Mùa trái ngọt ở Sông Mã

MÙA TRÁI NGỌT Ở SÔNG MÃ


Những năm gần đây, huyện Sông Mã đã tập trung phát triển cây ăn quả theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng cường khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Nhờ đó, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.


Hiệu quả từ cây nhãn chín sớm

Trước đây, hơn 1ha đất đồi được gia đình chị Phạm Thị Thanh (thành viên của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, huyện Sông Mã, Sơn La) trồng ngô, sắn. Sau đó, gia đình chị chuyển hướng trồng giống nhãn địa phương nhưng hiệu quả không cao. Sau một thời gian, thấy nhiều thành viên trong hợp tác xã chuyển sang trồng nhãn chín sớm gia đình chị đã học hỏi và làm theo.

Triển vọng cây ăn quả ở vùng khó - Ảnh 1.

Nhãn ghép đang khẳng định là cây trồng có hiệu quả nhất ở Sông Mã

Từ những cây nhãn có tuổi đời hàng chục năm, gia đình chị đã cắt, ghép với giống nhãn chín sớm T6 (do Bộ NN&PTNT cung ứng). Vườn nhãn ghép chín sớm này đã cho hiệu quả cao hơn trước. "Vườn nhãn nhà tôi chín sớm hơn 2 tháng và giá bán cao gấp 4-5 lần so với nhãn chính vụ. Giá nhãn thời điểm cao nhất là 60.000 đồng/kg, còn trung bình từ 40.000-45.000 đồng/kg. Mỗi năm, doanh thu từ vườn nhãn chín sớm đạt khoảng 350 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư còn lãi trên 200 triệu đồng", chị Thanh chia sẻ.

Tương tự, Huổi Một là một xã vùng III có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất của huyện Sông Mã. Trước đây, mỗi năm gia đình chị Quàng Thị Kẹo (xã Huổi Một) chỉ sản xuất một vụ trên nương. Vào những tháng giáp hạt, hai vợ chồng và con cái không đủ ăn. Năm 1989, gia đình chị đã quyết định bỏ nương ngô để trồng cây nhãn.

Triển vọng cây ăn quả ở vùng khó - Ảnh 3.

Một góc huyện Sông Mã

Ban đầu chưa có vốn, vợ chồng chị phải tự tay cắt, ghép từng gốc nhãn. Lúc đó chưa có đường bê tông vào vườn nên cứ đến mùa thu hoạch, vợ chồng chị ở trên vườn hàng chục ngày để hái nhãn rồi đưa quả về bán nhưng hiệu quả không cao.

Triển vọng cây ăn quả ở vùng khó - Ảnh 4.

Nông dân xã Chiềng Khoong chăm sóc nhãn thời kỳ ra hoa

Những năm sau đó, chị đã đi nhiều nơi để tham quan, học tập mô hình trồng cây ăn quả chất lượng cao rồi tự mày mò, áp dụng cho gia đình. Hiện gia đình chị đã cải tạo thành công vườn nhãn tạp thành vườn nhãn ghép với hơn 300 gốc và đang mở rộng diện tích trồng cây ăn quả với 200 gốc xoài lai, 150 gốc bưởi, 100 gốc đào. Mỗi năm, vườn cây ăn quả cho gia đình chị thu nhập khoảng 300 – 500 triệu đồng. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho 10 hội viên phụ nữ với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. 

Triển vọng cây ăn quả ở vùng khó - Ảnh 5.

Nông dân đa dạng hóa các loại cây ăn trái để tăng thu nhập

Còn gia đình anh Trịnh Xuân Hiệp, người tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở bản C5 (xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã) có 2ha giống nhãn ghép T6. Đây là giống nhãn chín sớm, quả mọng, ngọt và nhiều nước, có tính cạnh tranh cao trên thị trường nên chỉ trong 3 năm trở lại đây anh và gia đình đã có nguồn thu rất ổn định, trung bình từ 250 triệu đồng đến 300 triệu đồng/năm.

Triển vọng cây ăn quả ở vùng khó - Ảnh 6.

anh Lê Công Hoàn - bản C5 xã Chiềng Khoong đang chăm sóc bưới da xanh

Tương tự, năm 2016, anh Lê Công Hoàn cũng (bản C5) sau khi tiếp nhận nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện, gia đình đã mạnh dạn cải tạo toàn bộ 1ha diện tích nhãn cỏ thành nhãn ghép. Năm 2018, năm cây nhãn bắt đầu cho thu hoạch, mỗi năm trung bình trên 200 triệu đồng. Quyết tâm mở rộng mô hình, anh mua thêm 01 ha đất và giống bưởi da xanh về trồng thử nghiệm, bước đầu diện tích bưởi da xanh đã cho thu hoạch.

