60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam: 4 thập kỷ chăm 2 con cả ngày cười nói vu vơ

60 NĂM THẢM HỌA DA CAM Ở VIỆT NAM: 4 THẬP KỶ CHĂM 2 CON CẢ NGÀY CƯỜI NÓI VU VƠ

"Tôi nguyện với lòng mình, dù còn nhiều khó khăn, sức khỏe ngày càng kém đi, vợ chồng tôi vẫn động viên nhau phải cố gắng lo cho các con thật tốt", bà Trần Thị Chanh (ngoài 70 tuổi, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) nghẹn lòng khi chia sẻ về 2 người con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.

CĂN NHÀ ẤM ÁP

Ngồi trước sân nhà, dưới tán cây trứng cá xanh mát, bữa cơm trưa đạm bạc của gia đình 4 người nhà bà Chanh chỉ có đĩa rau muống luộc, bát nước rau luộc, thêm chút mắm tép. Bà Trần Thị Chanh, vừa ăn vội miếng cơm, lại nghẹn ngào nhìn 2 đứa con "to xác" mà ngô nghê cười cùng ánh nhìn vô cảm. Thi thoảng bà lại tranh thủ xúc cơm cho cô con gái ngồi cạnh. Mâm cơm lâu nay vẫn có 4 người trong gia đình bà Chanh đoàn tụ, ấm áp như thế. Có điều, 2 người con của bà chỉ biết cười, nói vu vơ. 

Cậu con trai lớn (SN 1982) ngượng nghịu xúc từng thìa cơm ăn, những hạt cơm rơi vãi quanh chỗ cậu ngồi, nhưng rồi cũng hết veo 2 bát cơm. Còn người con gái (SN 1985) lại yếu hơn, nên vẫn cần phải có bà Chanh bón giúp. "Cha mẹ nào sinh con cái ra cũng muốn các con khôn lớn, khoẻ mạnh nhưng không may 2 con chúng tôi lại bị nhiễm chất độc da cam. Mọi nỗi vất vả, đau đớn rồi cũng trôi qua theo năm tháng, giờ niềm an ủi cho vợ chồng tôi là từ những cái nắm tay thân thiết và nụ hôn của các con dành cho bố mẹ. Những lời nói vu vơ, câu hát không rõ lời, lạc điệu của 2 con cũng là niềm động viên tinh thần cho vợ chồng tôi cố gắng vượt mọi khó khăn" - ông Trần Văn Sơn (chồng bà Chanh) vừa từ chốt chống dịch ghé về nhà ăn vội bát cơm trưa, chia sẻ. 

Người dân ở Ấp Trường Phú A, xã Trường Long ai cũng nể phục và cảm thương với gia đình bà Chanh. Gia đình có 4 người thì bà Chanh và 2 con đều là nạn nhân chất độc da cam. Thế nhưng vợ chồng bà Chanh vẫn nhiệt tình tham gia công tác xã hội. "Tôi có thâm niên 27 năm tham gia công tác xã hội của địa phương còn nhà tôi cũng có 25 năm công tác ở Chi hội phụ nữ, Hội dân số kế hoạch hoá gia đình. Cách đây hơn 2 năm bà ấy mới nghỉ do sức khoẻ yếu, mắt kém hơn và 2 con cũng cần có người chuyên tâm hơn" - ông Trần Văn Sơn bộc bạch. Trong căn nhà tuềnh toàng không có đồ vật gì đáng giá lại sáng lên bởi những bằng khen, kỷ niệm chương ghi nhận kết quả công tác nhiều năm của ông bà... 

Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin (10/8): 40 năm chăm 2 con cả ngày cười nói vu vơ - Ảnh 1.

Vợ chồng bà Chanh - ông Sơn và 2 người con

NỖI ĐAU HẬU CHIẾN 

Nói về hậu quả của chiến tranh mà 2 con nhiễm phải, bà Chanh cho biết: "Lúc mới 14 tuổi, tôi thoát ly gia đình theo bộ đội làm hậu cần. Năm 16 tuổi tôi tham gia lực lượng Thanh niên Xung phong tại U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, thuộc Tiểu đoàn 1C, làm nhiệm vụ chuyển hàng, đưa bộ đội thương binh, bệnh binh về căn cứ để chăm sóc điều trị. Đến năm 1975, tôi lập gia đình và về quê xã Trường Long, huyện Phong Điền và nhiệt tình tham gia công tác xã hội, sinh sống từ đó đến nay". 

