Nhà Truyền thống Yên Mỹ (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội) vào một ngày cuối Xuân, trong cơn mưa rả rích, bà Trần Thị Huệ (68 tuổi, xóm 7) vẫn như thường lệ tới trông nom nơi đây. Công việc "Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" này bà đã xung phong nhận kể từ khi Nhà Truyền thống đi vào hoạt động. Việc của bà Huệ thường ngày là quét dọn, tiếp nhận hiện vật do các hộ dân mang đến hiến tặng, cũng có khi bà trở thành hướng dẫn viên "bất đắc dĩ" cho các du khách đến đây tham quan.
Chỉ sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, Nhà Truyền thống đã thu thập trên 300 hiện vật, trong đó có hàng chục hiện vật trên 100 tuổi, toàn bộ do các hộ dân trên địa bàn quyên góp. Chia sẻ về thành quả này, ông An Đức Độ (80 tuổi), một trong số những người trực tiếp tham gia vận động, cho biết: "Giáo dục truyền thống văn hóa cho đời sau là trách nhiệm của thế hệ hôm nay".
Trước đó, với mong muốn góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa cách mạng của Yên Mỹ - Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ tranh nhân dân, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết số 85, ngày 31/1/2018, về tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử cách mạng và truyền thống văn hóa xã Yên Mỹ. Sau hơn 1 năm chuẩn bị với sự hưởng tích cực của doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, ngày 23/2/2019, Nhà Truyền thống xã Yên Mỹ được khánh thành và cũng là mô hình nhà truyền thống đầu tiên của huyện Thanh Trì.
Đến nay, "bảo tàng làng" Yên Mỹ trưng bày trên 300 hiện vật, được đóng góp từ hơn 80 cá nhân, chủ yếu là những vật dụng gắn bó với cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của nhân dân. Nhiều hiện vật trong số đó có thời gian trên 100 năm. "Với diện tích 150m2, Nhà Truyền thống trưng bày tư liệu, hiện vật với mong muốn tái hiện quá trình hình thành, phát triển làng Yên Mỹ xưa và nay, phản ánh nét đẹp truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của quê hương", ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ, cho hay.
Các hiện vật được trưng bày tại "bảo tàng"
Đối với bà Huệ, những hiện vật ở đây quá quen thuộc. Bà đã nhớ mặt và đặt tên từng món kể từ khi còn bé. Chiếc mâm gỗ hình chữ nhật là của gia đình cụ Đặng Văn Quế ở xóm 2 sử dụng trong giỗ chạp từ thế kỷ 19; chiếc chum sành còn nguyên núm, nắp đậy là của gia đình ông Dạng ở xóm 9 có thể chứa được vài tạ thóc… Thế nhưng, các em học sinh, sinh viên đều rất lạ lẫm bởi lẽ chúng không còn hiện diện trong sinh hoạt hằng ngày ở các gia đình từ vài chục năm nay.
Bà Huệ chia sẻ một kỷ niệm về tiếp nhận hiện vật từ một hộ dân. Đó là vào một buổi sáng đẹp trời, bà đang trên đường tới Nhà Truyền thống, bỗng nhiên được cụ Thọng (hơn 90 tuổi) ở xóm 6 (xã Yên Mỹ) gọi vào. Cụ vừa tìm được chiếc điếu bát hút thuốc lào của bố chồng, tính đến nay hiện vật này đã trên 100 tuổi và có ý nguyện nhờ bà Huệ mang ra Nhà Truyền thống hiến tặng giúp. "Tôi nghĩ, đây là một vinh dự, gia đình cụ còn giữ lại hiện vật này và cụ đã tin cẩn giao cho mình - một người trông nom, quét dọn ở nhà truyền thống", bà Huệ xúc động nói.
Noi gương cụ Thọng, bà Huệ đã hiến tặng chiếc liễn trên 100 tuổi của gia đình. Đây vốn là vật dụng trước kia chủ yếu dùng để đựng cơm mang ra đồng, sau đó để đựng mỡ và gần đây dùng để ướp cà.
Bà Huệ và chiếc liễn hơn 100 tuổi của gia đình.
