Người phụ nữ Ê đê biến nhà sàn thành "bảo tàng văn hoá"
Lạc vào quán cà phê Arul ở buôn Ako Dhông (TP Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk) là lạc vào không gian đậm chất Tây Nguyên với cồng chiêng, ché, chày, nia, nong… Bà chủ H’Len Niê đã dành biết bao công sức, tâm huyết để khôi phục ngôi nhà của mình thành "bảo tàng văn hoá" để lưu giữ và truyền tải tình yêu văn hoá Ê đê tới nhiều người.
Không gian đậm chất Tây Nguyên
Quán cà phê Arul là căn nhà dài của người Tây Nguyên được chị H’Len Niê dành rất nhiều thời gian, tâm sức, tiền bạc khôi phục lại. Đây là ngôi nhà mà cả tuổi thơ chị H’Len Niê gắn bó cùng gia đình. Sau thời gian, nước mưa thấm vào đất khiến nền bị sụt, nhà bị nghiêng, gỗ bị mối mục. Không muốn tài sản của người cha bị phá bỏ, chị H’Len quyết tâm phục dựng nhà dài.
Từng chi tiết được làm rất cẩn thận
Chị H’Len Niê chia sẻ, việc trùng tu lại nhà dài rất vất vả vì từng bộ phận bị hư phải tháo ra thay mới. Lúc sửa nhà, chị chỉ dám thuê 1 người thợ vì không có điều kiện chi trả, còn lại tự mình phải làm hết, từ việc tìm loại gỗ, đi mua gỗ, lái xe rùa, xếp đá, thợ xây… Chị cứ cần mẫn, kiên trì mỗi ngày trong suốt một thời gian dài. Giờ nghĩ lại, chị H’Len Niê cũng không nghĩ mình đã có khoảng thời gian miệt mài, hăng say làm những công việc nặng thường dành cho đàn ông như vậy.
Không gian trong quán cà phê Arul đậm chất Tây Nguyên với cồng chiêng, ché, chày, nia, nong...
Sau quá trình phục dựng nhà dài, năm 2015, quán cà phê Arul được thành lập. Quán cà phê có không gian thi vị, độc đáo từ kết cấu nhà sàn cho đến các vật dụng sinh hoạt đời thường đặt rải rác đầy chất mỹ thuật như chiêng, ché, ghế K’pan, trống H’gor, thuyền độc mộc, gùi, trang phục truyền thống, các loại nhạc cụ dân tộc... được gìn giữ nguyên bản. "Tôi sợ văn hóa dân tộc mai một thì ngôi nhà nhà dài truyền thống, buôn làng cổ dần biết mất. Nếu như vậy, sau này giới trẻ sẽ không được biết đến ghế K’pan, trống H’gor…
Vì thế, bằng cách của mình, tôi muốn lưu giữ, bảo tồn, giới thiệu văn hóa dân tộc mình đến với nhiều người bằng cách mở quán cà phê Arul", chị H’len chia sẻ.
Người phụ nữ "khùng" loay hoay duy trì quán
Để có được quán cà phê Arul như ngày hôm nay là một hành trình vô cùng gian nan của chị H’len. Bởi, chị bắt đầu từ con số 0. Không tiền, không kinh nghiệm, thứ chị có nhiều nhất là tình yêu với văn hóa Ê đê. Nhiều người trong buôn gọi chị là khùng. Họ chẳng thể tưởng tượng lại có người phụ nữ Ê đê "khác người" đến thế.
"Sống yên không thích, chỉ thích làm những việc đâu đâu". Đó là những lời chị H’Len thường xuyên nghe từ mọi người. Thế nhưng, chị bỏ qua tai tất cả. Những điều đã nung nấu, chị muốn làm bằng được. Vì "khùng" nên chị không sợ thất bại, vì "khùng" nên chị cứ "liều" bước đi.
Không gian bên trong của quán cà phê Arul
Không có điều kiện đi nhiều nơi để học hỏi, chỉ là người nông dân chính hiệu. Không được học hành nhiều nên thời gian đầu chị H’len không biết phải kinh doanh quán cà phê như thế nào. Mất một thời gian dài, chị xoay sở đủ kiểu chỉ để "học nghề".
Ban đầu, chị cho một đơn vị khác thuê không gian, còn bản thân thì làm việc cho họ để học việc. Thế nhưng, làm một thời gian, họ muốn sửa lại không gian theo phong cách của họ. Chị H’len không chấp nhận không gian đậm chất văn hóa Tây Nguyên của mình bị can thiệp, chị đã lấy lại quán mà trong đầu vẫn mông lung không biết chặng đường tiếp theo phải bước tiếp ra sao.
May mắn, chị đã gặp một người bạn tôn trọng tình yêu của chị với văn hóa Ê đê nên đồng ý đồng hành cùng chị trong vai trò quản lý. Sau đó, suốt nhiều tháng trời, chị lặn lội khắp nơi để tìm mua lại những vật dụng truyền thống của người Ê-đê như cối giã gạo, chày, nong, nia, bàn ghế… thiết kế quán. Để có người pha chế, chị tìm đến một bạn trẻ trong buôn, đầu tư tiền cho họ đi học rồi tiếp tục bỏ tiền để trả lương cho họ học việc tại quán khác.
Quán cà phê Arul như một bảo tàng văn hoá
Khi cô gái đó đã thông thạo nghề pha chế, Arul thực sự được vận hành đúng như điều chị H’Len ấp ủ. Dù chị H’len "mù tịt" về marketing, pr nhưng quán cà phê Arul được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội. Bởi, ai đến quán cũng yêu không gian rất đặc biệt này, yêu văn hóa Ê đê khi được bà chủ quán là chị H’len giới thiệu tỉ mỉ, chi tiết, từ ý nghĩa hai chiếc cầu thang đực, cầu thang cái bắt lên nhà sàn cho đến bếp lửa truyền thống, các phong tục tập quán… và chính khách hàng là những người quảng cáo cho quán.
Từ đó, vào mỗi cuối tuần, quán tập nập khách, không chỉ khách là người bản địa mà có nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Họ đến vì muốn thưởng thức những nét đẹp của văn hóa Ê đê.
So với số tiền lớn bỏ ra để khôi phục ngôi nhà dài và thiết kế quán thì số tiền thu về từ việc bán cà phê không đủ. Thế nhưng, điều được nhất mà chị có là được làm theo đam mê của bản thân là giữ gìn văn hóa buôn làng, dòng tộc. "Bản thân văn hóa là cái đẹp, là cái riêng biệt, không điều gì có thể đánh đổi được. Vì vậy tôi nghĩ văn hoá của mình đã đẹp rồi thì sao không giữ cái đẹp của mình, tại sao phải thay đổi theo cái khác. Nếu mở quán chỉ nghĩ tới mục tiêu kiếm tiền thì đổi lại sẽ mất văn hóa", chị H’Len chia sẻ.