm, Hội LHPN huyện chỉ đạo các cơ sở Hội rà soát, thống kê danh sách gia đình hội viên nghèo, nguyên nhân dẫn đến đói nghèo để có kế hoạch giúp đỡ phù hợp. Hội cũng chỉ đạo mỗi chi hội có ít nhất 1 hộ nghèo được giúp đỡ thoát nghèo, mỗi cơ sở Hội giúp ít nhất 1 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo bền vững; các hoạt động "Ngày công yêu thương", "Vườn cây sinh kế" được triển khai. Hội cũng đã  kết nối cho 2.780 hộ vay, với tổng dư nợ 271 tỷ đồng; huy động tiết kiệm theo gương Bác trên 3 tỷ đồng.

Lào Cai: Những phụ nữ dân tộc thiểu số không cam chịu số phận, vươn lên thoát nghèo - Ảnh 10.

Các cấp Hội LHPN huyện Mường Khương đến thăm gia đình hội viên làm kinh tế giỏi

Thực hiện mục tiêu trên, Hội LHPN các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mường Khương đã triển khai đến các hội viên của mình tiếp cận với các nguồn vốn. Trong đó, có nguồn vốn theo Nghị định 55 của Chính phủ để phát triển kinh tế; tập trung liên kết trong sản xuất cho phụ nữ; đẩy mạnh tuyên truyền cho hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận với các nguồn thông tin, chế độ chính sách để phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp.

Lào Cai: Những phụ nữ dân tộc thiểu số không cam chịu số phận, vươn lên thoát nghèo - Ảnh 11.

Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế là mục tiêu chính của các cấp Hội Phụ nữ Mường Khương

Từ năm 2021 đến nay, trên 3.000 lượt gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, giúp đỡ về tiền, cây con giống và ngày công lao động. Đã có 60 gia đình hội viên phụ nữ nghèo được giúp đỡ thoát nghèo. Với những hoạt động thiết thực, Hội LHPN Mường Khương đang cùng cấp ủy, chính quyền đẩy nhanh mục tiêu xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. "Các cấp Hội Phụ nữ Mường Khương luôn sát cánh, đồng hành cùng hội viên hỗ trợ chị em thoát nghèo. Đây là mục tiêu chính, xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ này và những nhiệm kỳ sau", bà Huấn chia sẻ.