Ngoài bà Huệ, còn nhiều người có công trong việc sưu tầm, hiến tặng các hiện vật, trong đó có cụ An Đức Độ (80 tuổi, xóm 10). Phát huy tinh thần "Tuổi cao, gương sáng", thời gian qua cụ Độ đã đóng góp tới 24 hiện vật. Một số hiện vật trên 100 tuổi như: chiếc chõ sành dùng để đồ xôi được sử dụng từ đầu thế kỷ XX; Vò sành đựng mắm tép đã truyền qua 5 thế hệ…
Không chỉ vậy, cụ Độ còn rất năng nổ trong việc vận động người dân trên địa bàn hiến tặng hiện vật cho nhà truyền thống. Có một điểm đặc biệt ở cụ, dù đang ở tuổi 80 nhưng cụ không đi bộ, đi xe đạp mà vẫn vù vù trên xe Cub "đến từng ngõ, gõ từng nhà" kiên trì thuyết phục từng gia đình. Cảm động trước tấm lòng chân thành của cụ, nhiều gia đình đã tự nguyện hiến tặng. "Cũng có một số người coi kỷ vật quá thiêng liêng đối với gia đình. Tuy chưa sẵn sàng nhưng cuối cùng họ đã có một lời hứa, một ngày không xa sẽ mang tận nơi hiến tặng", cụ Độ bộc bạch.
Chỉ ít phút trước khi nói lời chia sẻ trên, cụ Độ vừa rời tay ga và hồ hởi bước vào Nhà Truyền thống, hai tay cụ nâng niu chiếc chĩnh 6 tai - đây là hiện vật do gia đình cụ Trần Văn Thụy (77 tuổi, xóm 7) hiến tặng. "Tôi tìm hiểu, được biết chiếc chĩnh này ước tính có niên đại từ thế kỷ XVII. Biết giá trị lịch sử này, trước đó đã có một vài tay buôn đồ cổ đến gạ cụ Thụy bán nhưng rất may cụ đã từ chối. Khi biết trên địa bàn có Nhà Truyền thống, cụ đã tình nguyện hiến tặng", cụ Độ cho hay.
Theo cụ Độ, ý tưởng thành lập Nhà Truyền thống được "thai nghén" cách đây hàng chục năm, người đóng vai trò quan trọng là ông Nguyễn Viết Hùng, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ. "Chúng tôi nghĩ việc giáo dục truyền thống văn hóa cho đời sau là trách nhiệm của thế hệ hôm nay và riêng tôi cũng cần góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp này", cụ Độ chia sẻ.
"Trong trường hợp Nhà Truyền thống không kịp xây dựng thì chỉ độ dăm ba chục năm nữa, làng quê ở đây sẽ hoàn toàn đô thị hóa. Tất cả đều là nhà cao tầng và phố xá thì những hiện vật sành sứ, đồ gốm, các nông cụ sẽ bị người dân vứt đi. Các thế hệ mai sau cũng dần mất đi những ký ức về đời sống sinh hoạt của cha ông mình. Vì vậy, nhờ những hiện vật này, các cháu sẽ dễ mường tượng hơn về công lao của các thế hệ đi trước", cụ Độ trăn trở.
Hôm nay, bé Mai Linh Khuê (9 tuổi), học sinh Trường Tiểu học Ngô Sỹ Kiệm, cùng cha đến thăm Nhà Truyền thống. "Khi thấy những hiện vật này, cháu có cảm giác như được trở về thời xa xưa, để cảm nhận cuộc sống giản dị của ông cha", bé Khuê chia sẻ.
"Qua bác Độ giới thiệu, tôi biết đến Nhà Truyền thống xã Yên Mỹ và thấy địa phương vẫn lưu giữ được nhiều hiện vật là những dụng cụ sinh hoạt của bà con từ lâu đời. Từ lưỡi cày, cuốc, các dụng cụ đánh bắt cá, vũ khí chống giặc ngoại xâm... Tôi rất ấn tượng và mong rằng các địa phương có điều kiện nên xây dựng và lưu giữ những cổ vật như thế này", anh Mai Hữu Đại (45 tuổi, trú tại xã Đông Mỹ, Thanh Trì), cha của bé Khuê, bày tỏ.
Nhà Truyền thống xã Yên Mỹ