Muốn được tiêm cho bố, cô gái Thái quyết thành bác sĩ bám bản, hiện là niềm tự hào của bản làng

Làm nghề y để được tiêm thuốc cho bố

Đến bản Cò Cài (xã Trung Lý, huyện Mường Lát), nhắc đến tên bác sĩ Hà Thị Sanh (dân tộc Thái), hiện làm việc tại Trung tâm y tế huyện Mường Lát không ai không biết. Bởi chị là niềm tự hào của bà con trong bản, là tấm gương vượt khó để các em học sinh noi theo.

Muốn được tiêm cho bố, cô gái Thái quyết thành bác sĩ của bản, hiện là niềm tự hào của bản làng - Ảnh 1.

Con đường vào bản Cò Cài sau những ngày mưa

Chia sẻ về câu chuyện của mình, bác sĩ Sanh cho biết, Cò Cài là bản vùng cao biên giới, thuộc xã Trung Lý, một trong những xã đặc biệt khó khăn trong cả nước. Cũng vì thế, từ nhỏ gia đình đã thường xuyên ăn không đủ no, áo không đủ ấm. Chị cũng như những bạn bè cùng tuổi khác, được gia đình, địa phương tạo điều kiện đến lớp. 

Tuy nhiên, do thiếu thốn, những ngày mùa đông rét buốt, những đứa trẻ như chị chân trần đến lớp, manh áo rách phong phanh trong gió. Vì thế, mỗi lần chuyển cấp, bạn bè cùng trang lứa lại lần lượt rơi rớt khỏi lớp học. Nhưng chị vẫn quyết tâm học chữ, mặc dù con đường từ bản đến trường không hề dễ dàng. 

Muốn được tiêm cho bố, cô gái Thái quyết thành bác sĩ của bản, hiện là niềm tự hào của bản làng - Ảnh 2.

Bác sĩ Hà Thị Sanh làm việc tại cơ quan

Lên cấp 2, thấy con gái ham học, cha mẹ Sanh đành đưa cô con gái ra trường huyện theo học, rồi học tiếp lên THPT. Cứ như vậy, cô nữ sinh người Thái đã bước tiếp vào cổng trường đại học theo hệ cử tuyển. Sau khi đắn đo, cô quyết định chọn nghề y.

Nói về lý do chọn nghề y, Sanh tâm sự, gia đình có 4 anh chị em, chỉ duy nhất mình chị được theo học cái chữ. Ngay từ nhỏ đi học, chị thấy bố ốm rất lâu, bệnh tim ngày càng nặng nhưng đường sá lại khó khăn, muốn đi bệnh viện cũng khó, hơn nữa nghèo đói nên không đủ kinh phí chữa bệnh cho bố. 

Trong bản, cũng nhiều gia đình cùng cảnh ngộ khó khăn, ốm đau bệnh tật không có điều kiện đi bệnh viện. Thậm chí, phụ nữ hầu như sinh con tại nhà, có nhiều trường hợp cả mẹ và con đều tử vong. "Lúc ấy mình chỉ có một ước mơ là trở thành bác sĩ để biết tiêm thuốc cho bố và giúp được bà con mỗi khi đau ốm", bác sĩ Sanh chia sẻ.

Muốn được tiêm cho bố, cô gái Thái quyết thành bác sĩ của bản, hiện là niềm tự hào của bản làng - Ảnh 3.

Còn đường vào bản Cò Cài

Gắn bó với y tế vùng biên

Sau quãng thời gian học tập, năm 2016, Hà Thị Sanh tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình chuyên ngành Đa khoa. Sau đó, Sanh trở về quê công tác tại Khoa An toàn vệ sinh thực phẩm - Y tế công cộng và Dinh dưỡng (thuộc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát). Sanh là thế hệ bác sĩ đầu tiên của Trung tâm y tế huyện Mường Lát. Làm việc tại Khoa An toàn vệ sinh thực phẩm - Y tế công cộng và Dinh dưỡng, bác sĩ Hà Thị Sanh vừa thực hiện công tác chuyên môn tại khoa, đồng thời là bác sĩ chỉ đạo tuyến tại xã Mường Chanh (huyện Mường Lát).

Muốn được tiêm cho bố, cô gái Thái quyết thành bác sĩ của bản, hiện là niềm tự hào của bản làng - Ảnh 4.

Trung tâm Y tế huyện Mường Lát, nơi bác sĩ Hà Thị Sanh làm việc

Công việc của bác sĩ Sanh rất vất vả, bởi lẽ ngoài việc chuyên môn, chị còn hỗ trợ bà con ở vùng biên. Trên vùng núi cao này, đường đến bản này với bản kia được tính bằng quả đồi. Vì thế, có nơi, từ trung tâm xã vào bản cũng phải di chuyển mất cả ngày. Dù vậy, chị vẫn không nề hà, gắng hỗ trợ bà con hết mức.

Muốn được tiêm cho bố, cô gái Thái quyết thành bác sĩ của bản, hiện là niềm tự hào của bản làng - Ảnh 5.

Bác sĩ Sanh kiểm tra sức khỏe cho các em học sinh

Đặc biệt, thời điểm cuối năm 2020, dịch bệnh Covid-19 căng thẳng trên địa bàn huyện Mường Lát, tất cả cán bộ y tế ở trung tâm đều đi cơ sở. Lúc đó, chị cũng vừa sinh con đầu lòng, chưa hết thời gian nghỉ thai sản nhưng đã quyết định đề xuất với lãnh đạo Trung tâm được đi làm. Thời điểm ấy, do cần người tham gia công tác chống dịch nên lãnh đạo trung tâm cũng đồng ý và động viên chị cố gắng thu xếp công việc và gia đình ổn thỏa. Gác lại công việc gia đình, cậu con trai một tuổi nhờ người thân chăm sóc, chị tham gia công tác chống dịch.