Năm 1982, vợ chồng bà Chanh sinh con trai đầu lòng tên Trần Văn Sang. Mong ngóng đứa con chào đời suốt 9 tháng 10 ngày bao nhiêu, khi sinh con ra cả 2 vợ chồng bà và các y tá, bác sỹ đỡ đẻ cho bà bàng hoàng bấy nhiêu. Bởi ngay khi vừa chào đời, Sang đã không thể mở mắt, đến nửa tháng sau Sang mới hé mắt ra được, nhưng cả 2 mắt lại có màu đỏ sậm, càng lớn lên, mắt Sang càng bị mờ và không mở mắt to để nhìn rõ được. Hai chân của Sang rất yếu nên cậu không thể đi, mà chỉ bò khắp nhà, thần kinh không ổn định nên cứ lúc cười, lúc khóc tự nhiên. Cho đến nay đã 40 tuổi, Sang vẫn chỉ bò từ chỗ này tới chỗ khác và không tự phục vụ được việc vệ sinh cá nhân. "Khi con còn nhỏ, vợ chồng tôi cũng không biết con bị bệnh gì, nên vay tiền khắp họ hàng chạy chữa cho con ở nhiều bệnh viện thành phố, nhưng bệnh của con vẫn không giảm" - bà Chanh kể. 

Đến năm 1985, bà Chanh tiếp tục sinh con gái thứ hai tên Trần Thị Sương. Không may, Sương cũng bị bệnh giống như anh trai ngay từ lúc lọt lòng. Thể trạng của Sương còn nặng hơn anh, mắt mờ, không đi được, thần kinh không ổn định, chân tay yếu không tự cầm nắm được đồ vật gì. Lúc đó, các bác sĩ chẩn đoán có thể bà Chanh bị nhiễm chất độc hoá học khi còn tham gia kháng chiến (giai đoạn 1968-1975). Vậy là vợ chồng bà quyết định gác lại chuyện sinh thêm con, để chuyên tâm chăm sóc cho 2 đứa con tội nghiệp mà không có tia hy vọng nào ở ngày mai khi các con lớn khôn. 

"Trước đây do thất lạc đơn vị mọi người đều nghĩ tôi đã hy sinh, do hoàn cảnh quá khó khăn, tôi cũng không có điều kiện liên lạc tìm đồng đội, nên 2 con tôi chỉ được hưởng trợ giúp xã hội (đối tượng người khuyết tật nặng). Mãi đến năm 2016 gia đình tôi may mắn gặp đồng chí tiểu đoàn trưởng 1C cũ, từ đó tôi được xác nhận thời gian tham gia lực lượng Thanh niên xung phong, nhờ Ủy ban nhân dân xã và Hội Nạn nhân chất độc da cam giúp đỡ về thủ tục, nên 3 mẹ con tôi mới được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng từ đó" - bà Chanh tiếp tục chia sẻ. 

Thời điểm khó khăn nhất là lúc 2 con nhỏ bệnh tật thường xuyên đau yếu, bệnh viện huyện lại xa, cách nhà gần 40 km, nên mỗi lần con ốm, vợ chồng bà đều phải 1 người đưa con đi viện, 1 người chăm con ở nhà. Để đưa con đi viện lại cần đi mướn xe tự chế 4 bánh, vì nếu đi xe máy lại không có người ngồi sau bế con, mướn xe ô tô thì vợ chồng tôi không đủ tiền. Cứ năm bữa, nửa tháng lại 1 lần vợ chồng tôi thay nhau đưa con đi viện cho đến ngày con được về nhà mới thôi. 

Nguồn sống của gia đình bà Chanh bao năm qua không có ruộng vườn, trước đây ông Sơn ngoài công tác ở địa phương, vẫn phải đi làm thuê, chài lưới kiếm cá, trồng rau bán từng mớ để cải thiện bữa ăn gia đình. Hơn 2 năm nay, do bà Chanh tuổi cao, sức khỏe kém, nên cả nhà bà chủ yếu nương nhờ vào chính sách trợ cấp của Nhà nước và các đoàn thể địa phương. 

Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin (10/8): 40 năm chăm 2 con cả ngày cười nói vu vơ - Ảnh 2.

Dù đã hơn 70 tuổi, bà Trần Thị Chanh luôn phải theo sát 2 con kể cả trong bữa ăn hàng ngày

Năm 2004, Hội Chữ thập đỏ huyện đã hỗ trợ vợ chồng bà xây dựng nhà cấp 4, đến năm 2019 Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Cần Thơ đã hỗ trợ bà sửa chữa nhà. "Các dịp lễ, tết Hội Nạn nhân chất độc da cam của huyện và xã đều có quà động viên gia đình và hỗ trợ chăm sóc 2 con tôi, lúc con tôi bị ốm đau các cán bộ Y tế xã cũng đã tận tâm giúp chữa trị" - bà Chanh cho biết. 

"Tôi nguyện với lòng mình, dù còn nhiều khó khăn, sức khỏe ngày càng kém đi nhưng vợ chồng tôi vẫn động viên nhau phải cố gắng lo cho các con thật tốt. Tôi chỉ lo lắng, đến lúc cuối đời, không biết các con tôi sẽ nhờ cậy ai giúp cuộc sống vô vàn khó khăn của 2 đứa trẻ không bao giờ lớn này có thể sống tiếp..." - bà Chanh nghẹn ngào nhìn 2 con cười vu vơ trong ánh chiều chạng vạng.

Khánh Linh