Ngôi trường mầm non khang trang nơi thượng nguồn sông Đà

Ngôi trường mầm non khang trang nơi thượng nguồn sông Đà

Giữa nơi núi rừng heo hút thượng nguồn sông Đà lại có một ngôi trường mầm non đầy đủ tiện nghi phục vụ công tác dạy và học cho trẻ em dân tộc Cống.
Ngôi trường mầm non khang trang nơi thượng nguồn sông Đà - Ảnh 1.

Trường Mầm non Nậm Khao là điểm cao nhất bản được xây dựng từ năm 2014 từ chương trình Tái định cư thủy điện Lai Châu

Chúng tôi ngược lên thượng nguồn sông Đà vào mùa khai giảng năm học mới. Xã Nậm Khao (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) có tới 65% dân số là tộc người Cống sinh sống. Còn nhớ, năm 2010, chúng tôi về xã Nậm Khao. Khi đó, người Cống có hơn 1500 khẩu, sinh sống rải rác nơi thượng nguồn sông Đà với cơ sở hạ tầng giáo dục đều là nhà tranh tre, nứa lá.

Ngôi trường mầm non khang trang nơi thượng nguồn sông Đà - Ảnh 2.

Trường Mầm non Nậm Khao có 5 lớp tuyển sinh trẻ từ 18 tháng đến 6 tuổi

Vào năm 2013, khi mới đưa đồng bào dân tộc Cống lên bản tái định cư mới nhường đất ven sông Đà cho lòng hồ Thủy điện Lai Châu, chính quyền huyện Mường Tè đã quy hoạch tổng thể, trong đó chú trọng nâng cấp, phát triển hạ tầng giáo dục cấp mầm non.

Trường Mầm non Nậm Khao được xây dựng vào năm 2014 từ chương trình tái định cư thủy điện Lai Châu. Cùng với cơ sở hạ tầng, ngành giáo dục huyện Mường Tè cũng đã chú trọng trong công tác tuyển dụng và đào tạo giáo viên dành cho Trường mầm non Nậm Khao. 

Ngôi trường mầm non khang trang nơi thượng nguồn sông Đà - Ảnh 3.

Bữa ăn trưa của trẻ em được hỗ trợ từ đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Cống, Mảng, La Hủ, Cờ Lao giai đoạn 2011 – 2020”.

Giáo viên được tuyển vào Trường Mầm non Nậm Khao phải qua những vòng sơ vấn và phỏng vấn rất gắt gao nên 100% giáo viên có bằng Cử nhân sư phạm Mầm non hệ chính quy (100% giáo viên tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng sư phạm); 100% bảo mẫu có trình độ Trung cấp trở lên, trong đó, 10% bảo mẫu có bằng Cao đẳng Sư phạm, 75% bảo mẫu đang theo học Đại học/ Cao đẳng Sư phạm; 100% giáo viên, bảo mẫu và nhân viên có chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe để tham gia chăm sóc trẻ; 100% giáo viên, bảo mẫu và nhân viên có chứng nhận tập huấn về an toàn về sinh thực phẩm và sơ cấp cứu…

Ngôi trường mầm non khang trang nơi thượng nguồn sông Đà - Ảnh 4.

Giờ tập vẽ của học sinh Trường Mầm non Nậm Khao

Trước đây, khi chưa có trường lớp khang trang, công tác vận động trẻ em đến trường cực kỳ khó khăn đối với tập thể giáo viên nơi đây. Từ khi có trường lớp khang trang, đồng bào dân tộc Cống đã tự giác đưa con em lớp để học rất đông. Ngoài trường lớp khang trang, học sinh bán trú đồng bào dân tộc Cống giờ còn nhận được trợ cấp của Chính phủ. Được biết, mỗi tháng một cháu học sinh bậc mầm non được trợ cấp 363 nghìn đồng, nhờ đó mà các cháu không còn lo đói, bố mẹ cũng có điều kiện yên tâm đi làm nương rẫy phát triển kinh tế.

Ngôi trường mầm non khang trang nơi thượng nguồn sông Đà - Ảnh 5.

Những khuôn mặt trẻ em rạng rỡ niềm tin ở trường Mầm non Nâm Khao

Trong năm học 2021-2022, trường có tổng số 10 nhóm, lớp với 193 học sinh và 23 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã đẩy mạnh phong trào thi đua "Đổi mới sáng tạo trong dạy và học", xây dựng môi trường giáo dục nhà trường "Xanh- sạch-đẹp-an toàn".

Chương trình giáo dục tại Trường Mầm non Nậm Khao được các chuyên gia thiết kế và phát triển tạo cơ hội cho trẻ phát huy tối ưu những khả năng tiềm ẩn. Giờ đây, bằng những chính sách hỗ trợ đầy thiết thực của Nhà nước, đồng bào dân tộc Cống đã được xóa mù chữ. Hy vọng rằng, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Nhà nước và ngành giáo dục, rồi đây sẽ có nhiều ngôi trường khang trang như thế được mọc lên ở vùng cao để trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi được phát triển giáo dục, có cuộc sống ấm no và bền vững hơn.

Sân tập thể dụng của nhà trường được lát gạch hoa sạch sẽ

Ngôi trường mầm non khang trang nơi thượng nguồn sông Đà - Ảnh 7.

Cuộc sống của người Cống ở xã Nâm Khao đã ấm no nên họ rất quan tâm đến giáo dục cho con cái


Thực hiện: Yên Ninh
23/09/2022 09:03