Muốn được tiêm cho bố, cô gái Thái quyết thành bác sĩ của bản, hiện là niềm tự hào của bản làng - Ảnh 6.

Bác sĩ Hà Thị Sanh (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp

Vài tháng sau, khi con trai tròn 1 tuổi cũng là thời điểm dịch bùng phát ở Mường Lát, gác lại công việc gia đình, con nhỏ, cô đã tham gia phòng, chống dịch, chỉ đạo tuyến. "Ngày 16/12/2021, sau khi ghi nhận ca dương tính đầu tiên trong cộng đồng ở bản Pù Ngùa (xã Phù Nhi), Mường Lát trở thành tâm điểm dịch bệnh ở khắp các bản, nhiều nhất trong đồng bào dân tộc Mông. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, lực lượng y tế trong đó có chị "căng mình" bám bán. Thời điểm dịch bùng, cán bộ y tế đi từng nhà xét nghiệm tầm soát, ngày đêm đi vận động bà con test nhanh vừa thực hiện công tác tiêm vaccine.

Muốn được tiêm cho bố, cô gái Thái quyết thành bác sĩ của bản, hiện là niềm tự hào của bản làng - Ảnh 7.

Toàn cảnh huyện Mường Lát, Thanh Hóa

"Trước khi tiêm vaccine, chúng tôi phải đi nằm vùng, vận động họp dân bản, thông báo thời gian tổ chức tiêm. Tuy nhiên, khi tiêm bà con lại lên nương lên rẫy. Chúng tôi phải huy động các tổ chức đoàn thể, lực lượng chức năng phối hợp với y tế để tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của bà con về công tác tiêm vaccine phòng chống dịch bệnh Covid-19 nên mới đạt hiệu quả", bác sĩ Sanh chia sẻ.

Tuy nhiên, hiện nay bác sĩ Sanh vẫn còn nhiều trăn trở. Chị bảo, so với các địa phương khác, Mường Lát vẫn còn nhiều khó khăn về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đời sống, dân trí của bà con, nhất là các bản vùng sâu, vùng xa còn thấp. Ví như, giao thông thuận lợi hơn thì đường đến trường của các em sẽ bớt gập ghềnh hơn; bà con muốn đi lại, giao thương, chữa bệnh cũng thuận lợi hơn. "Em chỉ mong sẽ tiếp tục được làm việc, cống hiến, đem nhiệt huyết của mình để đóng góp một phần trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân", bác sĩ Sanh bộc bạch.

Muốn được tiêm cho bố, cô gái Thái quyết thành bác sĩ của bản, hiện là niềm tự hào của bản làng - Ảnh 8.

Bác sĩ Hà Thị Sanh cùng đoàn công tác của cơ quan tham gia chống dịch Covid-19

Niềm tự hào của bản làng

Trưởng bản Cò Cài Vi Văn Ngoan cho biết, bản có 118 hộ. Cuộc sống bà con chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy, trồng lúa nước và khai thác lâm sản như tre, luồng, nhưng năng suất thấp. Vì vậy, trong bản có tới tới 78 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo.

Cũng từ khó khăn và hạn chế về điều kiện sống, nên việc tiếp cận giáo dục của học sinh cũng rất khó khăn. Các em học sinh tiểu học và mầm non được học tại bản, còn các em học sinh cấp 2 và cấp 3, phải lên trung tâm xã, lên huyện học. Cái ăn cái mặc còn thiếu thốn, nên các bậc cha mẹ không thể quan tâm đến việc học của con cái một cách chu đáo. Vì thế,  nhiều học sinh đã bỏ học sớm để phụ giúp gia đình mưu sinh, để dựng vợ gả chồng khi còn chưa đến tuổi.

Muốn được tiêm cho bố, cô gái Thái quyết thành bác sĩ của bản, hiện là niềm tự hào của bản làng - Ảnh 9.

Trưởng bản Cò Cài Vi Văn Ngoan (áo xanh, ngoài cùng) chia sẻ thông tin về dân bản

Trong điều kiện đầy khó khăn ấy, Hà Thị Sanh, người con của bản đã vượt qua khó khăn, để trở thành bác sĩ đầu tiên của bản. "Bác sĩ Sanh là niềm tự hào của bà con bản Cò Cài. Chị là tấm gương cho nhiều em học sinh và các gia đình noi theo về ý chí, sự nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, trở thành những người có ích cho bản làng, cho quê hương", Trưởng bản Vi Văn Ngoan chia sẻ.

Còn theo bác sĩ Hồ Văn Trọng, Giám đốc trung tâm y tế huyện Mường Lát,, hiện nay, Trung tâm Y tế huyện có 33 cán bộ, viên chức, người lao động, trong đó có 8 bác sĩ. Bác sĩ Hà Thị Sanh là thế hệ đầu tiên của huyện Mường Lát đi học đại học y. Sau khi tốt nghiệp trở về quê hương và gắn bó với trung tâm này từ năm 2017 đến nay.

Muốn được tiêm cho bố, cô gái Thái quyết thành bác sĩ của bản, hiện là niềm tự hào của bản làng - Ảnh 10.

Bác sĩ Hà Thị Sanh thăm khám cho các em học sinh

Cũng theo ông Trọng, bác sĩ Sanh rất năng nổ nhiệt tình, chịu thương, chịu khó, ham học hỏi và cũng không ngại khó ngại khổ. Bác sĩ được đồng nghiệp, người dân trong vùng rất tín nhiệm, tin tưởng lắng nghe chỉ dẫn trong chuyên môn, chăm sóc sức khỏe..., Nhờ đó, bác sĩ luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần hiệu quả vào công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn./.

02/11/2022 09:38