Triển vọng cây ăn quả ở vùng khó - Ảnh 7.

Người dân huyện Sông Mã thu hoạch nhãn

Cây ăn quả là chủ lực

Ông Đặng Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoong, cho biết, hiện nay xã có diện tích cây ăn quả và sản lượng lớn của huyện Sông Mã. Theo thống kê, cả xã có 1.106ha cây ăn quả các loại với sản lượng 10.204 tấn/năm. Trong đó, nhãn có diện tích 891ha, sản lượng quả đạt 8.674 tấn; xoài 144 ha, sản lượng 960 tấn; các loại cây ăn quả khác như bưởi, cam…trên 70 ha, sản lượng 570 tấn.

Triển vọng cây ăn quả ở vùng khó - Ảnh 8.

Hệ thống giao thông được huyện Sông Mã đầu tư xây dựng giúp vận chuyển hàng hóa được thuận lợi

Cũng theo ông Cương, để đáp ứng nhu cầu trái cây trong và ngoài nước, UBND xã đã tuyên truyền, vận động người dân hình thành các vùng trồng cây ăn quả chuyên canh, chất lượng cao, đáp ứng  tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Bên cạnh đó, UBND xã cũng đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tham gia các hội thảo cây ăn quả do huyện tỉnh tổ chức từ đó góp phần củng cố, nâng cao chất lượng cây quả trên địa bàn qua từng năm.

Triển vọng cây ăn quả ở vùng khó - Ảnh 9.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm nhãn của nông dân huyện Sông Mã

Còn theo thống kê của UBND huyện Sông Mã, hiện toàn huyện có hơn 7.500ha diện tích trồng nhãn. Trong đó, khoảng 300ha nhãn chín sớm, tập trung ở các xã Chiềng Khoong, Chiềng Khương và Nà Nghịu. Qua khảo sát, những năm gần đây, diện tích nhãn chín sớm cho thu nhập cao, vì thế, huyện đang đẩy mạnh chuyển đổi diện tích sang nhãn chín sớm, với mục tiêu đến năm 2030 có gần 1.000 ha nhãn chín sớm.

Triển vọng cây ăn quả ở vùng khó - Ảnh 10.

Nhãn Sông Mã đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết, thời vụ thu hoạch giống nhãn chín sớm diễn ra sớm hơn các giống nhãn thông thường từ 1,5-2 tháng. Từ đó, tránh trùng với mùa vụ các địa phương khác trong cả nước, tạo ra sự thuận lợi hơn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm. Do đó, việc nhân rộng diện tích nhãn chín sớm nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân. "UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã phối hợp Viện Nghiên cứu rau quả, tuyên truyền, hướng dẫn người nông dân ghép các giống nhãn chín sớm để thực hiện rải vụ, nâng cao thu nhập cho người trồng nhãn", ông Phương nói.

Triển vọng cây ăn quả ở vùng khó - Ảnh 11.

Nhờ đẩy mạnh cải tạo giống, xây dựng thương hiệu mà giờ đây nhãn Sông Mã được nhiều thị trường xuất khẩu ưa chuộng.

Theo ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, những năm qua, Hội Nông dân tỉnh luôn bám sát cơ sở, nắm bắt nhu cầu của hội viên để có biện pháp hỗ trợ cụ thể theo hướng "cầm tay chỉ việc". Đồng thời, giúp hội viên, nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt để học tập và làm theo.

Triển vọng cây ăn quả ở vùng khó - Ảnh 12.

Sơ chế xoài trước khi đưa đi xuất khẩu ở Sông Mã

"Những năm gần đây, chúng tôi đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế mới, hiệu quả cao. Ví như, trồng xoài theo hướng hữu cơ gắn với liên kết theo chuỗi giá trị; mô hình thâm canh, cải tạo giống xoài theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm; mô hình trồng mới một số giống cam trái vụ theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao giá trị gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm; mô hình thâm canh cải tạo giống Nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch trải nghiệm; Mô hình nuôi gà thịt an toàn sinh học theo hướng hữu cơ; Mô hình sản xuất rau an toàn trái vụ theo hướng hữu cơ", ông Hiếu chia sẻ.  

Linh Trần                              

Xuất bản: 09/12/2022