NGƯỜI PHỤ NỮ ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG MIỀN ĐẤT QUAN HỒ THẨN
Chị Vũ Thị Nhung ở thôn Mản Thần, xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lao Cai, là người đã góp phần đưa cây ôn đới và cây dược liệu về trồng tại địa phương. Ngoài ra, chị còn mạnh dạn đưa dược liệu vào chế biến, tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em phụ nữ nơi đây.
Quan Hồ Thẩn là xã xa xôi và nghèo khó nhất huyện Si Ma Cai. Đây là nơi sinh sống của bà con người Mông. Cuộc sống của bà con phụ thuộc vào cây ngô, cây lúa tra trên nương. Cách đây gần chục năm, tại thôn Mản Thần, chị Nhung – một người con dâu của Mản Thần đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con nơi đây. Chỉ sau thời gian ngắn, chị đã biến Mản Thần trở thành vựa trồng cây ăn quả ôn đới và thành lập HTX Mản Thần để liên kết chị em cùng nhau xóa đói, giảm nghèo trên vùng đất khó này.
Lần đầu gặp chị Nhung, ai cũng phải ngỡ ngàng trước sức làm việc của người con gái nơi miền sơn cước. Hết đi thăm vườn thảo dược đến hướng dẫn chị em trong thôn trồng cây rồi vào xưởng sản xuất kiểm tra. Dường như người phụ nữ này không cho chân tay ngơi nghỉ. Ngày nào chị cũng phóng xe máy đi khắp các thôn của xã để động viên chị em hăng say lao động và sản xuất. Vị Giám đốc của HTX Mản Thần làm gì cũng dứt khoát và không ngại gian khó. Chẳng thế mà trong suốt những năm qua, bằng sự đóng góp không biết mệt mỏi của chị mà thôn Mản Thần đã biến thành vựa cây ăn quả có tiếng.
Chị Nhung về làm dâu thôn Mản Thần cả chục năm có lẻ. Chồng chị khi ấy đang đi học. Chị ở nhà làm việc cùng với gia đình chồng. Ngày ngày họ lên nương trồng ngô, trồng lúa, ngoài ra gia đình còn nuôi con trâu, con bò. Họ làm quần quật cả ngày mà cuộc sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn. "Nhiều lúc vác ngô trên nương xuống xe mà tôi mệt bở hơi tai. Nhìn sang đồi bên cạnh, phụ nữ người Mông cũng vất vả một nắng hai sương mà sao cuộc sống cực quá", chị Nhung nhớ lại những ngày đi làm nương cùng gia đình mà lòng đầy cảm thán.
Chính trong những ngày gian khó đó, chị Nhung mới thầm nghĩ, đất đai ở Mản Thần rộng mênh mông. Tại sao mình cứ phải trồng những loại cây ít mang lại hiệu quả kinh tế. Từ khi internet phủ sóng xã miền núi này, chị Nhung cũng thường xuyên lên mạng tìm hiểu thông tin. Chính trong những lúc lướt mạng, chị mới biết Mản Thần thuộc vùng khí hậu ôn đới. Nó cao tương đương với thị xã Sa Pa. Ở nơi đó, bà con đã trồng được nhiều loại cây ăn quả như mận, lê. Chị đã đến thăm các mô hình đó và tìm hiểu cặn kẽ về giống, về phương thức tiêu thụ quả khi có thu hoạch. Từ đây, chị mạnh dạn mua giống và đưa cây lê và mận về trồng tại Mản Thần. Thực ra trước đó, tại địa phương đã trồng một số loại cây ăn quả, nhưng quy mô còn lẻ tẻ và giống cây chưa được chuẩn.
Ngày đầu mang cây lê, cây mận Tả Van về trồng, gia đình cũng như bà con lối xóm còn e dè về cách làm của chị Nhung. Suốt 3 năm liền, chị trồng cây xuống chỉ thấy cây với đất, chứ chưa thu được gì. Đến năm thứ tư, cây lê, cây mận cho ra quả. "Khi trồng cây xuống, tôi chỉ mong sớm được thu hoạch để xem chất lượng quả có phù hợp với đất này không. Đến lúc cây mận và cây lê cho thu hoạch, tôi hái quả xuống ăn thử. Vị ngọt ngào của lê, của mận còn đọng lại trên đầu lưỡi, tôi mới tin là cách làm của mình thành công", chị Nhung nhớ lại.
Ngay vụ thu hoạch đầu tiên, gia đình chị Nhung đã có được khoản tiền động viên. Từ đây, chị tiếp tục trồng và nhân rộng vườn cây ăn quả. Không dừng lại ở đó, người con dâu của bản Mản Thần còn mạnh dạn đưa cây tam thất về trồng. Theo suy đoán của chị, cây tam thất tự nhiên trước đây ở Mản Thần mọc đầy trên núi. Do việc khai thác quá nhiều, nên tam thất ngoài tự nhiên ngày bị cạn kiệt. Trong khi đó, giá 1 kg tam thất tương đương một tấn ngô. Nhận thấy đây là loại cây có thể giúp gia đình mình vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình. Năm 2018, chị Nhung đi tham quan, học hỏi thêm kinh nghiệm trồng tam thất ở một số địa phương khác. Chị đã đầu tư 600 triệu đồng để thực hiện mô hình ươm giống cây Tam thất. Cuối năm 2019, vườn Tam thất 1 ha của gia đình chị đã thu hoạch được 50 kg nụ hoa, với giá bán trên thị trường là 500.000 đồng/kg.
Đến nay chị đã trồng được cả nghìn gốc mận Tả Van và 1.000 gốc lê Tai Nung đã bắt đầu cho thu hoạch. Chị còn tận dụng khoảng trống dưới tán vườn mận để nuôi trên 200 con gà thả vườn, là loại gà đen bản địa của địa phương. Khi mô hình trồng cây ôn đới mang lại hiệu quả, chị Nhung đã hướng dẫn bà con trong xã làm theo mình. Đến giờ toàn xã Quan Hồ Thẩn có cả trăm ha trồng lê, trồng mận. Bất cứ gia đình nào muốn trồng cây, chị Nhung đều hướng dẫn tận tình. Nhờ đó mà phụ nữ người Mông nơi đây đã dần hình thành tư duy sản xuất hàng hóa.
Khi phong trào trồng cây ăn quả lên cao, sản lượng theo đó cũng tăng lên, việc tiêu thụ cần phải được tính đến. Chị Nhung lại một lần nữa là người đi tiên phong trong việc này. Ngoài việc bán cho tư thương, chị còn đưa hàng lên zalo, facebook để bán hàng. Chính kênh tiêu thụ này của chị đã kết nối được với khách hàng trên cả nước. Nhiều mối hàng đã biết đến vựa cây ăn quả ôn đới Quan Hồ Thẩn.
Cây mận Tả Van và lê Tai Nung cho năng suất cao và chất lượng ngon khi trồng tại xã Quan Hồ Thẩn
Dường như chị Nhung vẫn chưa hài lòng với những gì đạt được, khi cây tam thất có thu, chị còn mạnh dạn bàn với chồng sẽ chế biến sâu cây tam thất để gia tăng giá trị của sản phẩm. Chị một lần nữa đi khắp nơi tìm hiểu rồi mua máy móc về miền sơn cước này làm bột tam thất và trà tam thất. "Loài thảo dược này hiện đang được thị trường ưa chuộng. Vấn đề là mình làm sao quảng bá đưa được sản phẩm này đến với người tiêu dùng. Sau mấy năm làm thử nghiệm, đến nay, tôi có thể tự tin khẳng định sản phẩm chế biến từ tam thất đạt chất lượng tối ưu", chị Nhung cho biết.
Suốt những năm về làm dâu ở thôn miền núi vùng cao này, chị Nhung luôn là người đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực. Bà con trong bản cũng như ở xã đã dần tin tưởng vào cách làm của chị Nhung. Năm 2018, chị còn mạnh dạn thành lập HTX Mản Thần, thu hút cả trăm thành viên tham gia. Mục đích thành lập HTX là để khẳng định thương hiệu cho những sản phẩm do chị em người Mông nơi đây làm ra.
Việc chị Nhung đưa cây thảo dược về trồng đã tạo nhiều việc làm cho chị em phụ nữ người Mông
Năm 2020, từ nguồn vốn của chính sách khuyến nông tỉnh Lào Cai đã hỗ trợ HTX 165 triệu đồng, cùng với nguồn vốn hơn 200 triệu của các thành viên trong HTX đóng góp, chị đã mua sắm được nhiều máy móc nhằm chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Trong đó có hệ thống sấy nguyên liệu, máy nghiền bột tam thất, dây truyền sản xuất chè túi lọc tam thất. Khi hệ thống này đi vào hoạt động ổn định sẽ tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập ổn định từ 3 - 5 triệu đồng mỗi người/tháng. Theo chị Nhung, nếu xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm này sẽ nâng cao giá trị của cây tam thất hơn nữa và sẽ tạo thêm được nhiều việc làm cho các chị em phụ nữ tại địa phương.